Những “người lính” thầm lặng

Trên dải đất biên cương miền Tây Thừa Thiên Huế, luôn có sự hiện diện của những “người lính” văn hóa đang cần mẫn, trách nhiệm mang ánh sáng, niềm vui đến với đồng bào. Họ - những người lính trên mặt trận văn hóa - tư tưởng chẳng ngại đường xa, đêm tối, không quản khó khăn, góp phần thay đổi ý thức, phong tục tập quán, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, là “cầu nối” giữa ý Đảng và lòng dân, thúc đẩy đời sống của đồng bào phát triển bền vững.

 

Đưa văn hóa của Đảng đến với vùng sâu, vùng xa

Chiếu phim lưu động là một hoạt động có ý nghĩa chính trị xã hội cao, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Các đội chiếu phim lưu động có vai trò là đội quân xung kích quan trọng, làm nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới của tỉnh.

Xác định tầm quan trọng đó, với phương châm hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chính, các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn là địa chỉ phục vụ... Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tập trung mọi nguồn lực, xây dựng các kế hoạch, chương trình, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chỉ đạo, động viên cán bộ, nhân viên của 4 đội chiếu phim lưu động chủ động bám sát địa bàn, làm tốt công tác dân vận, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp tại địa phương và sự đón nhận nhiệt tình của bà con dân bản để hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Các đội chiếu bóng lưu động đã luôn tích cực đưa những thước phim hay đến với bà con vùng cao A Lưới, Nam Đông, các vùng bãi ngang, miền biển của huyện Phú Lộc... Những bộ phim phục vụ nhân dân ở miền núi rất đa dạng và phong phú như đề tài chiến tranh cách mạng; chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; những tấm gương điển hình về người tốt, việc tốt, làm kinh tế giỏi; phim tuyên truyền về các loại dịch bệnh gồm:  dịch bệnh Covid - 19, sốt rét, tiêu chảy, bướu cổ, suy dinh dưỡng ở trẻ em, phòng chống HIV/AIDS, phổ biến công tác kế hoạch hoá gia đình, tuyên truyền tác hại của ma túy, các loại tội phạm; xây dựng nông thôn mới... đáp ứng được sự chờ mong của người xem thuộc nhiều thế hệ khác nhau.

Qua các thể loại phim được trình chiếu, đơn vị đã góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đưa đến nhiều kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, tránh được tình trạng du canh du cư, các cách phòng chống những mầm bệnh lây lan trong sinh hoạt cộng đồng đến với đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân.

Ông Hồ Văn A Lua - Chủ tịch xã A Roàng, huyện A Lưới chia sẻ: “Đồng bào ở đây rất vui mừng mỗi khi có cán bộ chiếu phim lưu động về bản. Nhiều hộ dân ở đây đã có tivi nhưng mọi người vẫn thích xem chiếu bóng màn ảnh rộng, nhất là những bộ phim về cách mạng, về Bác Hồ. Đồng bào miền Tây Thừa Thiên Huế luôn tự hào được mang họ Bác Hồ”.

Tâm huyết vì đồng bào

Địa bàn hoạt động của các đội chiếu phim lưu động là những nơi có địa hình rất phức tạp, bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống rải rác, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống vật chất tinh thần của người dân còn nhiều thiếu thốn, nhất là các thôn, bản ở vùng sâu vùng xa. Những đợt chiếu phim của cán bộ đội chiếu phim lưu động là hành trình mang đến ước mơ của con trẻ, niềm vui của người già về một cuộc sống tốt đẹp hơn ở những nơi còn nhiều khó khăn, ở các vùng biên giới. Chứng kiến công việc của các anh mang “ý Đảng” vượt núi, băng rừng mới hiểu hết ý nghĩa của những công việc mà họ đang làm, những giọt mồ hôi rơi trong đêm đông, những cái rét lạnh thấu xương của miền biên giới hay những lặng thầm mà họ đang cống hiến, với niềm mong muốn đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến gần với người dân, bồi đắp niềm tin của đồng bào về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết thông qua các bộ phim về đề tài cách mạng, các tuần phim chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, các sự kiện chính trị…

Anh Nguyễn Thanh Toàn, Đội trưởng Đội chiếu phim lưu động chia sẻ: "Có những bản rất xa, cách trung tâm của xã A Roàng, huyện A Lưới mấy chục cây số, trong điều kiện mùa đông lạnh buốt nhưng các thành viên trong đội vẫn luôn cố gắng đem những bộ phim hay, ý nghĩa đến với người dân. Nói về sự vất vả thì có nhiều nhưng chúng tôi luôn yêu nghề, luôn mong muốn là một phần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào và trên hết là được đưa tiếng nói của Đảng, Nhà nước đến với người dân”.

Nhiều năm qua, các đội chiếu phim thuộc đội chiếu phim lưu động luôn cố gắng hết mình, bám sát địa bàn, làm tốt công tác dân vận, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp để phục vụ đồng bào. Các buổi chiếu phim lưu động do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thực hiện, ngoài nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào còn trở thành một nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc miền núi, tạo nên sự gắn kết, tin tưởng, đoàn kết các dân tộc, động viên bà con đẩy mạnh sản xuất, đã có nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu mạnh.

Trong năm 2020, vượt qua những khó khăn về dịch bệnh, thiên tai, giao thông đi lại, đơn vị đã thực hiện 360 buổi chiếu, 78 buổi tuyên truyền về dịch bệnh Covid - 19, góp phần nâng cao ý thức của người dân. Nội dung phim đa dạng, phong phú, nguồn phim được đổi mới. Ngoài nguồn phim do Cục Điện ảnh cấp, Trung tâm còn chủ động mượn thêm phim từ các đơn vị trong nước, lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp trước mỗi buổi chiếu phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh  Thừa Thiên - Huế cho biết “Hiệu quả của các đợt chiếu phim khó mà đong đếm được, điều mà chúng tôi nhận được là sự hưởng ứng nhiệt tình, yêu mến của đồng bào. Thông qua hoạt động chiếu phim lưu động, nhận thức của bà con ngày một thay đổi theo hướng tích cực; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đang từng ngày “thấm dần” vào cuộc sống, người dân tuân thủ pháp luật, sống trách nhiệm, đoàn kết,  đồng lòng”.

Để góp phần đổi mới, nâng cao hơn nữa công tác chiếu phim lưu động, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục biên tập các nội dung tuyên truyền, lựa chọn nguồn phim nhằm đáp ứng nhu cầu của đồng bào và thực tế tại các địa phương; chỉ đạo các đội chiếu phim hoàn thành đúng, đủ và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm, bổ sung và nâng cấp các trang thiết bị, điều kiện làm việc của các đội... nhằm đáp ứng nhu cầu được nghe tuyên truyền, xem phim của bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Trải qua thực tiễn tại cơ sở và được thực tiễn thẩm định, có thể nói, đội chiếu phim lưu động đã, đang và tiếp tục là công cụ tuyên truyền hữu hiệu của Đảng và Nhà nước, là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc miền Tây Thừa Thiên Huế.

Tác giả: Nguyễn Thị Hằng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021

;