Sôi động diễn xướng văn hóa dân gian tỉnh Đắk Nông

Đắk Nông nằm ở phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, đoạn cuối dãy Trường Sơn. Toàn tỉnh có 7 huyện là Cư Jút Đắk Mil, Krông Nô, Đắk Song, Đắk R'Lấp, Đắk Glong, Tuy Đức và 1 thành phố Gia Nghĩa với diện tích 6.514,38km2. Dân số Đăk Nông là 652.000 người, với hơn 40 dân tộc cùng chung sống, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm trên 31,23%; dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm khoảng 10,4% dân số gồm: M’Nông, Mạ, và Ê Đê; các dân tộc thiểu số khác xen cư như: Tày, Thái, Nùng, Mông… Đắk Nông có sự đa dạng, phong phú về phong tục tập quán, về văn hóa các vùng miền, đặc biệt là văn hóa của các dân tộc thiểu số tại chỗ.

Ngoài các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, Đắk Nông còn chứa đựng nhiều vốn văn hóa dân gian tiềm ẩn, lưu truyền trong nhân dân. Cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ với lịch sử cư trú lâu đời và đời sống sinh hoạt trong lao động sản xuất gắn liền với núi rừng, nương rẫy… đã hình thành nên một kho tàng di sản văn hóa hết sức độc đáo, đa dạng và phong phú, nổi bật đó là Cồng chiêng và diễn tấu Cồng chiêng; các loại nhạc cụ truyền thống; hát kể Sử thi, các nghi lễ, lễ hội, dệt thổ cẩm, đan lát… Các làn điệu dân ca, dân vũ luôn phản ánh thế giới quan tín ngưỡng đa thần không chỉ riêng của các tộc người thiểu số tại chỗ mà còn làm nổi bật nét đẹp bản sắc văn hóa riêng của tỉnh Đắk Nông.

Đoàn nghệ nhân tỉnh Đắk Nông biểu diễn trên sân khấu Ngày hội

Tham gia Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ 1 tại tỉnh Kon Tum, năm 2023, Đoàn nghệ nhân tỉnh Đắk Nông đã mang đến những tiết mục văn nghệ diễn xướng dân gian mang đậm nét văn hóa M’Nông. Mở đầu liên hoan là tiết mục diễn tấu Chiêng ngăn, pictrơtrơ và múa dân gian do Nghệ nhân Bon Phi Nao, Bù Bia và Bu Păh biểu diễn.

Tiết mục độc tấu đàn đá Goong Lu kưu Măt T’ngai (Goong lú gọi Mặt trời) do Điểu Su và nhóm nhạc cụ dân tộc biểu diễn đã phần nào thể hiện được cái hồn của loại nhạc cụ bí ẩn, cổ xưa nhất của các tộc người.

Trong quá trình sinh sống và phát triển, đồng bào M’Nông đã sáng tạo một nền nghệ thuật dân gian phong phú. Bằng sự mô phỏng các động tác lao động, sản xuất, đồng bào đã tạo ra những điệu múa làm đắm say lòng người. Điệu múa Truyền Nhân do K Tiêng và nghệ nhân Ma Khanh biểu diễn, cho thấy, bao đời nay, những vũ điệu của lao động, cuộc sống bình dị, mỗi khi diễn ra lễ hội, đồng bào lại nắm chặt tay nhau cùng nhảy múa xung quanh ngọn lửa với ước vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.

Dân tộc M’Nông gọi dân ca là Nau M’prơ, là hình thức diễn xướng dân gian được người M’Nông sáng tác, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được cộng đồng coi là tài sản chung của dân tộc mình. Dân ca được thực hành trong cuộc sống, lao động hằng ngày trong hát ru con, hát khấn thần trong các nghi lễ, hát đố, hát đồng giao, hát kể sử thi và trữ tình đối đáp giao lưu trai gái. Ngày 30-9-2020, nghệ thuật trình diễn Nau M’Prơ của người M’Nông tỉnh Đắk Nông đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tâm pớt là làn điệu dân ca được hát theo ngẫu hứng mang đầy màu sắc văn hóa, được sử dụng trong nhiều hoạt động khác nhau của người M’Nông. Tại Liên hoan, nghệ nhân Thị Đáp ở Bon Bù Bia, xã Quảng Tín, huyện Đắk RLấp, tỉnh Đắk Nông đã thể hiện bài dân ca Tơm Rnăp, Tơm Rong Oh Nô (Mừng gặp gỡ sum họp anh em).

Các tiết mục văn nghệ được các nghệ nhân tỉnh Đăk Nông biểu diễn

Bên cạnh đó là những tiết mục trình diễn trang phục truyền thống của dân tộc M’Nông, Mạ, Ê Đê.

Dân tộc Mạ là một trong 3 dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời tại tỉnh Đắk Nông với dân số trên 1.949 người. Trong trang phục truyền thống của người Mạ, nam nữ điều có áo chui đầu, áo nam sẽ rộng hơn chút ít, hở tà, vạt sau dài hơn vạt trước và dài trùm kín mông, áo có nhiều loại, ngắn tay, dài tay, nữ giới mặc váy, nam giới mặc khố. Phụ nữ Mạ thường mặc áo sát thân, dài tới thắt lưng, không sẻ tà, vạt trước, vạt sau thiết kế bằng nhau. Nửa thân áo trước và sau lưng được trang trí hoa văn màu đỏ và xanh trong bố cục giải băng ngang thân với các mô-típ hoa văn hình học là chủ yếu. Phụ nữ Mạ mặc váy dài quá bắp chân. Trên váy thể hiện nhiều hình thức trang trí hoa văn, màu chủ đạo của váy là màu Chàm, có các phần mảng sọc hoa văn dài màu xanh, đỏ, vàng, trắng tạo nét duyên dáng. Trang phục truyền thống của nam giới Mạ thường đóng khố là chủ yếu, tùy theo thân hình và độ tuổi mà có cách thiết kế phù hợp. Khố của nam giới có loại dài, ngắn, có loại đơn giản chỉ một màu chàm sẫm và hai đường hoa văn đơn sơ dọc theo rìa mép, hai bên đầu khố còn đính thêm những chuỗi hạt cườm và những dải tua dài.

Qua việc phối màu của họ trên trang phục cũng như các sản phẩm thủ công, chúng ta có thể hiểu người Mạ đang mong muốn điều gì, đồng thời chúng ta có thể hiểu thêm về nét văn hóa ăn, ở, mặc của họ. Với sự đa dạng về màu sắc, phong phú về hoa văn đã tạo nên nét đặc sắc trong trang phục truyền thống của dân tộc Mạ. Đó cũng là nét đẹp riêng trang phục người Mạ so với trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc khác vùng Tây Nguyên.

Dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Nông có dân số 5.271 người, chủ yếu sinh sống dọc theo sông Sêrpok thuộc các các huyện Cư Jut, Đắk Mil và Krong Nô, tỉnh Đắk Nông. Để tạo ra những sản phẩm trang phục truyền thống, đẹp và độc đáo phụ nữ Ê Đê sử dụng khung dệt cổ truyền để dệt ra những tấm thổ cẩm, rồi từ đó làm ra váy, áo, khố, khăn…

Trong trang phục truyền thống, Nam Ê Đê thường đống khố và mặc áo dài kín mông, giữa áo nam có mảng kẻ ngang trong bố cục hình chữ nhật màu đỏ, phần tay áo dài, vạt áo sau dài hơn vạt áo trước. Khố được dệt bằng sợi bông xe săn, trên mặt khố có nhiều đường hoa văn chạy dọc theo hay bên mép vải, ở hai đầu có tua dài khoảng 20cm.

Về văn hóa trang phục truyền thống người Ê Đê thường là màu chàm đen, trên đó có trang trí hoa văn màu đỏ, vàng, xanh, trắng. Phần lớn phụ nữ đều mặc áo, váy, trong đó trang phục truyền thống của phụ nữ váy tấm, áo chui, có thiết kế khá đặc biệt, áo được xé ngang từ bả vai trái sang bả vai phải, khi mặc lên được ôm sát vào thân mình, được buông xuôi dài tới chỗ thắt lưng. Họa tiết trên trang phục của phụ nữ Ê Đê, thường dùng những thứ gần gũi trong tự nhiên, thường đó là các con vật như chim, rùa, thằn lằn, ba ba và các loại hoa lá…

Khác với trang phục nữ, trang phục nam Ê Đê hằng ngày có hoa văn khác với trang phục sử dụng trong ngày lễ. Từ xa xưa, người Ê Đê thường dùng nguyên liệu là sợi bông để dệt vải. Bông sau khi thu hoạch về được đánh tơi, kéo sợi rồi được nhuộm màu bằng bùn, lá, củ, rễ hoặc vỏ cây rừng… Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, những trang phục truyền thống của đồng bào Ê Đê vẫn giữ được nét nguyên bản từ kiểu dáng màu sắc cho đến họa tiết, hoa văn.

Đồng bào dân tộc M’Nông tỉnh Đắk Nông là một trong những cư dân cư trú lâu đời nhất, còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán cũng như bản sắc văn hóa độc đáo, trong đó không thể không kể tới những bộ trang phục truyền thống.

Trang phục sinh hoạt hằng ngày của phụ nữ M’Nông thường là tấm váy ngắn choàng quấn quanh thân người, ống tay áo ngắn vừa đơn giản, vừa mang dáng vẻ dịu dàng lại vừa phô vẻ đẹp khỏe khoắn, nhanh nhẹn, hoa văn trang trí dải ô chéo, móc câu, hoa văn hình người, trên trang phục chủ yếu là hình kỷ hà. Trên mặt áo, váy, khố, màu sắc cơ bản gồm đen đỏ, vàng, tím, xanh.

Để có màu sắc rực rỡ trên trang phục truyền thống bền lâu, người M’Nông thường nhuộm sợi từ những loài cây trong rừng như cây Chút, cây Chàm, màu Nghệ… Tất cả đều được giã nhỏ, mài bột ngâm để nhúng nhuộm sợi hoặc chà xát trực tiếp lên sợi.

Trang phục dân tộc thiểu số ở tỉnh Đăk Nông trình diễn trên sân khấu

Hình tượng hóa trên trang phục người M’Nông là các hình dáng vật xung quanh, như hoa văn động vật (rùa, ếch), hoa văn đồ vật (xà gạc, con thuyền, con diều), hoa văn thiên nhiên (ngôi sao, ngọn núi, sông nước)...

Giữ được nét văn hóa trang phục truyền thống, người M’Nông luôn phát huy gìn giữ nền tảng văn hóa của ông cha để lại, đưa vào thổ cẩm với những ước vọng về một cuộc sống an bình, hòa thuận, với thiên nhiên.

Qua các tiết mục trình diễn văn hóa dân gian tại liên hoan, các nghệ nhân tỉnh Đăk Nông đã góp phần khắc họa bức tranh sinh hoạt truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đăk Nông. Đó là một tỉnh có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, nên có sự đa dạng phong phú về phong tục tập quán, về văn hóa các vùng miền đặc biệt là văn hóa các dân tộc thiểu số tại chỗ, song các dân tộc đều đoàn kết một lòng, cùng đoàn kết xây dựng tỉnh Đắk Nông ngày càng phát triển toàn diện.

HỒNG VÂN - Ảnh: TUẤN MINH

;