Đêm nhạc “Dòng chảy” - những câu chuyện được kể bằng âm nhạc truyền thống

“Dòng chảy” là đêm nhạc nghệ thuật truyền thống do FPT Edu tổ chức vào những ngày cuối tháng 6 vừa qua. Điều đặc biệt của chương trình là sự xuất hiện của các nghệ sĩ trong CLB Đình làng Việt. Sự kết hợp của những người yêu nghệ thuật truyền thống đã mang đến cho các bạn trẻ Trường Đại học FPT những câu chuyện thú vị về âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Bản hòa tấu đại nhạc Mã Vũ xàng xê do sinh viên Đại học FPT trình diễn đã mở màn cho "Dòng chảy"

Tổ chức Giáo dục FPT nói chung và FPT Edu nói riêng luôn đề cao các giá trị nghệ thuật  đó là lý do các bạn sinh viên không những được học các môn học chuyên ngành mà bên cạnh đó còn  học các môn học khác như: võ thuật và nhạc cụ dân tộc. Năm 2022, FPT Edu đã tổ chức cuộc thi âm nhạc dân tộc với tên gọi “FPT Tích tịch tình tang”, và Dòng chảy là một trong những sự kiện của cuộc thi. Đêm nhạc Dòng chảy đã trở thành dấu ấn đối với cán bộ, giảng viên của FPT edu, qua đó góp phần nâng cao sự hiểu biết cũng như tình yêu đối với văn hóa dân tộc nói chung, âm nhạc truyền thống nói riêng của các bạn trẻ.

Nhà nghiên cứu văn hóa, TS Trần Đoàn Lâm chia sẻ về lịch sử của các làn điệu quan họ

Đêm nhạc Dòng chảy đã mang đến cho người nghe những câu chuyện được kể bằng giai điệu của âm nhạc và lời ca. Các màn trình diễn với sự phối hợp giữa các loại hình nghệ thuật như chèo, xẩm, hát văn... cùng nhạc cụ dân tộc: sáo, đàn nhị, đàn tranh, đàn bầu, trống… được CLB Đình làng Việt, các sinh viên và giảng viên Trường Đại học FPT trình diễn đã mang đến sức hấp dẫn, lắng đọng, tái hiện một phần văn hóa truyền thống của dân tộc.

Vũ Đình Tuấn và Bạch Yến trong trích đoạn chèo "Quân tử vu dịch"

Trong không gian ấm cúng tại thư viện của nhà trường, trên chiếc chiếu được trải giữa sân khấu, cán bộ, giảng viên, sinh viên đã được nghe những câu chuyện về âm nhạc dân tộc. Đó là, những câu chuyện thú vị về bộ môn nghệ thuật gắn với dòng sông Kinh Bắc - quan họ của nhà nghiên cứu văn hóa Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm; làn điệu Gọi đò của họa sĩ Vũ Đình Tuấn; làn điệu xẩm Quyết chí tu thân kết hợp với tiếng đàn bầu cổ của kiến trúc sư Hoàng Hữu Hùng; chàng trai người Tày - Hoàng Hiến cây đàn tính, đặc trưng văn hóa của người Tày với Tổ khúc non xa xa; tiếng ca vùng sông Hương, núi Ngự trong tổ khúc Huế Hò mái nhìHành vân được thể hiện bởi ca sĩ Trần Trung; trích đoạn chèo Quân tử vu dịch, nằm trong vở chèo kinh điển Lưu Bình - Dương Lễ dưới sự thể hiện của Vũ Đình Tuấn và Bạch Yến; điệu chèo cổ Luyện năm cung của NSND Đoàn Thanh Bình.

Thầy Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, TS Nguyễn Khắc Thành chia sẻ về mong muốn của nhà trường khi cho các em học nhạc cụ truyền thống

Góp phần cho sự thành công của đêm nhạc, phải kể đến các thành viên của câu lạc bộ Đình làng Việt. Họ là những “nghệ sĩ không chuyên”, đến từ nhiều ngành nghề như: nhà nghiên cứu văn hóa, giảng viên, họa sĩ, kỹ sư, nhà văn… nhưng có một niềm đam mê chung là yêu âm nhạc truyền thống. Có những thành viên trong câu lạc bộ có thể “chơi” nhiều nhạc cụ như: nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đoàn Lâm với đàn tranh, nhị… hay chàng kiến trúc sư trẻ Hoàng Hữu Hùng có thể sử dụng thông thạo đàn bầu, nhị, đàn nguyệt… như một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tình yêu đối với âm nhạc truyền thống của các thành viên Đình làng Việt không chỉ “gói gọn” trong câu lạc bộ, mà được họ “mang” đến nhiều vùng, miền, góp phần nhỏ bé lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc đến với người dân trên cả nước.

NSND Đoàn Thanh Bình và các thành viên Đình làng Việt thể hiện điệu chèo cổ "Luyện năm cung"

Sự yêu mến âm nhạc truyền thống đã giúp những người thực hiện Đêm nhạc tổ chức thành công và mang đến nhiều cung bậc cảm xúc đối với cán bộ, giảng viên, sinh viên FPT Edu. Cũng trong đêm diễn, thầy giáo - Hiệu trưởng trường Đại học FPT, TS Nguyễn Khắc Thành đã xúc động chia sẻ lý do vì sao Đại học FPT muốn các sinh viên học nhạc cụ dân tộc, “FPT là tổ chức cung cấp năng lực cạnh tranh toàn cầu, mong muốn những người học tập tại đây góp phần mở mang trí tuệ của đất nước. Lý do vì sao chúng tôi muốn các em học các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu… Vì chúng tôi muốn các em sinh viên khi bước ra thế giới luôn luôn có một tiếng đàn bầu”.

 Độc tấu đàn Tỳ bà với bài "Khúc nhạc miền Trung" do sinh viên Vũ Đình Đức và các giảng viên Trường Đại học FPT thể hiện

Việc đưa giảng dạy âm nhạc truyền thống trở thành môn học bắt buộc của Đại học FPT là một hướng đi đúng đắn và cần có sự “lan tỏa” đối với các trường học trong cả nước. Điều đó sẽ góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc nói chung, âm nhạc truyền thống nói riêng đối với các bạn trẻ. Với những “Dòng chảy” nghệ thuật, tình yêu âm nhạc sẽ thấm dần vào các thế hệ học sinh, sinh viên, điều đó làm cho bản sắc văn hóa Việt Nam không bị phai mờ, mà được lưu truyền, gìn giữ cho các thế hệ mai sau.

Bài: NGỌC BÍCH - Ảnh: NGUYỄN HIẾU

;