Đó là chủ đề của cuộc Tọa đàm, sự kiện nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2024) vừa diễn ra tại Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn (số 20/11C, đường Kỳ Đồng, Phường 9, Quận 3, TP. HCM) do Hội Di sản Văn hóa TP.HCM, Chi hội Du lịch Di sản Văn hóa TP.HCM và Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn cùng phối hợp tổ chức.
Tham dự buổi Tọa đàm có: Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP.HCM Lê Tú Cẩm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn Ngô Thị Quỳnh Xuân; đại diện lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu về du lịch, trường đại học, cao đẳng, các chuyên gia du lịch và đại biểu Ban Trị sự, Ban quý tế các đình - lăng; cùng gần 40 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành và các Phòng Văn hóa Thông tin của các quận, huyện, thành phố Thủ Đức nơi có các di tích đình làng ở TP.HCM.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm
Nơi lưu giữ di sản văn hóa truyền thống
Đình làng là một di sản văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, không chỉ góp phần lưu giữ hình ảnh cổ kính mà còn là chứng nhân lịch sử, lưu giữ bản sắc và tinh thần Việt Nam qua hàng trăm năm. Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Phan Bửu Toàn - Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn nêu rõ, đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Ở TP.HCM hiện nay, các đình làng vẫn chưa được khai thác đúng mức trong các tour du lịch, trong khi các di tích như: chùa, nhà thờ đã trở thành điểm đến quen thuộc của những hành trình tham quan, thì các đình làng với những giá trị văn hóa và lịch sử phong phú, lại chưa được đưa vào các chương trình City tour. Đây là một vấn đề cần thảo luận hôm nay; tại sao các đình làng là nơi lưu giữ tinh hoa truyền thống và văn hóa, chưa được tích hợp vào những hành trình khám phá của du khách đến TP.HCM.
Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn Phan Bửu Toàn nêu rõ, Tọa đàm nhằm tạo cơ hội để các bên liên quan bao gồm đại diện các công ty lữ hành, Ban quản lý và Ban Trị sự của các đình làng, cùng những nhà nghiên cứu văn hóa, và đặc biệt là đại diện từ các cơ quan quản lý: Sở Du lịch, Sở VHTT TP.HCM, các Trung tâm Văn hóa và Phòng Văn hóa Thông tin các quận, huyện nơi có di tích đình làng cùng ngồi lại, lắng nghe, trao đổi về những cơ hội và thách thức trong việc phát triển loại hình du lịch di sản văn hóa đình làng Việt Nam nói chung và di sản văn hóa đình làng ở TP.HCM nói riêng.
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Tại Tọa đàm, ông Trần Văn Sung - Trưởng Ban Trị sự Lăng Lê Văn Duyệt cho rằng, thời gian vừa qua, Ban quản lý Lăng cũng đã liên kết với các Câu lạc bộ chèo, quan họ, đờn ca tài tử để làm phong phú các hoạt động, sự kiện. Tuy nhiên, để đưa Lăng Lê Văn Duyệt vào những tour du lịch hiện nay cũng gặp không ít khó khăn, do việc phân cấp quản lý hiện còn chồng chéo, công tác tổ chức như cách làm tour, vấn đề nội bộ chưa giải quyết như: thời gian mở cửa, bãi đỗ xe, yếu tố con người chưa thực sự đáp ứng nhu cầu thực tế.
Để đưa đình làng vào các tour du lịch
Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới, du lịch văn hóa được xác định là loại hình du lịch thu hút nhiều khách du lịch quốc tế đến thăm. Do đó, việc tích hợp đình làng vào các tour du lịch ở TP.HCM có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ vì mục tiêu phát triển du lịch, lợi ích kinh tế địa phương mà còn giữ gìn, quảng bá giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người TP.HCM đến bạn bè quốc tế.
Cũng tại buổi Tọa đàm, ông Thái Doãn Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Công đoàn TP.HCM cho biết, để tích hợp đình làng vào các tour du lịch thì cần phải có sự nhập cuộc của các cơ quan ban ngành, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ số, quảng bá xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực.
Theo bà Nguyễn Thị Trúc Mai, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Intertravel cho rằng, để đưa đình làng vào các tour du lịch thì cần phải có sự tham gia của cộng đồng địa phương và đặc biệt nên quảng bá hình ảnh, giới thiệu về giá trị văn hóa của đình làng thông qua phim ảnh để thu hút khách du lịch.
Đại diện Công ty cổ phần du lịch Công đoàn TP.HCM phát biểu
Bà Trương Thị Anh Mỹ, Trưởng phòng Hướng dẫn khối du lịch nội địa, Công ty du lịch Sài Gòn Tourist cho hay, nên tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn, nâng cao chất lượng hoạt động thuyết minh, hướng dẫn tại các điểm tham quan di tích đình làng đang khai thác du lịch.
Bên cạnh đó, cần có những hoạt động sống động thường xuyên tại đình làng, tái hiện những sinh hoạt vốn có từ xa xưa của các ngôi đình như: tập luyện võ nghệ, truyền bá kiến thức và thực hành y học cổ truyền dân tộc, là nơi sinh hoạt cộng đồng về ca nhạc dân tộc, diễn xướng dân gian…
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch, phát triển Tài nguyên du lịch (Sở Du lịch TP.HCM) cho biết, cần phải có những chính sách hợp lý để tháo gỡ những khó khăn trên. Còn theo bà Nguyễn Thanh Thảo, đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin quận Tân Phú cho hay, để đưa các đình làng vào tour tuyến du lịch cần phải khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, xúc tiến quảng bá điểm đến, tăng cường công nghệ thông tin để quảng bá, liên kết với doanh nghiệp lữ hành.
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM Lê Tú Cẩm khẳng định, để đưa đình làng vào các tour du lịch cần phải có sự tham gia của nhiều ngành như: Ngành Du lịch, ngành VHTTT, ngành Giao thông, Quản lý đô thị, công an và đặc biệt là vai trò của địa phương. Ngoài ra, trong thời gian tới Hội Di sản văn hóa TP.HCM cũng sẽ lên những chương trình tập huấn nhạc lễ cho các đình làng; ứng dụng công nghệ số để truyền thông quảng bá các giá trị đình làng; tổ chức những cuộc thi thuyết minh cho các di tích đình làng. Thông qua Tọa đàm, từ những ý kiến và quan điểm đa chiều từ các chuyên gia, các doanh nghiệp, các nhà quản lý, Hội Di sản văn hóa TP.HCM sẽ tham mưu cho ngành Văn hóa để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề ra giải pháp cụ thể, khả thi nhằm phát huy tối đa giá trị của hệ thống đình làng trong phát triển du lịch bền vững.
Hiện tại, TP.HCM có khoảng gần 300 ngôi đình làng và thực hành chức năng tín ngưỡng để duy trì việc tổ chức lễ hội cúng đình hằng năm. Trong đó, có 185 di tích đã được Bộ VHTTDL, UBND TP.HCM xếp hạng di tích. Được biết, có khoảng 49% khách du lịch quốc tế đến TP.HCM là muốn tìm hiểu về các giá trị văn hóa. Trong chiến lược phát triển du lịch của TP.HCM đến năm 2030 thì sản phẩm du lịch gắn với các giá trị văn hóa địa phương vẫn đóng vai trò chủ đạo; một số khó khăn để tích hợp đình làng vào những tour du lịch hiện nay là các đình làng không mở cửa thường xuyên, sức chứa, khả năng tiếp cận giao thông còn hạn chế và đặc biệt là nguồn nhân lực tại các đình làng chưa đáp ứng được yêu cầu để đón khách du lịch trong nước và quốc tế. |
Bài, ảnh: TRẦN VĂN LỢI