Bế mạc Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2021 (Đợt 2)

Tối ngày 30-6, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra Lễ Bế mạc Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2021 (Đợt 2). Liên hoan được Bộ VHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Dự Lễ Bế mạc có: Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan Tạ Quang Đông; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan H’Yim Kđoh; Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban Tổ chức Liên hoan, NSƯT Trần Ly Ly; Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk Thái Hồng Hà; cùng các nghệ sĩ, diễn viên và khán giả yêu mến nghệ thuật. 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại Lễ Bế mạc

Phát biểu tại Lễ Bế mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: “Tôi rất mừng khi ở Liên hoan lần này có nhiều chương trình ca, múa, nhạc đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng. Đặc biệt, nhiều chương trình mang tính sáng tạo, mới mẻ từ dàn dựng, âm nhạc, phối khí, biên đạo, âm thanh, ánh sáng, màn hình Led, đến phong cách thể hiện… Sự kết hợp tổng thể các yếu tố này mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được sự tinh hoa, tinh tế của các thể loại ca múa nhạc, vũ kịch. Tôi biểu dương các đơn vị nghệ thuật với ý thức trách nhiệm cao, đã quan tâm thỏa đáng về vật chất, đầu tư về chuyên môn để các chương trình có chất lượng tốt, cho thấy sự nỗ lực thích ứng linh hoạt, an toàn trong tình hình mới của ngành Nghệ thuật biểu diễn hiện nay”.

Thứ trưởng cũng chia sẻ: “Năm 2021 vừa qua, khi Hội nghị Văn hóa toàn quốc được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định tổ chức đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa gắn với xây dựng con người Việt Nam. Chỉ khi nhiệm vụ xây dựng văn hóa nghệ thuật trở thành thường trực, nền tảng văn hóa trở thành tự nhiên, trong mỗi cộng đồng, mỗi con người thì khả năng chọn lọc cái tinh tế, cái tốt đẹp sẽ trở thành lá chắn mềm loại trừ cái xấu, cái phản cảm, đó chính là sức mạnh nội sinh của văn hóa nghệ thuật. Chính vì vậy, thông qua Liên hoan lần này, tôi đề nghị lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cần chủ động thay đổi, mở rộng tư duy, mạnh dạn hành động, tiếp tục chú trọng, tập trung mọi điều kiện tốt nhất để xây dựng những chương trình ca múa nhạc đạt chất lượng cao cả về nội dung và nghệ thuật, đáp ứng sự trông đợi của khán giả và nhân dân”.

NSND, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài đánh giá chất lượng của các chương trình, vở diễn tại Liên hoan

Thay mặt Hội đồng nghệ thuật, NSND, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài đánh giá về chất lượng của Liên hoan: “Có thể thấy, bên cạnh những tác phẩm bám chắc vào chất liệu bản sắc của từng vùng miền, là những tác phẩm sử dụng ngôn ngữ đương đại một cách sáng tạo không rập khuôn cứng nhắc, tạo nên một bức tranh đa sắc trong nền âm nhạc và múa Việt Nam. Ngoài ra, cũng phải kể đến những đóng góp tuyệt vời của dàn nhạc (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Đoàn Văn công Quân khu 7, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen TP.HCM…). Hội đồng nghệ thuật cũng nhận thấy hai đoàn ba lê của Nhà hát Giao hưởng - Nhạc vũ kịch TP.HCM và Nhà hát Vũ kịch Việt Nam với năng lượng dồi dào luôn chứng minh khả năng dựng kịch múa. Chương trình của họ đã chạm vào cảm xúc người xem, đồng thời đạt độ chuẩn xác vươn tầm quốc tế”.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trao giải cho các tác phẩm đoạt giải Xuất sắc tại Liên hoan

Bên cạnh đó, NSND, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại như: “Dễ dãi trong việc sử dụng hình ảnh tư liệu, lạm dụng hình ảnh độ dài trong vấn đề gây hiệu ứng về thị giác, khâu biên tập bộc lộ sự chắp vá, khâu đặt bài sáng tác mới cần được chú trọng để đạt được chất lượng phù hợp với chủ đề chương trình”.

Kết quả của Liên hoan: Ban tổ chức đã trao 3 Giải Xuất sắc: vở ballet Hàm Lệ Minh Châu - Nhà hát Vũ kịch Việt Nam; vở Vũ kịch Kiều - Nhà hát Giao hưởng - Nhạc Vũ kịch TP.HCM; vở Nhạc kịch Người cầm lái - Nhà hát Công an nhân dân.

7 Huy chương Vàng được trao các chương trình: Rạng rỡ vinh quang - Sao vàng tỏa sáng - Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân Đội;  Sen trắng - Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân tộc Bông Sen; Nẫu - Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Sao Biển tỉnh Phú Yên; Sắc - Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An; Những bức tranh Bazan đỏ - Đoàn Ca Múa Dân tộc tỉnh Đắk Lắk; Đất mẹ miền đông - Đoàn Văn công Quân khu 7 và Bình Dương - Đất ấm - Tình người - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bình Dương.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh trao giải cho các chương trình giành Huy chương Vàng

Ngoài ra, Ban Tổ chức trao 4 Huy chương Bạc và 4 Huy chương Đồng cho các chương trình, vở diễn; 45 Huy chương Vàng, 61 Huy chương Bạc và 18 Huy chương Đồng cho giải Tiết mục, diễn viên.

Giải xuất sắc cho các thành phần sáng tạo gồm: Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc NSƯT Nguyễn Thị Bích Hạnh (Hồng Hạnh) - Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội; Nhạc sĩ phối khí xuất sắc Tiến Đạt (Đạt Kìm) - Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân tộc Bông Sen; Biên đạo múa xuất sắc NSƯT Thanh Tùng - Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An; Diễn viên nam múa chính xuất sắc NSƯT Phan Văn Lương - Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam; Diễn viên nữ múa chính xuất sắc Phạm Thu Hằng - Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam; Nhạc công dân gian xuất sắc Kiên Via Sa Na - Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh; Nhạc sĩ xuất sắc Tạ Duy Tấn - Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.

Vở Nhạc kịch "Người cầm lái"

Vở ballet "Hàm Lệ Minh Châu" 

Vở Vũ kịch "Kiều"

Với sự tham gia của hơn 1000 nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ đến từ 22 đơn vị nghệ thuật trong cả nước, Liên hoan thực sự là cơ hội để các nghệ sĩ hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật ca, múa, nhạc được giao lưu, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghề nghiệp; đồng thời là dịp để cơ quan quản lý văn hóa và lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật phát hiện những tài năng trẻ, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển trong thời gian tới. 

NGỌC BÍCH - Ảnh: Cục NTBD

 

;