Công ước 2005 và chính sách bảo vệ, phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa ở Việt Nam

Việt Nam là một trong 146 quốc gia phê chuẩn Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Công ước là yếu tố nền tảng để Việt Nam thúc đẩy và cụ thể hóa chính sách kinh tế, xã hội trong văn hóa. Các chính sách văn hóa của Việt Nam đều hướng đến việc hoàn thiện thị trường văn hóa; chú ý đến nhu cầu sáng tạo, thưởng thức văn hóa của nhân dân; nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa; đặc biệt phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH). Việc hoạch định và thực thi các chính sách bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa ở Việt Nam trong những năm qua đã đạt được một số thành tựu quan trọng.

1. Công ước 2005 - Công ước về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa

Công ước 2005 đến nay đã được 146 quốc gia phê chuẩn, bao gồm cả Liên minh châu Âu, đang định hướng các nỗ lực của UNESCO trong việc tăng cường năng lực sáng tạo, sản xuất và phân phối các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động văn hóa. Các quốc gia thành viên được hỗ trợ thực hiện những chính sách công nhằm phát triển các lĩnh vực CNVH, sáng tạo mạnh mẽ và năng động trong phạm vi chủ quyền của mình. UNESCO cam kết phát triển nhiều hơn những chính sách công hiệu quả và bền vững trong những lĩnh vực này (1).

Các khái niệm phục vụ cho mục đích của Công ước được hiểu như sau: Đa dạng văn hóa đề cập đến nhiều cách thức khác nhau, mà thông qua đó nền văn hóa của các nhóm người và các xã hội tìm ra cách biểu đạt. Những biểu đạt này được lưu truyền trong nội bộ, giữa các nhóm người và các xã hội. Đa dạng văn hóa được thể hiện không chỉ bằng những cách thức khác nhau trong đó di sản văn hóa của nhân loại được biểu đạt, bồi đắp và chuyển tải bằng nhiều biểu đạt văn hóa, mà còn được thể hiện bằng những cách thức sáng tạo, sản xuất, phổ biến, phân phối và hưởng thụ nghệ thuật đa dạng, sử dụng bất cứ phương tiện và công nghệ gì. Nội dung văn hóa đề cập đến ý nghĩa biểu tượng, khía cạnh nghệ thuật và những giá trị văn hóa có nguồn gốc từ các bản sắc văn hóa hoặc biểu đạt các bản sắc văn hóa này. Các biểu đạt văn hóa là những biểu đạt ra đời từ sự sáng tạo của các cá nhân, các nhóm người, các xã hội và có nội dung văn hóa. Các hoạt động văn hóa, các sản phẩm và các dịch vụ văn hóa đề cập đến các hoạt động, các sản phẩm và dịch vụ, mà tại thời điểm hình thành chúng sở hữu một đặc tính, công dụng hay mục đích cụ thể, thể hiện hoặc chuyển tải các biểu đạt văn hóa, bất kể giá trị thương mại của chúng là gì. Bản thân các hoạt động văn hóa vừa là thành phẩm, vừa có thể đóng góp vào việc sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Các ngành CNVH đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Các chính sách và các biện pháp văn hóa đề cập đến các biện pháp và chính sách liên quan đến văn hóa, ở cấp độ địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế, tập trung vào văn hóa hoặc được xây dựng nhằm tác động trực tiếp đến các biểu đạt văn hóa của các cá nhân, nhóm người và các xã hội, bao gồm quá trình sáng tạo, sản xuất, phổ biến, phân phối và tiếp cận các hoạt động, các sản phẩm và các dịch vụ văn hóa. Danh từ bảo vệ có nghĩa là việc thông qua các biện pháp nhằm bảo tồn, giữ gìn và tăng cường sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Động từ bảo vệ có nghĩa là thông qua các biện pháp đó. Khái niệm Liên văn hóa đề cập đến sự tồn tại, tương tác công bằng của các nền văn hóa đa dạng và khả năng tạo ra các biểu đạt văn hóa chung thông qua đối thoại và tôn trọng lẫn nhau (2).

Các mục tiêu của Công ước: bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa; tạo điều kiện cho các nền văn hóa phát triển và tương tác một cách tự do và cùng có lợi; khuyến khích đối thoại giữa các nền văn hóa nhằm đảm bảo sự trao đổi văn hóa rộng rãi hơn và cân bằng trong một thế giới thuận lợi cho sự tôn trọng giữa các nền văn hóa và một nền văn hóa hòa bình; thúc đẩy tính liên văn hóa để phát triển sự tương tác văn hóa trên tinh thần xây dựng các nhịp cầu nối kết các dân tộc; thúc đẩy sự tôn trọng và nâng cao nhận thức về giá trị của sự đa dạng các biểu đạt văn hóa ở các cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế; tái khẳng định tầm quan trọng của mối liên kết giữa văn hóa và phát triển đối với tất cả các quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, và hỗ trợ những hành động quốc gia, quốc tế nhằm đảm bảo sự công nhận các giá trị chân thực của mối liên kết này; công nhận thuộc tính đặc trưng của các hoạt động, các sản phẩm và các dịch vụ văn hóa như là những công cụ chuyển tải bản sắc, các giá trị và ý nghĩa; tái khẳng định chủ quyền của các quốc gia trong việc duy trì, thông qua, thực hiện các chính sách và các biện pháp được họ coi là phù hợp để bảo vệ, phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa trên lãnh thổ quốc gia mình; tăng cường hợp tác, đoàn kết quốc tế trên tinh thần quan hệ đối tác, đặc biệt là để nâng cao năng lực của các nước đang phát triển trong việc bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (3).

Các nguyên tắc chỉ đạo của Công ước: tôn trọng quyền con người các quyền tự do cơ bản; chủ quyền; bình đẳng phẩm giá và tôn trọng tất cả các nền văn hóa; đoàn kết và hợp tác quốc tế; bổ trợ các khía cạnh kinh tế và văn hóa của phát triển; phát triển bền vững; tiếp cận công bằng; cởi mở và cân bằng.

Phạm vi áp dụng: Công ước này sẽ áp dụng cho các chính sách và biện pháp mà các thành viên thông qua liên quan đến việc bảo vệ, phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa.

2. Một số chính sách bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của Việt Nam

Ngày 4-7-2007, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 627/2007/QĐ-CTN phê chuẩn Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Ngày 16-3-2009, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1607/VPCP-QHQT giao Bộ VHTTDL là cơ quan đầu mối chủ trì việc thực hiện Công ước.

Công ước là yếu tố nền tảng để Việt Nam thúc đẩy và cụ thể hóa chính sách kinh tế, xã hội trong văn hóa. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 (Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã xác định những quan điểm quan trọng: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, “Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế”. Nghị quyết cũng xác định sáu nhiệm vụ quan trọng: “Củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại” (4). Những quan điểm và nhiệm vụ này là căn cứ quan trọng để hoạch định và thực thi các chính sách văn hóa ở các cấp độ khác nhau.

Nhìn chung, trong những năm gần đây, các chính sách văn hóa của Việt Nam đều hướng đến việc hoàn thiện thị trường văn hóa; chú ý đến nhu cầu sáng tạo, thưởng thức văn hóa của nhân dân; nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa; đặc biệt phát triển CNVH. Các chính sách này không chỉ được triển khai ở cấp độ vĩ mô thông qua các nghị quyết, chương trình hành động, chiến lược quốc gia mà còn được triển khai ở cấp độ trung mô bằng việc cụ thể hóa ở các đề án, chiến lược của các bộ ngành, tỉnh/ thành và mức độ vi mô với các kế hoạch triển khai hằng năm của các đơn vị/ tổ chức/ doanh nghiệp văn hóa. Có thể thấy, chính sách nổi bật trong việc thực thi Công ước giai đoạn 2016-2019 là ngày 8-9-2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1755/QĐ-TTg, Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (5). Chiến lược là một trong những chính sách vĩ mô, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò và vị trí của CNVH đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời là căn cứ để triển khai các giải pháp quan trọng nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ phát triển các ngành CNVH Việt Nam. Nội dung của chiến lược đã thể hiện các quan điểm: Các ngành CNVH là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành CNVH; Phát triển các ngành CNVH dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ, khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa; Phát triển các ngành CNVH có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của Việt Nam, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng; Phát triển CNVH gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

Mục tiêu chung của Chiến lược là: Phát triển các ngành CNVH Việt Nam gồm quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam. Chiến lược đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chung phát triển các ngành CNVH bao gồm: đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; thu hút và hỗ trợ đầu tư; phát triển thị trường; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế. Ngoài ra, Chiến lược cũng xác định nhiệm vụ và giải pháp phát triển một số ngành CNVH như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa. Từ Chiến lược Phát triển các ngành CNVH của Chính phủ, các Bộ (Bộ VHTTDL chủ trì, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã ban hành kế hoạch riêng về phát triển các ngành CNVH của mình.

Ngoài Chiến lược Phát triển các ngành CNVH, Chính phủ và một số bộ ngành đã tập trung triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý, khuyến khích phát triển các ngành CNVH, cụ thể:

Luật Báo chí số 103/2016/QH13, được Quốc hội thông qua ngày 5-4-2016, gồm 6 chương, 61 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017, khẳng định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí. Luật Tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13, được Quốc hội thông qua ngày 6-4-2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. Luật gồm 5 chương, 37 điều, quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Luật Du lịch số 09/2017/QH14, được Quốc hội thông qua ngày 19-6-2017 với 9 chương, 78 điều, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Với nhiều quy định mới, Luật Du lịch được đánh giá là hành lang pháp lý vững chắc, tạo động lực cho sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14, được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 13-6-2019 tại kỳ họp thứ 7 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Luật gồm 5 chương và 41 điều, quy định các nội dung về quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Luật Thư viện số 46/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21-11-2019 tại kỳ họp Quốc hội khóa 8 và có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2020. Luật Thư viện gồm 6 chương, 52 điều, quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện.

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan (thay thế Nghị định số 100/2006/NĐ-CP và Nghị định số 85/2011/NĐ-CP). Nghị định số 23/2019/NĐ-CP ngày 26-2-2019 của Chính phủ về hoạt động triển lãm. Nghị định gồm 4 chương, 20 điều quy định về hoạt động tổ chức, phối hợp tổ chức triển lãm không vì mục đích thương mại thực hiện tại Việt Nam và đưa ra nước ngoài. Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn gồm 5 chương và 31 điều.

Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 19-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030. Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển hệ tri thức Việt số hóa. Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.

3. Một số kết quả của việc thực thi các chính sách bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa ở Việt Nam

Kể từ khi tham gia Công ước, Việt Nam đã và đang thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của quốc gia thành viên. Việt Nam đã hoàn thành vai trò Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước, Phó Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước (nhiệm kỳ 2011-2015); tham gia đầy đủ và có trách nhiệm tại các kỳ họp của Ủy ban, kỳ họp Đại hội đồng của Công ước; tích cực tham gia, tổ chức các chương trình, hoạt động kỷ niệm 10 năm ra đời Công ước (2005-2015); đóng góp thường niên cho Quỹ Quốc tế về đa dạng văn hóa (International Fund for Cultural Diversity/IFCD) của Công ước. Việt Nam đã hoàn thiện Báo cáo quốc gia định kỳ các giai đoạn 2008-2011, 2012-2015, 2016-2019 (6).

Một trong những kết quả nổi bật của việc thực thi Công ước giai đoạn 2016-2019 là kết quả triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chú trọng công tác phổ biến, quán triệt nhận thức về tầm quan trọng của các ngành CNVH đối với phát triển kinh tế, xã hội, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời tạo sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm, nâng cao sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc phát triển các ngành CNVH. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của xã hội, các Bộ, ngành đã tập trung triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, nhằm tạo hành lang pháp lý, khuyến khích phát triển các ngành CNVH. Ngoại giao văn hóa trong lĩnh vực CNVH, thương mại trong lĩnh vực CNVH, đầu tư và tài chính trong lĩnh vực CNVH, thông tin - truyền thông trong lĩnh vực CNVH, văn hóa, thể thao và du lịch (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa) đã đạt được những thành tựu nhất định, cụ thể: truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển các ngành CNVH; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về các ngành CNVH; xây dựng và quảng bá thương hiệu cho ngành CNVH; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về CNVH; mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế thông qua các hoạt động du lịch, liên hoan phim, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm nghệ thuật, nhiếp ảnh (7).

Thành phố Hà Nội vinh dự trở thành thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế cũng là một trong những kết quả quan trọng của việc thực thi Công ước 2005. Qua nhiều vòng xét duyệt, ngày 30-10-2019, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã ký Quyết định công nhận 66 thành phố trên thế giới tham gia ứng cử chính thức gia nhập vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó có thành phố Hà Nội. Hà Nội vinh dự trở thành thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo (lĩnh vực thiết kế), tham gia quá trình thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố trong mạng lưới với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững (8).

Hà Nội luôn đóng vai trò quan trọng của một trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế của đất nước. Hà Nội hiện nay tiếp tục là một hình ảnh tiêu biểu đại diện cho sự đổi mới, năng động, sáng tạo và phát triển. Việc trở thành thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên toàn cầu được xác định là bước đi đầu tiên của Hà Nội trong hành trình định vị lại thương hiệu quốc tế, với tư cách là một thành phố sáng tạo về thiết kế, trong đó việc phát huy các ngành CNVH /các ngành công nghiệp sáng tạo là yếu tố then chốt. Tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ góp phần thay đổi nhận thức toàn cầu và mang lại những lợi thế nhất định không chỉ cho thành phố Hà Nội mà cho cả Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bên cạnh việc đạt được một số kết quả quan trọng, quá trình thực hiện Công ước có khó khăn, thách thức nhất định. Việt Nam cần có những giải pháp để dần khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiến tới những thành tựu lớn và toàn diện hơn trong bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa.

_______________

1. UNESCO, Tóm tắt Báo cáo toàn cầu Công ước 2005 - Tái/định hình các chính sách văn hóa thúc đẩy sáng tạo vì sự phát triển, vietnam.un.org, 2018.

2, 3. UNESCO, Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, unesco.org, 2005, tr.7-8, 4-5.

4. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 (BCH TW Đảng khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tulieuvankien.dangcongsan.vn.

5. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 1755/QĐ-TTg Phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, 8-9-2016, thuvienphapluat.vn.

6. Hà An, Bộ VHTTDL tham vấn về rà soát công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa tại Việt Nam, bvhttdl.gov.vn, 18-06-2020.

7. Bộ VHTTDL, Báo cáo số 34/BC-BVHTTDL, ngày 9-3-2021, Báo cáo Kết quả triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐTTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

8. Huy Lê, Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, dangcongsan.vn, 31-10-2019.

TS NGUYỄN THỊ ANH QUYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022

;