Mối quan hệ giữa văn hóa và tôn giáo

Đại biểu lãnh đạo cùng đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam thả bóng bay cầu nguyện hòa bình tại Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568, dương lịch 2024 - Ảnh: baoquangnam.vn

Văn hóa và tôn giáo đã đồng hành cùng nhân loại trong suốt thời gian dài của lịch sử. Tuy nhiên, từ khi Tổ chức Văn hóa, khoa học, giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) phát động “Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa” (1983) thì người ta mới bắt đầu quan tâm hơn tới việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa các thành tố văn hóa để phát huy được “sức mạnh tổng hợp” của văn hóa đối với sự phát triển. Mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa do vậy cũng trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn trong nước cũng như quốc tế. Bài viết trên cơ sở khái quát chung về văn hóa và tôn giáo, đi vào trình bày biểu hiện của mối quan hệ đó trên các phương diện cụ thể trước khi rút ra một số nhận xét nhằm thúc đẩy “yếu tố nội sinh”, cụ thể là các phương diện tích cực của tôn giáo, tạo nên giá trị cho sự phát triển văn hóa mỗi cộng đồng, quốc gia, dân tộc trong dòng chảy chung của văn minh nhân loại.

1. Một số vấn đề chung về văn hóa và tôn giáo

Về văn hóa

Cho đến thời điểm hiện tại, có rất nhiều khái niệm về văn hóa. Tùy vào giai đoạn lịch sử, góc độ, cách thức tiếp cận mà mỗi học giả, nhà nghiên cứu đưa ra khái niệm riêng.

Ở phương Đông, theo quan niệm của người Trung Quốc xưa, Văn “là một từ được dùng để chỉ cái vẻ bề ngoài”, chẳng hạn văn của con người là lời hay ý đẹp còn văn của xã hội là điển chương, chế độ, phong tục, đạo đức”…; còn Hóa là “dạy dỗ, sửa đổi phong tục. Văn là cái bên ngoài, không phải hoàn toàn tự nhiên mà có nên có thể sửa sang, trau dồi. Con người có thể làm cho cái chất tự nhiên thành có văn, thành đẹp đẽ hơn do tác dụng của giáo hóa” (1). Do vậy, chúng ta có thuật ngữ văn hóa bao gồm những nội dung ấy.

Ở phương Tây, từ văn hóa có gốc là tiếng Latinh (cutura) nghĩa là trồng trọt ngoài đồng, hàm ý một cánh đồng dù màu mỡ tới đâu, song không được trồng trọt thì cũng không sản sinh ra được gì. Vậy nên, sau này nghĩa gốc ấy được mở rộng ra là “trồng trọt tinh thần” (cutura animi) tức chỉ việc giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn con người (2).

Cho đến tận TK XIX, khi văn hóa trở thành đối tượng nghiên cứu của một số ngành khoa học như dân tộc học, xã hội học, văn hóa học... thì từ này mới được dùng với ý nghĩa là một khái niệm khoa học. Khái niệm văn hóa được định nghĩa lần đầu năm 1871 (3) trong công trình Văn hóa nguyên thủy của nhà nhân học người Anh Edward Burnett Tylor. Trong công trình này, văn hóa được tác giả định nghĩa như sau: “Văn hóa hay văn minh, theo nghĩa rộng về tộc người học, là một chỉnh thể phức hợp gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, tập quán và bất kỳ năng lực và thói quen nào khác mà con người đạt được với tư cách là thành viên xã hội” (4).

Định nghĩa của Edward Burnett Tylor ở thời điểm đó được hoan nghênh và sau này, trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, định nghĩa này của ông được trích dẫn khá nhiều. Cách hiểu của ông về văn hóa cho chúng ta thấy tính phức hợp của văn hóa.

Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở, các phương tiện sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh, đó tức là văn hóa” (5). Theo cách hiểu này, văn hóa bao gồm nhiều thành tố, trong đó có tôn giáo.

GS, TS Trần Ngọc Thêm trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam đưa ra cách hiểu về văn hóa như sau: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người đã sáng tạo ra và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” (6). Như vậy, nhìn một cách khái quát thì văn hóa bao gồm văn hóa vật chất (như ăn, ở, mặc, đi lại…) và văn hóa tinh thần (phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật…). Trong ý nghĩa như vậy, tôn giáo thuộc lĩnh vực tinh thần của văn hóa.

Tổng hợp các ý kiến trên cùng với nhận thức, trải nghiệm của bản thân, theo chúng tôi, khái niệm văn hóa có thể được hiểu như sau:

Thứ nhất, văn hóa là sản phẩm của con người, do con người sáng tạo ra với tư cách là thành viên trong xã hội.

Thứ hai, văn hóa là một chỉnh thể phức hợp bao gồm nhiều thành tố. Do vậy, văn hóa có mối liên hệ với nhiều lĩnh vực khác trong xã hội.

Về tôn giáo

Cũng như khái niệm văn hóa, xưa nay tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về tôn giáo. Ở phương Tây, tôn giáo bắt nguồn từ tiếng Latinh legere hoặc relegere, có nghĩa là “thu lượm thêm sức mạnh siêu nhiên” (7). Thuật ngữ tôn giáo mang nội dung như vậy xuất phát từ bối cảnh con người thuở hồng hoang ở bất cứ nơi đâu đều tin rằng: “muôn vật có linh hồn”, trong đó “có một loại sự vật siêu việt hơn người, có năng lực làm ra những hiện tượng lạ lùng kia. Sự vật siêu việt đó họ gọi chung là Thần” (8). Rồi họ cho rằng các vị thần linh này luôn hiện diện trong đời sống và bản thân con người cũng có thể giao cảm với thần linh nhờ cầu xin - dâng lễ, cúng tế để được ban phát cho sự may mắn, tốt lành. Kết quả là, các hình thức tôn giáo sơ khai ra đời như vật linh giáo, totem giáo, ma thuật giáo… Trong ý nghĩa như vậy, khái niệm tôn giáo có nghĩa là: “sự sùng bái và thờ phụng của con người đối với thần linh hoặc các mối quan hệ của con người với thần linh” (9).

Ở phương Đông, trong khu vực ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa trước khi tiếp xúc với người phương Tây, “Tôn giáo đồng nghĩa với đạo hoặc tôn giáo. Đạo với ý nghĩa là con đường; chủ yếu được hiểu là đạo lý, là giáo huấn, là lời dạy”. Mặc dù phương Đông là khởi nguồn của nhiều tôn giáo lớn như Khổng giáo, Đạo giáo, song người xưa cũng không có một thuật ngữ để chỉ các tôn giáo nói chung. Cho đến TK XVII, thuật ngữ religion được dịch là “tông giáo”. Tông là cái gốc. “Tông giáo” là có cái gốc và lấy nó mà giáo hóa. Cái mà họ gọi là gốc, tức là gốc thần đạo” (10).

Ở nước ta, tôn giáo là một thuật ngữ không thuần Việt, được du nhập từ nước ngoài vào từ cuối TK XIX. Khi du nhập vào nước ta tại thời điểm đó, nó có nghĩa là “Tông giáo” song do kỵ húy của Vua Thiệu Trị nên được gọi là tôn giáo. Hiện nay, cũng tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về thuật ngữ này. Theo PGS Nguyễn Hồng Dương, tôn giáo là khái niệm phức tạp và là đối tượng nghiên cứu của nhiều chuyên ngành khác nhau nên ở mỗi chuyên ngành có phương pháp tiếp cận khác nhau, tùy vào yêu cầu của chuyên ngành đó. Từ 3 cách tiếp cận chính (tiếp cận theo hướng bản thể luận, tiếp cận theo chức năng và tiếp cận tổng hợp), ông đưa định nghĩa về tôn giáo như sau: “Tôn giáo thuộc lĩnh vực tinh thần của văn hóa được hình thành trong lịch sử. Một mặt, nó phản ánh quan niệm và cách ứng xử với lực lượng siêu nhiên mang tính thiêng liêng; mặt khác, phản ánh quan niệm và cách ứng xử về chuẩn mực luân lý, đạo đức, lối sống theo cung cách của nền văn hóa mà nó chịu sự tác động” (11).

Điểm qua các công trình trên, chúng ta thấy dù tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau, song, điểm chung giữa các khái niệm là đều nhắc tới tính thiêng và sự kết nối giữa con người với thế giới thiêng ấy dựa trên niềm tin. Và “niềm tin” này một khi được hình thành và nâng cao, có thể trở thành nhân tố chi phối nhiều phương diện của đời sống. Khi ấy, tôn giáo sẽ tác động trở lại văn hóa bởi sự lớn mạnh của một tôn giáo sẽ làm nảy sinh các hiện tượng văn hóa mới. Ví dụ như ở Campuchia, thời kỳ cực thịnh của Phật giáo sẽ làm nảy sinh văn học Phật giáo, kiến trúc - điêu khắc Phật giáo, lễ hội Phật giáo, nghi lễ Phật giáo…

Rõ ràng, từ cách hiểu về văn hóatôn giáo như đã trình bày ở trên, giữa văn hóa và tôn giáo có mối quan hệ với nhau.

2. Biểu hiện cụ thể của mối quan hệ giữa văn hóa và tôn giáo

Mối quan hệ giữa văn hóa và tôn giáo từ lâu đã được nhiều học giả trên thế giới cũng như Việt Nam quan tâm. Những tranh luận và các ý kiến khác nhau đã diễn ra trong suốt nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, nói tóm lại, có thể thấy: đó là mối quan hệ có tác động qua lại. Văn hóa sinh ra tôn giáo và đến lượt mình, tôn giáo lại làm phong phú, giàu có, đóng góp nhiều cho sự phát triển của văn hóa. Cụ thể:

Thứ nhất, tôn giáo là thành tố nhưng là thành tố “hạt nhân” của văn hóa. Bởi lẽ đó mà hầu hết các tôn giáo lớn đều sản sinh và nuôi dưỡng trong những nền văn hóa nhất định. chẳng thế mà Nho giáo, Đạo giáo phát triển ở Trung Hoa; Phật giáo, Ấn Độ giáo (Hindu giáo) phát triển ở Ấn Độ; Công giáo, đạo Tin lành phát triển ở châu Âu; Hồi giáo (Islam giáo) ở thế giới Ả Rập...

Thứ hai, tôn giáo góp phần làm phong phú bức tranh văn hóa các dân tộc. Điều này có thể thấy rõ khi chúng ta nghiên cứu trường hợp văn hóa Đông Nam Á. Trước khi có sự giao lưu tiếp xúc với các nền văn hóa khác, văn hóa Đông Nam Á chỉ có các tín ngưỡng bản địa như tín ngưỡng đa thần giáo, tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên… Song, khi có sự du nhập của các tôn giáo lớn như: Nho giáo, Đạo giáo (từ Trung Hoa); Phật giáo, Ấn Độ giáo (từ Ấn Độ); Công giáo, đạo Tin lành (từ châu Âu); Hồi giáo (từ thế giới Ả Rập) thì khu vực này trở nên phong phú, đa dạng về sắc màu văn hóa.

Thứ ba, tôn giáo góp phần tạo dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Thực tế cho thấy, quốc gia nào mà có một tôn giáo chiếm ưu thế thì tôn giáo đó ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống và sẽ góp phần tạo nên “bản sắc văn hóa” của quốc gia đó. Ví dụ: lịch sử Thái Lan từ thuở lập quốc cho đến ngày nay, có nhiều tôn giáo từng du nhập và tồn tại nhưng chỉ có đạo Phật mới ngự trị trong trái tim mỗi người dân. Dân số nước này hiện nay có khoảng 93% là tín đồ Phật giáo (12). Nói đến văn hóa Thái Lan là nói đến nền văn hóa bị chi phối sâu sắc của Phật giáo. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tương Lai từng nhận định: “Trên đất nước Thái Lan, ngay từ lúc hình thành nhà nước Thái đầu tiên, đạo Phật đã được du nhập vào và ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống của dân chúng. Tất cả những thành tựu văn hóa rực rỡ của người dân Thái Lan từ ngàn xưa để lại đều hình thành trên cơ sở Phật giáo. Phật giáo đã tạo nên những tư tưởng triết học cho người Thái Lan; Phật giáo đã truyền vào người dân Thái Lan những đạo đức và tình cảm của đức Phật làm cho mỗi người Thái Lan đều có những phong thái và cách xử thế giống như một môn đồ trung thành của đức Phật. Phật giáo chính là sợi chỉ vàng xuyên suốt đời sống văn hóa, xã hội cũng như tư tưởng của người Thái Lan. Muốn tìm hiểu nền văn hóa truyền thống của Thái Lan thì điều hiểu biết cần thiết trước tiên và không thể thiếu được đó là vấn đề Phật giáo ở Thái Lan” (13).

Ở phương diện khác, mối quan hệ giữa tôn giáo và văn hóa không chỉ có sự bổ sung, hỗ trợ nhau mà có lúc còn “mâu thuẫn”, “xung đột” nhau. Trong cuốn Sự va chạm của các nền văn minh, Samuel P Huntington đã nhấn mạnh: “Các cuộc xung đột dữ dội, quan trọng và nguy hiểm nhất không phải giữa các tầng lớp xã hội, giữa giàu và nghèo mà giữa các dân tộc thuộc về các chính thể văn hóa khác nhau. Các cuộc chiến tranh bộ lạc và xung đột sắc tộc sẽ xảy ra trong lòng các nền văn minh” (14). Samuel P Huntington phân chia thế giới thành các nền văn minh theo tôn giáo và theo ông, xung đột văn hóa/ văn minh chính là xung đột tôn giáo. Tuy nhiên, trọng tâm mà chúng tôi bàn đến trong trường hợp nghiên cứu của mình là mặt tích cực của mối quan hệ đó.

Thông qua việc tìm hiểu mối quan hệ giữa văn hóa và tôn giáo, chúng ta thấy rõ, văn hóa và tôn giáo có mối quan hệ qua lại với nhau. Sự tác động qua lại đó bao gồm cả tác động tích cực và tiêu cực. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để “chuyển hóa” mối quan hệ tích cực đó, vận dụng nó trong đời sống thông qua việc hoạch định các chính sách cho phát triển văn hóa quốc gia dựa trên sự đầu tư vào tôn giáo.

________________

1. Lê Quang Thiêm (chủ biên), Văn hóa và sự phát triển của xã hội Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020, tr.9-10.

2. Chu Xuân Diên, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2002, tr.6.

3. Nguyễn Văn Hiệu, Tiếp xúc và tiếp biến văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2022, tr.1.

4. Edward Burnett Tylor, Primitive Culture (Văn hóa nguyên thủy), tập 1, London John Murray, Albemarle, Street, W, 1920.

5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.17.

6. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2022, tr.4.

7. Đặng Nghiêm Vạn, Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.25.

8. Nguyễn Đổng Chi, Lược khảo thần thoại Việt Nam, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1956, tr.26.

9. Nguyễn Văn Kiệm, Mấy nét đại cương về tôn giáo trong sách Tôn giáo và đời sống hiện đại tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.1.

10. Lu Da Ji (Trương Chí Cương, Trần Nghĩa Phương dịch), Tôn giáo học là gì?, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2007, tr.1-2.

11. Nguyễn Hồng Dương, Tôn giáo trong văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2013, tr.31.

12. Bản đồ phân bổ các tôn giáo lớn trên thế giới, tinhte.vn, 18-2-2022.

13. Nguyễn Tương Lai, Văn hóa Thái Lan, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016, tr.46.

14. Samuel P Huntington, Sự va chạm của các nền văn minh, Nxb Lao động, Hà Nội, 2003, tr.1.

TS HÀ THỊ ĐAN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024

;