Cơ sở hình thành việc phụng thờ Anh hùng dân tộc Ngô Quyền vùng đồng bằng Bắc Bộ

Hiện nay, di tích phụng thờ Anh hùng dân tộc (AHDT) Ngô Quyền tập trung chủ yếu tại vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tại Hải Phòng, tính đến năm 2023, có 33 di tích được xếp hạng cấp thành phố và cấp quốc gia. Bên cạnh đó, di tích phụng thờ ông còn được tìm thấy ở Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Phú Thọ. Như vậy, với sự xuất hiện nhiều di tích phụng thờ Ngô Quyền tại vùng đồng bằng Bắc Bộ, chứng tỏ đây là vị AHDT có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân nơi đây.

Lễ hội Từ Lương Xâm (Hải Phòng) 2024 - Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia kỷ niệm 1086 năm chiến thắng Bạch Đằng và 1080 năm Ngày mất của Đức Vương Ngô Quyền - Ảnh: thanhphohaiphong.gov.vn

Cơ sở về tâm linh hình thành sự phụng thờ AHDT Ngô Quyền

Trước hết, thuật ngữ tâm linh được hiểu: tâm là niềm tin, linh là sự linh thiêng, thiêng liêng. Tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong cuộc sống đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Cái thiêng liêng cao cả, niềm tin thiêng liêng ấy được đọng lại ở những biểu tượng, hình ảnh, ý niệm (1).

Sự phụng thờ AHDT Ngô Quyền vùng đồng bằng Bắc Bộ được ra đời và phát triển ban đầu dựa trên quan niệm tâm linh. Việc phụng thờ AHDT thường là trường hợp người thật, tức là những con người được sinh ra, lớn lên ở những địa phương nhất định, có đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ, phát triển đất nước, khi mất được nhân dân phụng thờ. Tuy nhiên, cái chung trong tư duy tâm linh của con người đều tin tưởng rằng, những nhân vật anh hùng đều chứa đựng một linh hồn giống như con người chúng ta. Quan niệm dân gian: mỗi người đều có hai phần, phần thể xác và phần linh hồn. Hai phần này sẽ hòa làm một khi con người tồn tại và tách biệt khi con người mất đi. Khi con người sang thế giới khác, phần thể xác sẽ tan biến, phần linh hồn sẽ tồn tại ở một thế giới mới, thế giới đó có nhiều cách gọi và cách tưởng tượng khác nhau ở mỗi thực thể văn hóa. Trong Việt Nam sử cương, tác giả Đào Duy Anh nhận định: “Theo tín ngưỡng ấy thì người ta đã sống là nhờ hồn phách phụ vào thân thể. Hồn là cái linh phụ vào phần khí của người, là phần khinh thanh, người ta chết thì bay lên không; còn phách là cái linh phụ vào phần hình của người… Khi người chết thì tiêu xuống đất” (2).

Đối với các vị AHDT, con người luôn tin tưởng khi họ sống, nhân cách và hành động của họ đã là một hình mẫu lý tưởng, là tấm gương cho nhiều người cảm mến, học tập, được cộng đồng, xã hội biểu dương, khen thưởng, tôn vinh, trở thành một hình mẫu. Khi họ mất, người dân tin tưởng linh hồn của họ sẽ chứa đựng một sức mạnh siêu nhiên, sức mạnh đó có thể giúp người dân vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, thậm chí có thể dẫn đường, chỉ hướng để người dân, cộng đồng địa phương đi đến đích nhằm hướng đến những giá trị nhân văn.

Như vậy, yếu tố tâm linh là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến hành vi, hình thành các nghi thức cho sự phụng thờ AHDT. Do đó, hình tượng AHDT Ngô Quyền tại vùng đồng bằng Bắc Bộ, từ một con người cụ thể, một nhân vật có thật trong lịch sử, nhưng đã được nhân dân thiêng hóa, phụng thờ với lòng biết ơn, sự thành kính sâu sắc.

Cơ sở môi trường tự nhiên

Xét về sự phụng thờ AHDT Ngô Quyền, hiện nay các di tích phụng thờ ông tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ như: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, bên cạnh đó còn có một số di tích trên địa bàn Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình, Phú Thọ. Sự xuất hiện các di tích phụng thờ AHDT Ngô Quyền vùng đồng bằng Bắc Bộ cho chúng ta nhiều lý giải khác nhau, trong đó di tích phụng thờ ông tại Hà Nội (Đường Lâm, Sơn Tây) được biết đến với vai trò là quê hương nơi ông sinh ra, một số di tích ở các tỉnh, thành khác là minh chứng cho sự gắn bó giữa ông với nhân dân để chuẩn bị lực lượng, xây dựng chiến thuật và là chiến trường nơi hiện thực hóa trận Bạch Đằng lịch sử năm 938. Chính vì vậy, lý giải cho sự phụng thờ AHDT Ngô Quyền tại các tỉnh, thành trên không thể không nhắc đến yếu tố môi trường tự nhiên, trong đó, nhấn mạnh đến yếu tố vị trí địa lý, địa hình và thủy triều.

Chiến thắng Bạch Đằng là chiến thắng của trận thủy chiến sớm nhất ở Việt Nam, Ngô Quyền đã lựa chọn địa hình này để quyết chiến với quân thù. Căn cứ sự tồn tại các di tích phụng thờ Đức vương Ngô Quyền ở vùng đồng bằng Bắc Bộ cho thấy, những di tích có mặt ở các tỉnh, thành này đều gắn với vùng sông nước như: Hải Phòng có dòng sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Bạch Đằng; khu vực Hưng Yên và Hải Dương có nhánh sông luộc chảy về sông Kinh Thầy. Tất cả các nhánh sông trên đều thuộc vào hệ thống sông Thái Bình, từ đó cho thấy di tích phụng thờ AHDT Ngô Quyền hiện nay nằm ở hạ lưu phần tả ngạn của sông Thái Bình. Trận đánh Bạch Đằng lịch sử, Ngô Quyền đã tối ưu sử dụng sự liên kết, hợp lưu dòng chảy của các con sông, khai thác địa hình lợi thế hai bên bờ sông, sự giúp sức của người dân địa phương để xây dựng hệ thống các doanh trại, vùng hậu cần, chiến trường tác chiến. Có lẽ, đây chính là lý do mà hầu hết các di tích phụng thờ AHDT Ngô Quyền đều tập trung khu vực này, đặc biệt là ở phía Đông của thành phố Hải Phòng nơi có con sông Cấm, theo dòng chảy con sông Kinh Thầy có di tích ở huyện Tiên Lữ - Hưng Yên, di tích đình Ninh Xá ở xã Lê Ninh, huyện Kinh Môn - Hải Dương.

Trong trận Bạch Đằng lịch sử, Ngô Quyền tối ưu lợi dụng vị trí đặc trưng của hệ thống đường thủy, trong đó nhấn mạnh đến sự liên kết giữa các con sông và vùng cửa biển, bên cạnh đó ông còn tối ưu kết hợp với yếu tố địa hình hai bên sông và yếu tố thủy triều của dòng sông Bạch Đằng. Viết về trận Bạch Đằng lịch sử, hầu hết các nhà nghiên cứu đều khẳng định, cửa sông Bạch Đằng là nơi Ngô Quyền đã lựa chọn để đóng cọc, đồng thời đây là chiến trường chính giao chiến giữa ta và địch. Bên cạnh đó, căn cứ vào các di tích phụng thờ ông hiện nay cho thấy, Ngô Quyền đã xây dựng một trận địa khép kín, liên hoàn giữa vùng chính, vùng đệm và vùng phụ, giữa vùng chiến trường, vùng hậu cứ, vùng hậu cần. Có được chiến lược trên là nhờ vào địa thế các vùng đã được ông lựa chọn. Trước hết, khu vực gắn với sông Bạch Đằng với đặc trưng địa hình biển kết hợp với sông. Ngoài ra, ở đây còn đồng bằng ven biển kết hợp với địa hình núi đá vôi. Từ kết quả của địa hình trên mà ở đây có sự phân bậc rõ ràng, bao gồm bậc cao là núi đồi ven biển và bậc thấp là hệ thống các đảo nổi giữa các sông như đảo Hải Nam kẹp giữa sông Chanh và sông Nam. Bãi Nhà Mạc kẹp giữa sông Nam và sông Bạch Đằng, đảo đình Vũ kẹp giữa sông Bạch Đằng và sông Cấm. Như vậy, đây chính là lý do để Ngô Quyền quyết định lựa chọn dòng sông Bạch Đằng là chiến trường chính, còn lại phần hợp giao với con sông Bạch Đằng như sông Cấm và sông Lạch Tray ở Hải Phòng làm vùng hậu cứ, xây dựng doanh trại và hình thành vùng hậu cần chắc chắn.

Như vậy, việc lựa chọn và tận dụng tối đa vị trí, địa hình toàn bộ khu vực hạ lưu phần hữu ngạn sông Thái Bình làm chiến trường, doanh trại, hậu cần cho trận Bạch Đằng lịch sử mà mối nhân duyên, sự gắn bó giữa ông với người dân địa phương được hình thành. Do đó, sau khi ông mất, bằng sự cảm mến, lòng biết ơn sâu sắc về tài năng của người AHDT, các di tích phụng thờ ông đã được hình thành và phát triển cho đến ngày nay. Do đó, yếu tố môi trường tự nhiên là nhân tố tác động gián tiếp cho sự ra đời và phát triển sự phụng thờ AHDT Ngô Quyền vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Cơ sở môi trường xã hội

Ảnh hưởng và những tác động của triều đại phong kiến Việt Nam

Căn cứ vào niên đại xây dựng, dấu tích trên kiến trúc, điêu khắc, hệ thống các bản sắc phong, lệ tục được lưu truyền cho đến ngày nay cho thấy, các di tích phụng thờ AHDT Ngô Quyền vùng đồng bằng Bắc Bộ phản ánh tiến trình phát triển lịch sử dân tộc, những chính sách đặc trưng gắn với các triều đại phong kiến Việt Nam. Đề cập đến vấn đề thời gian, các di tích phụng thờ AHDT Ngô Quyền gắn với TK X, song tất cả các di tích hiện nay đã không còn lưu giữ dấu vết khoảng thời gian đó mà chỉ còn tái hiện thông qua các câu chuyện dân gian về ông và những nhân vật lịch sử có mối quan hệ với ông. Thực tế, các di tích phụng thờ ông hiện nay còn lưu dấu tích lịch sử phổ biến gắn với triều Hậu Lê, Lê Trung hưng, Triều Nguyễn và giai đoạn hiện nay.

Qua quá trình thực tế và khảo cứu nguồn tài liệu cho thấy, có nhiều di tích hiện nay mang dấu tích lịch sử giai đoạn Hậu Lê và Lê Trung hưng, ví dụ như một số di tích phụng thờ ông ở Hải Phòng. Di tích từ Lương Xâm được ghi lịch sử xây dựng từ thời Hậu Lê, bên cạnh đó, các bức chạm khắc ở cửa võng, các bức đầu dư được tạo tác mang đặc trưng nghệ thuật triều Lê. Di tích đình Lương Xâm có ghi đình được xây dựng từ thời Hậu Lê. Di tích đình Xâm Bồ hình ảnh tượng Ngô Quyền đặt trên ngai thờ được chạm khắc mang đặc trưng nghệ thuật triều Lê. Hay như di tích miếu Phương Lưu hiện nay còn lưu giữ 16 bản sắc phong, trong đó bản sắc phong sớm nhất có niên đại là Lê Triều Vĩnh Khánh thứ hai (1730). Đình Lực Hành có 3 sắc phong có niên đại 1635, 1674, 1657…

Thống kê các di tích phụng thờ Ngô Quyền, trong đó chiếm đại đa số di tích đình làng, tiếp đến là đền, miếu và từ. Tại các di tích trên, Ngô Quyền đóng vai trò là vị Thành Hoàng làng bảo vệ, che chở cho cuộc sống nhân dân. Từ thực tế nghiên cứu chúng tôi quay trở lại vấn đề tìm hiểu về sự hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng và không gian phụng thờ của tín ngưỡng trên. Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng ở Việt Nam đã có từ lâu, nhưng đề cập đến sự phụng thờ Thành Hoàng làng tại các đình làng ở Việt Nam phải kể đến thời Hậu Lê. Trong công trình nghiên cứu Tín ngưỡng lễ hội cổ truyền Việt Nam, tác giả Ngô Đức Thịnh đã viết: “Năm 1474, nhà nước đã phải can thiệp vào việc thờ cúng ở đình của các tư nhân lập ra để thờ thần, đình có cả ruộng hậu. Như vậy, từ 1474 đình không cần nấp bóng thờ Phật nữa, cũng không còn thuần túy là đình trạm nữa, mà đã thờ các vị thần. Năm 1496, Lê Thánh Tông ra lệnh cho làng quản lý đình, và từ đó mở đầu cho một giai đoạn phát triển của hình thức thờ thần ở đình làng, đó là các Thành Hoàng và tồn tại cho đến ngày nay. Cũng từ thời nhà Lê trở đi với sự thắng thế của Nho giáo, tầng lớp Nho học ở làng xã ngày một đông đảo, đã nắm lấy quyền quản lý đình làng, nghi thức hóa việc thờ cúng theo tinh thần Nho giáo. Đặc biệt là từ thế kỷ XVI, với việc phong bằng sắc cho những Thành Hoàng làng xã của các triều đại phong kiến, một lần nữa nâng cấp, và chính thức hóa việc thờ cúng này ở nông thôn” (3). Như vậy, chính sách của triều Lê đã tác động đến việc phụng thờ Thành Hoàng làng ở các vùng nông thôn, trong đó có vùng đồng bằng Bắc Bộ. Từ chính sách của triều Lê, các làng quê đã hân hoan tìm và lựa chọn cho mình một vị thần để phụng thờ. Nằm trong bối cảnh chung, Ngô Quyền đã được chọn là Thành Hoàng làng ở nhiều địa phương nên việc phụng thờ ông ở đây là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, với việc sắc phong cho các vị Thành Hoàng làng của triều đình phong kiến, cùng với tục đặt hậu ở các đình, chùa đã giúp cho việc thờ cúng được tiến hành một cách quy chuẩn, các lễ tục được lưu giữ qua các đời và thể hiện sự gắn bó của người dân với di tích. Với sự phụng thờ AHDT Ngô Quyền, tại các di tích hiện nay còn lưu giữ các bản sắc phong của triều đình phong kiến được xem là bằng chứng khẳng định sự tồn tại và phát triển của hình thức phụng thờ trên. Không những vậy, tại các di tích phụng thờ ông, nhiều nơi hiện nay vẫn còn giữ tục mua hậu, hằng năm có lễ chạp thần phối hưởng, trong điện thờ di tích có ban thờ hậu. Như vậy, chính sách của triều Lê đã góp phần thể chế hóa việc phụng thờ AHDT Ngô Quyền tại các làng xã, địa phương, là căn cứ pháp lý cho sự duy trì và phát triển sự phụng thờ này ở các giai đoạn lịch sử tiếp theo.

Ngoài sắc phong của triều Lê còn được lưu giữ ở một số di tích phụng thờ AHDT Ngô Quyền vùng đồng bằng Bắc Bộ, còn có nhiều bản sắc phong của triều Nguyễn như đình Dư Hàng còn lưu giữ hòm sắc luân lưu của cả tổng Đông Khê gồm 6 đạo sắc phong của các triều đại (trong đó 1 bản sao không có bản chính và 1 bản sao kèm theo bản chính). Sắc phong ngày 15-6, Gia Long năm thứ chín (1811) phong cho Ngô Quyền là Thành Hoàng của xã Lương Xâm. Sắc phong ngày 10-11, Tự Đức năm thứ sáu (1853) cho phép lục tổng tiếp tục thờ Ngô Quyền là Thành Hoàng chung. Sắc phong ngày 24-11, Tự Đức năm thứ 33 (1880) cho phép 17 xã tiếp tục thờ Ngô Quyền là Thành Hoàng chung. Sắc phong này hiện nay còn có thêm 1 bản sao cổ vẫn còn lưu giữ tại đình. Sắc phong ngày 18-11, Thành Thái nguyên niên (1889) cho phép xã Hàng Kênh tiếp tục thờ Ngô Quyền là Thành Hoàng. Sắc Phong ngày 18-11, Duy Tân năm thứ ba (1910) cho phép xã Hàng Kênh tiếp tục thờ Ngô Quyền và Vũ Chí Thắng như cũ. Sắc phong ngày 24-7, Khải Định năm thứ chín (1924) cho phép xã Hàng Kênh tiếp tục thờ Ngô Quyền như cũ.

Tại Hưng Yên, di tích đình Nghĩa Chế còn lưu giữ bản sắc phong ngày 24-11, niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1880). Tại Hà Nội có đền và lăng thờ Ngô Quyền ở Đường Lâm - Sơn Tây còn lưu giữ các sắc phong, trong đó có những bản sắc phong có niên đại sớm hơn triều Nguyễn như: sắc phong ngày 24-6, năm Chính Hòa thứ tư (1683) tương ứng với đời Vua Lê Hy Tông. Sắc phong ngày 24-7, năm Cảnh Hưng thứ nhất (1740) tương ứng với đời Vua Lê Hiển Tông. Sắc phong triều Nguyễn bao gồm: sắc phong ngày 15-7, Minh Mệnh năm thứ hai (1842). Sắc phong ngày 7-8, Thiệu Trị thứ hai (1842). Sắc phong ngày 9-9, Thiệu Trị thứ hai (1842). Sắc phong ngày 1-7, Đồng Khánh thứ hai (1887). Sắc phong ngày 11-8, Duy Tân thứ ba (1909). Sắc phong ngày 25-7, Khải Định thứ chín (1924) (4).

Như vậy, dấu tích lịch sử triều Nguyễn còn tồn tại khá đậm nét tại các di tích phụng thờ AHDT Ngô Quyền, không chỉ ở những sắc phong mà còn thể hiện trong lịch sử hình thành, tôn tạo di tích. Từ những lập luận trên, điều chú ý ở đây là chính sách của triều Nguyễn đã tác động đến việc hình thành và phát triển sự phụng thờ AHDT Ngô Quyền như thế nào. Giống với nhà Hậu Lê, Nguyễn Ánh khi lên nắm quyền đã lấy Nho giáo là hệ tư tưởng trong việc điều hành và phát triển đất nước. Vì vậy, nhiều yếu tố văn hóa, trong đó có các nghi thức, nghi lễ được thể chế hóa theo tinh thần Nho học. Đặc biệt, trong phụng thờ Thành Hoàng làng, nhà Nguyễn duy trì việc sắc phong tại các di tích, kết quả trên thể hiện sự quan tâm, khẳng định việc duy trì và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống, những định hướng của Nhà nước đối với đời sống của người dân. Quay trở lại với những di tích phụng thờ AHDT Ngô Quyền vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong thời gian dài với những biến động về mọi mặt, nhiều di tích đã bị mai một, việc phụng thờ ông vì thế cũng bị gián đoạn, nhưng với sắc phong của triều Nguyễn ban cho các làng xã là cơ sở để phục hồi và duy trì việc phụng thờ. Bên cạnh đó, từ đây các hoạt động lễ nghi, sinh hoạt văn hóa của người dân hướng đến AHDT Ngô Quyền tiếp tục được diễn ra trong các di tích phụng thờ.

Quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo, tín ngưỡng

Trong quá trình thu thập nguồn tài liệu về di tích, các sắc phong, thần tích gắn với AHDT Ngô Quyền cho thấy, số lượng di tích phụng thờ ông ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có sự thay đổi nhiều, nhất là ở Hải Phòng. Cụ thể: căn cứ vào sắc phong của triều Nguyễn, tiêu biểu như sắc phong vua Tự Đức cho 17 làng xã và lục tổng ở Hải An gồm: Đông Khê, Hạ Đoạn, Lương Xâm, Trung Hành, Trực Cát, Gia Viên được phép phụng thờ Ngô Quyền là Thành Hoàng làng. Dưới triều Nguyễn, các tổng trên ít nhất là 5 xã, nhiều nhất là 7 xã và trung bình là 6 xã, do đó, nếu như tính cơ học thì số lượng các di tích phụng thờ AHDT Ngô Quyền thời kỳ đó sẽ nhiều hơn con số thực tại hiện nay. Tuy nhiên, dưới tác động của yếu tố môi trường tự nhiên, xã hội, di tích phụng thờ ông cũng bị mai một và có nhiều biến đổi. Song, trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta ban hành nhiều chính sách mới, trong đó có vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng. Cụ thể, Nghị quyết số 24-NQ/TW (1990) là mốc son đánh dấu sự đổi mới trong nhận thức và ứng xử với tôn giáo theo nhiều góc độ khác nhau, trong đó có 3 nội dung thể hiện tính mới và tính đột phá trong tư duy: một là, tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài; hai là, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; ba là, nhìn nhận và phát huy những giá trị tích cực về đạo đức của tôn giáo (5). Như vậy, khi Nghị quyết trên được ra đời đã làm thay đổi cơ bản về hệ tư tưởng, nhận thức và hành vi ứng xử của con người trong việc thực hành các tín ngưỡng, tôn giáo. Bắt đầu từ đây, nhiều di tích phụng thờ Ngô Quyền đã được phụng dựng lại sau khi bị tàn phá, nhiều công trình kiến trúc được trùng tu, sửa chữa, các hoạt động nghi lễ, lễ hội được quan tâm, phục dựng, duy trì cho đến nay. Nhiều công trình kiến trúc phụng thờ AHDT Ngô Quyền được công nhận và xếp hạng di tích cấp thành phố và cấp quốc gia. Hiện tại, số lượng di tích phụng thờ AHDT Ngô Quyền được xếp hạng cấp quốc gia chiếm 60%, còn lại là di tích xếp hạng cấp thành phố và di tích chưa được xếp hạng. Không những vậy, nhiều lễ hội tưởng nhớ Đức vương Ngô Quyền đã trở thành lễ hội lớn của cả nước như: lễ hội ở Sơn Tây - Hà Nội, lễ hội từ Lương Xâm - Hải Phòng. Bên cạnh đó, năm 2022, lễ hội Từ Lương Xâm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Như vậy, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng đã có tác động nhiều đến sự tồn tại và phát triển sự phụng thờ AHDT Ngô Quyền vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Mong muốn, nhu cầu từ chủ thể văn hóa

Sự phụng thờ AHDT Ngô Quyền vùng đồng bằng Bắc Bộ là sản phẩm văn hóa đặc trưng của vùng, được hình thành và phát triển xuất phát từ mong muốn và nhu cầu của chủ thể văn hóa là con người. Sự có mặt hệ thống di tích phụng thờ AHDT Ngô Quyền tại các địa phương vùng đồng bằng Bắc Bộ là niềm tự hào của người dân về vùng đất nơi họ sinh ra đã gắn với tên tuổi của người AHDT, vùng đất có lịch sử lâu đời và có vị trí quan trọng trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938. Chính vì vậy, theo thời gian, lớp lớp thế hệ đã luôn gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp trong phụng thờ ông. Bằng chứng tại các di tích, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phục dựng di tích, nhưng người dân luôn đồng lòng vượt qua. Ví như di tích đình Hàng Kênh, di tích đình Nam Phát, di tích đình Cát Khê, di tích đình Xâm Bồ, di tích đình Cấm, di tích đình Lạc Viên…

Bên cạnh đó, xuất phát từ mong muốn và nhu cầu của người dân mà sau này sự phụng thờ AHDT Ngô Quyền được mở rộng ở các địa phương khác, tiêu biểu như sự có mặt di tích đình Hào Khê, đình Trực Cát, đình Cấm trên địa bàn Hải Phòng, những di tích này đã được xây dựng thêm khi người dân di chuyển đến nơi ở mới. Cụ thể đình Hào Khê được đặt theo tên gọi cũ địa danh làng Hào Khê, thuộc tổng Trực Cát. Đến cuối năm 1950, đầu năm 1951, thực dân Pháp tiến hành xây dựng sân bay Cát Bi nhằm phục vụ mục đích quân sự. Thời kỳ đó, Pháp đã cưỡng ép di dời nhiều hộ dân đi nơi khác, trong đó ở làng Hào Khê, theo lời kể của các bậc cao niên có 30 hộ dân đã di chuyển đến xã Hàng Kênh, thuộc huyện An Hải lúc bấy giờ, nay thuộc phường Kênh Dương, quận Lê Chân. Khi đến đây, các hộ gia đình đã chủ trương xây dựng những công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có di tích đình Hào Khê, tôn thờ AHDT Ngô Quyền là Thành Hoàng làng.

Sự phụng thờ AHDT Ngô Quyền đã gắn bó và ăn sâu trong tiềm thức của người dân, là chỗ dựa tinh thần giúp họ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống thực tại. Chính vì vậy, khi có sự thay đổi về địa bàn cư trú, họ đã mang theo và tiếp tục xây dựng các công trình kiến trúc mới để phụng thờ ông. Như vậy, yếu tố trên đã góp phần mở rộng và duy trì sự phụng thờ AHDT Ngô Quyền trên địa bàn thành phố Hải Phòng nói riêng và toàn vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung.

Kết luận

AHDT Ngô Quyền được phụng thờ tại vùng đồng bằng Bắc Bộ là kết quả tác động của nhiều yếu tố khác nhau như môi trường tự nhiên, yếu tố tâm linh, nhu cầu, mong muốn của chủ thể văn hóa, những tác động từ thể chế chính trị. Trong suốt quá trình lịch sử, mỗi một yếu tố có những tác động khác nhau, tuy nhiên từ những tác động của các yếu tố trên mà sự phụng thờ AHDT Ngô Quyền được hình thành, duy trì và phát triển cho đến ngày nay. Trong bài viết, tác giả mới tiếp cận những yếu tố cơ bản cho sự ra đời và phát triển sự phụng thờ ông, trong khi đó, với những thay đổi của xã hội hiện đại, thiết nghĩ sẽ có nhiều yếu tố mới tác động đến sự phụng thờ ông tại vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chính vì vậy, tác giả mong muốn sẽ có những bài viết sâu hơn về nội dung này và nhận được sự góp ý từ phía bạn đọc để nội dung bài viết sâu sắc hơn.

_____________________

1. Nguyễn Đăng Duy, Văn hóa tâm linh, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2009, tr.11.

2. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.203.

3. Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2018, tr.59-60.

4. UBND tỉnh Hà Tây, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Bảo tồn, tôn tạo và xây dựng khu di tích lịch sử - văn hóa Đường Lâm, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.233.

5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2022, tr.217.

Tài liệu tham khảo

1. Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên, Sắc phong trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, 2021. 

BÙI THỊ HỒNG THOA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024

;