Hội thảo “Tiêu điểm điện ảnh Đức” - nhiều bài học kinh nghiệm cho các nhà làm phim Việt Nam

Sáng ngày 8-11, Hội thảo “Tiêu điểm Điện ảnh Đức” trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội VII đã diễn ra tại khách sạn Deawoo, Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức (1975-2025).

Các đại biểu, khách mời tham dự Hội thảo

Tham dự có: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Đại sứ Đức tại Việt Nam Helga Margarete Barth; Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội Oliver Brandt; cùng đông đảo các nhà quản lý, nhà làm phim, các nghệ sĩ điện ảnh và các nhà chuyên môn.

Những chính sách phát triển của điện ảnh Đức

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, Hội thảo tổ chức với mục đích trao đổi về những kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách phát triển điện ảnh của Chính phủ Đức, những xu hướng sáng tác mà điện ảnh Đức hiện đại hướng tới, vai trò quảng bá văn hóa, đất nước của những nhà làm phim Đức đương thời, cùng hành trình đến với LHP cũng như những giải thưởng điện ảnh có uy tín quốc tế. Từ những thành công của điện ảnh Đức, có thể thấy những điều mà điện ảnh Việt Nam có thể chia sẻ và học hỏi.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Đại sứ Đức tại Việt Nam Helga Margarete Barth cho rằng LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII thể hiện sự quyết tâm và hành động của Bộ VHTTDL trong việc thúc đẩy phát triển điện ảnh Việt Nam. Bà Đại sứ cảm ơn BTC LHP vì đã tổ chức hội thảo về điện ảnh Đức trong khuôn khổ LHP. Theo bà, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt trong mối quan hệ Đức - Việt Nam đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Sau Hội thảo này, sẽ có nhiều sự kiện nổi bật và thú vị khác thể hiện sự hợp tác giữa Việt Nam và Đức trong thời gian tới.

Đại sứ Đức tại Việt Nam Helga Margarete Barth phát biểu chào mừng Hội thảo

Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội Oliver Brandt bày tỏ: Đức có nhiều LHP lớn nhỏ, trong đó không thể không nhắc đến LHP quốc tế Berlin thu hút những nhà làm phim hàng đầu. Đây cũng là một trong những LHP có nhiều diễn đàn dành cho các nhà làm phim trẻ, giúp họ mở ra những cánh cửa trong việc làm bộ phim tương lai của mình. Tương tự như vậy, HANIFF cũng có thể là bước đầu cho các nhà làm phim trẻ, khi họ được giải thưởng quốc tế, họ sẽ được biết đến nhiều hơn và từ đó mở ra nhiều cơ hội cho họ cũng như phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Đức và Việt Nam đang có nhiều cơ hội để cùng hợp tác, giao lưu, mở ra cơ hội trao đổi giữa các nhà làm phim hai nước.

Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội Oliver Brandt phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo đã đặt ra ba chủ đề để thảo luận, đạo diễn, nhà biên kịch Sophia Linnenbaum cùng với đạo diễn, diễn viên Axel Ranisch tham gia Hội thảo với tư cách là những nhà làm phim Đức đương đại.

Chủ đề đầu tiên được bàn thảo là chính sách phát triển điện ảnh của chính phủ Đức, những yếu tố tạo nên thành tựu của điện ảnh hiện đại Đức. Câu hỏi được nhiều diễn giả quan tâm là: Tại sao một nền điện ảnh lâu đời và lớn như điện ảnh Đức lại cần hỗ trợ? Đạo diễn, nhà biên kịch Axel Ranisch (Chủ tịch BGK Phim ngắn tại HANIFF VII) lý giải, bởi một điều rất đáng ngại là người dân Đức rất ít đi xem phim, trung bình mỗi người chỉ xem phim 1 lẫn mỗi năm. Chia sẻ về cách thức sản xuất phim, ông cho biết ở Đức mỗi địa phương tự sản xuất phim truyền hình để chiếu, hiện có thêm Netflix, họ cũng tài trợ cho truyền hình để làm phim. Còn phim chiếu rạp, số lượng phim thành công không nhiều, luôn cần sự hỗ trợ từ truyền hình và các nguồn khác để phát hành. Hiện tại, 90% những bộ phim sản xuất ở Đức được đồng hành sản xuất với truyền hình và có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên ông cũng cho biết, Đức không chỉ hỗ trợ tài chính để làm phim mà còn hỗ trợ cho những nhà làm phim trẻ để làm phim đầu tay.

Đạo diễn, nhà biên kịch Axel Ranisch phát biểu tại Hội thảo

Đạo diễn, nhà biên kịch Sophie Linnenbaum phát biểu tại Hội thảo

Đạo diễn, nhà biên kịch Sophie Linnenbaum (thành viên BGK Phim dài tại HANIFF VII) cho biết, các nhà làm phim điện ảnh Đức hiện vẫn cần sự hỗ trợ của truyền hình cả về kinh phí và phát sóng. Bà cũng cho biết, ở Đức việc hỗ trợ làm phim truyền hình thường dễ gây chú ý hơn. Ngoài ra ở Đức còn hỗ trợ đào tạo, trao đổi giữa các nhà làm phim để học hỏi lẫn nhau. Theo bà, LHP là một diễn đàn rất quan trọng để làm việc này.

Bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) bày tỏ,  Việt Nam đang nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh và đang phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo. Với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, Việt Nam đang ngày càng có thêm nhiều LHP, trong đó có cả LHP quốc tế, bởi vậy, những kinh nghiệm từ một trong các nền điện ảnh hàng đầu thế giới như điện ảnh Đức sẽ là những gợi mở quý giá.

Các diễn giả tại phiên thảo luận thứ nhất

Ở chủ đề thảo luận thứ hai: “Những xu hướng sáng tác mà điện ảnh hiện đại Đức hướng tới, vai trò quảng bá văn hóa, đất nước của những nhà làm phim đương đại”, bà Sophie Linnenbaum cho biết, hiện nay điện ảnh Đức rất đa dạng các xu hướng sáng tác, đặc biệt phim tài liệu rất phong phú. Phong cách của các nhà làm phim Đức cũng bị ảnh hưởng bởi môi trường đa văn hóa. Có nhiều phong cách mới với sức sáng tạo vô biên, nhiều nhà làm phim trẻ, nhất là những nhà làm phim nhập cư đã mang đến nhiều phong cách làm phim độc đáo. Đây là điều rất tuyệt vời nhưng theo bà, điện ảnh Đức cũng bị ảnh hưởng bởi Hollywood, kể cả những nhà làm phim trẻ tài năng. Bởi vậy, có một thực tế là tuy điện ảnh Đức hiện nay rất đa dạng nhưng không phải bộ phim Đức nào cũng mang bản sắc văn hóa riêng của Đức. Bà cũng nhấn mạnh rằng, có một ý rất hay trong từ bản sắc, đó phải chăng chúng ta đang nói đến sự khác biệt của mỗi cá tính sáng tạo?

Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội Oliver Brandt nhấn mạnh: “Chúng tôi rất quan tâm đến những vấn đề như kể những câu chuyện được sản xuất ở Đức, nhưng cũng đặt trọng tâm vào tiếng nói của người làm nghệ thuật. Điều quan trọng là phim hay và mang đậm bản sắc riêng của mỗi người sáng tạo!”.

Toàn cảnh Hội thảo

Hành trình đến với các LHP quốc tế

Hành trình đến với LHP và những giải thưởng điện ảnh được tổ chức ở Đức là chủ đề thu hút đông đảo các ý kiến thảo luận. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ, LHP Quốc tế Berlin từng là bệ phóng nâng đỡ đồng nghiệp của anh là đạo diễn Phạm Ngọc Lân với bộ phim Cu li không bao giờ khóc. Anh đánh giá cao những Chợ dự án ở các LHP quốc tế bởi đây chính là nơi chắp cánh cho nhiều nhà làm phim trẻ. Để thành công trong việc đoạt giải thưởng, mấu chốt theo anh chính là đem lại bản sắc văn hóa Việt Nam vào trong tác phẩm của mình, bởi rất nhiều khán giả nước ngoài yêu thích việc tìm hiểu văn hóa, dễ dàng chú ý tới các dự án Việt.

Nhà sản xuất, diễn viên Mai Thu Huyền mong muốn được tiếp cận việc quảng bá phim Việt tại Đức. Theo thống kê, có hơn 170 ngàn người Việt đang sinh sống ở Đức. Vì vậy, thị trường cho phim Việt ở Đức có tiềm năng lớn. Chị cũng bày tỏ  mong muốn sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý để các nhà làm phim, nhất là các nhà làm phim trẻ kết nối với các LHP quốc tế để đưa phim tham dự, góp phần quảng bá điện ảnh Việt Nam ra thế giới.

Đạo diễn, nhà sản xuất Mai Thu Huyền phát biểu

Đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm chia sẻ kinh nghiệm tìm nguồn tài trợ làm phim từ trường hợp bộ phim Những đứa trẻ trong sương. Qua đó, những chợ dự án tại các LHP rất quan trọng với các nhà làm phim Việt Nam, nhất là tại các LHP ở khu vực châu Á và đặc biệt là Đông Nam Á, bởi cơ hội cạnh tranh rất lớn và vé máy bay sang tham dự vừa túi tiền. Theo chị, các nhà làm phim trẻ phải tự chủ động tìm cơ hội cho mình tại các Chợ dự án ở các LHP, phải đi ra ngoài, hòa mình vào dòng chảy của các LHP để nắm được xu hướng điện ảnh hiện nay qua đó có những dự án phim phù hợp. Theo chị, nhiều quỹ hỗ trợ hiện cũng đang quan tâm đến các nhà làm phim trẻ châu Á. Tuy nhiên, cánh cửa này vừa rộng mà cũng vừa hẹp.

Ông Axel Ranisch cũng cho rằng, hành trình đầu tiên mà một nhà làm phim trẻ cần chinh phục là hành trình đến với các LHP, đầu tiên là với những bộ phim ngắn, phải đưa phim của mình đến với thật nhiều LHP. Đây là chìa khóa để mở rộng cánh cửa bước vào điện ảnh.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm và đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh

Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội Oliver Brandt khẳng định, Viện Goethe có thể kết nối cho các nhà làm phim trẻ Việt Nam với các Quỹ ở Đức, và với các nhà làm phim Đức, nơi đây cũng góp phần tạo ra nhiều cơ hội để những nhà làm phim trẻ Việt Nam tham gia các LHP, tiếp cận các quỹ của Đức xin tài trợ… thông qua các bản tin trên Facebook và Twitter. Nếu các nhà làm phim trẻ nắm được thông tin và làm hồ sơ kịp thời, Viện Goethe cam kết sẽ hỗ trợ bằng thư giới thiệu với các quỹ điện ảnh và có thể tài trợ chi phí nhỏ trong quá trình làm phim.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá, các phiên thảo luận đều rất sôi nổi bởi đã đánh trúng mục tiêu những nhà làm phim đang hướng tới, nhiều ý kiến rất bổ ích, đặc biệt trong việc đưa phim đến với các LHP quốc tế. Đây là điều những nhà quản lý cũng mong mỏi để phim Việt Nam tiếp cận được với các LHP quốc tế nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, những ý kiến, chia sẻ tại Hội thảo còn góp phần giao lưu, kết nối các nhà làm phim hai quốc gia và gợi mở nhiều vấn đề quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về điện ảnh, những chính sách cần có để hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam ngày càng phát triển.

NGÔ HỒNG VÂN - Ảnh: ĐÀO ANH VŨ

;