Độc đáo nghề làm gốm thủ công của người Chăm

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, tại tỉnh Bình Thuận chỉ có người Chăm ở thôn Bình Đức, (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình) còn làm gốm với kỹ thuật và quy trình thủ công truyền thống của cha ông để lại. Theo các nghệ nhân, nghề gốm ở thôn Bình Đức có từ rất lâu, được các gia đình người Chăm nơi đây duy trì qua nhiều đời.

 

Để làm gốm, đầu tiên là chọn nguyên liệu là đất sét và lấy đất sét. Đất sét được sử dụng làm gốm phải có màu vàng nhạt, có độ dẻo và độ mịn vừa phải, không bị lẫn nhiều hạt sạn, sỏi nhỏ. Thời điểm lấy đất thường diễn ra lúc nông nhàn, trong mùa khô, khoảng tháng Một đến tháng Hai (ÂL) hằng năm. Dụng cụ dùng để đào bới và lấy đất sét gồm có: cuốc, xẻng, cúp (cuốc chim), xà beng và thúng. Trước đây, phương tiện chở đất bằng xe trâu (thă’ kupaw), ngày nay bằng xe cơ giới.

Có đất sét, người làm gốm phải đập, ủ, pha trộn và nhồi bóp đất. Việc xử lý đất trước khi làm gốm quyết định đến chất lượng và hiệu suất sản phẩm sau khi nung. Để có đất sét cho công đoạn nhào nặn các sản phẩm gốm vào sáng ngày hôm sau, ngày hôm trước đất sét được xử lý trước, đập và pha trộn theo nhu cầu sử dụng nhiều hay ít.

Thợ làm gốm là những phụ nữ Chăm, đa số là người cao tuổi, họ tạo hình sản phẩm gốm không dùng bàn xoay, chỉ sử dụng những công cụ giản đơn theo phương pháp thủ công truyền thống. Dụng cụ tạo hình sản phẩm gốm khá đơn giản: một chiếc bàn kê (kathun hay lithung giơ yơng) và một miếng vải thô nhỏ.

Đối với sản phẩm gốm có kích thước lớn thì phải thao tác trên mặt sân bằng phẳng và phải do những nghệ nhân lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm mới thực hiện được. Theo đó, người thợ lấy một ít cát trắng rải đều lên mặt bàn kê rồi đặt đất sét lên để chống dính. Bằng thao tác hơi khum người xuống, hai chân dịch chuyển quanh bàn kê, người thợ dùng đôi bàn tay tạo dáng và thân sản phẩm.

Tùy từng loại hình và kích cỡ sản phẩm mà người thợ lấy thêm những lọn đất để nối vuốt cho phần thân sản phẩm cao dần lên, tay trái áp bên trong, tay phải vuốt mặt bên ngoài sản phẩm, người thợ dịch chuyển quanh bàn kê ngược chiều kim đồng hồ khoảng 5 vòng, sau đó dịch chuyển theo chiều ngược lại, là có thể tạo ra một dáng gốm cơ bản. Số vòng dịch chuyển tùy thuộc vào loại hình sản phẩm

Những sản phẩm gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) được các nghệ nhân nhào nặn ra bằng những đôi tay khéo léo mà không cần phải dùng bàn xoay để tạo hình, người nghệ nhân sẽ đi vòng quanh rất nhiều lần để tạo ra một sản phẩm gốm - Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

 

Tiếp theo, người thợ dùng một chiếc vòng tre vót mỏng vuốt lên mặt ngoài sản phẩm ướt để tạo độ đều và láng mịn, rồi dùng một miếng vải thô nhúng nước và dịch chuyển một vòng làm thao tác bẻ, vuốt miệng gốm cho đều, mịn. Mặt trong và ngoài miệng sản phẩm được vuốt nước thổ hoàng bằng miếng vải. Khi xương gốm ráo, người thợ tiếp tục nong thân và đáy (sửa cho đáy sản phẩm tròn, có độ dày đều), chà, nạo và làm bóng mặt trong và ngoài sản phẩm.

Gốm không tráng men và được phơi khô, nung ở ngoài trời bằng củi và rơm trong 7 đến 8 giờ ở nhiệt độ khoảng 800 độ C để cho “ra lò” các sản phẩm gốm khá đa dạng và phong phú bao gồm đồ gia dụng, đồ dùng cúng lễ và đồ mỹ nghệ gồm chum (jek), nồi (gok), mâm (cambak), bình (bilaok)…

Sản phẩm gốm của người Chăm Bình Đức có giá thành rẻ, gồm nhiều kích cỡ và chủng loại khác nhau, tiện lợi trong sử dụng, được cộng đồng người Chăm, người Việt, người Hoa, người Raglai, người Cờ ho… trên địa bàn ưa chuộng. Sản phẩm còn được tiêu thụ ở các tỉnh lân cận như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đồng Nai, Lâm Đồng…

Nghề làm gốm của người Chăm ở Bình Đức còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống, được thể hiện qua kỹ thuật chế tác gốm, không dùng bàn xoay, nung lộ thiên, sản phẩm độc đáo mang nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa tộc người. Đây là nghề thủ công truyền thống độc đáo, riêng biệt, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo mang tính đại diện, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng người Chăm. Vì vậy, năm 2012, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã quyết định đưa Nghề làm gốm của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Nghề thủ công truyền thống.

Vào hồi 16 giờ 12 phút, ngày 29/11 giờ địa phương (tức 22 giờ 12 phút ngày 29/11 giờ Việt Nam), tại phiên họp của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, thủ đô của Vương quốc Ma-rốc, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh vào các danh sách của UNESCO sẽ tạo ra cơ hội cho người phụ nữ Chăm giao lưu, tương tác trong lao động sản xuất, sinh hoạt xã hội, cũng như trong việc giáo dục nghề nghiệp cho con cái, nâng cao hơn nữa vai trò của họ trong xã hội. Nghề làm gốm cũng giúp tăng thu nhập của gia đình và bảo lưu thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của người Chăm ở Việt Nam bởi số lượng nghệ nhân, người thực hành và người học nghề gốm tại các làng gốm Chăm còn rất ít, có nguy cơ mai một.

 

TIÊN SA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 531, tháng 4-2023

 

;