Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 8-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp
Xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trình bày Tờ trình số 351/TTr-CP ngày 4-7-2024 của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Theo Tờ trình, xây dựng Dự án Luật nhằm thể chế hóa văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến văn hóa, công nghiệp văn hóa và xây dựng pháp luật; khắc phục những bất cập, hạn chế sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012, như: Một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển về kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập; quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành khác.
“Để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển thì việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về mục đích, quan điểm xây dựng Dự án Luật, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo.
Tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển. Bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan. Nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo.
Xây dựng Dự án Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; thực hiện hiệu quả các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quảng cáo còn vướng mắc, khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn, bổ sung các vấn đề mới phát sinh; luật hóa các quy định, cơ chế đã được thực tiễn khẳng định phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hoàn thiện cơ chế, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh quảng cáo.
Thực hiện nguyên tắc thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước; phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương; cải cách thủ tục hành chính.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, được kế thừa các quy định về phạm vi điều chỉnh tại Luật Quảng cáo năm 2012, Dự án Luật quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Đối tượng áp dụng của Dự án Luật là tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam khi thực hiện hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam; Các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
Nội dung cơ bản của Dự án Luật cụ thể hóa nội dung 3 Chính sách
Nội dung cơ bản của Dự án Luật bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 3 Chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua bằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012, cụ thể:
Đối với Chính sách 1 “Hoàn thiện các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo”, Dự án Luật sửa đổi 4 điều, bổ sung 2 điều và 1 khoản, cụ thể: Sửa đổi, bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo tại khoản 8 Điều 2; sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 10 về trách nhiệm của Tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo; Sửa đổi, bổ sung Điều 19 về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo: Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp quảng cáo có kèm ghi chú, khuyến cáo thì phần ghi chú, khuyến cáo phải bảo đảm hình thức thể hiện rõ ràng, đầy đủ, dễ tiếp cận. Phân định nội dung quảng cáo; sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4, Điều 20 về điều kiện quảng cáo hàng hóa, dịch vụ đặc biệt để bảo đảm cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với thủ tục và tên gọi của các loại giấy phép đã được pháp luật chuyên ngành quy định…
Đối với Chính sách 2 “Hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới”, Dự án Luật sửa đổi 3 điều, bổ sung 1 khoản, cụ thể: Sửa đổi quy định về hoạt động quảng cáo trên báo in tại Điều 21: diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo và phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
Sửa đổi quy định về hoạt động quảng cáo trên báo nói, báo hình (Điều 22) về tăng thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền; trong chương trình phim truyện; thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính thức bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động; Sửa đổi, bổ sung Điều 23 Quy định về quảng cáo trên mạng…; Bổ sung khoản 15 vào Điều 2 của Luật Quảng cáo hiện hành về định nghĩa Hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
Đối với Chính sách 3 “Hoàn thiện quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời”: Dự án Luật sửa đổi 8 điều của Luật Quảng cáo, bổ sung 1 khoản, cụ thể: Sửa đổi, bổ sung Điều 28 về các yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo; Sửa đổi, bổ sung Điều 29 về Hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn; Sửa đổi, bổ sung khoản 1 của Điều 30: quy định số lượng hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn; bãi bỏ yêu cầu phải nộp hồ sơ thông báo trước khi thực hiện 15 ngày; Sửa đổi, bổ sung Điều 31: biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 40 m² kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng. Biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt từ 20m² đến 40m² không phải xin cấp phép xây dựng nhưng chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn công trình, phòng, chống cháy, nổ của biển hiệu, bảng quảng cáo; trường hợp gây thiệt thại thì phải bồi thường, chịu trách nhiệm pháp lý khác.
Sửa đổi, bổ sung Điều 36 về đoàn người thực hiện quảng cáo: quy định rõ thành phần hồ sơ thông báo; giảm thời hạn giải quyết thủ tục hành chính; số lượng hồ sơ cũng như trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.
Về phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, để bảo đảm công tác quản lý nhà nước được thống nhất, kết hợp giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa các cơ quan, Dự án Luật quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, UBND cấp tỉnh.
Về quy hoạch quảng cáo ngoài trời, sửa đổi quy định tại Điều 37 về nội dung, nguyên tắc xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Sửa đổi khoản 1 Điều 38 về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời.
Hồ sơ dự án Luật cơ bản phù hợp với quy định
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012; cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, hồ sơ dự án Luật đảm bảo yêu cầu về thời hạn; các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật cơ bản phù hợp với quy định. Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện một số tài liệu của hồ sơ dự án Luật, bảo đảm đầy đủ, chính xác. Một số nội dung trong dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất với một số luật có liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết thêm, một số nội dung cơ bản của dự án Luật cần tiếp tục được rà soát, đảm bảo sự thống nhất với các luật có liên quan.
Về một số nội dung cơ bản của dự án Luật, báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trình bày nêu rõ, về giải thích từ ngữ, Ủy ban cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo". Tuy nhiên, một số nội dung cần tiếp tục được làm rõ.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, Ủy ban nhất trí với việc phân định, làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan, địa phương đối với hoạt động quảng cáo. Đồng thời, đề nghị làm rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về quảng cáo đối với Bộ VHTTDL; nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Công an.
Về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, Ủy ban tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng nêu ý kiến đối với yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt; về quảng cáo trên báo in; về quảng cáo trên báo nói, báo hình; về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo. Về quảng cáo trên mạng, Ủy ban tán thành với việc bổ sung quy định cụ thể về quảng cáo trên mạng, đồng thời, đề nghị làm rõ một số vấn đề.
Thứ nhất, việc bổ sung quy định quảng cáo trên mạng cần đối chiếu, rà soát với các luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng.
Thứ hai, thống nhất với việc sửa đổi thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên mạng để phù hợp với thực tiễn cũng như xu hướng phát triển của quảng cáo trên thế giới. Tuy nhiên, việc điều chỉnh gấp 4 lần, từ 1,5 giây lên 6 giây cần được đánh giá tác động, lý giải kỹ lưỡng để đảm bảo khách quan, thuyết phục hơn.
Thứ ba, dự thảo Luật chưa quy định đối với quảng cáo có chứa đường link dẫn đến trang thông tin cá nhân, đến những ứng dụng trên thiết bị di động, thiết bị điện tử khác. Do đó, đề nghị nghiên cứu có quy định phù hợp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu.
Ông Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
NGỌC BÍCH - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội