Đặc sắc nhạc cụ truyền thống của người Chăm

Trong suốt chiều dài lịch sử, người Chăm đã không ngừng sáng tạo và xây dựng nên một nền văn hóa, nghệ thuật dân gian đầy bản sắc và tinh tế. Một trong những điểm nổi bật trong kho tàng văn hóa này chính là âm nhạc truyền thống – một phần không thể tách rời của đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Chăm.

Nghệ nhân Chămpa thổi kèn Saranai cho điệu múa Chăm

 

Bên cạnh những điệu múa thần thánh với sự uyển chuyển và linh hoạt của các nghệ nhân, âm nhạc của người Chăm phản ánh rõ rệt sự phong phú và sâu sắc trong đời sống tâm linh, góp phần làm nổi bật vẻ đẹp của văn hóa Chămpa. Khi chiêm ngưỡng những bức tượng trên các bức tường tháp cổ, ta như bị cuốn vào thế giới của những vũ nữ và vị thần, được chạm khắc một cách kỳ công trên những khối gạch, đá.

Giữa không gian tĩnh lặng và trầm mặc của những ngôi tháp, ta cảm nhận được nét hoài cổ của một thời đại huy hoàng xa xưa. Những ngôi tháp phủ rêu phong in bóng dưới ánh trăng huyền bí, tỏa ra một cảm giác cô tịch, khiến ta dễ dàng hình dung ra các vũ điệu đang "nhảy múa" trên những bức tường cổ. Âm thanh mơ hồ nhưng đầy ma mị từ các nhạc cụ truyền thống của người Chăm hòa quyện với các điệu múa, tạo nên một không gian âm nhạc độc đáo.

Âm nhạc dường như chính là linh hồn của các lễ hội, nơi mà cộng đồng gắn kết, cùng nhau trải nghiệm và gìn giữ những giá trị văn hóa tinh túy của tổ tiên. Người Chăm từ lâu đã phát triển một nền âm nhạc phong phú và đa dạng, kết hợp chặt chẽ với đời sống tín ngưỡng.

Điều đặc biệt hơn nữa, trong truyền thống của người Chăm, bộ ba nhạc cụ chủ đạo gồm trống Gineng, kèn Saranai và trống Paranưng không chỉ đơn thuần là các công cụ tạo ra âm thanh mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho các phần của cơ thể con người. Trống Gineng đại diện cho đôi chân, trống Paranưng là thân thể và kèn Saranai biểu trưng cho phần đầu. Vì vậy, khi trình diễn, cả ba loại nhạc cụ này thường được sử dụng đồng bộ, tạo nên sự hòa hợp âm thanh tinh tế và trang nghiêm.

Trong số những nhạc cụ này, trống Gineng là một trong những biểu tượng âm nhạc quen thuộc. Hình dáng của trống Gineng gợi nhắc đến trống cơm của người Việt nhưng kích thước lớn hơn. Được chế tác từ gỗ lim hoặc gỗ trắc, thân trống dài khoảng 0,7m với hai mặt căng da khác nhau: mặt nhỏ thường căng da dê hoặc da nai, còn mặt lớn được làm từ da trâu và đánh bằng dùi.

Trống Gineng bao giờ cũng xuất hiện theo cặp, được đặt nghiêng thành hình chữ X trên mặt đất khi diễn tấu và chỉ những nghệ nhân dân gian mới có khả năng đánh trống theo phong cách độc đáo này. Âm thanh từ trống Gineng vang lên như một tín hiệu thiêng liêng, thông báo mùa lễ hội sắp đến, mang đến niềm vui và hân hoan cho cả cộng đồng.

Ban nhạc truyền thống của người Chăm

 

Trong khi đó, trống Paranưng không chỉ là nhạc cụ mà còn là biểu tượng linh thiêng của thầy vỗ, được xem như vật tổ. Thân trống làm từ gỗ đục rỗng, có đường kính khoảng 0,4 m và chỉ có một mặt trống được căng da dê hoặc da nai. Hệ thống dây mây và mười hai con nêm bằng gỗ được thiết kế để điều chỉnh âm thanh tùy theo ý muốn của người sử dụng. Khi diễn tấu, nghệ nhân thường đặt trống trước ngực, tay trái giữ trống và vỗ nhịp, còn tay phải tự do tạo ra âm thanh đa dạng từ trầm đến bổng, mang lại một trải nghiệm âm nhạc đầy cảm xúc. Kèn Saranai cũng là một nhạc cụ quan trọng trong các buổi lễ của người Chăm.

Dù có tên gọi gần giống với các loại kèn ở Ba Tư và Mã Lai, kèn Saranai của người Chăm có những nét đặc trưng riêng biệt. Cấu trúc của kèn gồm ba phần: phần chuôi làm bằng đồng để gắn lưỡi gà bằng lá buông, phần thân gỗ rỗng có bảy lỗ chính phía trên, một lỗ phụ phía dưới và phần loa làm từ gỗ quý, sừng trâu hoặc ngà voi để khuếch đại âm thanh.

Tiếng kèn Saranai ngân vang, vừa mạnh mẽ vừa u buồn, khiến người nghe không khỏi rung động trước sức mạnh và sự sâu lắng của âm nhạc Chăm. Những loại nhạc cụ này, cùng với nhiều nhạc cụ khác như đàn Kanhi, đàn Rabap, trống Hagar, chiêng Cheng, tù và, đã tạo nên một không gian âm nhạc độc đáo, đậm chất Chăm.

Với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các nghệ nhân và đông đảo những người yêu âm nhạc Chăm, họ đang tích cực tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa này. Thông qua việc tổ chức lễ hội và buổi biểu diễn, âm nhạc Chăm được giới thiệu đến công chúng không chỉ trong cộng đồng người Chăm mà còn mở rộng ra toàn quốc.

Sự quan tâm này không chỉ giúp bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo mà còn tạo ra cầu nối giữa các thế hệ, giúp âm nhạc Chăm sống mãi trong tâm hồn và đời sống của mỗi người. Qua đó, nền âm nhạc chăm không chỉ là di sản văn hóa mà còn là niềm tự hào của dân tộc, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa Việt Nam.

 

TIÊN SA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 585, tháng 10-2024

;