Hương ước là sản phẩm văn hóa pháp lý độc đáo của cộng đồng dân cư vùng nông thôn Việt Nam. Hương ước trải qua quá trình hình thành, tồn tại và phát triển với nhiều tên gọi khác nhau như khoán lệ, khoán ước, cựu khoán, hương tục, hương liên, hương lệ, tục lệ, điều lệ… đã được cộng đồng cư dân làng xã sử dụng để làm thước đo chuẩn mực các mối quan hệ xã hội, bảo vệ thuần phong mỹ tục, giữ gìn an ninh, trật tự cộng đồng, chống lại những hiểm họa từ bên ngoài… Trong thời gian qua, kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp của hương ước trong đời sống xã hội, nhiều địa phương đã quan tâm đến việc soạn thảo và ban hành hương ước, quy ước mới. Việc xây dựng và ban hành các văn bản hương ước, quy ước mới trong xây dựng đời sống văn hóa tại các cộng đồng dân cư ở các địa phương như một một biện pháp hữu hiệu nhằm phát huy rộng rãi phong trào tự quản của nhân dân, động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và tham gia vào công việc quản lý Nhà nước, quản lý xã hội.
1. Đặc trưng và giá trị của hương ước trong đời sống xã hội
Từ xa xưa, cộng đồng dân cư nông thôn Việt Nam đã luôn ý thức được mối liên quan giữa ý thức với hành động và quy tắc ứng xử trong cuộc sống. Để cùng nhau tồn tại và phát triển, cộng đồng dân cư cần có sự đồng lòng, đồng sức và có những quy tắc ứng xử rõ ràng. Do đó, hương ước với những quy tắc ứng xử mang tính bắt buộc phải tuân thủ của cộng đồng dân cư nông thôn ra đời là minh chứng của một xã hội có tổ chức cao. Trải qua quá trình lịch sử dựng nước và chống giặc ngoại xâm, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định chính xác thời gian ra đời của hương ước, nhưng tiếng nói, phong tục tập quán, nếp sống tốt đẹp, quy tắc ứng xử của người Việt vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay. Lần theo dấu vết của lịch sử dân tộc Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng khi Việt Nam thoát khỏi đêm dài 1.000 năm làm nô lệ cho các triều đại phong kiến phương Bắc để bước vào thời kỳ độc lập tự chủ thì hương ước, lệ làng được hình thành và phát triển. Vào năm 1370, dưới vương triều Trần Nghệ Tông, nhà nho học Lê Quát đã làm bài văn bia ở chùa Chiêu Phúc ghi rằng: “Nhà Phật lấy họa phúc để cảm động lòng người, sao mà được người tin theo sâu bền đến thế! Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật, dù đến hết tiền của cũng không sẻn tiếc. Ví ngày nay gửi gắm vào tháp chùa thì trong lòng sung sướng như nắm được khoán ước để lấy sự báo ứng ngày sau. Cho nên, trong tự kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho đến tận thôn cùng ngõ hẻm không phải ra lệnh mà tuân theo, không phải bắt thề mà giữ đúng” (1). Đoạn văn bia trên tuy gián tiếp đề cập đến khoán ước, nhưng đã cho thấy niềm tin, tâm trạng của người dân đối với khoán ước như niềm tin vào sự linh thiêng của tôn giáo. Các nhà nghiên cứu căn cứ vào đạo dụ của Vua Lê Thánh Tông ban bố vào năm Quang Thuận thứ năm (Giáp Thân, 1464) được ghi trong sách Hồng Đức thiện chính thư (sách chép về các chính sự tốt thời Hồng Đức) cho rằng hương ước ra đời vào nửa sau TK XV. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng vào cuối thời nhà Trần, bước sang nhà Hồ đã có những điều kiện cần và đủ cho sự ra đời của các bản lệ làng thành văn (hương ước) ra đời (2). Tuy nhiên đến nay, chúng ta không còn lưu được văn bản nào vào thời điểm này mà chỉ còn một số văn bia có nội dung như hương ước lập vào giữa thời Lê Sơ (1428-1527) như bia Trăn Tân từ lệ bi ký (bia đền Trăn Tân, xã Phúc Thọ, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) lập năm Hồng Đức thứ 18 (năm Đinh Mùi, 1487) (3). Một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc không còn lưu giữ được những văn bản thành văn được in trên giấy là do giặc xâm lược nhà Minh đã thi hành chính sách hủy diệt các di sản của nền văn hóa Đại Việt, một lượng lớn sách vở, văn bản chữ Hán, trong đó có các bản hương ước bị chúng thu về Trung Quốc và số không đưa về được thì chúng tiêu hủy vào các năm 1407 và 1419 (4). Khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta, chúng hiểu rõ tác dụng của hương ước, lệ làng Việt Nam và tìm cách ngăn cấm việc duy trì hương ước, lệ làng nhưng không thành công. Không thể xóa bỏ được hương ước, chúng đã tiến hành cải lương hương ước, ban hành các mẫu hương ước để bắt buộc các làng xã Việt Nam phải thay đổi hương ước theo mẫu hương ước đó nhằm mục đích tha hóa và chia rẽ cộng đồng người Việt ở nông thôn. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, người dân cũng xóa luôn những gì liên quan đến cường hào, ác bá sử dụng và do đó hương ước, lệ làng không được nhắc đến. Tuy nhiên, những tác dụng tích cực và ảnh hưởng tốt đẹp của hương ước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn được phát huy tác dụng.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, hương ước đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và được cộng đồng dân cư nông thôn Việt Nam lưu truyền qua nhiều thế hệ. Sức sống kỳ diệu với những ảnh hưởng tốt đẹp trong đời sống của người dân là do hương ước thường xuyên được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với nhu cầu và những thay đổi trong đời sống xã hội. Có thể khái quát một số đặc trưng cơ bản của hương ước như sau:
Một là, hương ước là quy tắc ứng xử mẫu mực do cộng đồng dân cư nông thôn Việt Nam tự nguyện thỏa thuận, soạn thảo, ban hành và có hiệu lực thi hành trong phạm vi lãnh thổ của những cư dân đang cùng sinh sống sử dụng làm thước đo phẩm giá, nhân cách và điều chỉnh các quan hệ xã hội trong đời sống, lao động sản xuất của cộng đồng. Hương ước mang tính tự quản của cộng đồng dân cư trên cơ sở sự nhất trí của tập thể cộng đồng dân cư và được thể hiện bằng văn bản. Trong từng cộng đồng dân cư ở những vùng nông thôn khác nhau, qua các thời kỳ thì hương ước có những tên gọi khác nhau. Hương ước làng An Hòa, tổng An Hạ, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông khẳng định: “Trong làng có khoán ước cũng như Nhà nước có luật lệ”, hoặc trong Khoán lệ làng Nghi Tàm (nay thuộc quận Tây Hồ) ghi rằng: “Khoán lệ của một làng cũng như luật lệ của một nước”.
Hai là, hương ước là một loại văn bản quy phạm chứa đựng những nguyên tắc bắt buộc để xác định trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền và quyền lợi của cư dân trong cộng đồng, trong cuộc chiến đấu bảo vệ an ninh, an toàn của cộng đồng, chống thiên tai, chống trộm cướp… Hương ước đưa ra những luận cứ vững chắc để khẳng định dứt khoát, rõ ràng những quy định cho phép, không cho phép hoặc khuyến khích cá nhân, tổ chức làm một việc gì đó. Nghĩa là cộng đồng dân cư tự xây dựng các nguyên tắc ứng xử trên cơ sở pháp luật, truyền thống, tập quán địa phương và tự nguyện thực hiện các nguyên tắc đó. Hương ước làng Cổ Nhuế, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông khẳng định: “Làng có kỷ luật mới chính dân phong, người có luân lý mới thành nhân cách”. Trong lời tựa hương ước làng Thổ Khối, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm có ghi: “Làng có luân lý, ăn ở cho phải đạo, có khoán ước ràng buộc cho hợp lệ cũng như nhà nước có quy thức, luật lệ để khuyên răn, ngăn cấm lòng dân, chính là nghĩa trời đất sinh người đặt nước làm vậy”.
Ba là, những quy định của hương ước có sự thống nhất về mục đích với những quy định pháp luật của Nhà nước. Hương ước được xây dựng chủ yếu để phục vụ hoạt động tự quản tại cộng đồng dân cư, điều chỉnh những quan hệ xã hội trong lĩnh vực xã hội - dân sự mà pháp luật không điều chỉnh hoặc chỉ điều chỉnh ở mức độ quy định các nguyên tắc chung như: việc tổ chức ma chay, cưới xin, bảo vệ trật tự trị an, phát triển sản xuất, khuyến khích học hành, giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống, giải quyết các tranh chấp hoặc những vi phạm nhỏ trong nhân dân, các phương thức cụ thể tại địa phương để xóa đói, giảm nghèo… Hương ước có nguồn gốc ra đời khác với luật pháp Nhà nước nhưng đều có sự thống nhất về nguồn gốc ra đời, về văn hóa, quyền lợi trên nhiều lĩnh vực và trên cùng một lãnh thổ. Mục đích của hương ước hướng tới cuộc sống đi vào nề nếp, kỷ cương chặt chẽ để xây dựng những phong tục tốt đẹp, phong cách sống có đạo đức, nhân văn của từng người trong từng làng, xã ở nông thôn cũng như pháp luật của Nhà nước đối với toàn dân của quốc gia (5). Hương ước không lặp lại những quy định của pháp luật mà quy định cụ thể để giữ gìn cho cá nhân và cộng đồng không vi phạm quy định của pháp luật Nhà nước, không áp dụng hình phạt của Nhà nước mà sử dụng hình phạt của cộng đồng nông thôn là cấm không cho dự đình trung - một hình thức khai trừ khỏi cộng đồng đối với người vi phạm. Hình phạt này không hao tốn tài sản, không đau đớn về thể xác nhưng tác động rất mạnh đến tinh thần, danh dự của người cố tình vi phạm. Trong nhiều thế kỷ, sự thống nhất về mục đích trong ban hành và áp dụng là nguyên nhân chính làm cho hương ước ở Việt Nam song song tồn tại cùng với luật pháp của Nhà nước đương thời. Hương ước là sự bổ sung những gì mà pháp luật Nhà nước chưa quy định hoặc quy định chưa cụ thể. Hương ước và luật pháp của Nhà nước tác động hỗ trợ qua lại lẫn nhau chặt chẽ, đảm bảo khối đại đoàn kết của toàn dân tộc nhằm “chiến thắng các mối hiểm họa thường trực là họa xâm lăng của nước ngoài và sự khắc nghiệt của thiên nhiên” (6).
Bốn là, hương ước được biên soạn bởi lực lượng trí thức hoặc người có chức sắc, có uy tín trong cộng đồng và được kiểm duyệt của tổ chức quản lý cấp trên trước khi ban hành. Trong Hồng Đức thiện chính thư đề cập rất chung chung về đối tượng kiểm duyệt hương ước là “quan lại bên trên”. Các bản hương ước thời nhà Lê không đề cập đến việc trình hương ước lên các quan trên phê duyệt, nhưng những bản hương ước thời nhà Nguyễn đều ghi dân các làng trình hương ước lên quan tỉnh phê duyệt và một số văn bản có dấu của tri huyện. Sang thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân kiểm duyệt hương ước ngày càng chặt chẽ hơn nhằm hạn chế tới mức cao nhất tính biệt lập của làng xã như là một công cụ dễ được sử dụng để chống lại họ. Khi thực hiện cuộc cải lương hương chính năm 1921, thực dân Pháp đưa ra mẫu bản hương ước cải lương gồm hai phần: phần chính trị chiếm số lượng lớn các điều khoản, tập trung về các vấn đề bộ máy tổ chức làng xã và các hoạt động của nó; phần phong tục gồm số ít các điều khoản mang tính định hướng. Với mẫu bản hương ước cải lương này, thực dân Pháp thể hiện ý đồ quản lý làng xã và quyền kiểm duyệt hương ước (7).
Hương ước là một thành tố quan trọng trong thể chế quản lý nông thôn và là một nét văn hóa quản lý truyền thống có tính phổ biến ở khu vực Đông Nam Á nói chung và ở nông thôn Việt Nam nói riêng. Hương ước với những quy định rõ ràng, chặt chẽ được coi là một công cụ quan trọng góp phần quản lý xã hội trong phạm vi thôn, làng Việt Nam từ nhiều thế kỷ qua. Cùng với pháp luật của Nhà nước, hương ước của làng xã đã góp phần quan trọng trong việc phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, hương ước góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp; bảo vệ môi sinh, môi trường; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu. Bên cạnh đó, hương ước cũng góp phần xây dựng nếp sống nhân văn, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư nông thôn Việt Nam. Những giá trị tích cực của hương ước đã góp phần hình thành nên nhiều truyền thống cao đẹp, nếp sống tốt đẹp cho xã hội và con người Việt Nam, đó là: giáo dục ý thức xây dựng nếp sống dân chủ trong bàn bạc và quyết định mọi công việc của cộng đồng làng xã; giáo dục và nuôi dưỡng tinh thần dũng cảm, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh và ý thức độc lập, tự chủ, tự cường, tự quyết của cộng đồng người nông dân Việt Nam, không ỷ lại và không dựa dẫm vào người khác; giáo dục và góp phần vun đắp sự gắn kết keo sơn các thành viên trong gia đình, sự đoàn kết trong cộng đồng làng xã và đại đoàn kết của người dân toàn dân tộc; khuyến khích và định hướng mọi người vươn tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, định hướng con người vươn tới sự hoàn thiện gắn với các giá trị Chân - Thiện - Mỹ trong nhân cách, trong lối sống, ứng xử… loại trừ những hủ tục, lạc hậu trong phong cách sống, rèn luyện nếp sống nhân văn, tương thân tương ái giữa các thành viên trong gia đình và trong cộng đồng làng xã; giáo dục ý thức bảo vệ các di sản văn hóa, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thuần phong, mỹ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong cộng đồng. Hương ước được coi như một công cụ hỗ trợ cho pháp luật để duy trì, phát triển thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo lý và đạo đức truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng.
Trải qua quá trình hình thành và tồn tại cùng với những thăng trầm trong lịch sử, những giá trị tích cực của hương ước trong đời sống cộng đồng vẫn tiếp tục được tồn tại và ngày càng hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn của đất nước. Hiện nay, việc xây dựng hương ước, quy ước trong đời sống các địa bàn dân cư ở các địa phương đã khẳng định vai trò chủ động của người dân trong việc phát triển sản xuất, bảo vệ an ninh xã hội ở nông thôn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa mới ở cơ sở…
2. Phát huy giá trị của hương ước trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở
Nhận thức rõ vai trò và giá trị của hương ước trong đời sống cộng đồng làng xã ở nông thôn Việt Nam, trong lần về thăm tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Hương ước là quy ước của làng… đó là những phong tục tốt đẹp của nông thôn nước ta trước đây… Cách mạng chỉ xóa đi cái xấu, cái dở, còn cái hay cần phải giữ gìn và phát huy” (8). Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến vấn đề xây dựng hương ước, quy ước để thực hiện cơ chế làm chủ trực tiếp với các hình thức nhân dân tự quản bằng các quy ước, hương ước tại cơ sở phù hợp với luật pháp của Nhà nước (9). Từ khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được ban hành thì vấn đề xây dựng và thực hiện hương ước được các cơ quan, ban ngành và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện. Ngày 19-6-1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư. Thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số bộ, ngành đã phối hợp xây dựng, ban hành các thông tư liên tịch, thông tư hướng dẫn thực hiện theo thẩm quyền Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã ban hành nghị quyết, quyết định quy định về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh, thành phố như: Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN ngày 31-3-2000 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa Thông tin và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Thông qua việc xây dựng, ban hành hương ước, quy ước ở các địa phương đã thấy được tác dụng tích cực của những văn bản ấy đối với nhiều lĩnh vực của Nhà nước, xã hội và đời sống của nhân dân (10). Ngày 8-5-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Việc triển khai xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đã phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; Xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư…
Hương ước, quy ước không lặp lại những điều quy định của pháp luật mà quy định cách giữ gìn cho làng, thôn, xóm không phạm vào các điều quy định của pháp luật nhà nước. Hương ước vốn là sản phẩm của xã hội nông nghiệp và hiện nay, những tác dụng tích cực của hương ước được áp dụng thực hiện tại các cộng đồng dân cư ở đô thị. Việc xây dựng hương ước, quy ước trong các địa bàn dân cư ở nông thôn và đô thị đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển nội lực của nhân dân, để hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng, xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã gắn kết chặt chẽ việc xây dựng và phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Phát huy giá trị của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, “nhân dân phấn khởi, tích cực thi đua lao động sản xuất, đoàn kết giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, từng bước thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, khuyến khích phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh, tiết kiệm và hạn chế ăn uống lãng phí, tốn kém, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan… góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn” (11). Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã chủ động lồng ghép quy chế dân chủ vào xây dựng hương ước, quy ước về nếp sống văn hóa như: kết hôn đúng tuổi quy định; đăng ký kết hôn tại UBND xã, phường; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống… Đồng thời, hương ước, quy ước còn quy định việc sống đoàn kết, hòa thuận, tương thân, tương ái giữa các dòng họ tại địa phương… Cùng với việc thực hiện các chương trình, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, việc thực hiện các hương ước, quy ước trên từng khu dân cư không những góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc, hỗ trợ đắc lực cho cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Theo Báo cáo số 108/BC-BTP ngày 23-5-2016 của Bộ Tư pháp về tình hình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư giai đoạn 1998-2015 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2016-2020: “Tính đến tháng 6-2015, trong số 125.083 thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố, khu dân cư (sau đây gọi là thôn, làng) được rà soát, có 109.698 hương ước, quy ước đã được phê duyệt, chiếm tỷ lệ 87,7%; 6.694 hương ước, quy ước đang trong quá trình phê duyệt; 3.260 hương ước, quy ước đang xây dựng hương ước, quy ước đã được xây dựng” (12). Đến tháng 3-2018, trong số 106.383 thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố, khu dân cư được rà soát “có 99.073 hương ước, quy ước đã được phê duyệt hiện có chiếm tỷ lệ 93,1%; 85.540 hương ước, quy ước đã được phê duyệt; 9.136 hương ước, quy ước đang trong quá trình xây dựng; 38.530 hương ước, quy ước đã được sửa đổi, bổ sung” (13).
Hương ước, quy ước là một phần quan trọng góp phần hình thành văn hóa cộng đồng và thể hiện rõ nét sắc thái, bản sắc văn hóa của cộng đồng. Do đó, hương ước, quy ước phải được xây dựng trên tinh thần dân chủ, theo nguyện vọng của số đông người dân trong cộng đồng nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, một số bản hương ước, quy ước còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập như: nội dung sơ sài, rập khuôn và chưa đúng quy định, chưa đảm bảo tính dân chủ, mang tính áp đặt, hình thức nhiều hạn chế về kỹ thuật soạn thảo, văn phong… Do đó, để phát huy những giá trị tích cực của hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cần tiếp tục công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa. Đồng thời, tiếp tục bổ sung, biên soạn và hoàn thiện hương ước, quy ước của thôn, làng, khu phố để đảm bảo phù hợp với nội dung của Hiến pháp, các quy định về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 8-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước... Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong đời sống, kịp thời động viên và khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong việc tổ chức thực hiện hương ước, quy ước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý các vi phạm trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
_____________
1. Ngô Sĩ Liên và các sử gia triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004, tr.662-663.
2, 4. Bùi Xuân Đính, Lệ làng phép nước, Nxb Pháp lý, Hà Nội, 1985, tr.30-31.
3. Đinh Khắc Thuân, Tục lệ cổ truyền làng xã Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006, tr.803-807.
5, 6, 7, 10. Lê Đức Tiết, Về hương ước, lệ làng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.48, 214.
8. Lê Hồng Sơn, Yêu cầu quản lý Nhà nước đối với việc ban hành và thực hiện hương ước, trong sách Chuyên đề về hương ước do Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý, Nxb Bộ Tư pháp, Hà Nội, 1996.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998.
11. Lê Văn Lợi, Phát huy vai trò của hương ước trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 1 (262), 2022, tr.60-65.
12. Báo cáo số 108/BC-BTP ngày 23-5-2016 của Bộ Tư pháp về tình hình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư giai đoạn 1998- 2015 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2016-2020.
13. Bộ VHTTDL, Đề án tăng cường thực thi pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đến năm 2021, tr.9.
PGS, TS LÊ THỊ BÍCH THỦY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022