Đa dạng văn hóa ở Đông Nam Á: cơ sở hình thành và biểu hiện

Khu vực Đông Nam Á ở thời điểm hiện tại đang là tâm điểm thu hút nhiều nhà nghiên cứu trên phạm vi toàn thế giới không chỉ bởi những chuyển biến năng động về kinh tế, mà còn có “lực hấp dẫn” từ các giá trị văn hóa - lịch sử. Khi đề cập đến văn hóa Đông Nam Á, người ta thường nghĩ ngay đến một khu vực thống nhất trong đa dạng hay tương đồng trong dị biệt. Đây chính là đặc trưng nổi bật tạo nên tính độc đáo của văn hóa khu vực này. sự đa dạng ấy là quá trình cộng sinh của các yếu tố thuộc về địa lý, lịch sử và được biểu hiện trên nhiều bình diện khác nhau, trong đó tôn giáo là một nhân tố quan trọng.

Cơ sở hình thành sự đa dạng văn hóa ở Đông Nam Á

Trước hết, sự đa dạng này có nguyên nhân từ điều kiện tự nhiên - địa lý đến các mối liên hệ về văn hóa, lịch sử.

Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

Đông Nam Á là cầu nối giữa phương Đông và phương Tây. Các con đường hàng hải quốc tế nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, châu Á với châu Đại Dương; đường hàng không từ Bắc xuống Nam, Đông sang Tây và ngược lại đều đi qua trục Đông Nam Á. Nhiều người gọi đó là “hành lang” hay “ngã tư đường” quan trọng của thế giới thời cổ đại. Mặt khác, Đông Nam Á còn giữ một vị trí bản lề giữa một bên là lục địa rộng lớn, bên kia là Tây Đại Dương, Ấn Độ Dương mênh mông, bao gồm các nước lục địa và hải đảo. Đông Nam Á hải đảo (kéo dài qua các quần đảo về phía Thái Bình Dương) gồm 6 nước: Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Brunei và Đông Timo. Đông Nam Á lục địa gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar. Chính sự phân chia Đông Nam Á thành các quốc gia hải đảo và các quốc gia lục địa đã góp phần tạo nên sự đa dạng về văn hóa.

Đông Nam Á với khí hậu nhiệt đới cận xích đạo và gió mùa nóng ẩm tạo nên 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Sự đa dạng về khí hậu, thời tiết dẫn đến sự đa dạng trong hoạt động kinh tế, phong tục, tập quán sinh hoạt và văn hóa.

Một nhân tố không thể không nhắc đến khi đề cập đến điều kiện tự nhiên là sự kết hợp của 3 yếu tố: Núi - Đồng bằng - Biển tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng Văn hóa Núi, Văn hóa Biển, Văn hóa Đồng bằng...

Ngoài những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, những mối liên hệ về lịch sử văn hóa cũng là một trong những tiền đề tạo nên tính đa dạng của văn hóa Đông Nam Á.

Mối liên hệ về lịch sử văn hóa

Các quốc gia Đông Nam Á đều có nền văn hóa bản địa lâu đời: văn hóa - văn minh nông nghiệp trồng lúa nước. Đây là lớp văn hóa cổ nhất tính từ khi con người xuất hiện ở khu vực cho đến TK I trước Công nguyên. Trong một thời gian dài, chính cơ tầng văn hóa này dẫn đến nhiều nghi lễ (nghi lễ nông nghiệp), tín ngưỡng (vạn vật hữu linh, thờ vật tổ, thờ thần: thần lúa, thần mặt trời, thần nước; tín ngưỡng phồn thực, thờ cúng tổ tiên) với hệ thống truyện kể dân gian phong phú...

Trên cơ tầng văn hóa bản địa đó, các quốc gia Đông Nam Á thông qua quá trình giao lưu, tiếp biến với văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Ả Rập, Ba Tư (thời cổ, trung đại) và phương Tây (cận/ hiện đại) đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng của văn hóa khu vực này. Các lần giao lưu, tiếp biến văn hóa với thế giới bên ngoài bao gồm:

Lần 1: là quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa Đông Nam Á với văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Ả Rập, Ba Tư.

Văn hóa Trung Hoa: là một trong cái nôi của văn minh nhân loại, văn hóa Trung Hoa ảnh hưởng lớn đến các nước khu vực Đông Nam Á mà rõ nhất là ảnh hưởng lên Việt Nam. Văn hóa Việt Nam suốt nghìn năm Bắc thuộc và phong kiến chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, điển hình là Nho giáo. Đây là tôn giáo chi phối lớn đến đời sống nước ta từ văn chương, chữ viết đến hệ thống thi cử, các mối quan hệ và thiết chế xã hội...

Văn hóa Ấn Độ: Ngay từ những năm đầu sau Công nguyên, thông qua con đường truyền giáo và thương mại, văn hóa Ấn Độ đã lan tỏa tới các nước trong khu vực Đông Nam Á... Sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với Đông Nam Á đậm đà đến mức trước kia, có nhiều học giả cho rằng, văn hóa Đông Nam Á chỉ là cái bóng của văn hóa Ấn Độ (bằng chứng là sự hiện diện của 2 tôn giáo lớn: Ấn Độ giáo và Phật giáo).

Văn hóa Ả Rập, Ba Tư: Vào thời kỳ Trung đại, các nước Đông Nam Á lại có quá trình giao lưu và tiếp nhận văn hóa Ả Rập, Ba Tư; cùng với đó là sự du nhập của Hồi giáo. Tôn giáo này thay thế Ấn Độ giáo ở quần đảo Mã lai - Indonesia. Hiện nay, Indonesia là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới; còn ở Maylaysia, Hồi giáo cũng là quốc giáo.

Lần 2 (thời kỳ cận/ hiện đại): Các nước Đông Nam Á hướng sang văn hóa - văn minh phương Tây (do trở thành thuộc địa của phương Tây - trừ Thái Lan): Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh, Pháp... Cùng với đó là sự du nhập của Công giáo. Ảnh hưởng của văn hóa Tây Âu làm cho văn hóa Đông Nam Á vượt khỏi truyền thống văn hóa Trung đại, chuyển dần và bước hẳn sang quỹ đạo của văn hóa hiện đại.

Nhìn chung, trải qua một thời gian dài trong lịch sử, các cư dân Đông Nam Á đã tạo ra nền văn hóa của riêng mình, đó là nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước với nhiều thành tựu rực rỡ. Đến thời kỳ Trung đại, họ tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ và văn hóa Trung Hoa, Ả Rập. Tới TK XVI, họ tiếp xúc với các nền văn hóa như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha... Như vậy, văn hóa Đông Nam Á là một quá trình trầm tích các lớp văn hóa (nội sinh, ngoại sinh) tạo thành một tổng thể văn hóa. Nó không phải là lớp mới thay thế lớp cũ mà là một quá trình hội tụ, tái tạo năng động, sáng tạo làm thành cốt lõi văn hóa trong lịch sử tồn tại và phát triển... tạo nên sự đa dạng của các sắc màu văn hóa. Sự đa dạng ấy thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau nhưng trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tiếp cận sự đa dạng văn hóa từ cái nhìn tôn giáo.

Biểu hiện về sự đa dạng văn hóa ở Đông Nam Á

Trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với văn hóa bên ngoài, trên cơ tầng văn hóa bản địa, các quốc gia Đông Nam Á đã tiếp thu các yếu tố văn hóa đậm nhạt khác nhau, tạo nên sự đa dạng về văn hóa. Nhìn một cách khái quát, văn hóa Đông Nam Á nổi bật lên 5 sắc màu văn hóa (1) tương ứng với các quốc gia/ nhóm quốc gia theo các tôn giáo lớn khác nhau, cụ thể:

Văn hóa Việt Nam là một sắc màu riêng. Có thể nói, trong 11 quốc gia ở Đông Nam Á, văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa sâu đậm nhất. Trong suốt hơn 1000 năm Bắc thuộc, kể cả sau khi giành độc lập (năm 938 Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng), các nhà nước quân chủ Việt Nam vẫn có quan hệ bang giao với các triều đại Trung Hoa và Nho giáo trong nhiều thế kỷ trở thành nhân tố chi phối đời sống văn hóa xã hội (thi cử, chữ viết, tổ chức bộ máy hành chính...). Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia đa dạng về tôn giáo - gồm cả Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Công giáo...

Sắc màu văn hóa Hồi giáo ở quần đảo Malaysia, Indonesia, Brunei: đây là ba quốc gia có cộng đồng cư dân theo Hồi giáo chiếm tỷ lệ cao (Indonesia: 88%; Malaysia: 60,4%, Brunei Darussalam: 67%) (2) và Hồi giáo trở thành hệ tư tưởng chi phối đời sống văn hóa xã hội. Tuy nhiên, dấu ấn của Hồi giáo trong từng nước cũng không giống nhau. Ví dụ: ở Indonesia, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới nhưng các công trình kiến trúc nối tiếng hơn cả được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới lại thuộc về các tôn giáo khác như Đền Borobudur hoặc Prambanan là thành tựu của nghệ thuật kiến trúc - điêu khắc Phật giáo và Hindu giáo. Trong khi đó, ở Malaysia, Hồi giáo là tôn giáo quốc gia... song vẫn có sự tồn tại của các tôn giáo khác, tạo nên bức tranh văn hóa rực rỡ đa sắc màu. Trên cùng một khu phố ở Malaysia, chúng ta có thể bắt gặp một nhà thờ Công giáo, một ngôi chùa đậm chất Phật giáo, một công trình kiến trúc mang phong cách độc đáo của đạo Hindu hay một ngôi đền đạo Hồi tráng lệ, uy nghi... Tất cả tạo nên sự đa dạng nhưng lại rất hài hòa khiến cho Malaysia được mệnh danh là một “châu Á thu nhỏ”.

Sắc màu văn hóa ở Campuchia: ở Campuchia hiện Phật giáo là tôn giáo chiếm tỷ lệ cao (97%), nhưng trong tiến trình phát triển của lịch sử, có giai đoạn như thời kỳ Angkor, Hindu giáo đã trở thành hệ tư tưởng chi phối đời sống văn hóa xã hội... Trong suốt gần 7 thế kỷ (từ năm 802 đến năm 1434), tôn giáo này không chỉ tác động đến thể chế chính trị quốc gia, sự hình thành và phát triển của các nhà nước cổ đại mà còn để lại cho Campuchia những giá trị văn hóa có sức sống bền lâu đến tận hôm nay. Hàng loạt các đền tháp được xây dựng, trong đó Angkor Vat là kiệt tác nghệ thuật, đỉnh cao của văn minh Campuchia, một di sản văn hóa của nhân loại (được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới), thể hiện rõ những ảnh hưởng của Hindu giáo. Đây là công trình được Vua Suryavarman II (trị vì trong khoảng thời gian từ năm 1113 đến năm 1145) cho xây dựng nhằm tôn vinh, gắn kết với thần Vishnu và để kỷ niệm sự tái thống nhất của vương quốc sau một thời gian dài nội chiến, xung đột liên miên.

Sắc màu văn hóa ở các quốc gia Thái Lan, Lào, Myanmar. Hệ tư tưởng Phật giáo chi phối đời sống văn hóa xã hội. Ở Thái Lan, Phật giáo được coi là quốc giáo với số tín đồ chiếm tỷ lệ 92,1% dân số cả nước... còn lại là: Hồi giáo: 3,9%; tôn giáo dân gian Trung Quốc: 1,7%; Thiên chúa giáo: 1,1%; các tôn giáo khác: 1,2% (3). Chính phủ và người dân Thái Lan vô cùng tôn trọng và tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển với những Viện Phật học, Tăng đoàn Phật giáo hay là các trường đại học Phật giáo... Không những thế, Thái Lan còn là một trong những quốc gia lưu giữ được rất nhiều các công trình Phật giáo nổi tiếng bao gồm các chùa chiền và hệ thống kinh kệ.

Cũng như Thái Lan, Lào là xứ sở của Phật giáo. Đạo Phật đã ăn sâu vào tư tưởng của người dân Lào, điều này được biểu hiện trong ngôn ngữ, nghệ thuật, kiến trúc, văn học… Đạo Phật được truyền vào xứ Lào trong triều Vua Dvaravati vào TK VII và từ TK XIV, Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Người dân Lào thấm nhuần trong mình những lời Phật dạy, tin vào luật nhân quả với triết lý: Ở hiền gặp lành, Ác giả ác báo…

Văn hóa Philippines mang một sắc màu riêng của Công giáo. Philipines là một trong hai nước tại châu Á (cùng với Đông Timor) có cộng đồng Công giáo La Mã chiếm đa số dân (khoảng 85%) và là một trong những nước chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây sớm hơn cả. Trong suốt hơn 350 năm là thuộc địa của Tây Ban Nha và gần 50 năm là thuộc địa của Hoa Kỳ, văn hóa Philippines chịu ảnh hưởng lớn từ 2 quốc gia này, đặc biệt là Công giáo. Công giáo du nhập vào đây từ TK XVI và cho đến nay vẫn là tôn giáo chi phối nhiều mặt trong đời sống quốc gia này.

Như vậy, sự đa dạng văn hóa từ góc độ tôn giáo thể hiện qua sự phân chia thành 5 sắc màu. Sự đa dạng ấy không chỉ biểu hiện trong bức tranh tổng thể của cả khu vực mà mỗi nước trong từng nhóm được phân chia cũng không “đồng nhất” về văn hóa... Ngay trong Phật giáo cũng có sự khác nhau: cũng là công trình thờ Phật nhưng chùa chiền ở Việt Nam, Lào, Thái Lan khác với ở Campuchia, Myanmar; tháp Bayon không giống với Borobudur hay chùa Pagan. Tuy cùng là công trình Hindu giáo giáo nhưng Angkor Vat (Campuchia) không giống với đền Mỹ Sơn (Việt Nam). Điều này chính là minh chứng cho sự đa dạng văn hóa ở mỗi quốc gia Đông Nam Á trong tiến trình phát triển của mình.

Kết luận

Trong sự thống nhất về ngọn nguồn văn hóa, trên cơ tầng văn hóa bản địa kết hợp với 2 lần giao lưu - tiếp biến văn hóa trong lịch sử, các nước khu vực Đông Nam Á đã biết làm giàu có và phong phú hơn cho nền văn hóa nước mình. Sự đa dạng ấy biểu hiện trong nhiều khía cạnh của đời sống văn hóa vật chất cũng như văn hóa tinh thần của cư dân Đông Nam Á mà tôn giáo chỉ là một nhân tố nổi bật. Điều này tạo nên tính sinh động, thu hút và tạo dấu ấn của văn hóa khu vực trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa.

_____________

1. Đức Ninh (chủ biên), Xây dựng cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2013, tr.23.

2. Số liệu tham khảo tại worldatlat.com.

3. Lương Thị Thoa, Nhân tố tôn giáo trong chủ nghĩa ly khai ở một số nước Đông Nam Á từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr.91.

TS HÀ THỊ ĐAN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

 

;