Trong khuôn khổ Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum, đồng bào dân tộc K’Ho huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã giới thiệu với khán giả những món ăn dân dã, đời thường gắn liền với đời sống của người dân nơi đây.
Giới thiệu với du khách về các món ăn, Già làng K’ Thế - dân tộc K’ Ho chia sẻ: Chúng tôi rất vui mừng được mang đến với du khách những món ăn dân dã nhưng đậm chất truyền thống của dân tộc K’ Ho . Đó là những món ăn truyền thống mà người dân chúng tôi đã được sử dụng trong đời sống thường nhật, có từ lâu đời và vẫn gắn liền đến ngày hôm nay.
Già làng K' Thế (thứ hai, bên phải sang) giới thiệu với du khách về món ăn của dân tộc K' Ho tỉnh Lâm Đồng
Nói về món cà đắng da trâu, già làng K’ Thế cho biết đây là món ăn truyền thống của người dân bản địa nơi đây, thường được nấu nhiều vào dịp Tết nguyên đán hay trong đám cưới, đám hỏi để đãi khách. Cách làm khá cầu kỳ và mất nhiều công sức. Đầu tiên: da trâu để nguyên lông phơi ngoài nắng 2 đến 3 tuần sao cho thật khô, càng phơi nhiều ngày thì da càng thơm ngon, có khi phơi cả tháng. Sau khi da được phơi khô, là đến công đoạn thui da trâu . Để có hương vị đặc trưng, da trâu phải được thui bằng bếp củi cho cháy đen, sau đó dùng búa đập cho da bong hết phần cháy bên ngoài, quan trọng nhất là vừa đập vừa cạo bỏ phần bẩn. Công đoạn này rất quan trọng vì phải căn được độ cháy của da và đập làm sao cho da nở ra và cắt khúc nhỏ vừa ăn. Trước khi chế biến, da được ngâm vào nước lọc qua một đêm. Cuối cùng nấu cùng cà dẻo, cà đắng và ớt sao cho da vừa nhừ tới…
Món cá lóc nướng là một món được người dân sử dụng thường xuyên trong các bữa cơm của gia đình. Để món ăn thơm ngon và hấp dẫn, người dân bản địa để nguyên con để nướng. Những con cá lóc đồng được nướng bằng rơm, độ lửa vừa phải, và làm sao cho vảy cá cháy đen. Sau đó, sẽ cạo bỏ lớp vảy ngoài, phần thịt cá thì chín đều và có hương vị thơm ngon. Đặc biệt, để món cá lóc nướng đậm đà, hấp dẫn, người dân sử dụng gia vị chấm, được làm từ muối giã với ớt hiểm hay còn gọi là ớt thóc được hái từ rẫy về, cùng với lá é dại tạo nên vị thơm riêng biệt…
Một món ăn được người dân sử dụng nhiều đó là gà nướng. Đây là món ăn dân dã quen thuộc đối với người dân nơi đây. Gà được nuôi thả ở vườn có vị thơm ngon, được nướng trên bếp lửa than. Sau khi gà chín, vàng đều được chấm với muối ớt tiêu xanh và chanh, tạo nên sự hấp dẫn và được nhiều người yêu thích.
Giống như các dân tộc anh em vùng Tây Bắc, người dân nơi đây cũng có cơm lam ống tre. Gạo nấu cơm lam phải là gạo nếp rẫy, sau khi ngâm nước qua đêm thì sẽ bỏ vào ống tre. Ống tre nấu cơm là ống tre không quá non cũng không quá già, sau khi bỏ gạo vào ống tre thì cho thêm chút nước và đặt quanh bếp lửa cho cơm lam chín từ từ. Cơm chín, ăn có độ dẻo, thơm và rất ngon..
Già làng K’ Thế cũng chia sẻ, những món ăn đều quen thuộc và tìm được trên nương, rẫy, núi rừng, đặc biệt với món lá bếp prung được hái trong rừng sâu, đây là rau tự nhiên, không thể trồng. Lá bếp chỉ có người già mới hái được, bởi họ có kinh nghiệm nên mới phân biệt được giữa rau ăn được hay lá độc. Rau bếp brung đã gắn với thời kỳ chống Mỹ cứu nước, “lá bếp rau rừng thêm mối tình anh nuôi”, trong thức ăn của người chiến sĩ ngày ấy luôn có món rau này. Đây cũng là loại rau có nhiều dưỡng chất đối với sức khỏe của con người.
Lá bếp là món ăn có thể chế biến với nhiều cách khác nhau, như: lá bếp non thường được nấu cháo xương, hoặc nấu trong ống tre. Còn lá bếp già thì cũng có 2 cách nấu, đó là thái sợi nấu luôn hoặc phơi khô để giành và cất trong hũ. Hoặc được giã nát cùng với ít gạo cho có độ sệt, với cách chế biến này, món ăn có hương vị ngon nhất, đặc biệt khi ăn cùng với cá hoặc tôm, tép được bắt từ suối về.
Thịt trâu khô là món ăn được người dân nơi đây làm vào dịp giáp Tết nguyên đán để đãi khách. Để có món thịt trâu khô, đến gần Tết, vài nhà góp lại mổ 1 con trâu... Thịt thường được chia nhỏ thành sợi, sau đó mang ra ướp muối tiêu rừng và treo trên gác bếp để khô tự nhiên. Sau đó sẽ mang ra nướng và xé thành sợi để đãi khách…
NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH