Kinh nghiệm của Nhật Bản về phát triển mô hình nghệ thuật trong giáo dục

Từ những năm 2000, Nhật Bản đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vị trí và vai trò của văn hóa - nghệ thuật trong đời sống xã hội. Ngày càng có nhiều nỗ lực tìm kiếm và phát huy khả năng của nghệ thuật nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, tạo sức sống của cộng đồng địa phương và kết nối với các lĩnh vực như giáo dục, phúc lợi và phát triển đô thị. Hàng loạt chính sách được ban hành làm cơ sở pháp lý cho sự tham gia tích cực và liên kết các nguồn lực liên ngành từ trung ương đến địa phương với các cơ sở văn hóa - nghệ thuật và doanh nghiệp tư nhân trong phát triển nghệ thuật.

Đặc biệt, từ năm 1998, trong “Quy hoạch tổng thể chấn hưng văn hóa - Hướng tới xây dựng Quốc gia văn hóa” và “Kế hoạch sáng tạo văn hóa - nghệ thuật - Kế hoạch nghệ thuật thế kỷ mới” của Tổng cục Văn hóa Nhật Bản, hoạt động nghệ thuật dành cho trẻ em cũng chính thức trở thành một đối tượng quan trọng trong chính sách quốc gia. Mặt khác, “Phương châm cơ bản lần thứ II” về chấn hưng văn hóa, nghệ thuật do Nội các Nhật Bản thông qua cũng phản ánh sự chuyển hướng tăng cường các nỗ lực nhằm “hoàn thiện các hoạt động văn hóa - nghệ thuật dành cho trẻ em”. Luật Cơ bản chấn hưng văn hóa nghệ thuật ban hành năm 2001 là một minh chứng ghi nhận những nỗ lực này.

Cũng trong giai đoạn này, trên thế giới phát triển xu hướng chuyển đổi từ mô hình Arts Education (Giáo dục Nghệ thuật) sang Arts in Education (Nghệ thuật trong Giáo dục) - không đơn thuần giáo dục cảm thụ nghệ thuật cho trẻ em, mà với ý nghĩa khai thác những khả năng của hoạt động nghệ thuật trong lĩnh vực giáo dục. Nhật Bản là một trong những quốc gia tiêu biểu, có nhiều thành tựu trong nỗ lực này.

Trong khuôn khổ bài viết, qua việc khảo sát nghiên cứu của các học giả và tổ chức liên quan của Nhật Bản, tác giả tập trung trình bày một số tiền đề và cấu thành quan trọng tạo nên một cơ chế đồng bộ nhằm hiện thực hóa mô hình phát triển “nghệ thuật trong giáo dục” tại Nhật Bản.

1. Hoạt động outreach của các cơ sở văn hóa - nghệ thuật

 Outreach là một thuật ngữ bắt nguồn tại các nước Âu - Mỹ và được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, với ý nghĩa hoạt động phục vụ cộng đồng địa phương (như giáo dục, phúc lợi) tận nơi của tổ chức và đoàn thể văn hóa - nghệ thuật công cộng. Thuật ngữ này nhanh chóng được du nhập vào Nhật Bản trong thập niên 1990 với ý nghĩa các dự án cung cấp cơ hội trải nghiệm văn hóa nghệ thuật cho người dân địa phương vốn ít có cơ hội tiếp cận các cơ sở văn hóa công lập. Trong khuôn khổ outreach, các dự án phái cử nghệ sĩ, tổ chức workshop tại trường học và cơ sở phúc lợi đã nhanh chóng định hình trên toàn quốc. Hoạt động này đem lại hiệu quả lớn trong việc phổ cập nghệ thuật và vận hành cơ sở văn hóa công lập, đồng thời, thông qua outreach, mở ra những khả năng mới của nghệ thuật trong việc giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của đời sống xã hội, bởi vậy ngày càng được chú trọng phát triển.

Mô hình outreach thành công đầu tiên là “Hội thưởng thức nghệ thuật thanh thiếu niên” do Ủy ban Giáo dục và Hội Trẻ em đồng tổ chức tại Nhà văn hóa thành phố Atsugi, Tokyo từ năm 1985. Trong đó, các hoạt động độc đáo diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng, trong khuôn khổ “Dự án sân khấu Atsugi”, nhằm phát huy tối đa năng lực sáng tạo và thể hiện của học sinh thông qua trải nghiệm tương tác với nghệ sĩ trên sân khấu. Các workshop dành cho giáo viên cũng được tổ chức, nâng cao đáng kể hiệu quả giảng dạy tại nhà trường.

Do hình dung “một chiều” về outreach (cơ sở văn hóa cung cấp dịch vụ cho địa phương và người dân bên ngoài địa điểm hoạt động chính thống), nên những năm gần đây, tại nhiều nước có khuynh hướng sử dụng cách gọi “chương trình giáo dục” hay “chương trình cộng đồng”. Nhưng với Nhật Bản, outreach vẫn là thuật ngữ thông dụng với hàm nghĩa rộng “chương trình/dự án giao lưu địa phương thông qua văn hóa nghệ thuật” có tính tương tác hai chiều với nhiều hình thức mới, liên kết với các lĩnh vực giáo dục, phúc lợi hay phát triển đô thị... Hoạt động này được kỳ vọng tạo ra nhiều hiệu quả đa dạng, mở rộng và có tính kế thừa.

Theo “Báo cáo nghiên cứu khảo sát về Chính sách địa phương thông qua văn hóa - nghệ thuật” do Quỹ Sáng tạo Địa phương Nhật Bản tiến hành năm 2010, outreach được chia thành 4 loại hình: Hỗ trợ thưởng thức, trải nghiệm trong nhà hát, sảnh hòa nhạc (cho người cao tuổi, người tàn tật, trẻ em…); Outreach hình thức phái cử nghệ sĩ (mô hình đơn lẻ, tập trung); Outreach hình thức phái cử nghệ sĩ (mô hình liên tục, dài hạn); Outreach hình thức liên kết - hợp tác (phối hợp lên kế hoạch và thực hiện cùng với các lĩnh vực chính sách ngoài văn hóa).

Có thể thấy, phần lớn các hoạt động liên hệ mật thiết với lĩnh vực giáo dục, bao gồm nhiều tương tác giữa các loại hình nghệ thuật với nhà trường và các cơ sở giáo dục suốt đời. Các hình thức tổ chức đa dạng, gồm workshopmini-concert, giúp trải nghiệm và tìm hiểu về nghệ thuật hay tọa đàm định kỳ tại bảo tàng, sau các vở diễn với phần bài giảng về tác phẩm. Tiêu biểu là dự án hòa nhạc dành cho trẻ em liên kết với các trường trong quận Sumida (Tokyo). Dựa trên Hướng dẫn chương trình giảng dạy và quy định về thời gian học tập các môn học tổng hợp và liên ngành của Bộ Giáo dục - Khoa học - Công nghệ Nhật Bản, nhà hát Triphony Hall, trọng điểm hoạt động của Dàn nhạc Giao hưởng nổi tiếng Shinnihon Philharmony, định kỳ tổ chức biểu diễn tại các trường trong thủ đô với tần suất 60 ngày trong 1 năm. Nhờ những hoạt động này, thế hệ trẻ có nhiều trải nghiệm thực tế phong phú, học hỏi và nuôi dưỡng đời sống tinh thần, óc sáng tạo và trí tưởng tượng; với người dân (đặc biệt người cao tuổi) ở địa phương ít có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật, tri thức tinh thần được nâng cao, sức sống được hồi phục. Hoạt động này cũng là một nỗ lực nhằm phát triển và nuôi dưỡng khán giả tiềm năng mới của nghệ thuật trong tương lai.

Không dừng lại ở đó, cũng từ những năm 1990, các nhà hát công lập ở Nhật Bản đã khá thành công trong việc vận dụng 3 “bảo bối” chính sách gồm: sân khấu phong cách tham gia của người dân, tình nguyện viên văn hóamạng lưới. Tiêu biểu như “Sân khấu Opera của người dân ở Fujisawa” kế thừa mô hình sơ khai năm 1973, hay các dự án mời chỉ huy và nhà biên đạo chuyên nghiệp thực hiện dự án sáng tác nhạc kịch dành riêng cho trẻ em khắp toàn quốc. Hiệu quả của các “dự án có sự tham gia của người dân” này là đem đến cho cộng đồng những trải nghiệm thực tế tươi mới, thú vị và ý nghĩa trong vai trò đồng sáng tạo, biểu diễn, cũng như mở rộng đối tượng khán giả, hình thức khai thác không gian, không còn bị gò bó trong giới hạn của những dự án tự chủ hay cho thuê địa điểm của nhà hát công lập trước đó. Sự tham gia của tình nguyện viên văn hóa cũng góp phần bổ sung nhân lực, đồng thời giải quyết thiếu hụt ngân sách vận hành. Những hoạt động này đóng góp quan trọng giúp tăng cường kết nối giữa địa phương, cơ sở văn hóa và người dân, cũng như cung cấp những loại hình dịch vụ xã hội mới thông qua nghệ thuật.

2. Hoạt động của Quỹ Sáng tạo Địa phương Nhật Bản (JAFRA)

Quỹ Sáng tạo Địa phương Nhật Bản thành lập năm 1994 với mục đích hỗ trợ phát triển địa phương theo hướng sáng tạo thông qua chấn hưng văn hóa - nghệ thuật. Hoạt động của Quỹ tập trung vào 5 nhóm, gồm: đào tạo nhân lực cho các hoạt động văn hóa - nghệ thuật địa phương, hỗ trợ sử dụng cơ sở văn hóa công lập địa phương, bảo đảm nghệ sĩ hoạt động tại địa phương, hỗ trợ dự án liên kết mà chính quyền địa phương không thể tiến hành đơn lẻ, và nghiên cứu khảo sát nhằm xây dựng và phát triển địa phương thông qua văn hóa nghệ thuật (1). Hình thức tổ chức phong phú như hội thảo, tọa đàm, tập huấn của lãnh đạo các địa phương và nghệ sĩ trong các lĩnh vực, dự án tài trợ hoạt động, liên hoan biểu diễn, trải nghiệm phổ cập tại cơ sở văn hóa theo từng nhóm đối tượng người dân, dự án cử nghệ sĩ đến giao lưu tại các địa phương, dự án bảo tồn truyền thống, Giải thưởng Sáng tạo Địa phương...

Đặc biệt, trong khuôn khổ hoạt động của Quỹ, nhiều khảo sát thường niên được tiến hành trên cơ sở tập hợp chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghệ thuật và các tổ chức, đoàn thể liên quan. Mục đích khảo sát nhằm đánh giá hiệu quả các “chương trình giao lưu địa phương thông qua văn hóa, nghệ thuật” đối với cộng đồng và người dân trong các lĩnh vực giáo dục, phúc lợi, phát triển đô thị…, những hạn chế và vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện và kế thừa các hoạt động, cũng như liên hệ với các mô hình trong và ngoài nước. Dựa trên những kết quả đó, chiến lược, phương pháp triển khai và phương hướng phát triển được đề xuất nhằm kích hoạt sức sống của các địa phương và người dân thông qua văn hóa nghệ thuật.

Các dự án chủ yếu của Quỹ Sáng tạo Địa phương là “Dự án kích hoạt âm nhạc dành cho các nhà hát công lập (Onkatsu)”, “Dự án kích hoạt vũ đạo dành cho các nhà hát công lập (Dankatsu)”, “Dự án mạng lưới diễn kịch dành cho các nhà hát công lập (Gekikatsu)”, lấy trung tâm là các lĩnh vực âm nhạc, vũ đạo và diễn kịch, và chủ thể thực hiện là các loại hình nhà hát công lập. Các dự án định hình và phát triển vững chắc nhờ việc gắn kết cơ sở văn hóa với đoàn nghệ thuật, đồng thời liên kết chặt chẽ với lĩnh vực giáo dục và phúc lợi, bởi vậy có tác dụng kích hoạt hai chiều từ giới nghệ thuật và cộng đồng địa phương. Qua đây, có thể thấy nỗ lực phối hợp giữa chính quyền địa phương và cơ sở văn hóa công trong việc phát huy vai trò xã hội của các “chương trình giao lưu địa phương thông qua văn hóa nghệ thuật”. Nghiên cứu khảo sát năm 2010 mang tên “Khuyến khích outreach” của Quỹ Sáng tạo Địa phương Nhật Bản đã đánh giá outreach là một trụ cột trong nỗ lực phổ cập nghệ thuật của các cơ sở văn hóa công lập.

3. Vai trò trung gian của các tổ chức phi lợi nhuận trong nghệ thuật

Những hoạt động trên cũng là một phần trong những nỗ lực tích cực học hỏi của Nhật Bản về mô hình dịch vụ của các nhà hát công lập tại Mỹ, với phương châm “quyền thưởng thức và trải nghiệm nghệ thuật cho tất cả người dân thành phố” và “nghĩa vụ của nhà hát công cộng trong việc cung cấp nghệ thuật cho mọi đối tượng người dân”. Đặc biệt, nhiều trong số đó được vận hành bởi các tổ chức phi lợi nhuận trong nghệ thuật (Arts NPO).

Tiên phong trong lĩnh vực này là một Arts NPO với tên gọi tiếng Anh là “Children Meet Artists”(2). Thành lập năm 1999 với tư cách thành viên của Hiệp hội Chấn hưng Nghệ thuật Nhật Bản (APA), NPO này đã khởi đầu với dự án “ASIAS - dự án nghệ sĩ và học sinh tiểu học”, trong đó phái cử những nhà nghệ thuật có tên tuổi trên các lĩnh vực đến giao lưu tại các trường trong thủ đô Tokyo. NPO này áp dụng chính thức thời gian học tập tổng hợp, cử nghệ sĩ chuyên nghiệp đến các trường và tiến hành giờ học tương tác với hình thức “tham gia - trải nghiệm”, dựa trên chất liệu là nghệ thuật (âm nhạc, biển hiện hình thể, đa phương tiện dễ liên hệ với các chủ đề tổng hợp). Đặc trưng của dự án ASIAS là tiến hành trao đổi, chuẩn bị công phu, kết nối giữa nhà trường với nhà hoạt động nghệ thuật và doanh nghiệp tài trợ. Tiết học được tổ chức thành những khóa cách quãng vài tuần hoặc vài tháng. Dự án nhận được nguồn tài trợ từ các nhà bảo trợ và quỹ tư nhân của các tập đoàn Asahi, Kao, Nissan, Nihon, Matsushita. Từ năm 2003, Tập đoàn Toyota cũng tham gia, khởi động chương trình “Toyota - Gặp gỡ giữa Trẻ em và Nghệ sĩ” thông qua Ban tổ chức toàn quốc của NPO Children Meet Artists.

Theo Hướng dẫn chương trình giảng dạy của Bộ Giáo dục - Khoa học - Công nghệ, “trên cơ sở thực tế của địa phương, nhà trường và học sinh, các trường chủ động phát huy ý tưởng sáng tạo nhằm hiện thực hóa hoạt động học tập liên ngành, tổng hợp và học tập dựa trên sự quan tâm, hứng thú của trẻ em”. Từ những giờ học trên lớp về nghệ thuật, hình thức hoạt động đã phát triển thành các outreach phái cử nghệ sĩ tới trường học, hay giờ học được tổ chức ngay tại nhà hát công cộng. Không dừng lại ở đó, khác với outreach chỉ đơn thuần cử nghệ sĩ đến trường và tổ chức workshop, các NPO Nghệ thuật đã nỗ lực nghiên cứu nhu cầu của nhà trường và những vấn đề mà môi trường giáo dục đang phải đương đầu. Họ trở thành những cộng sự đắc lực, cùng nghệ sĩ và giáo viên đầu tư chất xám và công sức nhằm nâng cao vai trò của nghệ thuật trong giáo dục và mục tiêu nuôi dưỡng toàn diện đối với học sinh. Cơ cấu thực hiện thường bao gồm các bước: lắng nghe tình hình, nguyện vọng của nhà trường, trao đổi về chương trình bài giảng, tham quan giờ học; tuyển chọn và gặp gỡ nghệ sĩ; thuyết trình và biểu diễn của nghệ sĩ; gặp gỡ giữa giáo viên và nghệ sĩ, tham quan giờ học; xây dựng chương trình và giáo án; tiến hành giờ học.

Với tiếp cận khác, NPO mang tên ST Spot Yokohama lại làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương và xây dựng chương trình giao lưu dành cho khối trường trung học phổ thông. Đây là một tổ chức do người dân vận hành một nhà hát nhỏ của thành phố Yokohama. Thành lập năm 1987, dự án phát triển hoạt động giáo dục mới ứng dụng nghệ thuật của ST Spot Yokohama được chọn đề xuất cho chương trình “Chia sẻ kinh phí dự án hợp tác” của Quỹ Xúc tiến Hoạt động Tình nguyện Tỉnh Kanagawa. Hợp tác ba bên gồm Ủy ban Giáo dục tỉnh (thuộc Phòng Hỗ trợ Giáo dục Trẻ em và Phòng Giáo dục cấp III), tỉnh Kanagawa (Bộ phận Văn hóa thuộc Phòng phụ trách các vấn đề người dân) và ST Spot Yokohama được xúc tiến qua việc ký kết “Hiệp định thư về Chia sẻ kinh phí dự án hợp tác”. Quy mô hoạt động cũng được mở rộng theo từng năm.

Đặc biệt, chính nhờ coi trọng liên kết với chính quyền và ủy ban giáo dục của địa phương đã giúp nội bộ chính quyền hiểu được tầm quan trọng của giáo dục nghệ thuật trong nhà trường. Một điểm đáng lưu ý khác là, giáo dục nghệ thuật không dừng lại ở giao lưu đơn lẻ mà đã trở thành cơ chế thường kỳ, trên cơ sở áp dụng khái niệm Arts in Education (AIE) du nhập từ Âu - Mỹ. Tại Nhật Bản, các NPO nghệ thuật đảm nhiệm vai trò chủ đạo trong hoạt động AIE.

4. Arts in Education - Nghệ thuật trong giáo dục

Những năm 2000, thế giới chứng kiến xu hướng ngày càng phát triển mạnh mẽ các nỗ lực tìm kiếm tiềm năng của nghệ thuật trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt tại các quốc gia Âu - Mỹ. Từ khóa “Arts Education” đã được chuyển đổi thành AIE với các chương trình hoạt động mang tính chiến lược. Nhật Bản cũng là quốc gia đi đầu ở châu Á trong xu thế này.

Khác với “giáo dục nghệ thuật”, giáo dục theo phương châm “nghệ thuật trong giáo dục” không chú trọng dạy cho trẻ các môn nghệ thuật đơn thuần, mà quan trọng hơn hết là sử dụng các đặc tính của nghệ thuật và năng lực của người nghệ sĩ để khơi gợi khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng của trẻ em, kích thích trong trẻ đam mê, động lực tạo ra những giá trị và biểu hiện mới, phát triển khả năng nhìn nhận, suy nghĩ về sự vật, hiện tượng một cách đa dạng, nuôi dưỡng “năng lực sống” thông qua trải nghiệm liên tục học hỏi, trong đó trẻ em là chủ thể - những phương pháp vốn không có trong các giáo khoa thông thường. Theo đó, các tiết học văn toán được giảm tải và tăng thời lượng môn học tổng hợp kết hợp giữa âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu từ giai đoạn đầu của bậc tiểu học, với quan điểm coi trọng tối đa “giáo dục tính độc đáo” trong những thời lượng cho phép của nhà trường. Nhu cầu của các trường đối với hoạt động này ngày càng gia tăng mạnh. Nhận thức của cộng đồng đối với việc phát huy vai trò của các nghệ sĩ địa phương cũng ngày càng được nâng cao.

NPO có tên gọi S-air Artist in School phát triển dự án sử dụng những lớp học trống tiết thành các “xưởng sáng tạo” (atelier), làm không gian giao lưu giữa nghệ sĩ và học sinh. Ở đây, người nghệ sĩ hoàn toàn không đặt mình vào lập trường của giáo viên, mà như một “người bạn lớn thường lui tới trường trong một khoảng thời gian ngắn”, từ đó, tạo nên một môi trường tương tác để mỗi thành viên tham gia có được trải nghiệm quý giá với những cuộc trò chuyện thư thái, lắng đọng, giúp nhìn sâu, nhận diện và trân quý lẫn nhau. Phương pháp này được tham khảo mô hình từ một thành phố nhỏ ở phía bắc nước Ý, nơi triển khai một hình thức giáo dục trẻ em độc đáo, biến người nghệ sĩ thành giáo viên nghệ thuật tại các trường học.

Tuy đạt được nhiều thành tựu, nỗ lực của Nhật Bản trong việc phát huy vai trò của nghệ thuật trong giáo dục những năm qua vẫn được các nhà chuyên môn nghiêm khắc đánh giá là chưa toàn diện khi so sánh với các quốc gia khác, được ví như trạng thái “yêu đơn phương” từ phía nghệ thuật, và còn mang tính tản mát, thiếu quan điểm, chiến lược dài hạn và sâu sắc từ phía hệ thống giáo dục. Hơn hết, phát huy vai trò của nghệ thuật trong giáo dục đòi hỏi một cơ chế hợp tác tổng lực, mật thiết bao gồm: nhà trường, nghệ sĩ và nhà nghệ thuật, doanh nghiệp bảo trợ, chính quyền địa phương (có hoặc không tùy trường hợp) và NPO với vai trò trung gian kết nối, xây dựng - tổ chức - thực hiện chương trình. Các chuyên gia đề xuất việc chính quyền cần có những nỗ lực quyết liệt hơn nữa trong hợp tác giữa các bộ ngành thuộc chính phủ như đã thấy ở một số quốc gia: Mỹ, Anh hay Hàn Quốc.

Lời kết

Hai năm qua đối với nước Nhật, đại dịch COVID-19 bùng phát cũng gây nên những ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt ngưng trệ các hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Không thể đơn giản dừng các hoạt động, vì nghệ thuật nhất thiết quan trọng đối với hoạt động sáng tạo và đời sống của con người. Nghiên cứu chính sách và nỗ lực với tầm nhìn dài hạn nhằm duy trì giao lưu văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra, cho thấy nhận thức sâu sắc về vai trò của nghệ thuật trong đời sống xã hội. Trong khi đó, “Môi trường của trẻ em hiện đại ngày càng thách thức, trong đó có tác động xấu của thế giới ảo do phát triển cao độ của công nghệ thông tin đối với phát triển của trẻ em. Ở đó, những biểu hiện của nghệ thuật sử dụng sự sống động của mọi giác quan cơ thể có hiệu quả phục hồi năng lực giao tiếp và cảm xúc cơ thể đang ngày càng mất dần ở trẻ em. Việc tiến hành giờ giảng sử dụng nghệ thuật giúp nuôi dưỡng sự tự tin, bản lĩnh sống, năng lực sáng tạo, tư duy phê phán, tinh thần tôn trọng kỷ luật và lòng bác ái, nhân văn” (3).

Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít những vấn đề tương tự. Sự thiếu cởi mở và tương tác, tâm lý tiếp nhận thụ động, hời hợt, thích hưởng thụ và thiếu động lực cống hiến, tình trạng “sính ngoại” trong một bộ phận thế hệ tương lai của đất nước, thực sự ngày càng đáng báo động. Trong giáo dục nghệ thuật, do thiếu mục đích và định hướng chiến lược và dài hạn, các tiết học âm nhạc hay mỹ thuật còn mang nặng “tính giáo khoa” và hình thức, thiếu thực chất và chiều sâu, cũng như tính tương tác với các môn học khác và hoạt động bên ngoài nhà trường.

Để hiện thực hóa một cơ chế phát triển nghệ thuật trong giáo dục, kinh nghiệm của Nhật Bản góp phần phản ánh vai trò quan trọng của Nhà nước và địa phương trong việc định hướng và hỗ trợ thông qua ban hành luật, phương châm và chính sách có tầm nhìn chiến lược và dài hạn, sự phối hợp của các bộ, ban ngành, mặt khác cũng cho thấy sự chủ động tham gia của các nguồn lực xã hội bao gồm cơ sở văn hóa - nghệ thuật, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức phi lợi nhuận, nghệ sĩ, chuyên gia và người dân, trên cơ sở thực sự nhận thức lợi ích, giá trị và ý nghĩa của nghệ thuật trong sự phát triển của xã hội và đất nước. Việc hình thành một cơ chế phối hợp đồng bộ như vậy không thể thành công trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, cần nhanh chóng tiến hành những nghiên cứu và triển khai cụ thể, với sự tâm huyết và quyết liệt nhiều phương diện trên cơ sở phát huy truyền thống và học tập kinh nghiệm quốc tế.

Tác giả bài viết rất đồng tình với đánh giá của các nhà chuyên môn Nhật Bản khi không coi nghệ thuật là giải pháp vạn năng trong các vấn đề giáo dục. Nhưng khi nhìn bao quát nỗ lực của các quốc gia trên thế giới mà Nhật Bản là một trường hợp tiêu biểu, giáo dục sáng tạo và nghệ thuật hứa hẹn một hướng đi mới, không chỉ nuôi dưỡng năng lực sáng tạo và cảm giác của trẻ em, mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng nuôi dưỡng nguồn nhân lực cho nền kinh tế và sản xuất tương lai, cũng như giải quyết những vấn đề khủng hoảng giá trị và đạo đức, để thực sự hướng đến nền giáo dục chân - thiện - mỹ và phát triển bền vững.

_______________

1. jafra.or.jp

2. children-art.net

3. Yoshimoto Mitsuhiro, Tái khảo sát - Chính sách văn hóa - Đòi hỏi mở rộng vai trò và chuyển hướng mô hình, Từ “bảo trợ, hỗ trợ” văn hóa - nghệ thuật đến “đổi mới” lấy nghệ thuật làm trọng điểm, Viện Nghiên cứu cơ bản Nissei, Nhật Bản, 2008.

Tài liệu tham khảo

1. Quỹ Sáng tạo Địa phương Nhật Bản, Nghiên cứu khảo sát về chính sách địa phương bằng văn hóa nghệ thuật, Báo cáo Khuyến khích hoạt động outreach mới, Viện Nghiên cứu cơ bản Nissei, Nhật Bản, 2010.

2. Yoshimoto Mitsuhiro, Báo cáo Suy nghĩ về giáo dục từ Nghệ thuật - từ những thử nghiệm trong và ngoài nước, Viện Nghiên cứu cơ bản Nissei, Nhật Bản, 2007.

3. Quỹ Sáng tạo Địa phương Nhật Bản, Báo cáo Nghiên cứu khảo sát về “Chính sách địa phương bằng văn hóa - nghệ thuật”, Tạp chí Sáng tạo Địa phương Nhật Bản, số 208, tháng 8 - 2010, Nhật Bản.

TS NGUYỄN DƯƠNG ĐỖ QUYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021

;