Nét đặc trưng văn hóa truyền thống các DTTS tại chỗ tỉnh Kon Tum

“Nét đặc trưng văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ tỉnh Kon Tum” là chuyên đề của Sở VHTTDL, Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum trưng bày tại Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum năm 2023.

Kon Tum là một tỉnh miền núi - biên giới, nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, là địa bàn sinh sống lâu đời của 7 DTTS tại chỗ: Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng, Gia Rai, Hrê, Rơ Măm và Brâu. Mỗi dân tộc cư trú từng khu vực khác nhau, mang những sắc thái văn hóa riêng tạo cho Kon Tum có một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Không gian trưng bày nét đặc trưng về văn hóa của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum - Ảnh: Tuấn Minh

Đến với không gian trưng bày, công chúng được tận mắt chiêm ngưỡng những nét đặc trưng về văn hóa của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum.

Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO chính thức ghi danh là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vào ngày 25-11-2005. Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên nói chung và các DTTS Kon Tum nói riêng, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hằng ngày của họ. Cồng chiêng được coi là tài sản quý, của cải vật chất để phân biệt được giàu nghèo của các gia đình. Dân tộc Brâu là một trong những dân tộc ít người, cư trú tại làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum hiện đang giữ gìn bộ Chiêng Tha như một báu vật của dân tộc mình.

Ngoài ý nghĩa âm nhạc, Chiêng Tha còn mang đậm dấu ấn tín ngưỡng. Theo tư duy của người Brâu, Chiêng Tha không phải là nhạc cụ mà là thần linh, vì vậy trong ngôn ngữ của người Brâu không có từ đánh chiêng mà dùng từ “Goh Tha Pơi” (mời Tha nói), và để mời Tha nói trước tiên phải làm lễ cho chiêng ăn, cho chiêng uống, bằng cách làm một con gà trống rồi dùng tiết và gan gà bôi vào mặt chiêng và tưới rượu cần lên chiêng. Chiêng Tha gồm 2 chiếc: chiêng vợ và chiêng chồng. Và để đánh chiêng thì cần có 2 người ngồi đối nhau và 4 dùi, 2 dùi đực được đánh vào lòng chiêng, và 2 dùi cái có hình dáng cổ ngỗng đánh vào mặt chiêng. Khi trình diễn, chiêng vợ lên trước và chiêng chồng hòa âm theo sau. Đặc biệt, Chiêng Tha chỉ sử dụng trong lễ chứ không sử dụng trong phần hội. Người Brâu xem Chiêng Tha như thành viên trong gia đình, được nâng niu và cất giữ rất kỹ, ít khi mang ra để trao đổi, buôn bán. Khi đánh chiêng, đồng bào có thê kết hợp cùng với các loại nhạc cụ khác như trống, đàn t’rưng, klong pút...

Ghè là một trong những thước đo gần như lớn nhất của đồng bào dân tộc. Trong tất cả các cuộc tế lễ thần linh hoặc cúng Giàng, ghè rượu luôn là vật trung tâm, có nhiệm vụ chuyển lời cầu khấn của con người đến với Giàng, đến với thần linh. Theo lời kể của các già làng và các chủ ghè, ghè đến với Kon Tum qua 3 đường: từ vùng Đông Bắc Thái Lan, sang Lào rồi sang Kon Tum qua con đường trao đổi, mua bán; từ các lò gốm truyền thống của các tỉnh vùng duyên hải miền Trung: Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định; từ Đồng Nai lên. Tất cả đều là qua trao đổi mua bán, một số ít là do cống nạp hoặc chiếm đoạt. Theo phong tục của người địa phương, khi gia đình có người chết, họ thường chôn theo ghè như ta gẫn hay gọi là chia của cho người chết, và những chiếc ghè sẽ được đập vỡ đáy, hoặc trên miệng.

Nghệ nhân Brôl Vẻ, người dân tộc Giẻ Triêng, ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi người đã chế tác được rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống dân tộc như Chiêng Sum, Trống, Khèn, Đinh tút... - Ảnh: Hồng Vân

Cũng tại không gian trưng bày, công chúng được biết đến nghệ nhân Brôl Vẻ, người dân tộc Giẻ Triêng, ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi người đã chế tác được rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống dân tộc như Chiêng Sum, Trống, Khèn, Đinh tút... Ông nắm vững các phong tục tập quán truyền thống của dân tộc mình. Hiện, ông đang chế tác nhạc cụ Tơ lun, một trong những loại sáo phổ biến, thường được thổi ở chòi rẫy, khi ngồi nướng bắp nướng mì một mình hoặc đôi ba người... Ống sáo dài, tiếng thanh trong, réo rắt. Ta len cũng là sáo, nhưng chỉ thổi khi quây quần uống rượu. Riêng sáo, già Brôl Vẻ đã chế tác và thành thạo sử dụng đến 5-6 loại. Sáo thổi lúc giữ rẫy không giống sáo thổi trên đồi trọc. Sáo thổi tưởng nhớ ông bà, cha mẹ, người đã khuất khác hẳn sáo thổi bên khung cửi của các bà, các cô miệt mài dệt vải. Không chỉ giỏi về sáo, các loại đàn truyền thống dân dã đã được già Brôl Vẻ dành nhiều tâm sức chế tác, bảo tồn và truyền dạy cho lớp con cháu trong làng.

Bộ sưu tập gùi của đồng bào DTTS tại chỗ ở Kon Tum với nhiều kiểu dáng khác nhau đã gắn bó với đồng bào như miếng cơm, manh khố. Chiếc gùi là sản phẩm của nghề đan lát do chính tay người đàn ông đảm nhiệm. Tùy vào mục đích sử dụng khác nhau mà người ta sẽ vót nan và đan thành những chiếc gùi lớn, nhỏ có kích thước, hình dáng và hoa văn khác nhau. Gùi có nắp dùng đựng những đồ vật quý giá trong gia đình như: váy, áo, đồ trang sức... Gùi có miệng lớn, phía dưới phình to, thon ở giữa thân. Thân gùi được đan 3 lớp, lớp ngoài cùng được trang trí những hoa văn rất công phu thường sẽ là họa tiết những ô trám lồng vào nhau, nằm ngang chạy thành dải (đây cũng là một phần quan niệm thẩm mỹ của đồng bào ta), lớp thứ 2 của gùi có nắp thường được lót bằng lớp lá đót (chít) để giữ cho gùi không bị thấm nước. Lớp trong cùng được đan dày hơn bằng nan lồ ô, không có hoa văn. Và phía trên có nắp gần giống như một chiếc nón lá. Cuối cùng là chân đế. Đây là loại gùi tiện lợi, thường chỉ để góc nhà hoặc gần chỗ ngủ.

Thông dụng hơn là những gùi đeo trên vai như balo, những gùi này thường chia làm các nhóm chính như gùi đi rẫy. Gùi không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng phải đảm bảo bền và chắc, thường được dùng để đựng lúa, củi, rau quả... Gùi thưa dùng để đi lấy nước, bẻ măng, đi nương, đi rẫy. Túi đi săn là túi được đeo sau lưng nhưng mỏng, gọn, nhẹ và dẹt để dễ dàng luồn lách qua những địa hình đồi núi, túi có 3 ngăn, ngăn giữa lớn nhất sẽ đựng thức ăn, 2 ngăn còn lại đựng mũi tên hoặc đồ dùng cần thiết. Có thể thấy chiếc gùi đứng đầu về sản phẩm đan lát của đồng bào DTTS tại chỗ ở Kon Tum cả về giá trị thẩm mỹ và giá trị sử dụng. Đan gùi là một trong những tiêu chuẩn của chàng trai để cô gái chọn làm chồng. Những thiếu nữ muốn được các chàng trai để ý thì phải biết dệt những chiếc áo đẹp.

Trang phục của dân tộc Hrê và Xơ Đăng được trưng bày tại Ngày hội

Tại không gian trưng bày, 2 bộ trang phục của dân tộc Hrê và Xơ Đăng được giới thiệu tới công chúng. Đồng bào DTTS qua quá trình lao động sáng tạo đã tìm ra những quả bông để kéo thành sợi và dệt áo, váy, khố, choàng. Trang phục của DTTS ở Kon Tum cơ bản là không khác nhau mấy, nữ mặc áo váy và nam mặc khố. Đa phần họ sẽ tập trung trang trí họa tiết ở những phần quan trọng trên cơ thể con người. Màu sắc trên trang phục chủ yếu là màu đen chàm, đỏ và trắng và cũng là sử dụng những màu sắc vốn sẵn có trong tự nhiên để nhuộm. Và để tôn lên được vẻ đẹp của trang phục, đồng bào đã sử dụng những trang sức để đeo trên người như bông tai, vòng tay, vòng chân hoặc chuỗi cườm bằng đồng, nhôm... nhà nào có điều kiện họ sẽ sử dụng bông tai bằng ngà voi, những trang sức này phải trao đổi bằng vật chất hoặc heo, gà mới có được.

Bên cạnh đó, tại không gian trưng bày còn có một số hình ảnh về đời sống lao động sản xuất và đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS sinh sống tại chỗ ở Kon Tum. Ngoài ra, những hình ảnh như nhà thờ gỗ, tòa giám mục, khu du lịch sinh thái Măng Đen... đã giới thiệu tới du khách những điểm đến du lịch nổi tiếng của Kon Tum.

HỒNG VÂN

;