Đi xuyên Việt để thêm yêu đất nước

Trên hành trình 99 ngày của chuyến đi xuyên Việt một mình lần đầu tiên trong cuộc đời, ca sĩ Bông Mai đã khám phá được thật nhiều điều về văn hóa, trang phục và cuộc sống của người phụ nữ dân tộc thiểu số. Chị trò chuyện cùng chúng tôi.

Trang phục là tính cách và tình cảm của phụ nữ

Phụ nữ đi xuyên Việt không phải hiếm nên đến lượt chị, nhiều người cũng không lấy làm bất ngờ hay ngạc nhiên, thậm chí nhiều người còn nghĩ chị đang “làm màu”?   

Đúng là như thế. Trước khi tôi lên đường, nhiều ý kiến của cộng đồng mạng đã cho rằng, tôi “làm màu” vì phụ nữ đi xuyên Việt không thiếu, hoặc chuyến đi có gì đáng để nhắc tới đâu vì chỉ việc xách ba lô lên… ô tô và cũng có không ít nghi ngại rằng, phụ nữ sẽ đóng góp được gì cho cộng đồng, xã hội từ chuyến đi này? Tôi chỉ chọn cách im lặng để bước vào hành trình đơn độc. 

Tôi đi xuyên Việt để mang lại một góc nhìn khác về đời sống của đồng bào dân tộc. Đặc biệt là với dân tộc ít người biết đến, cần phải đi vào tận vùng sâu vùng xa mới gặp được và tìm hiểu về họ. 

Ngay từ trước khi chuyến đi chưa bắt đầu, chị đã chọn đề tài trang phục dân tộc làm mạch đi xuyên suốt cho hành trình xuyên Việt. Chị hẳn có những lý do cho sự lựa chọn của mình?

Bản thân là phụ nữ, hơn nữa, lại là một nhà báo về lĩnh vực văn hóa nên, ngay từ đầu, tôi đã chọn đề tài tìm hiểu về trang phục của phụ nữ dân tộc. Tôi đã dành ba tháng trước khi đi để đọc và tìm hiểu về văn hóa vùng cao. Quả thật, qua tìm hiểu, tôi mới thấy nhiều nét văn hóa đặc sắc từ các bộ trang phục như thế. Để tạo nên chúng, người phụ nữ dân tộc đã tự tay làm các công đoạn nhuộm vải, dệt vải. Người phụ nữ vừa dệt vải, vừa hát những bài ca ngợi gia đình, thiên nhiên rộng lớn. Như vậy, trang phục không còn là bộ quần áo để mặc mà là nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt của cộng đồng dân tộc. Trang phục đã thể hiện tính cách, tình cảm của người phụ nữ. Sự tỉ mỉ, khéo tay đều thể hiện trên trang phục. Trước đây, tôi không biết về điều này và cũng không mấy để tâm tới nó. 

Nhưng sau khi “mục sở thị”, chị có bất ngờ về khoảng cách giữa tư liệu và thực tế? 

Thực tế khác xa tài liệu! Tôi đã khá bất ngờ khi một trang web uy tín nói rằng, trang phục dân tộc La Ha giống hệt trang phục Thái. Về mặt tổng thể, trang phục của hai dân tộc nhìn rất giống nhau vì vùng Tây Bắc chịu ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa của người Thái. Trong khi người Thái là một cộng đồng đông đảo và có tầm ảnh hưởng, ngược lại, về cộng đồng người La Ha, rất ít người biết, hiểu văn hóa của họ. Nhưng không vì thế mà nói rằng, trang phục người La Ha giống hệt trang phục người Thái. Cùng khăn Piêu nhưng cách quàng của người La Ha khác với người Thái, cùng là một đai buộc nhưng đai buộc của người La Ha rất khác với người Thái. Vì thế, tôi phải dùng từ “tôn trọng sự khác biệt văn hóa”, dù chỉ là một chi tiết thôi nhưng những thông tin chúng ta đưa ra cho mọi người cũng cần phải thể hiện rõ sự khác biệt đó... Quả là tôi cần phải bổ sung những kiến thức thiếu hụt bằng nhiều chuyến đi thực tế. Làm văn hóa cần nghiêm túc, không thể đút chân vào gầm bàn rồi lướt internet để tìm hiểu.

Hành trình xuyên Việt là hành trình Bông Mai được thành trẻ con, được chơi đùa vô tư, hồn nhiên

Điều thú vị nhất của chị từ chuyến đi xuyên Việt ấy?

Tôi đã đi được và kết thúc hành trình trong 99 ngày với việc tìm hiểu 53 bộ trang phục đồng bào các dân tộc Việt Nam và 49 làn điệu dân ca. Với số tư liệu này, tôi sẽ dùng dần dần cho các dự án, các bài báo giới thiệu về văn hóa vùng cao. Cũng trong chuyến đi ấy, tôi gặp rất nhiều trẻ con. Nếu lập một danh sách “đệ tử” thì sẽ rất dài (cười). Nếu để nói về một khoảnh khắc đáng nhớ trong chuyến đi, tôi sẽ nhớ tới lúc tôi dừng xe bên vệ đường để chơi nhảy dây với trẻ con. Lâu lắm rồi, tôi mới cười một trận vui như thế! 

Văn hóa bản địa và phát triển kinh tế

Bên cạnh những điều thú vị, chuyến đi có đọng lại trong chị những nỗi niềm?

Trong chuyến đi này, tôi đã gặp nhiều trẻ em gái dân tộc, tuổi còn đang trên ghế nhà trường nhưng đã bỏ học để ở nhà phụ giúp gia đình và lấy chồng sớm rồi sinh con. Tôi đã đi theo chân một cô gái còn rất trẻ, trẻ hơn con gái của tôi nhưng đã có bốn con, lên nương làm rẫy. Con của cô ấy mới chỉ một tuổi rưỡi đã phải tự đi trên con đường gồ ghề, khúc khuỷu ấy vì ở nhà không có ai trông. Nhiều người phụ nữ dân tộc nhìn rất già nhưng khi hỏi thì hóa ra họ ít tuổi hơn tôi thật nhiều. Những người phụ nữ ấy đã phải dành cả tuổi thanh xuân cho cuộc sống gia đình. Tôi đã gặp Mua, một cô bé dân tộc 9 tuổi bị liệt, từ khi em còn mấy tháng tuổi sau một trận sốt. Mẹ Mua sinh ra em khi còn quá trẻ, kinh nghiệm sống còn ít đôi khi sự chăm sóc bản thân còn hạn chế thì việc chăm sóc những đứa trẻ sẽ khó tránh khỏi những hệ luỵ đáng tiếc do những thiếu hụt về kiến thức. Những câu chuyện này kể ở đây để thấy, hệ lụy của việc không được giáo dục, không được học hành sẽ dẫn tới những việc đau lòng như thế. Vòng luẩn quẩn này rất rõ, quá nghèo thì bỏ học, tập trung đi kiếm tiền, lập gia đình sớm, nạn tảo hôn… Tôi không muốn những đứa trẻ, những cô gái dân tộc làm mẹ quá sớm! Tôi đã khóc rất nhiều khi gặp họ và mong muốn các em được đến trường giống như con gái tôi. 

Theo chị, có thể có cách nào để thúc đẩy văn hóa vùng cao phát triển, nhằm giúp đỡ phụ nữ và trẻ em gái dân tộc?

Tôi không nghĩ mình nên thực hiện các dự án từ thiện hay trực tiếp cho tiền các em gái có hoàn cảnh khó khăn. Tôi nghĩ, mình nên cho các em cái cần câu thay vì cho các em con cá. Những hoạt động từ thiện chỉ có tính tức thời, hết thời gian đó là hết miếng bánh, người ta lại quay lại với cuộc sống khó khăn. Chúng ta cần đào tạo phụ nữ và trẻ em gái trong chính cộng đồng đó trở thành những con người có thể kiếm tiền trên chính mảnh đất quê hương mình. Nhưng trước hết, chúng ta cần làm cho họ nhận thức được giá trị bản thân mình như chủ sở hữu của văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Bằng các bài báo giới thiệu về văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số sẽ làm các em tự tin vào bản thân, có ý chí, quyết tâm để xây dựng cuộc sống trong tương lai.

Em bé Mua cùng Mẹ và bà nội, bà ngoại - những người phụ nữ Mông ở Hà Giang

 Khi đến Hoài Khao (Cao Bằng), tôi chỉ định ở đó một ngày nhưng cuối cùng lại ở đến ba ngày. Vì khi tôi đến, gia đình họ đang chuẩn bị làm homestay, tôi đã nán lại để giúp họ sắp xếp. Tôi đã tìm kiếm sự giúp đỡ của một nghệ nhân dạy cô gái Dao Tiền, vợ của chủ homestay biết làm bánh cuốn Cao Bằng. Món bánh đầu tiên thành công, cô ấy đã chụp ảnh và gửi tới tôi với lời cảm ơn chân thành. Tôi nghĩ, Số tiền mà tôi có cơ hội để giúp Liên đi học không quá lớn nhưng tôi hy vọng đã mang lại cho Liên một công việc giúp cô ấy chủ động trong việc kiếm tiền, sinh sống bằng món bánh cuốn Cao Bằng nổi tiếng - quê hương của Liên.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

THU CÚC (thực hiện)

Nguồn: Tạp chí VHNT số 511, tháng 9-2022

;