Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Từ thực tiễn đến điều luật

Trưng bày “Báu vật Hoàng cung Thăng Long” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội tháng 9/2022 - Ảnh: Chinhphu.vn

Trong tay tôi, một bản dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đã qua 5 lần sửa chữa, trước khi trình Chính phủ, kèm tờ trình Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Bộ VHTTDL soạn thảo, nhằm mục đích làm rõ sự cần thiết phải xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Mục đích quan điểm xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Quy trình xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Bố cục và nội dung Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Những vấn đề cần xin ý kiến và điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để thi hành luật sau khi được Quốc hội thông qua.

Đọc những văn bản này, tôi thực sự tâm huyết và sẻ chia về sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản của cơ quan thực hiện, với một hướng tiếp cận tương đối toàn diện, dựa trên cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn, tính phù hợp của luật với những cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đây là cách tiếp cận khoa học, khắc phục được những bất cập, đáp ứng được xu hướng phát triển của đất nước và hội nhập với thế giới, theo quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Về đại cục, tôi tán đồng với tất cả 102 điều luật sửa đổi lần này, qua bố cục 9 chương, dựa trên những phân tích có cơ sở, với sự xuất hiện những chương mới, những điều luật mới, những câu chữ khác..., so với luật sửa đổi bổ sung năm 2009. Lẽ đương nhiên, bất kỳ điều gì mới xuất hiện, đều nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, với mong muốn hoàn thiện hơn, thiết thực hơn, chặt chẽ hơn..., để khi Luật Di sản văn hóa nói riêng và các bộ luật khác nói chung được ban hành, sẽ phát huy một cách có hiệu quả nhất trong đời sống cộng đồng. Đó là mong muốn chính đáng và lành mạnh, nên được trân trọng và khuyến khích. Tuy nhiên, thực tiễn cuộc sống luôn phong phú đa dạng, nhiều màu sắc, khó có sự chuẩn xác cho chính hôm nay, chưa nói đến ngày mai, theo đó, bài viết này xin không quá lạm bàn tới các chương mục, những câu chữ trong từng điều luật, vốn không phải là sở trường của tác giả, mà chỉ dựa trên những điều mắt thấy, tai nghe, thông qua những hoạt động, trên một lĩnh vực hạn hẹp, của mục 2, chương III: Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và điều 77 của chương VI: Hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa.

1. Khoản 6, điều 38, mục 2 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) ghi rõ: “Nhà nước khuyến khích tổ chức cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi thường trú”. Đây là một ý đã được thể hiện trong Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung năm 2009, nhưng thực tế, công việc đăng ký ở các tỉnh và thành phố trong cả nước nói chung chưa có nhiều chuyển biến, nếu không muốn nói là con số 0 tròn trĩnh, sau gần 1⁄4 thế kỷ Luật được thực thi trong đời sống xã hội. Cổ vật, di vật không được đăng ký, khiến cho công tác quản lý gặp nhiều bất cập, do cơ quan quản lý không thể nắm được trên địa phương mình có bao nhiêu nhà sưu tập và họ sưu tập di vật, cổ vật có đúng với định hướng là bàn tay nối dài của ngành Di sản văn hóa, hay chỉ là những đồ cũ lỗi thời được chuyển về từ những nước phát triển. Nắm để định hướng sưu tầm, lưu giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa do cha ông để lại tới những nhà sưu tập, thiết tưởng cũng là nhiệm vụ cần thiết, để đất nước không phải là nơi chứa những đống rác thải của thế giới - một hiện tượng đã từng thấy thời bao cấp quan liêu với tivi, tủ lạnh, máy giặt cũ nhập khẩu. Tôi đã đến thăm nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc, những nhà quản lý di sản ở Quảng Đông, Giang Tây, Quảng Tây, họ nắm đến chi tiết những đại gia, trung gia và tiểu gia sưu tập, thế nhưng, họ cũng loại ra không nhiều đại gia sưu tầm và lưu giữ những cổ vật giả, mua tới hàng vài trăm triệu nhân dân tệ, khiến cho Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây phải thốt lên rằng, số tiền ấy, nếu được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận cho đất nước sẽ lên tới bao nhiêu? Đăng ký để định hướng sưu tầm là nhiệm vụ của cơ quan quản lý văn hóa địa phương.

Đăng ký di vật, cổ vật còn có sự lợi hại khác trong công tác quản lý, đó là một thời, đất nước chúng ta chưa có luật, chiến tranh và xây dựng khiến cho hàng loạt cổ vật được xuất lộ, phơi mình trên mặt đất. Những người hiểu biết và am tường, thu gom lại để thỏa mãn thú chơi và sự đam mê, trong đó có cổ vật bị bom đạn cày xới, xuất lộ trước những máy đào hồ thủy điện, làm đầm nuôi tôm, vốn là di sản có nguồn gốc khảo cổ học, mà theo luật định hiện hành, không được sưu tầm và lưu giữ. Đó còn là những hoành phi, câu đối, tượng thờ... do tiêu thổ kháng chiến, do chống mê tín dị đoan, do bom Mỹ oanh tạc những thiết chế tôn giáo, khiến những cổ vật trên đây “lang thang”, vô chủ, những người ham thích sưu tầm, mà theo luật định, chúng là cổ vật, di vật của thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng, không được phép sưu tầm. Khá nhiều di vật, cổ vật có nguồn gốc khảo cổ học và tôn giáo, tín ngưỡng hiện hữu trong các sưu tập tư nhân, được lý giải như một hiện tượng của lịch sử, Luật Di sản văn hóa cần thừa nhận để bảo tồn, lưu giữ như một sự tôn vinh thái độ ứng xử với di sản văn hóa ở một thời quá khứ. Việc đăng ký để thừa nhận sở hữu tư nhân những di vật, cổ vật nêu trên là nhân văn, phù hợp và tôn trọng quá khứ lịch sử. Tuy nhiên, do không được đăng ký, hiện tượng té nước theo mưa vẫn hằng ngày diễn ra, khiến cho cổ vật ở các chùa chiền, đền miếu bị lấy cắp, khiến cho các di chỉ khảo cổ học ngày đêm bị đe dọa, thậm chí bị xóa sổ trên bản đồ khảo cổ học đất nước, qua những kẻ tội phạm, tới những người sưu tập phi pháp, làm cho những nhà khảo cổ học phải lo lắng về các di tích khảo cổ học bị xâm hại, thiết chế văn hóa tâm linh của cộng đồng bị mất đi những bảo vật quý giá. Tôi và nhiều đồng nghiệp đã được chứng kiến, vào cuộc, từ lời mời của cơ quan công an Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Lạng Sơn... với những sắc phong, đại tự, câu đối, lư hương, tượng phật, rìu, giáo..., vốn nằm trong ngôi đền của một di tích quốc gia đặc biệt, suýt trở thành sở hữu tư nhân, vốn là di vật quý giá của văn hóa Đông Sơn, suýt trở thành hàng hóa xuất sang bên kia biên giới.

Đăng ký di vật, cổ vật có thể chấm dứt hay ít nhất giảm thiểu được hiện tượng nêu trên và đảm bảo được sự công bằng của luật pháp với một vấn đề của lịch sử, cần sớm được kết thúc vào thời điểm đăng ký, nếu đăng ký được coi là quy định bắt buộc trong luật.

2. Công nhận bảo vật quốc gia, trong điều 39, khoản 2, mục a của Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), có một điểm mới: “Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia, cấp bằng công nhận bảo vật quốc gia”. Đây là một bước tiến, thể hiện sự công bằng và bình đẳng của loại hình di vật này với di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, đã từ lâu được cấp tỉnh, thành phố và Bộ VHTTDL cấp bằng công nhận. Đây cũng là một đáp ứng, vốn từ lâu là sở nguyện của cộng đồng khi họ giữ gìn, bảo vệ và phát huy những bảo vật ấy, qua nhiều thế hệ, được truyền nối từ ông bà, tổ tiên, theo đó, như một chất xúc tác để có thêm nhiều bảo vật quốc gia trong tương lai sẽ được đề cử và công nhận, vốn còn nằm trong các bảo tàng, di tích, lâu nay vẫn được coi là tiềm năng của đất nước giàu truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa như Việt Nam, đã được thế giới ngợi ca và thừa nhận. Công nhận bảo vật quốc gia, sau khi Luật Di sản văn hóa ra đời và có hiệu lực, quả là một thành tựu của ngành Di sản văn hóa sau gần 1⁄4 thế kỷ Luật đi vào đời sống. Tuy nhiên, con số bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận cho đến nay, vẫn còn là con số khiêm tốn so với tiềm năng. Lý do của sự khiêm tốn ấy, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ quan vẫn là cơ bản. Thực tế khảo sát ở một vài địa phương, những người quản lý di sản chưa nhận chân được giá trị của bảo vật mà mình đang bảo quản, sở hữu. Giá trị ấy không chỉ là những tiêu chí trong Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung năm 2009, hay chính xác hơn, đó là những tiêu chí của bảo vật quốc gia cấp I. Ngoài cấp I, còn cấp II và cấp III, có những tiêu chí thấp hơn, mà những nhà quản lý di sản văn hóa địa phương và các nhà nghiên cứu di sản khó nhận ra để đề cử, do đó, đã mất đi một nguồn di sản lớn để các cấp có thẩm quyền xem xét trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bởi vậy, theo tôi, bảo vật quốc gia cần có sự phân cấp, giống như sự phân cấp của di tích cấp tỉnh, thành phố, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt. Nó cũng giống như Bảo tàng được xếp hạng cấp I, cấp II, cấp III. Tiêu chí của các cấp thuộc những loại hình nêu trên đã có, do vậy, tiêu chí cho bảo vật quốc gia các cấp cũng cần phải được xây dựng.

Việc phân cấp bảo vật quốc gia không phải là điều mới mẻ. Ở Trung Quốc, ngành Di sản văn hóa đã từng làm, theo đó là sự quản lý đối với từng cấp cũng được phân công cụ thể. Bảo vật quốc gia cấp I, II do nhà nước Trung ương quản lý, cho phép tạm xuất, tái nhập để trưng bày giao lưu quốc tế. Bảo vật quốc gia cấp III, do tỉnh và thành phố quản lý, với nhiệm vụ như đã nêu và còn nhiều vấn đề khác có liên quan tới quản lý và phát huy.

Đây là công việc khó khăn và phức tạp, nhưng làm được sẽ tránh được nhiều thiệt thòi cho những di vật, cổ vật đang nằm ở giữa làn ranh của sự quý hiếm với bảo vật quốc gia.

3. Điều 48, khoản 5, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) ghi: “Trường hợp di vật, cổ vật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định, đề xuất mua ở nước ngoài về nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định dùng ngân sách Nhà nước mua và đưa về Việt Nam sẽ hưởng chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế, phí có liên quan khác”. Về nguyên tắc, quy định trên đây là hoàn toàn hợp lý, khi nguồn tiếp nhận thuộc về sở hữu tư nhân, khi cá đã vào ao ta cần tạo mọi điều kiện để di vật, cổ vật được hồi hương hợp pháp. Thế nhưng, trong thực tế, có những tập đoàn kinh tế lớn, như Sunshine, mua mũ quan và áo nhật bình, tặng cho Bảo tàng Nghệ thuật cung đình Huế, là một thiết chế bảo tàng công lập, thuộc sở hữu của tỉnh Thừa Thiên Huế, với những hoạt động phi lợi nhuận, thiết nghĩ, câu chuyện ưu đãi về thuế cần được xem xét lại, thay bằng miễn toàn bộ các loại thuế phí. Thực tế, Tập đoàn này cũng đã được miễn tất cả, nhưng thủ tục có được sự ưu đãi này rất phức tạp, khiến cho Mạnh Thường Quân có không ít điều phàn nàn, khi họ phải đôn đáo lui tới các cơ quan liên quan để giải trình, mất quá nhiều thời gian và công sức. Một pho tượng Champa nổi tiếng, gần đây, được cảnh sát Anh, Mỹ xác định là cổ vật buôn bán trái phép có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam, được Chính phủ Vương Quốc Anh trao trả, nhưng Hội đồng thẩm định của đất nước này, theo quy định, vẫn phải định giá trị bằng tiền, đâu đó khoảng trên 18 triệu USD. Cơ quan tiếp nhận, dù chưa có quyết định cụ thể, nhưng Bộ VHTTDL giao Bảo tàng Lịch sử quốc gia, có sự tham gia của Cục Di sản văn hóa, là những thành viên trong đoàn bay đi Anh để tiếp nhận. Chưa kể còn nhiều vấn đề về thủ tục, kể cả phía ta và phía bạn, khi lần đầu tiên đất nước chúng ta được tham gia vào sự kiện có ý nghĩa này, để cổ vật hồi hương về sân bay Nội Bài. Thế nhưng, đến nơi, Hải quan Việt Nam giữ lại kho, do những thủ tục về thuế quan chưa có, mà nếu tính theo các loại thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, cùng các loại thuế phí có liên quan khác, hẳn phải là con số khổng lồ, mà với một cơ quan sự nghiệp như Bảo tàng Lịch sử quốc gia không thể nào đáp ứng. Cổ vật vẫn tạm giữ tại kho Nội Bài, kể từ sau Tết Giáp Thìn 2024 vài ngày, đến nay, không biết tình trạng bảo quản ra sao, không biết bao giờ mới trở về kho của bảo tàng, dẫu rằng, những người trong cuộc đã vô cùng nỗ lực tháo gỡ, nhưng dường như, chưa có thời điểm kết thúc? Vậy nên, theo thiển nghĩ của tôi, dự thảo điều luật thứ 48 này, cần phải xác định rõ đối tượng sở hữu, lý do của những di vật, cổ vật hồi hương và cần xử lý độc lập tương đối với những luật khác, vốn đã được những người làm dự thảo Luật Di sản văn hóa tiếp cận, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, trước những vụ việc tương tự nêu trên, khi hồi hương cổ vật sẽ là câu chuyện thường xuyên trong chiến lược phát triển văn hóa đất nước của Đảng và Nhà nước ta.

4. Tại chương VI, Hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa, điều 77 của dự thảo Luật ghi rõ về kinh doanh di vật, cổ vật, với những nội dung tóm lược như sau:

Cơ sở kinh doanh di vật, cổ vật, phải đảm bảo các điều kiện sau: Có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh di vật, cổ vật; Chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật có chứng chỉ hành nghề kinh doanh di vật, cổ vật theo quy định khoản 4 điều này.

Hoạt động của cơ sở kinh doanh di vật, cổ vật phải tuân thủ các nguyên tắc sau: Chủ kinh doanh di vật, cổ vật đã được đăng ký theo quy định khoản 6 điều 38 Luật này; Chủ kinh doanh bản sao di vật, cổ vật của tổ chức, cá nhân có giấy phép làm bản sao do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Trên đây là lược trích những khoản trong 5 khoản có liên quan tới điều 77, nhưng chỉ 2/5 những điều khoản ấy có những vấn đề cần được luận bàn, dựa trên những thực tiễn, tôi đã từng trải nghiệm.

Khảo sát những cửa hàng kinh doanh di vật, cổ vật tại Hà Nội và TP.HCM, tôi thấy, những điều kiện về cơ sở kinh doanh và những hoạt động của cơ sở kinh doanh, dường như chưa đủ đáp ứng, chính xác hơn, rất ít có sự đáp ứng qua những khoản ghi trong luật, chưa nói tới những chi tiết mang tính định lượng, được thể hiện trong văn bản hướng dẫn luật sửa đổi, bổ sung năm 2009. Những sự thiếu tuân thủ đem đến một hậu quả phản cảm trong khá nhiều cửa hàng kinh doanh, buôn bán di vật, cổ vật mà Luật Di sản văn hóa muốn hướng tới một môi trường trong sạch và lành mạnh, theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen để thu hút khách du lịch đến địa phương, “phố đồ cổ” phải như một đặc sản không thể không ghé thăm để mua bán, chiêm ngắm, thưởng ngoạn, trải nghiệm và trao đổi. Có quá nhiều cửa hàng không khác gì một nhà kho, với đủ loại đồ đồng, đồ gốm, đồ gỗ... thật giả lẫn lộn, nhưng không hề có sự đăng ký hay có giấy chứng nhận làm bản sao, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, được cụ thể hóa ở điểm a và b khoản 3, điều 77. Tôi cũng đoán chắc rằng, những người chủ cửa hàng, không nhiều trong số họ có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và cũng không nhiều trong số họ là những chủ cơ sở có chứng chỉ hành nghề kinh doanh di vật, cổ vật, được quy định trong điểm a và b khoản 2, khoản 4, điều 77 trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Câu chuyện của sự thật, giả, của bản chính, bản sao, theo đó là giá cả bất hợp lý, dẫn đến một hệ lụy của sự tranh cãi ngay tại cửa hàng, gây mất an ninh trật tự, là một lẽ đương nhiên, nhưng hơn thế, vô cùng phản cảm với du khách, đặc biệt là người nước ngoài lần đầu tiên đến với Việt Nam. Khắc phục được sự thiếu tuân thủ luật pháp, thiếu ngăn nắp, nề nếp của những trung tâm buôn bán di vật, cổ vật, không có gì khác hơn, phải tăng cường công tác quản lý của ngành Văn hóa và Du lịch địa phương. Nếu không làm được điều này, luật sẽ không bao giờ đi vào đời sống và phục vụ được cuộc sống tốt nhất cho cộng đồng.

Chương VI là chương mới, được đưa vào Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này, với 4 điều có liên quan tới hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa. Hai trên bốn điều nói tới kinh doanh, giám định di vật, cổ vật, thiết nghĩ, vấn đề trên đã nhận được sự quan tâm của cơ quan xây dựng luật. Tuy nhiên, khi đọc 2 điều 76, 77, dù có khá nhiều khoản, nhưng dường như, tôi thấy, có nhiều mô hình cửa hàng kinh doanh di vật, cổ vật, mà chưa thấy mô hình sàn đấu giá, vốn là một xu hướng của các nước phát triển, để công khai, minh bạch hóa nguồn gốc, xuất xứ cổ vật, theo đó, tạo điều kiện cho người sưu tầm tiếp cận với sự trong sáng của lý lịch cổ vật, ưu tiên cho các bảo tàng công lập và ngoài công lập có quyền sưu tầm những cổ vật đặc biệt quý, hiếm để lưu giữ, phát huy mà không hề bấn gợn về giá cả, Nhà nước thu được thuế với tỷ lệ % chuẩn xác... Một thị trường cổ vật công khai, thay vì một thị trường như hiện nay ở nước ta, hẳn là một trong những điều kiện để đất nước ngày một hội nhập sâu hơn với thế giới, nên chăng, được đặt ra trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này. Tôi đã được mục kích con đường xin giấy phép của một công ty đấu giá Việt Nam, gian nan và vất vả tại Hà Nội, sau đó, quay về Bắc Ninh tổ chức, hiệu quả không cao, khi điều kiện đấu giá cần diễn ra ở một trung tâm văn hóa lớn như Hà Nội hay TP.HCM. Công ty đấu giá có uy tín Milon của Pháp là đối tác dẫn lối, chỉ đường cho một mô hình đầy hứa hẹn, nhưng sớm phải chia tay, qua một lần thử nghiệm.

Từ thực tiễn đến những điều luật, quả là một câu chuyện dài kỳ, mà người viết chưa đủ tầm để với tới mọi khía cạnh của những vấn đề, của mọi điều luật trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), do chuyên môn về luật còn nghèo nàn, bởi vậy, thực tiễn là cơ sở để tác giả hoàn thiện bài viết này, theo đó, có nhiều ý sẽ không sát với mục tiêu góp ý, nhưng xem ra, sẽ hữu ích phần nào đối với những nhà quản lý văn hóa địa phương.

TS PHẠM QUỐC QUÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024

;