Độc đáo các giai điệu và trang phục của dân tộc Giẻ Triêng, tỉnh Kon Tum

Tối 30-11, tại tại Quảng trường 16/3, TP Kon Tum diễn ra Liên hoan văn nghệ và trình diễn trang phục các dân tộc trong khuôn khổ Ngày hội VHTTDL các dân tộc tỉnh Tây Nguyên lần thứ I năm 2023 tại tỉnh Kon Tum.

Tại Liên hoan văn nghệ và trình diễn trang phục, Hội đồng Nghệ thuật: PGS, TS Lê Ngọc Thắng, Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc và thời đại - Chủ tịch Hội đồng; Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) Trần Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng; và các ủy viên: Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc (Văn phòng Quốc hội) Triệu Văn Bình; NSƯT, Nhạc sĩ, A Đủh; PGS, TS Nguyễn Thị Song Hà (Học viện Khoa học - Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã xem phần dự thi của các Đoàn nghệ nhân, diễn viên đến từ các tỉnh tham dự Ngày hội.

 

Các tiết mục văn nghệ của các nghệ nhân dân tộc Giẻ Triêng

Theo thứ tự đã bốc thăm, Đoàn Kon Tum trình diễn đầu tiên với hai nội dung: Liên hoan Nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc Tây Nguyên. Đoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Kon Tum do các nghệ nhân dân tộc Giẻ Triêng đến từ huyện Đăk GLei với chủ đề Âm vọng cội nguồn. 

Với chủ đề Âm vọng cội nguồn, các nghệ nhân đã mang đến cho khán giả hình ảnh vùng đất Kon Tum thật thơ mộng, và bồi đắp phù sa bởi các dòng sông Đakbla, PoKo, Sesan, được che chở bởi núi rừng hùng vĩ như hòa quyện vào nhau lúc trầm lúc bổng, nồng nàn như men rượu, ấm như tình người, vang như tiếng chiêng, rộn  ràng như vòng xoang đêm hội.

Trên mảnh đất phía Bắc Tây Nguyên này người dân các dân tộc đoàn kết, chăm chỉ làm ăn với khát vọng xây dựng vùng đất Kon Tum ngày càng trù phú, giàu có và đậm đà bản sắc, chan chứa tình người, khát vọng đó luôn được thể hiện trong từng ánh mắt, trong từng nụ cười trong những tiếng cồng chiêng và làn điệu hát dân ca của người dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.

Người xem đã được thưởng thức tiết mục Cồng chiêng xoang: Mừng hội làng; Diễn tấu nhạc cụ: Đuổi chim của các nghệ nhân A Thu, A Khanh, A Khum; Cồng chiêng xoang: Mừng nhà rông mới. Đặc biệt với điệu hát dân ca Giữ rừng do nghệ nhân Y Phun thể hiện đã mang đến cho người nghe những câu hát da diết, nồng đậm tình cảm của người mẹ gửi dặn dò người con: Ơi con của mẹ ơi/ Sau này con khôn lớn/ Cho dù có đi bất cứ nơi đâu/ Đừng quên núi rừng nơi con sinh ra/ Không được lười biếng con nhé/ Chăm chỉ  siêng năng, chăm sóc rừng/ Rồi con sẽ thấy, ngày mai con sẽ thấy/ Thóc ngô đầy kho, ấm no nhà nhà/ Ơi con của me, con của buôn làng/ Hãy nhớ lời mẹ dặn/ Con gái phải gương mẫu, con gái phải đi đầu/ Yêu rừng núi quê hương mình/ Ngày mai sẽ tươi sáng hơn.

Các nghệ nhân tỉnh Kon Tum biểu diễn tại Liên hoan văn nghệ

Hay làn điệu hát giao duyên: Tình yêu do các nghệ nhân A Thu, A Khanh, A Khum thể hiện với những câu hát đậm chất trữ tình: Em ơi! nếu mà em muốn mình thành vợ chồng, Thì em phải biết múa xoang, dệt vải, siêng năng, trồng cây lúa cây bắp, để chúng ta cùng nhau nuôi trồng nhiều con heo con gà con bò. Mình yêu nhau thành vợ thành chồng, để ca ngợi sắc đẹp buôn làng, Chúng mình cùng xây dựng một mái ấm hạnh phúc/ Anh ơi anh? Từ nay về sau, Mình cùng chung sống chan hòa với thiên nhiên, với núi rừng, với buôn làng, mình cùng lên cái nương, cái rẫy tỉa bắp, trồng lúa, em dệt tấm vải đẹp, anh vào rừng sâu bắt con thú để chúng mình cùng thành vợ thành chồng/ Mình thành vợ chồng cùng nhau xây dựng hạnh phúc bên nhau, làm ra được nhiều lúa, thóc đầy kho, trâu bò đầy sân, được nhiều hạnh phúc cho buôn làng, anh đánh cồng chiêng, em múa xoang mình cùng nhau xây dựng buôn làng thêm giàu đẹp.

Tiếp nối, Đoàn Kon Tum đã trình diễn trang phục truyền thống, với sự xuất hiện của những chàng trai dân tộc Giẻ Triêng đến từ huyện Đăk Glei tỉnh Kon Tum. Theo truyền thống nam giới người Giẻ Triêng mặc khố, ở trần, để tóc ngắn hoặc đội khăn chàm theo lối chữ nhất trên đầu, có xâu lỗ tai, đeo hoa tai bằng gỗ quý, bằng tre ngà hoặc bằng ngà voi, trời lạnh thì mặc thêm tấm áo, khoác ngoài chéo qua vai, màu chàm có các sọc trang trí. Khố của người Giẻ Triêng là loại khố hẹp, dài, không có tua. Thân và các mép khố được viền và trang trí hoa văn ở hai đầu trên nền chàm. Đặc biệt, nam giới người Giẻ Triêng cũng đeo vòng cổ, vòng ngoài giống như chuỗi hạt vòng. Trong các dịp lễ Tết, đàn ông Giẻ Triêng mang thêm các tấm choàng rộng màu chàm có các màu sắc trang trí phủ kín thân.

Trang phục của người Giẻ Triêng được trình diễn trên sân khấu

Trang phục phụ nữ Giẻ Triêng không mang áo mà mang loại váy dài cao sát nách. Đây là loại váy ống tương đối dài rộng. Đầu váy giữa thân và gấu váy được trang trí các sọc hoa văn màu đỏ trên nền chàm. Lối mặc có tính chất vừa váy, vừa áo này là một đặc điểm rất khác biệt của phụ nữ Giẻ Triêng ít gặp ở các dân tộc khác từ Bắc vào Nam, rất cổ truyền và cũng không kém phần hiện đại. Váy được tạo nên từ 2 tấm vải bông, khâu ghép theo chiều rộng rồi khâu nối thành hình ống. Nền váy màu chàm đen, với các hoa văn trang trí kết hợp giữa màu đỏ và màu trắng. Váy dùng trong lễ hội thường có trang trí hoa văn đẹp. Khi mặc, phụ nữ Giẻ Triêng thường quấn váy cao ngang nách, che kín bộ ngực.

Phụ nữ Giẻ Triêng thường để tóc dài, quấn sau gáy và làm đẹp bằng nhiều loại trang sức như vòng bạc, đồng, chuỗi cườm, đeo cổ tay, chân và tai. Đối với tầng lớp phụ nữ khá giả, họ thường đeo hoa tai bằng ngà voi. Trong đó, nét độc đáo nhất trong trang phục truyền thống của đồng bào Giẻ Triêng là cả nam lẫn nữ đều sử dụng tấm áo khoác, một loại hình trang phục choàng quấn, mang dấu ấn cổ xưa.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

;