Lễ chùa trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt

Thực hành lễ chùa là một sinh hoạt Phật giáo điển hình, tiêu biểu, trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam hàng nghìn năm nay. Lễ chùa nhằm thỏa mãn những nhu cầu về đời sống văn hóa tâm linh, giúp con người có thêm niềm tin, sức mạnh trước khó khăn của cuộc sống. Bài viết khẳng định vai trò, vị trí của hoạt động lễ chùa trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt trên 3 khía cạnh: đáp ứng nhu cầu được che chở và tìm kiếm sự an toàn, tăng cường gắn kết cộng đồng, lan tỏa giá trị đạo đức tích cực.

1. Mục đích của người đi lễ chùa

Lễ chùa từ lâu đã trở thành một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt, quen thuộc với nếp sống của các gia đình Việt. Người Việt Nam tin rằng, đầu năm là sự khởi đầu mới, là khởi đầu của mùa xuân, của sự sống. Đây là dịp để con người đến chùa vãn cảnh, cảm nhận hơi thở của mùa xuân, tìm được sự thanh thản cho tâm hồn. Vạn vật như đang dần chuyển hóa vào những ngày đầu xuân và dường như con người cũng vậy, mỗi người một nguyện ý chân thành, mong muốn bày tỏ tấm lòng thành kính của mình với đức Phật. Mỗi độ xuân về, đi lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa trong mọi giai tầng của xã hội.

Bản chất ý nghĩa ban sơ của việc đi lễ chùa là “để kiếm tìm sự thảnh thơi cho cõi lòng”. Đi lễ chùa để ước nguyện và có những khoảnh khắc hòa mình vào chốn linh thiêng, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh đời thường. Tiếng chuông chùa ngân vang, tiếng gõ mõ tụng kinh niệm Phật, mùi hương hoa phảng phất, dịu êm dường như đã cuốn đi những ồn ào, lo toan của cuộc sống. Người đến lễ chùa cảm nhận được sự yên ả, thư thái đến diệu kỳ. Con người nhỏ bé tin tưởng trước đấng Thần, Phật, cúi mình bày tỏ thành ý và nguyện cầu những điều tốt đẹp, an nhiên của bản thân, gia đình. Ngôi chùa bình dị, gần gũi đã tiếp thêm cho bao người sức mạnh để đương đầu với những khó khăn trong công việc và cuộc sống.

2. Vai trò của lễ chùa trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt

Lễ chùa đáp ứng nhu cầu được che chở và kiếm tìm sự an toàn

 Thực hành lễ chùa là sinh hoạt Phật giáo điển hình đáp ứng mong muốn được che chở khỏi những bất công, may rủi trong cuộc sống của con người. Đến với cửa Phật, con người tìm thấy sự động viên, an ủi và thậm chí cả cách hóa giải những khổ đau, bất hạnh. Những thay đổi đến từ tác động của nền kinh tế thị trường, từ quá trình toàn cầu hóa ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, khiến con người phải đối mặt với những trở ngại trong công việc, cuộc sống, sức khỏe… Những phút giây đi lễ chùa, đến với cửa Phật đã đem đến cho họ sự bình yên và sức mạnh để tiếp tục với những hành trình của mình. Kết quả khảo sát của chúng tôi minh chứng điều này khi mục đích đi lễ chùa phổ biến nhất của người dân là để cầu mong những điều tốt lành/ cầu xin một điều gì đó với tỷ lệ ở chùa Thầy là 81,4% (trong tổng số 86 người được hỏi), chùa Hà là 79,7% tổng số phiếu (trong tổng số 187 người được hỏi). Như vậy, đa số người dân có nhu cầu đi lễ chùa với mong muốn được cầu xin được che chở trong cuộc sống hiện tại. Bên cạnh đó, người đi đến chùa với mục đích tinh thần cũng khá cao. Cụ thể, trên 51% người được hỏi tại chùa Thầy và chùa Hà bày tỏ đi lễ chùa để tỏ lòng thành kính với đối tượng được thờ tự; khoảng 48% người được hỏi có trả lời đi chùa để tích phúc đức. Đồng thời, ở câu hỏi được đưa ra nhiều lựa chọn này, có 46,5% người được hỏi tại chùa Thầy và 42,8% người được hỏi tại chùa Hà trả lời đến chùa với mục đích để tìm sự thanh thản.

Trên thực tế, khi phỏng vấn sâu, chúng tôi nhận thấy, mong muốn được đấng Thần, Phật che chở được nhiều người bày tỏ theo tinh thần có thờ có thiêng, có kiêng có lành, có bệnh thì vái tứ phương: “Em nghe nói chùa Hà nổi tiếng để cầu duyên. Nên nay em và bạn gái của mình đến chùa để cầu khấn mong có tình cảm bền chặt, gia đình chúc phúc. Yêu nhau thì vẫn tin tưởng đến với nhau rồi nhưng có cầu thì vẫn có hơn ạ” (PVS 2, nam, 2001, sinh viên)…

Thực hành lễ chùa còn đáp ứng về những dịch vụ tâm linh - những nhu cầu về nghi lễ vòng đời của đông đảo người dân. Các dịch vụ dâng sao giải hạn, bán khoán, lễ tơ hồng, cầu siêu… được nhiều ngôi chùa tổ chức, phục vụ cho cộng đồng. Những nghi lễ này không xuất xứ từ kinh sách Phật giáo mà là sự kết hợp của các yếu tố nghi lễ Phật giáo với Đạo giáo và các tín ngưỡng bản địa.

Theo kết quả thống kê và điều tra của chúng tôi, nghi lễ dâng sao giải hạn và cầu an thu hút nhiều người tham gia nhất với tỷ lệ 57% người được hỏi tại chùa Thầy, 49,2% người được hỏi tại chùa Hà; lượt tham dự nghi lễ Vu Lan báo hiếu xếp thứ hai với tỷ lệ người được hỏi đã từng tham gia là 40,7% đối với người lễ chùa tại chùa Thầy và 40,6% đối với người lễ chùa tại chùa Hà; lễ cầu siêu có 24,4% người đi lễ tại chùa Thầy và 26,7% người đi lễ tại chùa Hà đã từng tham gia. Các nghi lễ khác như: bán khoán, già y quy Phật, gửi hậu, lễ tơ hồng… đều thu hút một lượng người tham gia nhất định. Nghi lễ bán khoán có 22,1% người tham gia lễ chùa tại chùa Thầy và 12,8% người tham gia lễ chùa tại chùa Hà xác nhận đã tham gia; tỷ lệ tham gia lễ tơ hồng tại chùa Thầy là 2,3%, tại chùa Hà là 8,6%; tỷ lệ người tham gia nghi lễ già y quy Phật và Tứ cửu tại hai chùa trung bình đều trên 10% người tham gia phỏng vấn xác nhận đã từng tham gia.

Tham gia các nghi lễ giúp người tham gia có cảm giác yên tâm và vui vẻ hơn trong cuộc sống. Các dịch vụ tâm linh đã mang lại cảm giác an toàn và tạo ra tinh thần tích cực cho những người tham gia.

 Thực hành lễ chùa tăng cường gắn kết cộng đồng

Xét theo khía cạnh chung, những nguyên tắc hành xử về đạo đức đã trở thành giá trị như bình đẳng, từ bi, khoan dung… chính là những chất liệu để củng cố và kết nối cộng đồng. Xét theo từng nhóm/ tập thể, việc cùng nhau thực hành sinh hoạt lễ chùa tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, tổ chức, đoàn thể…

Từ kết quả thống kê, so sánh có thể thấy được vai trò cố kết cộng đồng của thực hành lễ đối với gia đình, tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị, bản hội… Trong khoảng thời gian trước đại dịch COVID-19 (từ năm 2019 trở về trước) và trong 3 năm đại dịch COVID-19 (2020 đến nay), người tham gia hoạt động lễ chùa theo hình thức đi cùng gia đình, người thân vẫn chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Ở chùa Thầy là 74,4% trong thời gian trước đại dịch và 66,3% trong 3 năm trở lại đây. Đối với chùa Hà, tỷ lệ là 78,6% trong thời gian trước đại dịch và 64,2% trong 3 năm đại dịch; tham gia hoạt động lễ chùa đi cùng bạn bè, đồng nghiệp cũng là hình thức được đông đảo người tham gia khảo sát đưa ra. Tỷ lệ người tham gia trả lời đi chùa cùng bạn bè, đồng nghiệp tại chùa Thầy là 34,9% trước đại dịch và 22,1% trong thời gian đại dịch. Tại chùa Hà, tỷ lệ người theo hình thức này là 31,6% trong thời gian trước đại dịch và 23,5% trong 3 năm đại dịch; đi lễ chùa theo hình thức bản hội chiếm tỷ lệ khiêm tốn ở hai ngôi chùa được khảo sát. Trước năm 2019 trở về trước, tỷ lệ người tham gia theo hình thức này khoảng 10% tổng số người được hỏi lựa chọn. Những năm gần đây, tỷ lệ người tham gia hình thức này ở 2 chùa đều giảm xuống còn 5,8% đối với chùa Thầy và 3,2% đối với chùa Hà. So với các hình thức tham gia theo nhóm/ tập thể, tỷ lệ người lễ chùa đi một mình ít hơn, chiếm trên 15% tại hai chùa trong thời gian trước đại dịch COVID-19. Tỷ lệ người đi lễ chùa một mình có xu thế gia tăng trong thời gian đại dịch COVID-19 ở cả hai ngôi chùa mà chúng tôi tiến hành khảo sát.

Đi sâu vào phỏng vấn, trao đổi, chúng tôi nhận thấy, để đảm bảo an toàn phòng chống đại dịch COVID-19, các cơ quan, đoàn thể hay bản hội đa số không tổ chức du xuân lễ chùa đầu năm. Đây chính là ý do khiến tất cả các hình thức đi lễ chùa theo hội/ nhóm/ đoàn thể có tỷ lệ thấp hơn so với trước đại dịch COVID-19: “Cơ quan cô bình thường năm nào cũng đi lễ chùa. Thông thường mỗi năm sẽ chọn một tỉnh thành, đi lễ chùa và tham quan những ngôi chùa lớn, nổi tiếng ở tỉnh thành đó. Mấy năm nay dịch bệnh nên không đi cùng nhau. Năm nay, nhà nước cho bình thường hóa nên công đoàn lại quyết định tổ chức. Cũng có đôi chút lo lắng vì dịch bệnh đó nhưng được gặp gỡ và đi cùng nhau mọi người đều phấn khởi” (PVS 16, nữ, 1975, nhân viên cơ quan nhà nước).

Như vậy, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 với những quy định của phòng chống đại dịch, thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đông người, tăng cường 5K… hoạt động lễ chùa theo hình thức hội/ nhóm trực tiếp đã hạn chế so với thời điểm trước dịch. Điều này đồng nghĩa với việc chức năng gắn kết cộng đồng, xã hội của thực hành lễ chùa ở phương diện lễ chùa trực tiếp bị hạn chế.

Thực hành lễ chùa lan tỏa giá trị đạo đức tích cực

Thực hành lễ chùa tạo ra sự tích cực cho xã hội, giúp con người hướng thiện, lan tỏa những giá trị đạo đức từ bi hỉ xả trong văn hóa Phật giáo. Đứng trước cửa Phật, con người đều bình đẳng như nhau, không phân biệt già trẻ, gái trai, địa vị; cúi đầu, bình đẳng trước đức Phật, một lòng hướng đến, cầu mong những điều tốt đẹp, may mắn, thuận buồm xuôi gió, vạn sự như ý.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, con người cùng chung một tâm lý mong muốn dịch bệnh sớm qua đi, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường. Trước những đe dọa, nguy hiểm về sức khỏe, tính mạng từ đại dịch COVID-19, mọi người xích lại gần nhau hơn vì những mục tiêu, tư tưởng chung. Dịch bệnh khiến con người xa nhau về khoảng cách không gian, nhưng lại gần nhau hơn về tình người, sự tương thân tương ái. Những hiểm nguy cùng những mất mát đau thương trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng kéo con người ta đến gần nhau hơn, đồng cảm hơn. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà trong bối cảnh đại dịch COVID-19, kinh cầu an lại là bản kinh được tụng nhiều nhất. Ngay từ năm đầu của đại dịch COVID-19, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành văn bản số 033/CV-HĐTS ngày 20-2-2019; văn bản số 016/CV-HĐTS ngày 6-1-2020 gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố về việc tổ chức nghi lễ cầu an cho Phật tử và nhân dân tại các chùa vào đầu năm mới và yêu cầu Tăng, Ni nhất là chư vị lãnh đạo Giáo hội tổ chức nghi thức cần an đầu xuân tại các chùa bằng pháp hội Dược sư cầu quốc thái dân an. Những tín đồ Phật tử cầu nguyện tại chùa, cầu tại gia… đều hướng chung đến một sở cầu, một mong ước bình an. Đạo Phật là tôn giáo gắn đạo với đời, đồng hành cùng dân tộc, điều đó càng được minh chứng rõ ràng trong bối cảnh đại dịch. Không chỉ cổ vũ và đồng hành cùng dân tộc bằng giá trị tinh thần với hoạt động cầu an được tổ chức ở quy mô quốc gia trong năm 2021, 2022, mà còn nhiều hoạt động từ thiện, hỗ trợ bằng sức người, sức của trong cuộc chiến với đại dịch. Rất nhiều ngôi chùa đã trở thành bệnh viện dã chiến hay mái nhà ấm áp cho những trẻ thơ bị mất ba mất mẹ trong cuộc chiến với COVID-19…

Ai cũng biết cảnh chùa, đất Phật là nơi linh thiêng, vậy nên mỗi khi con người đến đây đều thấm nhuần ý thức “đi nhẹ, nói khẽ”, cẩn thận lời ăn tiếng nói, trang phục, đi đứng đều chính trực, rõ ràng. Lên chùa lễ Phật, nương tựa cửa chùa, con người cũng thấm nhuần thuyết “nhân quả báo ứng” của Phật giáo. Đến với cửa Phật, con người học được lời khuyên răn về trừ ác, tích thiện. Xuất phát từ tinh thần từ bi của đạo Phật, tụng phóng sinh, bố thí cũng góp phần cổ vũ cho lối sống vị tha, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo kẻ khó, cổ vũ tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách… của cộng đồng. Sắm sửa hương hoa, đăng trà quả thực lên lễ chùa vào mồng Một, ngày Rằm, mùa Vu Lan báo hiếu còn là thể hiện lòng tôn kính, biết ơn đối với đấng sinh thành… Không thể phủ nhận điều này đã ảnh hưởng đến lối sống của người Việt, làm phong phú tình người trong xã hội, cộng đồng dân tộc Việt Nam. Bản chất, thực hành lễ chùa vốn đã là một hoạt động khiến người tham gia hướng tới chân - thiện - mỹ, hướng tới từ - bi - hỉ - xả và trong đại dịch COVID-19, hoạt động đó lại được đẩy lên một bước nữa: con người cùng chung tay, nguyện lòng vì một cuộc sống tốt đẹp, không còn dịch bệnh.

Lễ chùa vừa là một sinh hoạt Phật giáo, vừa là văn hóa đời sống của nhân dân góp phần giúp cuộc sống tốt đời đẹp đạo, xua tan ưu phiền. Lễ chùa đáp ứng những nhu cầu về mặt đời sống tinh thần của nhân dân, là chỗ dựa để con người vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Thực hành lễ chùa đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đông đảo người dân, đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng về nghi lễ vòng đời, cố kết cộng đồng và góp phần hướng thiện, hoàn thiện nhân cách con người, hướng con người đến chân - thiện - mỹ.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Hoàng Văn Chung, Giá trị và chức năng cơ bản của Phật giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, 2019.

2. Hà Duy Nguyễn Hữu, Đầu năm đi lễ Phật, Nxb Hà Nội, 2009.

3. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Dịch vụ Phật giáo: Hoạt động mang tính dân gian và là cách thức giải quyết nhu cầu tâm linh tín đồ của Phật giáo Việt Nam đương đại (nghiên cứu trường hợp Hà Nội), trong Sự biến đổi của tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, Nxb Thế giới, Hà Nội.

4. Đặng Nghiêm Vạn, Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012.

Ths NGUYỄN THỊ NHUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022

;