Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: “Không khí điện ảnh là điều quan trọng nhất ở một liên hoan phim!”

Gặp đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh khi anh dự hội thảo “Tiêu điểm điện ảnh Đức” và tham gia sôi nổi trong phiên thảo luận, anh đã chia sẻ những cảm xúc của mình khi tham dự Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội VII lần này. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã có những chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh và ê-kíp làm phim “Ngày xưa có một chuyện tình” tại LHP Quốc tế Hà Nội VII - Ảnh: Đào Anh Vũ

Cảm xúc của anh thế nào khi bộ phim điện ảnh “Ngày xưa có một chuyện tình” được chọn vào hạng mục Phim dài dự thi và được chiếu khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội VII?  

Đây quả thực là một vinh dự rất lớn cho đạo diễn và ê-kíp làm phim, vì để chọn một bộ phim như vậy, Ban tổ chức đã phải đắn đo suy nghĩ rất nhiều yếu tố. Với Ngày xưa có một chuyện tình là một bộ phim hướng tới khán giả nhưng nó cũng có những nét rất riêng về mặt thể hiện. Khi được chiếu ở một LHP quốc tế, nó sẽ là một cơ hội để với những nhà làm phim, khách mời quốc tế lần đầu tiên đến Việt Nam thấy được những hình ảnh ngày xưa cách đây 20, 30 năm Việt Nam như thế nào. Họ sẽ được chứng kiến một cuộc sống êm đềm đã xa, hẳn sẽ rất khác so với ấn tượng khi mới xuống sân bay Nội Bài và đi vào thành phố.

Bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” hiện đang được chiếu tại rạp và vừa đạt doanh thu cao ngay trong tuần đầu tiên khởi chiếu. Nhiều người đang kỳ vọng về bộ phim khi đại diện nước chủ nhà Việt Nam dự tranh giải ở LHP lần này, cá nhân anh có chút kỳ vọng nào không?

Để tham dự tranh giải tại một LHP quốc tế thì phim nào cũng có điểm mạnh riêng. Tôi rất hy vọng BGK sẽ cảm thấy thích một điểm nào đó của bộ phim, ví dụ diễn xuất, kịch bản hay một yếu tố khác. Mỗi bộ phim đều có cơ hội riêng của nó!

Anh có xem những bộ phim khác cùng hạng mục Phim dài dự thi không?  

Tôi đã xem được hai bộ phim nhưng những phim cùng hạng mục Phim dài dự thi thì chưa xem được phim nào. Chắc chắn sẽ không thể xem hết nhưng tôi sẽ cố gắng xem khoảng 3, 4 phim dự thi, tức là từ 2 đến 3 phim mỗi ngày. Tham dự LHP, điều quan trọng là mình được giới thiệu tác phẩm của mình và được nghe nhận xét không chỉ từ BGK mà còn từ bạn bè quốc tế và các nhà làm phim đồng nghiệp. Bên cạnh đó còn có cơ hội được xem rất nhiều các tác phẩm mới, quan trọng của điện ảnh thế giới, đặc biệt là ở hạng mục Phim dự thi nên tôi sẽ tận dụng cơ hội này và xem thật nhiều phim.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh

Có một hoạt động quan trọng tại LHP là Chợ dự án, anh có quan tâm đến những dự án phim tham dự không?

Bộ phim điện ảnh đầu tay của tôi Thưa mẹ con đi đã được cất cánh lên từ Chợ dự án trong chương trình “Gặp gỡ mùa thu” của đạo diễn Phan Đăng Di, nhà sản xuất Nguyễn Thị Bích Ngọc, tôi luôn biết ơn vì điều đó. Chợ Dự án luôn là một điểm khởi đầu rất tốt cho một dự án để nó được giới thiệu đến các nhà sản xuất, nhà đầu tư và cả những người sáng tạo tiềm năng để họ có thể đồng tham gia vào dự án đó. Tôi sẽ tham gia vào những buổi thuyết trình dự án và đang rất nóng lòng muốn biết, năm nay các đạo diễn sẽ đem đến giới thiệu những dự án phim như thế nào.

Anh thích nhất những hoạt động nào trong LHP lần này?

Chiếu phim luôn là hoạt động quan trọng nhất tại một LHP, bên cạnh đó, sau những buối chiếu phim mình có thể được gặp gỡ các nhà làm phim. Đây là cơ hội lớn để được trao đổi mọi điều, được đắm chìm trong không khí điện ảnh. Không khí điện ảnh đậm đặc là điều quan trọng nhất ở một LHP.

Những hội thảo trong khuôn khổ LHP mang lại điều gì cho những nhà làm phim, nhất là những nhà làm phim trẻ?

Những nhà làm phim trẻ có thể có người còn chưa xác định được con đường phía trước như thế nào, những hội thảo như một đường dẫn để họ bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn nhiều điều, từ đó hoạch định cho sự nghiệp của mình. Buổi hội thảo với chủ đề “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học” là một đề tài rất thú vị, tôi nghĩ sẽ thu hút sự chú ý của giới làm nghề. Với các nhà làm phim thì chất liệu trong văn học và chuyển thể văn học luôn rất quan trọng. Điện ảnh  là những câu chuyện và trong việc tìm tòi những câu chuyện, những ý tưởng thì văn học luôn là nguồn chất liệu dồi dào. Thế nên để cả hai ngành này có thể cùng phát triển thì cần có sự phát triển đồng bộ và bắt tay hợp tác cùng nhau.

Cảnh phim “Ngày xưa có một chuyện tình”

Theo anh, LHP quốc tế Hà Nội có vai trò như thế nào với sự phát triển của điện ảnh Việt Nam?

LHP quốc tế Hà Nội luôn là một thành phần quan trọng của hệ sinh thái bao gồm cả nền công nghiệp điện ảnh với những bộ phim đa dạng cả về đề tài, thể loại. Càng có  những LHP quốc tế có tầm vóc thì vị thế của điện ảnh Việt Nam càng được nâng cao. Bởi sẽ đón được nhiều bộ phim quốc tế quan trọng, nhiều nhà làm phim tiếng tăm và đó cũng là cơ hội để giới thiệu những bộ phim mới, gương mặt mới, giọng kể mới của điện ảnh Việt Nam đến với quốc tế.

Anh nghĩ như thế nào về vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, châu Á cũng như trên thế giới những năm gần đây?

Những năm gần đây điện ảnh Việt Nam đã có một số bộ phim đạt được những giải thưởng quan trọng, đặc biệt là giải thưởng cho phim đầu tay ở các LHP lớn bậc nhất thế giới. Bên cạnh đó rất nhiều bộ phim được phát hành ở những thị trường trong khu vực, ở Úc hay Hoa Kỳ… Nhưng đó mới là sự khởi đầu, điện ảnh Việt cần phải làm nhiều hơn nữa để ghi dấu ấn mạnh mẽ hơn như cách mà điện ảnh Thái Lan đã làm để có một dấu ấn rất rõ nét trong khu vực. Điện ảnh Việt sẽ cần từng bước như vậy để bắt kịp Thái Lan và sau đó sẽ dần tiệm cận với Hàn Quốc.

Cảm ơn anh và chúc anh thành công!

NGÔ HỒNG VÂN thực hiện

;