Một số biến đổi văn hóa tại các làng Xoan gốc - Nghiên cứu trường hợp làng Xoan Phù Đức và An Thái

Biến đổi văn hóa là một quy luật tất yếu trong đời sống con người. Theo dòng chảy của thời gian, tất cả các thay đổi về cơ sở hạ tầng sẽ ảnh hưởng, tác động dẫn đến biến đổi của cơ sở thượng tầng trong đời sống con người. Các yếu tố như phương thức sản xuất kinh tế, tập quán… thay đổi, tác động mạnh mẽ vào đời sống tinh thần của con người, dẫn đến có ít nhiều sự biến đổi so với cái cũ, cái ban đầu. Hát Xoan là Di sản văn hóa đại diện cho nhân loại, tuy nhiên trước bối cảnh xã hội có sự thay đổi về nhiều mặt, hát Xoan đã có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn. Các làng Xoan gốc như Phù Đức hay An Thái không nằm ngoài những biến đổi để thích ứng, thích nghi với sự phát triển của xã hội.

Biến đổi trong hình thức diễn xướng

Xưa kia, hát Xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục thờ vua Hùng và thường hát vào mùa xuân với chủ yếu là các thành tố nghệ thuật như âm nhạc, văn học, múa… Trước các tác động và nhu cầu của cuộc sống hiện nay, hát Xoan đã có những biến đổi để phù hợp và đáp ứng các nhu cầu mới của bối cảnh kinh tế, xã hội hiện đại. Hát Xoan tại hai làng An Thái và Phù Đức đã có những biến đổi sau:

Hình thức diễn xướng ca múa với chủ yếu là “nghe” và “xem” trong không gian lễ hội đình đám của làng vào mùa xuân. Hiện nay, khi trình diễn tại các câu lạc bộ, hội diễn, hội thi văn nghệ, phục vụ khách du lịch… hát Xoan trở thành các tiết mục ca múa nhạc, như là một chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của loại hình dân ca và quảng bá cho Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Các chặng hát lễ nghi, chặng hát hội tùy theo nhu cầu của hội thi, hội diễn của khách du lịch được tách ra thành các tiết mục văn nghệ dân gian có người dẫn chương trình dẫn dắt tích trò, tích truyện, nguồn gốc, nội dung… Như một tiết mục biểu diễn nghệ thuật với sự hỗ trợ của các thiết bị âm thanh, ánh sáng điện tử, micro đeo tai, màn hình led lớn đằng sau với các hình ảnh minh họa, diễn xướng Xoan cổ đã có sự hỗ trợ của đạo cụ hiện đại. Các bài trong chặng hát hội xưa trở thành các hình thức biểu diễn ca nhạc hiện đại như: đơn ca nữ Hát ru cùng tốp múa minh họa; tốp ca nữ bài: Bỏ bộ, Xe chỉ vá may; tốp ca nam nữ (có múa phụ họa) trong bài Giã cá

Các hình thức diễn xướng xưa như: độc diễn Giáo trống, Giáo pháo, song diễn ở Bợm gái, bốn người hai cặp ở các cuộc hát thờ, múa tập thể trong Cài huê, Mó cá, thì hiện nay khi biểu diễn trên sân khấu, số lượng người trong các tiết mục Xoan được biến đổi linh hoạt theo nhu cầu, mục đích và của đạo diễn trong chương trình hội thi, hội diễn, giao lưu, của khách du lịch...

Hát Xoan của hai làng An Thái và Phù Đức khi trình diễn phục vụ khách du lịch và trình diễn tại các cuộc giao lưu, hội thi, hội diễn thì tại 34 Câu lạc bộ Xoan trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã bị sân khấu hóa. Ngoài việc trình diễn cùng với các thiết bị điện tử, âm thanh loa đài, việc sử dụng người dẫn chương trình giới thiệu dẫn dắt hát Xoan như một chương trình ca múa nhạc hiện đại cũng làm mất đi không khí “lễ” và “hội” trong Xoan. Không khí “hội” trao duyên xưa của trai gái thể hiện trong phần hát “hội”, thì nay với việc phục vụ nhu cầu du lịch đã có sự giao lưu giữa “kép” và “đào” Xoan với khách khi phường Xoan “mời” khách và cùng khách hát múa trong các bài Mó cá, Giã cá hay Bợm gái, Đón đào để tạo ra không khí vui tươi, hòa đồng.

Biến đổi trong nghệ thuật múa

Trong hát Xoan cổ, múa Xoan ở An Thái chủ yếu là các động tác mang tính minh họa cho lời ca và vần còn nhiều nét thô sơ, động tác vẫn còn đơn điệu. Nhiều bài đã có sự kết hợp múa trong các đội hình nhưng nét múa vẫn còn mang nhiều yếu tố sơ khai và chưa phát triển, có thể nêu lên các thể loại múa của Xoan An Thái như:

Múa biểu cảm thể hiện tình cảm, thái độ của con người với các đấng siêu nhiên (Thành Hoàng)... hay bày tỏ tâm hồn mình, ước nguyện của mình. Ví dụ: Múa trong Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Đóng đám.

Ở phần múa đầu tiên, nam khăn xếp, áo the từ 2-6 người, 6 đào nữ đóng hai bên, khi múa có hai phách tre, kép nam bước theo hình quả trám tay gõ phách đánh nhịp theo lời hát, đào hát đứng nghiêm đáp lại những câu cuối của kép nam. Động tác múa: chân phải bước lên, sau đó trả lại đằng sau một bước, các ngón tay uốn theo ngón tay cái cuộn vào trong lòng bàn tay, sau đó khép bốn ngón tay còn lại, chủ yếu là cuộn tay... Động tác múa còn đơn giản, tuy nhiên một yêu cầu rất quan trọng là khuôn mặt, ánh mắt, thần thái phải thể hiện được sự thành kính.

Múa biểu trưng: Đó là các điệu múa đưa ra các hình ảnh mang tính cách điệu trong các tiết mục Xoan như Gài huê, Giã cá (Mó cá). Ở bài Giã cá, 12 đào hát đứng ở vòng ngoài giả làm lưới cá, 6 kép nam đứng ở vòng trong giả làm cá, 1 kép nam đứng hát giáo cá, 1 kép nam chỉ huy trống chầu. Sau một hồi trống chầu cả nam nữ reo hò chạy ra vây thành hai vòng. Một người giáo cá là: “Chiềng làng chiềng chạ/ Thượng tọa hai làng/ Dẹp trống vào tang/ Để tôi giáo cá”. Đến đoạn: “Là vông í a vông tập/ Vông vông tập í a tầm vông” nữ vỗ hai tay sang trái trước, sang phải sau, vừa đi, vừa hát theo bài Giã cá, sau đó nam làm động tác bắt cá, nữ đi vòng tròn ngoài làm lưới nắm tay nhau... cứ như thế cuộc đụng chạm, sờ mó, trêu nhau cho đến khi bắt được con cá to dâng lên thờ Vua thì cuộc bắt cá mới kết thúc, cũng là lúc tang tảng sáng gà gáy canh năm.

Hiện nay, múa trong Xoan cổ ở hai làng An Thái và Phù Đức cũng có những biến đổi, nhất là phần hát hội, do vấn đề sân khấu hóa trong Xoan và đặc biệt là nhu cầu “thưởng thức” Xoan của du khách, coi Xoan cổ như một màn trình diễn nghệ thuật dân gian đặc sắc. Thông qua điền dã và phỏng vấn sâu các nghệ nhân hai phường Xoan An Thái và Phù Đức, chúng tôi nhận thấy biến đổi trong múa của hát Xoan cổ ở hai làng nổi bật các vấn đề sau:

Biến đổi trong đội hình di chuyển khi diễn xướng và các động tác tay khi diễn xướng. Đội hình di chuyển trong các tiết mục Xoan xưa được quy định tương đối chặt chẽ và rõ ràng, với chùm Bỏ bộ gồm các bài: Trèo lên cây bưởi hái hoa; Đường đi lên núi dưới khe. Phường Xoan An Thái quy định về đội hình múa như sau: Đầu tiên kép nam và đào nữ đứng thành hai hàng, chân trái bước lên trước, chân phải ra sau khi hát: “Trèo lên mấy hờ là cây bưởi/ Cây bưởi ối a là hái hoa/ Mình thì là có hái hết/ Để a ta là ta có bẻ cành/ Cành là cảnh xanh ấy...” (Trèo lên cây bưởi hái hoa). Hai bên kép và đào Xoan lại đổi hai lưng hai hàng đổi cho nhau. Đến câu hát: “Chót, chót đàn mấy hờ là dan díu” thì hai hàng kép và đào ngồi xuống. Nhưng hiện nay, một số câu lạc bộ do hai phường Xoan truyền dạy do nhiều nguyên nhân của sân khấu, ý tưởng mới lại không theo như vậy mà đội hình kép nam và đào nữ cứ đứng hai hàng đối mặt vào nhau hát. Họ cho như vậy mới vui, nam nữ vừa hát, vừa đánh mắt trao tình cho nhau…

 Bài Bợm gái thiết trầu khi xưa, hai phường Xoan Phù Đức và An Thái trình diễn như sau: khi hát đến câu: “Bái ra ta ta xá bái ra/ Bái hờ là ra” thì kép nam ra trước cầm và giấu phách trong lòng bàn tay không cho đào nữ nhìn thấy phách. Khi hát hết câu đó, hàng kép nam cúi xuống chèo và đứng nguyên để đào nữ hát: “Hờ là bái ra/ Ơ hờ là ra”, đào nữ tay trái cầm quạt để trước ngực hai hàng đào nữ vừa đi ra, vừa hát: “Hờ là bái ra ơ hờ là ru” hai hàng ngồi xuống. Sau đó, một nhịp trống dồn thì đào nữ trở về hai hàng dọc, lúc này kép nam hát: “Đôi ơ tay là tôi sửa mũ/ Đồng cân tôi đội đầu”. Vừa hát, tay đánh phách, chân đi quả trám, khi xong hai nhịp trống dồn thì hàng kép nam trở về hai hàng dọc đối diện với đào nữ, lúc này đào nữ vừa hát vừa múa, kép nam vẫn đi quả trám khi đào nữ hát: “Đôi anh lại đây cho em thốt ơ thốt trầu/ Ơ làm sao em ngỏ túi trầu ra thết/ Ơi hờ là đôi anh”. Xong sẽ có hai nhịp trống dồn thì kép và đào đổi hàng cho nhau. Sau đó kép nam chân bước theo quả trám, tay gõ phách và hát: “Giầu anh, giầu túi, giầu khăn/ Giầu em dải yếm để lâu có cũng tàn”. Đây cũng là những kỹ thuật và động tác cơ bản của múa trong hát Xoan cổ.

Hiện nay, khi diễn xướng ở các câu lạc bộ và trên sân khấu, nhiều đơn vị diễn xướng “giản lược đi” cho dễ diễn và tăng phần “giao duyên” bằng ánh mắt, thần thái khi diễn nên chỉ còn hai hàng đào và kép đứng thành hai hàng đối mặt vào nhau khi diễn xướng. Nếu như đội hình chính của Xoan cổ là vuông góc, dựa vào góc chiếu và cột “đình” thì đội hình phụ là đội hình hàng ngang, các đào đứng thành hàng ngang. Hiện nay, khi biểu diễn trên sân khấu Xoan có nhiều sự thay đổi về hàng khối và di chuyển cho phù hợp với diễn xướng ở sân khấu. Theo bà Nguyễn Thị Liên, đào hát phường Xoan An Thái: “Hiện nay, Xoan được đưa lên sân khấu để quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể thế giới và niềm tự hào của tỉnh Phú Thọ. Vì vậy khi trình diễn đội hình di chuyển cũng cần thay đổi để phù hợp với sân khấu hiện đại”. Hiện nay, Xoan không chỉ biểu diễn trong đình đám vào mùa xuân mà khi trở thành văn hóa phi vật thể của nhân loại, Xoan cổ đã được trình diễn tại rất nhiều hội thi, hội diễn, sân khấu các điểm trong và ngoài tỉnh Phú Thọ. Vấn đề sân khấu hóa của Xoan trong bối cảnh mới cũng dẫn đến việc biến đổi trong đội hình di chuyển cho phù hợp với không gian diễn xướng mới.

Biến đổi về động tác tay:

Ở Xoan cổ của hai làng Phù Đức và An Thái, khi múa thì múa tay là chính, có ba tư thế múa tay: múa cả hai tay phía trước thẳng chiều vai; một tay trống sườn một tay đưa ra trước; múa bàn tay: đưa hai cánh tay về một chiều.

Theo nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lịch - Trùm Xoan phường Xoan An Thái, động tác tay trong múa Xoan có đặc trưng riêng vì đây là múa lễ nghi nên khi uốn tay vào phải tạo thành một nụ hoa, khi mở tay ra phải tạo thành cánh hoa vì hoa nở vào mùa xuân, nên động tác tay này là động tác đặc trưng cho động tác trong Xoan. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Xương, người nhiều năm nghiên cứu về hát Xoan cho biết: có hiện tượng “chèo hóa” trong múa Xoan cổ. Ông cho rằng: “Tay múa của chèo ngửa lên khác hoàn toàn với Xoan”. Có hiện tượng này là do khi hai phường Xoan truyền dạy nhiều đơn vị, cá nhân đã không nắm rõ ý nghĩa và các động tác trong múa của Xoan nên tự ý múa các động tác tay theo mình. Theo nghệ nhân Nguyễn Xuân Hội ở phường Xoan Phù Đức: “Các động tác múa tay trong Xoan chủ yếu là múa miêu tả khi hát các bài Mời Vua… và các động tác minh họa cho các ngành nghề trong đời sống xưa kia như đánh cá, may vá, trồng đậu, trồng cà...”. Hiện nay, do cuộc sống hiện đại, Xoan được đưa lên sân khấu biểu diễn nhiều, có nhiều người biên đạo múa không được học về Xoan căn bản và đầy đủ, nhiều khi tự ý chỉnh sửa các động tác tay trong Xoan cổ, dẫn đến phần múa trong Xoan bị biến đổi nhiều trong bối cảnh mới.

Ở phường Xoan Phù Đức, khi hát, các bài hát trong chặng lễ nghi quy định rất cụ thể số lượng đào và kép tham gia. Khi hát bài Nhập tịch quy định có 6-8 đào nữ đi dưới gầm kiệu, bài Giáo trống, Giáo pháo có 1-2 kép nam, 6-8 đào nữ; bài Thơ nhang có 4-6 đào nữ; bài Đóng đám có 4-6 đào với 1 kép dẫn cách và 1 kép cầm trống.

Phần hát các quả cách ở cả hai phường Xoan Phù Đức và An Thái đều có 1 kép dẫn cách, 1 kép cầm trống, 4-6 đào hát múa. Riêng chặng hát hội khi xưa thì các phường Xoan không quy định cụ thể số lượng thành viên tham gia vì đây là “tiệc ca xuân” nam nữ gặp nhau trong ngày hội đám không chỉ làm lễ tế thần: “Phù Ninh, Kim Đức đôi ta/ Nghìn đồi ghi để xướng ca xuân tình mà còn có nội dung quan trọng là “xướng ca xuân tình”: Đêm quả đêm qua xuân phong thổi đến/ Lên tiếng đêm khuya sáo nhà ai thổi/ Đâu đốt nhang câu đợi câu chờ/ Thiếp mới gửi thư đi cho chàng (Xoan thời cách).

Ngày hội làng rất đông nam nữ tham gia, hội làng rất vui tươi và chặng hát hội càng hấp dẫn sinh động. Hiện nay, trong cuộc sống hiện đại và bối cảnh mới, khi hát Xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể và quá trình sân khấu hóa hát Xoan cũng như nhu cầu của khách du lịch nên số lượng người tham gia các chặng hát có nhiều biến đổi.

Kết luận

Biến đổi văn hóa là một quy luật tất yếu trong dòng chảy lịch sử. Khi cơ sở hạ tầng thay đổi, sẽ dẫn tới kiến trúc thượng tầng thay đổi. Sự tác động mạnh mẽ của việc thay đổi về nhiều mặt như quá trình đô thị hóa, tác động của chính sách của Đảng, Nhà nước, của vấn đề giao lưu tiếp biến văn hóa, hội nhập kinh tế, cơ chế thị trường, khoa học công nghệ... đang ngày càng tác động mạnh mẽ vào các yếu tố văn hóa nghệ thuật của hát Xoan. Nắm vững các quy luật và tác động của biến đổi văn hóa tại các làng hát Xoan gốc sẽ giúp chúng ta đề ra hành động với các chủ trương đúng đắn khoa học nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xoan trong bối cảnh mới.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Đặng Văn Bài, Bảo vệ di sản văn hóa trong quy hoạch và phát triển đô thị ở Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 4 (178), 1999, tr.15-16.

2. Đặng Văn Bài, Phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 (32), 2009, tr.85-92.

3. Ban chấp hành Đảng bộ xã Kim Đức, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, Lịch sử Đảng bộ xã Kim Đức, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007.

4. Đức Bằng, Mùa Xuân nhớ về hát Xoan, Tạp chí Âm nhạc, số 1, 1982, tr.10-14, 37.

5. Hà Chí Cường, Biến đổi của văn hóa quan họ Bắc Ninh trong thời kỳ hiện nay, 2019.

6. Nguyễn Chí Bền, Góp phần nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006.

7. Nguyễn Chí Bền, Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2010

Ths LẠI THẾ ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022

;