Chợ đòn gánh người Khmer trên đỉnh núi

Ấp Vồ Đầu xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang) có độ cao 716 m so với mực nước biển. Mấy chục năm qua, nơi đỉnh núi này tồn tại một ngôi chợ lộ thiên, nhóm họp hằng ngày vào buổi sáng trên con đường chạy dài dưới chân chùa Vạn Linh bên cạnh tượng Phật Thích Ca Di Lạc.

Bà con vất vả khi gánh hàng leo dốc

 

Chợ phục vụ mua bán hàng hóa cho người dân trên núi. Vị trí khu chợ có phong cảnh hữu tình với nhiều danh lam thắng cảnh của núi Cấm như chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, hồ Thủy Tiên, tượng Phật Di Lạc cao nhất Đông Nam Á.

Chợ nghèo sơn cước

Chợ đa số là người dân Khmer, phục vụ lương thực cho bà con trên núi. Tờ mờ sáng, từ các nẻo, bà con Khmer gánh những gánh hàng nặng trĩu lên núi bán - những gánh hàng chẳng có giá trị lớn về kinh tế, đa số là rau củ, trái cây, một số ít cá thịt, hột gà, hột vịt…

Chợ đông từ 6 giờ đến khoảng 11 giờ sáng. Hàng hóa đựng trong rổ, thúng bằng tre hoặc thau nhôm. Họ ngồi đối diện nhau, ở giữa là lối đi nhỏ để khách qua lại mua hàng, đòn gánh được gom lại một nơi. Chúng tôi thử đếm có chừng 60 đòn gánh làm nên cái chợ.

Gọi là chợ nhưng vốn của mỗi gánh hàng chỉ vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng. Bà con bán hàng có những thỏa thuận bất thành văn, không cố định chỗ ngồi, ai đến trước ngồi bán trước, ai đến sau ngồi bán sau, không ai giành giật. Ai bán hết hàng về trước, đến 11 giờ thì tan chợ.

Người ta đến với chợ không những để trao đổi với nhau về hàng hóa rau quả trồng được mà còn giao lưu, thăm hỏi.

Chợ nhóm trên đỉnh núi 
 

 

Nhọc nhằn nặng gánh hai vai

Mồ hôi nhễ nhại, chân thấp chân cao lê từng bước nặng nhọc, đi mãi lên núi, một lát đòn gánh được trở sang vai, nhiều chiếc áo sờn bâu. Trung bình mỗi ngày họ gánh từ chân đồi lên núi họp chợ, phải mất 10 cây số, hai chân rã rời vì gánh nặng, dốc cao dưới cái nắng miền núi. Lúc này mới thấy sức lao động của những người phụ nữ  nơi đây bền bỉ, dẻo dai không thua gì nam giới.

Đến với chợ, ta bắt gặp hồn quê từ chiếc áo vải thô, chiếc quần bạc màu, đầu tóc khét nắng, chân đất, đến củ khoai, củ sắn, cá khô, rau rừng, trái cà, trái ớt…

 Vậy mà, món hàng bán ra như khoai, sắn, mục măng có lúc không đến 5.000 đồng/kg, còn rau rừng chỉ được 10.000 đồng/kg. Song không vì thế mà người bán quên đi nụ cười hiền lành, chất phát.

Chợ núi Cấm là bức tranh thu nhỏ về chợ quê, về nét đẹp bản sắc văn hóa của con người vùng bán sơn địa. Người ta hàng bán ở chợ không những để trao đổi với nhau những hàng hóa rau quả trồng được trong rẫy mà còn để tâm hồn hòa nhập với núi rừng.

 Đi chợ núi Cấm là một thú vui du lịch, vừa bổ ích. Ngoài ra, cái hồn của chợ sẽ mãi mãi tồn tại và nó sẽ góp phần làm cho ngôi chợ đòn gánh có những bản sắc riêng trong đầy sự hội nhập này.

Gánh hàng nhóm chợ

 

TĂNG HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 585, tháng 10-2024

;