Hội nhập văn hóa quốc tế ở Việt Nam hiện nay

Chương trình nghệ thuật Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch các tỉnh Tây Bắc và TP. Hồ Chí Minh năm 2023 tại tỉnh Luông Pha Băng, nước CHDCND Lào - Ảnh: dienbientv.vn

Văn hóa là nền tảng tinh thần của mỗi dân tộc, được hun đúc, xây dựng bằng bề dày lịch sử mà chủ nhân sáng tạo ra nó là các thế hệ con người nối tiếp nhau. Chúng ta đang từng bước hội nhập toàn diện, trong đó có hội nhập văn hóa với khu vực và thế giới.

Tại Việt Nam hiện nay, văn hóa và chính những giá trị văn hóa là một cầu nối quan trọng để Việt Nam hội nhập quốc tế thành công, làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đối với bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, hội nhập quốc tế hiện nay cũng đặt ra không ít thách thức cần giải quyết, như tư tưởng, thái độ sùng ngoại một cách lệch lạc; sự mai một bản sắc văn hóa, lai căng văn hóa. Đó cũng chính là vấn đề mà văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Đạo đức, lối sống trong gia đình, học đường, xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, gây bức xúc cho xã hội… Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc” (1).

1. Vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của con người và xã hội

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu ý kiến chỉ đạo và khẳng định “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, thể hiện tầm nhận thức tư duy mới của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa. Văn hóa là nền tảng quan trọng trong đời sống con người và đời sống xã hội thể hiện qua các nội dung:

Một là, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội bởi nó gắn gốc rễ với từng cá nhân và cộng đồng, hình thành nên thế giới tinh thần của mỗi con người, làm nên những đặc trưng tinh thần chung của toàn xã hội. Một trong những nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam truyền thống là đề cao giá trị cộng đồng (gia đình, làng xã, dân tộc) đã tạo nên những con người Việt Nam hiếu thuận trong gia đình, gắn bó với làng xóm quê hương, yêu đất nước, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của đất nước. Những nét đẹp ấy được bổ sung và nâng lên một tầm cao mới trong thời đại mới, là tinh thần quốc tế chân chính, yêu hòa bình, sẵn sàng làm bạn với tất cả các dân tộc trên thế giới vì lợi ích chung của dân tộc và nhân loại.

Hai là, văn hóa là động lực và mục tiêu của sự phát triển kinh tế, xã hội

Đây là một quan điểm then chốt trong lý thuyết và thực tiễn phát triển tiến bộ hiện nay. Hướng tới sự phát triển bền vững thì sự phát triển phải bắt rễ trong văn hóa, văn hóa phải trở thành mục tiêu và động lực của sự phát triển. Vai trò làm động lực phát triển kinh tế, xã hội của văn hóa biểu hiện ở chiều sâu qua chức năng xây dựng con người, bồi dưỡng nguồn lực cả về trí tuệ, tâm hồn, thể chất… Thông qua nhân tố con người, toàn bộ nền văn hóa đều tham gia vào sự phát triển trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Việt Nam được tạo hóa may mắn ban tặng vẻ đẹp tự nhiên, phong cảnh cũng như bề dày lịch sử, chúng ta có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, đa dạng về lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian, nhiều làng nghề truyền thống độc đáo, văn hóa ẩm thực đạt đến độ tinh tế, đặc sắc… Đây là một nguồn lực nội sinh của sự phát triển, nếu biết khai thác các sản phẩm của nền nông nghiệp cổ truyền một cách thông minh, chiến lược thì những ngành nghề thủ công truyền thống có thể mang lại hiệu quả thu nhập cao trong nền kinh tế hiện đại.

Ngoài ra, văn hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, trực tiếp nhờ các dịch vụ văn hóa như tham quan di tích, danh thắng; nghệ thuật biểu diễn; phát hành phim, sách báo; dịch vụ lễ hội… Đây là một hướng khai thác văn hóa tốt, rất cụ thể, trực tiếp, nhanh nhạy, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần rõ rệt cho người dân.

2. Ưu điểm và hạn chế của hội nhập văn hóa quốc tế

Toàn cầu hóa mở ra khả năng to lớn để giao lưu văn hóa toàn cầu, tạo động lực cho quá trình đổi mới và hiện đại hóa văn hóa dân tộc nói chung. Các dân tộc có điều kiện hiểu biết, học hỏi lẫn nhau. Sự giao lưu, mở cửa đem đến cho văn hóa Việt Nam cơ hội tiếp cận những kiến thức, giá trị văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới cũng như kỹ năng tổ chức cuộc sống trong xã hội hiện đại và điều kiện phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Tuy nhiên, sự hội nhập văn hóa quốc tế hàm chứa cả mặt tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa dân tộc ta.

Ưu điểm của hội nhập văn hóa quốc tế

Thứ nhất, Việt Nam tận dụng quá trình toàn cầu hóa, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa nước nhà để thúc đẩy hội nhập văn hóa quốc tế, tạo cơ sở cho hội nhập các lĩnh vực khác

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước đã cơ cấu nên một nền văn hóa Việt Nam với những giá trị truyền thống tốt đẹp. Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống với lịch sử hình thành phát triển và những hoàn cảnh kinh tế, xã hội riêng biệt, tạo nên nền văn hóa rất đa dạng, phong phú. Những khám phá về văn hóa Việt Nam giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về các giá trị truyền thống ý nghĩa, một Việt Nam cần cù, sáng tạo, ham học hỏi, sống tình nghĩa và yêu chuộng hòa bình. Đó chính là phương tiện xây dựng thương hiệu Việt Nam, nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, đem lại những cơ hội hợp tác mới trong những lĩnh vực khác.

Thông qua hội nhập văn hóa, Việt Nam vừa truyền bá bản sắc của mình, rút ngắn khoảng cách địa lý, giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các quốc gia, vừa thúc đẩy quá trình hội nhập về kinh tế, chính trị… Xét trên bình diện chung, việc giao lưu, trao đổi, hội nhập quốc tế về văn hóa cơ bản sẽ là nền tảng cho việc hội nhập quốc tế về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng...

Thứ hai, mở rộng giao lưu, hội nhập văn hóa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, văn minh, tiến bộ, tạo nền tảng xã hội vững chắc, nội lực vững mạnh để Việt Nam hội nhập quốc tế chủ động, tích cực và hiệu quả hơn

Khi chúng ta có sự tiếp xúc văn hóa với những nền văn minh khác chính là cơ hội tốt để mở ra kiến thức rộng lớn, văn minh và phát triển hơn. Hội nhập giúp chúng ta học hỏi được những cái mới, điều hay và hiểu được phong tục, tập quán, các nét văn hóa truyền thống cũng như hiện đại của nhau. Nhiều giá trị văn hóa vẫn được duy trì, tiếp nối và không ngừng được sáng tạo, phát triển trong đời sống xã hội. Người dân được thưởng thức nền văn hóa đặc sắc, món ăn ngon, trang phục, các giá trị sống tốt đẹp của văn hóa nhân loại.

Bối cảnh xã hội hiện đại khiến đời sống kinh tế cũng như tinh thần của người Việt ngày thêm phong phú, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam. Quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa giữa nước ta với các nước khác trên thế giới ngày càng rộng mở và đi vào chiều sâu, khiến sự tiếp nhận, cải biến, sáng tạo và trao truyền các giá trị văn hóa gặp nhiều thuận lợi.

Có thể thấy, trang phục của người Việt ngày càng trở nên đa dạng, phong phú với nhiều kiểu dáng, mẫu mã và cách ăn mặc, phối đồ hợp thời trang, bền vững, bảo vệ môi trường, đa dạng và cũng phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi người. Về ẩm thực, bên cạnh các món ăn, cách chế biến ăn uống truyền thống, đã xuất hiện những yếu tố văn hóa ẩm thực mới đến từ việc tiếp thu văn hóa ẩm thực của các nền văn hóa khác làm tăng sự ngon miệng, bữa ăn trở nên phong phú, đa dạng hơn. Khi văn hóa Hàn Quốc ảnh hưởng đến Việt Nam chúng ta được thưởng thức những món ăn tốt cho sức khỏe như các món chế biến từ nhân sâm giúp giảm thiểu căng thẳng và mệt mỏi, canh rong biển phòng ngừa một số bệnh như huyết áp, béo phì, xơ vữa động mạch (2). Sự xuất hiện của món ăn truyền thống và hiện đại, món Á và món Âu, với những cách chế biến, công thức, sáng tạo ẩm thực mới, cách trình bày thức ăn cũng đẹp mắt và cầu kỳ hơn trước, không chỉ ăn no, mặc ấm mà hướng tới ăn ngon, mặc đẹp.

Nhiều giá trị mới cũng được bổ sung, làm giàu cho nét đẹp văn hóa Việt Nam. Đó là sự bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo, giới tính và tinh thần dân chủ. Nhiều giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa Việt xưa vẫn được duy trì và tiếp nối, sáng tạo và phát triển. Đó là tình yêu thương, tình nghĩa vợ chồng thủy chung sâu nặng, sự hy sinh của cha mẹ đối với con cái, sự hiếu thảo, tinh thần trách nhiệm, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, “lá lành đùm lá rách”, tinh thần tương thân tương ái, sống hòa hợp…

Mục tiêu chính của Việt Nam trong hội nhập văn hóa là tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần tạo môi trường hòa bình và tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đồng thời góp phần tích cực vào phát triển văn hóa nhân loại và vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Hạn chế của hội nhập văn hóa quốc tế

Thứ nhất, một số giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bị mai một, phai nhạt dần trong xã hội hiện đại

Toàn cầu hóa đang đe dọa đến bản sắc văn hóa của các dân tộc - vốn là những giá trị cần được duy trì nhằm bảo vệ sự đa dạng của nền văn hóa thế giới. Trong bối cảnh đó, việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đấu tranh chống khuynh hướng đồng hóa về văn hóa trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc gia, an ninh văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển toàn diện và bền vững của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Toàn cầu hóa văn hóa dẫn đến nguy cơ các quốc gia trên thế giới có thể bị mất dần bản sắc của dân tộc mình từ đạo đức, lối sống, văn hóa, chữ viết, nghệ thuật, văn học, mỹ thuật… Thế hệ trẻ bị cuốn theo nhịp sống nhanh, dễ vội vàng tiếp nhận lối sống không lành mạnh, lai căng của văn hóa Âu - Mỹ, quên dần đi giá trị văn hóa tốt đẹp từ ngàn xưa. Thế hệ trẻ sẽ không hiểu nổi ý nghĩa của làn điệu dân ca, quan họ, dân vũ, tập quán, lối sống truyền thống mà ông cha ta để lại. Các dân tộc thiểu số có thể bị đồng hóa với các dân tộc đa số do sự chậm phát triển về chính sách, quản lý văn hóa dân tộc hay do đặc thù như dân số ít, chậm tiến bộ. Vì thế, trước khi quá muộn, mỗi quốc gia để khỏi bị “hòa tan” đều phải có chính sách giữ gìn, bảo tồn hồn cốt của nước mình, giữ lấy tính dân tộc là căn cước nhận diện với thế giới.

Thứ hai, hình thức xâm lăng văn hóa xuất hiện

Trong quá trình toàn cầu hóa, số ít nước lớn có mưu đồ bá quyền văn hóa đã tìm cách phổ biến các giá trị văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán ra khắp thế giới thông qua các ngành công nghiệp văn hóa, như điện ảnh, âm nhạc, thời trang... với công cụ hỗ trợ đắc lực là sức mạnh truyền thông, dần dần làm biến đổi thói quen tiêu dùng và sinh hoạt của người dân các dân tộc trên khắp thế giới. Nếu chiến tranh, chúng ta có thể đoàn kết chiến thắng quân thù, lấy lại phần đất đã mất, nhưng nếu mất đi bản sắc văn hóa thì mãi mãi chúng ta mất đi giá trị linh hồn, cốt cách của người Việt.

Thực tế hiện nay, nhiều người trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ phong cách ăn mặc của các thần tượng, giới nghệ sĩ. Một bộ phận bạn trẻ có xu hướng bắt chước, học theo những phong cách hở hang, nhuộm tóc lòe loẹt, trang điểm lố bịch, “ăn mặc thiếu vải” khi mới chỉ ở độ tuổi quá nhỏ, không có ý thức về văn hóa trang phục phù hợp với bối cảnh xuất hiện, nhưng lại coi đó là thời thượng. Nhiều mặt phản văn hóa đã dễ dàng vượt qua biên giới quốc gia để thâm nhập vào nước ta, tạo ra trong một bộ phận xã hội trào lưu “cách tân”, xem nhẹ và quay lưng lại với các giá trị truyền thống. 

3. Giải pháp góp phần bảo vệ và phát triển văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế

Toàn cầu hóa đang trở thành một xu thế khách quan tất yếu của thời đại, tác động mạnh mẽ lên mọi mặt đời sống của tất cả các quốc gia, dân tộc. Về văn hóa, toàn cầu hóa mở ra khả năng to lớn để giao lưu văn hóa toàn cầu, tạo động lực cho quá trình đổi mới và hiện đại hóa văn hóa dân tộc nói chung. Các dân tộc có điều kiện hiểu biết, học hỏi lẫn nhau làm cho những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc.

Việt Nam trong tiến trình hội nhập văn hóa ấy, cần xác định yếu tố nội sinh mới có thể xây dựng nền móng văn hóa hay hệ giá trị vững chắc. Cần thống nhất quan điểm bảo đảm an ninh văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa là phát huy vai trò của văn hóa với sự phát triển bền vững của đất nước mà nội dung cốt lõi là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, do toàn dân làm chủ thể dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. 

Một là, phát triển con người toàn diện trong thời kỳ hội nhập

Trong thời đại mới, nếu một người phát triển trong môi trường mà văn hóa không được đáp ứng đầy đủ và đảm bảo được những điều kiện phát triển tất yếu thì đương nhiên con người đó, xã hội đó sẽ luôn luôn bị tụt hậu hơn sự phát triển của thời đại. Mối quan hệ khăng khít giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người cần được nhận thức ngày một sâu sắc trong tư duy phát triển của Việt Nam. Con người là trung tâm, chiến lược, động lực, nhân tố quyết định cho sự bảo tồn, giữ gìn, truyền bá và sáng tạo văn hóa. Cần có chiến lược và hệ giải pháp thiết thực, khả thi để xây dựng con người, phát huy nhân cách con người Việt Nam trong xã hội hiện đại.

Hai là, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, nhất là an ninh văn hóa 

Việc xây dựng giải pháp về phát triển văn hóa trong thời kỳ toàn cầu hóa phải bắt đầu từ việc chung nhất là cải cách thể chế, khắc phục những khiếm khuyết mà hệ thống đã và đang cản trở sự phát triển con người. Rà soát, sửa đổi, ban hành mới các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước và với cam kết quốc tế trong bối cảnh hội nhập.

Ba là, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, có tính chuyên môn hóa cao và đồng bộ, theo đúng quy luật phát triển của công nghiệp văn hóa thế giới. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc quản lý thị trường văn hóa phẩm; quản lý việc sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam. Ngoài ra, hoạt động nhập khẩu những sản phẩm văn hóa có nội dung tốt, có giá trị về nghệ thuật là rất cần thiết; đồng thời không để thâm nhập vào nước ta các sản phẩm báo chí, phim ảnh và các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy. 

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, với sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các cơ quan, ban, ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng trong việc xây dựng văn hóa và bảo đảm an ninh văn hóa

Nhân dân với tư cách vừa là chủ thể, vừa là đối tượng hưởng thụ văn hóa, vì vậy, cần tạo mọi cơ chế, điều kiện để nhân dân được tiếp nhận thông tin và sản phẩm văn hóa lành mạnh. Đồng thời giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam trong gia đình, trong sinh hoạt cộng đồng, từ đó quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ra nước ngoài. Thêm vào đó, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục văn hóa trong nước kết hợp với mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, đa dạng hóa các kênh truyền thông quảng bá hình ảnh quốc gia, cũng như phát huy vai trò kết nối, truyền tải các giá trị văn hóa của người Việt Nam trên khắp thế giới. 

Năm là, đẩy mạnh hoạt động giáo dục đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực cho công tác văn hóa và đảm bảo an ninh văn hóa

Tổ chức thường xuyên và định kỳ các lớp học bồi dưỡng kiến thức về ngoại ngữ, tin học, kiến thức văn hóa để nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho đối tượng cán bộ quản lý trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nâng cao nhận thức, lý luận chính trị cho cán bộ làm công tác đối ngoại, cán bộ phụ trách về văn hóa tại các cơ quan đại diện Việt Nam, các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Xây dựng các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học - nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản... Tiếp tục chế độ tài trợ, đặt hàng và giải thưởng cho các tác phẩm văn học - nghệ thuật, kịch bản phim điện ảnh và sản xuất phim, trợ giá xuất bản…

Kết luận

Trong thời đại ngày nay, thế giới đang trở nên phẳng hơn, các đường biên giới về chính trị, kinh tế giữa các quốc gia đang dần mờ đi bởi cơn lốc toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Nhu cầu hội nhập văn hóa với thế giới, nhưng vẫn giữ và khẳng định được bản sắc riêng đã trở thành nhu cầu tất yếu của Việt Nam.

Văn hóa đóng một vị trí rất quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu của quốc gia. Văn hóa là một trong những bước đi đầu mà rất nhiều các nước trên thế giới quan tâm và triển khai. Văn hóa là sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội; vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, nên trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, soi đường cho sự phát triển, tiến bộ của xã hội, của mỗi quốc gia, dân tộc trong hành trình xây dựng và phát triển.

_____________________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.72. 

2. Theo thống kê, Hàn Quốc là một trong 5 nước có tỷ lệ mắc ung thư và béo phì thấp nhất trên thế giới, tỷ lệ béo phì chỉ khoảng 3% và tuổi thọ trung bình lên đến 81,37 tuổi (Báo điện tử Sức khỏe gia đình).

Tài liệu tham khảo

1. Doãn Thị Chín, Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, đạo đức, con người, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021.

2. Bùi Thu Hương, Văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2022.

3. Nguyễn Thừa Hỷ, Văn hóa và Hội nhập (Tiếp biến và dung hợp văn hóa Việt Nam), Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2020.

4. Bùi Thanh Sơn (chủ biên), Hội nhập quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015.

5. Trần Ngọc Thêm, Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2017.

TS NGUYỄN THỊ THƯƠNG HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024

;