Đến với Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, Đoàn Nghệ nhân dân tộc Ê Đê thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk giới thiệu 5 tiết mục diễn tấu nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, hát ây rây, dân vũ. Đồng thời, các trang phục cũng được những nghệ nhân trình diễn trên sân khấu với nhiều đặc trưng riêng của các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.
Các nghệ nhân dân tộc Ê Đê trình diễn các tiết mục văn nghệ như: Dyô Mdhưr Mnuih Buôn Sang Eaguôn Gặp Dyuê Ana (có nghĩa là Thông báo cho buôn làng biết nhà chuẩn bị có lễ cúng) với màn biểu diễn Tấu chiêng Kram (chiêng tre). Chiêng kram có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa của cộng đồng Ê Đê, được chế tác từ ống tre, ống nứa núi rừng Tây Nguyên và cũng là một nhạc cụ truyền thống riêng có của người Ê Đê; Gum gốp Yih Yang Mnul Buôn Sang (Đoàn kết tất cả người trong buôn làng) và Buôn Dur Kmăn (hát ca ngợi buôn Dur Kmăn) do Nghệ nhân thổi đing năm Y Blih và 4 nghệ nhân: Mjao H’ Như, Kpă H’ Dyut, Y Pút Niê và Kpă H’ Phi Đen thực hiện. Đây là hai bài hát được lồng ghép giữa hát ây rây và hát dân ca, tái hiện sinh động về cuộc sống, văn hóa đặc sắc của người Ê Đê.
Màn biểu diễn Tấu chiêng Kram (chiêng tre)
Nghệ nhân thổi đing năm Y Blih và 4 nghệ nhân: Mjao H’ Như, Kpă H’ Dyut, Y Pút Niê, Kpă H’ Phi Đen thực hiện
Trình diễn hát ây rây và hát dân ca
Và các tiết mục Tấu chiêng, múa mời rượu đón khách, Múa ngày mùa trên buôn làng, Luă Gũ Ê Lêi Pi, Yuăt Ê Khăp Mnai Ê kêi A lă Lar (có nghĩa là kể về tình cảm của đôi trai gái yêu nhau suốt đời), Thổi đing puôt.
Tỉnh Đắk Lắk là nơi hội tụ của 49 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong đó, các dân tộc tại chỗ như Ê Đê, M’nông, Gia rai tạo cho vùng đất này có nền văn hóa đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Trang phục của mỗi dân tộc có họa tiết khác nhau, cách phối màu cũng khác nhau. Nhìn vào hoa văn trên thổ cẩm sẽ biết được văn hóa của tộc người, biết được quan niệm về thế giới quan và vũ trụ quan của tộc người đó. Các hoa văn được dệt trên các trang phục tùy theo suy nghĩ và sự sáng tạo của mỗi cá nhân nên các hoa văn đều có một nét riêng độc đáo. Đoàn nghệ nhân tỉnh Đắk Lắk chọn một số trang phục thổ cẩm tiêu biểu của các dân tộc Ê Đê, Gia rai, M’nông cho phần trình diễn tại Ngày hội.
Trang phục của người Ê Đê được làm từ chất liệu bông, thường có các màu chủ đạo là đen, đỏ, vàng, trắng và các họa tiết, hoa văn mang ý nghĩa gần gũi trong tự nhiên. Theo truyền thống, phần lớn phụ nữ đều mặc áo, váy, còn đàn ông mặc áo, khố. Một trong những đặc sắc của nghệ thuật tạo hình độc đáo của người Ê Đê là kỹ thuật trang trí hoa văn trên vải, những tấm thổ cẩm có giá trị văn hóa riêng biệt và là niềm kiêu hãnh của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Dân tộc Gia rai đến với sân khấu trình diễn trang phục truyền thống có màu sắc sặc sỡ, nổi bật. Trang phục của người Gia rai thường được trang trí bằng những hoa văn độc đáo, mang ý nghĩa biểu tượng như hoa văn hình sóng nước, hoa văn hình lông chim…
Còn trang phục truyền thống của người M’Nông là những màu sắc tương đối đơn giản, nền vải màu đen là đặc trưng cho đất đai mà cả cuộc đời họ gắn bó; màu đỏ biểu tượng cho sự đam mê, vươn lên, cho những khát vọng, tình yêu; màu xanh là màu của đất trời, cây lá; màu vàng là màu của ánh sáng, kết hợp hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Hoa văn mang tính cách điệu cao, nhiều màu sắc, phản ánh các sinh hoạt đời sống thường ngày của người M’nông. Đó là những dãy núi, con sông uốn lượn, mưa rơi, hình chiêng, ché, ngà voi, con cá, tổ ong, trái trám, rau dớn… được cách điệu tinh tế, hài hòa, tự nhiên và bắt mắt.
Trang phục truyền thống của các dân tộc Đắk Lắk là một phần không thể thiếu trong văn hóa đặc sắc của khu vực này. Sự đa dạng, phong phú và đặc trưng của từng trang phục truyền thống giúp ta hiểu rõ hơn về đời sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo và quan niệm thẩm mỹ của từng dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của trang phục truyền thống này là điều cần thiết để tiếp tục duy trì và phát triển văn hóa đặc sắc của khu vực Tây Nguyên.
NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH