Tam giác sắt - chiến khu, huyền thoại trong lòng đất

Du lịch về nguồn hiện đang trở thành xu thế khá hấp dẫn đối với các bạn trẻ, khách du lịch nước ngoài, những người muốn tìm hiểu về văn hóa lịch sử dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ… Những ngày lễ lớn như 30/4, 2/9 hoặc vào dịp Tết, sau Tết Nguyên đán là thời điểm lý tưởng để ta làm một chuyến du hành về nguồn, khám phá các di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng. Và miền Đông Nam Bộ là một chọn lựa lý tưởng!

Tượng đài Tam Giác Sắt

Các bạn hãy về Bình Dương, đến với di tích lịch sử cách mạng Tam Giác Sắt*, hay còn gọi là Địa đạo Tây Nam Bến Cát, nằm trên địa bàn ba xã: An Điền, An Tây và Phú An thuộc thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Khu vực này được gọi là "Tam Giác Sắt" do tầm quan trọng chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nơi quân và dân ta đã kiên cường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hệ thống địa đạo tại đây được hình thành từ năm 1948, bắt đầu từ trận đánh đồn Rạch Bắp. Với công cụ thô sơ, quân và dân ba xã đã tạo nên một công trình đồ sộ với hàng trăm con đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã với nhau như một "làng ngầm" kỳ diệu. Hệ thống địa đạo dài gần 100km, bao gồm khoảng 50 ụ chiến đấu và nhiều hầm trú ẩn, cứu chữa thương binh, dự trữ vũ khí, lương thực. Đường xương sống - đường chính của địa đạo cách mặt đất 4m. Trong đường hầm này có chiều cao 1,2m, rộng 0,8m. Có những đoạn được cấu trúc từ 2 đến 3 tầng, chỗ lên xuống có nắp đậy bí mật. Trong địa đạo có những nút chặt ở những điểm cần thiết, dọc theo đường hầm có lỗ thông hơi ra ngoài được ngụy trang kín đáo. Chung quanh cửa hầm bí mật lên xuống được bố trí nhiều hầm chông, hố đinh, mìn trái, có cả mìn lớn chống tăng và mâm phóng lựu chống máy bay trực thăng đổ chụp nhằm ngăn chặn địch tới gần.

Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi sau chiến đấu; có nơi dự trữ vũ khí, lương thực thực phẩm, nước uống, có giếng nước, hầm nấu ăn, hầm làm việc, chỉ huy, hầm nuôi dưỡng thương binh, v.v…                       

Đường xương sườn (các nhánh phụ), được đào từ đường chính về các ấp. Đi liền với các nhánh phụ là các ô ụ chiến đấu. Mỗi nhánh phụ dài 1km với 3 ụ chiến đấu. Xung quanh ô ụ chiến đấu có bố trí các hầm chông, mìn được ngụy trang cẩn thận.    

    

Tải thương trong địa đạo

Với hệ thống địa đạo dài gần 100km , khoảng 50 ô ụ chiến đấu và nhiều hầm để trú ẩn, cứu chữa thương binh, dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm… địa đạo Tây Nam là căn cứ địa của nhiều cơ quan và tổ chức kháng chiến, đây còn là chiến trường tiêu diệt địch tại chỗ. Từ căn cứ này, nhiều lực lượng vũ trang chủ lực làm bàn đạp xuất phát tiến công vào sào huyệt kẻ thù trong những trận đánh lớn, chiến dịch lớn. Đó là chiến dịch Lê Hồng Phong (1950); những trận phục kích đánh giao thông trên đường 14; đánh các cuộc càn “Phong hỏa”, “Át-tăng-bơ-rơ”, “Xê-đa-phôn”…

Thời chiến tranh chống Mỹ, hệ thống đường hầm được mở rộng hơn nhằm làm căn cứ cho các hoạt động ngầm chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm và sau đó là các chính phủ Việt Nam Cộng hòa do Hoa Kỳ hậu thuẫn. Trước mối đe dọa đang rình rập đối với chính quyền Sài Gòn, người Mỹ đã tăng cường tấn công quân sự vào khu vực trong mùa thu năm 1966 và 1967. Họ phát động ba chiến dịch trong thời gian này: Chiến dịch Attleboro, Chiến dịch Cedar Falls và Chiến dịch Junction City. Chiến dịch Cedar Falls là một cuộc tấn công đặc biệt đáng kể với sự tham gia của gần 16.000 lính Mỹ và 14.000 lính Lục quân Việt Nam Cộng hòa. Chiến dịch kéo dài 19 ngày. Bất chấp cuộc tấn công ồ ạt bằng máy bay ném bom B-52 và máy ủi bọc thép, cùng nỗ lực phá hủy hệ thống đường hầm bằng chất nổ, lũ lụt và "lính chuột cống" (những binh sĩ được huấn luyện đặc biệt sẽ xâm nhập vào đường hầm và chỉ được trang bị đèn pin và súng ngắn), Hoa Kỳ vẫn không thể xóa sổ hoàn toàn hệ thống địa đạo của ta, vốn đã được xây dựng trong hơn hai thập kỷ.           

        

  Xe tăng Mỹ bị bắn cháy          

Khu vực này vẫn là trung tâm tổ chức lớn của ta cho đến khi chiến tranh kết thúc, do tầm quan trọng chiến lược không thể phủ nhận, cũng như sự hỗ trợ từ người dân địa phương vốn phải hứng chịu tác động từ chiến dịch ném bom của Mỹ. Trong bối cảnh Chiến dịch Mùa xuân 1975, Tam giác sắt là nơi nhiều cánh quân giải phóng tập kết để chuẩn bị cho cuộc tấn công cuối cùng vào Sài Gòn.

Trong những năm tháng chiến tranh, đặc biệt là trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Tam Giác Sắt là một căn cứ địa quan trọng. Dựa vào hệ thống địa đạo, quân và dân ba xã Tây Nam đã chiến đấu ngoan cường, lập nhiều chiến công vang dội, tiêu diệt hàng ngàn tên giặc, phá hủy hàng trăm xe tăng và xe bọc thép. Đặc biệt, trong chiến dịch Mậu Thân 1968 và mùa xuân năm 1975, địa đạo là nơi tập kết của nhiều cánh quân lớn tiến đánh vào Sài Gòn, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã xếp hạng Địa đạo Tam Giác Sắt được là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (ngày 18/3/1996). Hiện nay, khu di tích có diện tích khoảng 27ha, bao gồm các hạng mục công trình như: nhà tưởng niệm, đài vọng cảnh, mô hình địa đạo, nhà trưng bày, khu tượng đài trung tâm, khu cây xanh và vườn hoa. Di tích này không chỉ là biểu tượng của lòng kiên trung, bất khuất của quân và dân ta mà còn là địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Đến với di tích lịch sử - văn hóa Địa đạo Tam Giác Sắt, tham quan những công trình được phục dựng, đi sâu, xâm nhập vào lòng đất sẽ cho ta cảm giác bồi hồi, xúc động khó tả. Bởi chính tại  nơi đây, trên nửa thế kỷ  trước, nhân dân, bộ đội ta đã anh hùng dũng cảm, bám trụ chiến đấu đến ngày thắng lợi hoàn toàn thống nhất đất nước…

_____________________

(*) Bài viết có sử dụng tư liệu của Bảo tàng Bình Dương và Khu di tích văn hóa lịch sử Tam Giác Sát

Bài và ảnh: HẢI HỒ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 603, tháng 4-2025

;