Vườn sinh học địa lý do nhóm CLB STEM nông nghiệp Trường THCS Lý Tự Trọng (TP. Hạ Long) phụ trách góp phần tạo cảnh quan, làm sạch môi trường xung quanh nhà trường - Ảnh: baoquangninh.vn
1. Đặt vấn đề
Từ TK XIX, Ph.Ăngghen khẳng định: “Bản thân chúng ta, với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta nằm trong lòng giới tự nhiên” (1). Do đó, để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội, con người phải thay đổi nhận thức về giới tự nhiên, về chính mình. Khi môi trường sinh thái trở thành vấn đề của sự phát triển xã hội thì nó cũng trở thành vấn đề của đạo đức.
Trong thời đại ngày nay, việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ đã thúc đẩy và mở rộng quá trình sản xuất, gia tăng nhu cầu và khả năng khai thác tự nhiên của con người. Tuy nhiên, quá trình đó cũng làm giảm đi khả năng tự phục hồi của tự nhiên. Với mức độ khai thác của con người dẫn đến tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường, dịch bệnh... tạo lực cản cho sự tăng trưởng kinh tế, dần dần có sự đối lập, hủy hoại môi trường sống tự nhiên. Điều này đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới đối với môi trường và bảo vệ môi trường sinh thái trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Những tác nhân đó giúp phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ sức khỏe của con người và sự tồn vong của trái đất.
Thời gian gần đây, do các vấn đề môi trường sinh thái nổi lên trong tổng thể các vấn đề của xã hội hiện đại nên vấn đề đạo đức sinh thái (ĐĐST) được quan tâm rộng rãi. Sinh thái là lĩnh vực của các mối quan hệ qua lại và tác động lẫn nhau giữa cơ thể sống và môi trường xung quanh. Vì vậy, ĐĐST là đạo đức được hình thành trong quá trình con người tác động vào tự nhiên. Một mặt, ĐĐST xem xét mối quan hệ giữa con người với tự nhiên trên phương diện đạo đức, đưa ra những chuẩn mực đạo đức nhằm định hướng cách ứng xử của con người với tự nhiên. Mặt khác, ĐĐST góp phần điều chỉnh hành vi của con người trong ứng xử với giới tự nhiên nhằm giảm thiểu tác hại do hoạt động của con người gây ra đối với môi trường.
ĐĐST là một phương diện, một lĩnh vực của đạo đức nói chung; biểu hiện đạo đức xã hội trong các mối quan hệ qua lại và tác động lẫn nhau giữa con người với tự nhiên. Nếu có ĐĐST đúng đắn, lành mạnh thì môi trường được bảo vệ, con người được sống khỏe và xã hội có điều kiện phát triển tốt hơn. ĐĐST nhấn mạnh tới trách nhiệm của con người với tự nhiên. Giá trị ĐĐST thể hiện ở những chuẩn mực cần thiết trong việc điều chỉnh và xây dựng hành vi, thái độ ứng xử thân thiện của con người với thiên nhiên, môi trường. Về bản chất, ĐĐST là một phần trong nhân cách đạo đức của con người. Nó bao gồm hệ thống những quan niệm, tư tưởng, tình cảm, nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực... quy định và điều chỉnh hành vi của con người trong quá trình cải tạo tự nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội trong những điều kiện nhất định.
2. Thực trạng ĐĐST ở Việt Nam hiện nay
Bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang mang lại những cơ hội phát triển mới, song cũng không ít khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực đến vấn đề ĐĐST và bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay. Với mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều vấn đề bức xúc về môi trường sinh thái nghiêm trọng. Trên thực tế, các tổ chức, cá nhân và các chủ thể sản xuất kinh doanh đang diễn ra tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Sự suy thoái ĐĐST thể hiện trong ý thức, hành vi ứng xử với môi trường như: vứt rác bừa bãi, sử dụng lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường… có chiều hướng ngày một phức tạp, tinh vi. Đặc biệt, trước tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hiểm họa môi trường sinh thái ở nước ta đặt ra các vấn đề nan giải như: tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái gia tăng do chất thải công nghiệp, sinh hoạt, chất độc hại của quá trình sản xuất không được xử lý nghiêm túc. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến năm 2020, cả nước có hơn 5.400 làng nghề, tuy nhiên 95% hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, hơn 50% gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, là tình trạng khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên được thực hiện một cách vô ý thức, tùy tiện, vô trách nhiệm, thiếu kế hoạch, chỉ vì lợi ích kinh tế trước mắt mà quên đi nghĩa vụ bảo vệ môi trường sinh thái. Đáng lưu tâm hơn, một số doanh nghiệp tuy có hệ thống xử lý chất thải, song luôn tìm cách cố tình vi phạm quy định môi trường, thủ đoạn tinh vi, lén lút để xả thải ra môi trường. Ngoài ra, vấn đề quy hoạch sử dụng đất chưa hợp lý, gây lãng phí nguồn tài nguyên quý giá này của nước ta. Theo thống kê trước năm 1945, rừng bao phủ chiếm tỷ lệ 43,8%, hiện nay chỉ còn hơn 28% (tức là dưới mức báo động 30%). Diện tích đất trồng trọt đang bị xói mòn tăng mạnh lên khoảng 13,4 triệu ha. Việc khai thác mỏ, vật liệu xây dựng, vàng, đá quý; việc sử dụng mìn khai thác ở nhiều lĩnh vực cũng đã và đang làm hủy hoại sự cân bằng của môi trường sinh thái. Ngoài ra, ô nhiễm không khí, tiếng ồn cũng là vấn đề nan giải đối với các khu dân cư. Nồng độ bụi và khí thải CO2 nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5-2,5 lần… Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2021 tại các khu vực sản xuất công nghiệp, vấn đề nổi cộm hiện nay là ô nhiễm bụi. Tại khu vực làng nghề, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn ở mức cao, đặc biệt tại các làng nghề tái chế kim loại, nhựa, vật liệu xây dựng… 28% làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng chưa triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, vẫn còn nhiều làng nghề chưa di dời vào trong cụm công nghiệp (2). Theo Bộ Công Thương, “tính đến hết năm 2020, cả nước có 698 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động... Tuy nhiên, số lượng cụm công nghiệp có biện pháp bảo vệ môi trường, công trình xử lý chất thải chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ; 17,2% có hệ thống xử lý nước thải tập trung” (3), còn lại là tự xử lý hoặc xả trực tiếp ra môi trường.
Ở nước ta, trong lĩnh vực trồng trọt đang có những tác động tiêu cực đến môi trường như việc sử dụng phân bón hữu cơ. Theo ước tính, hằng năm có đến 50-70% lượng phân bón vô cơ không được cây trồng hấp thụ, thải ra môi trường. Nước thải từ hoạt động chuyên canh nông nghiệp có chứa các thành phần độc hại như hóa chất bảo vệ thực vật, phân hóa học… gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước (4). Bên cạnh đó, lĩnh vực khai thác lâm sản, khoáng sản, bảo vệ đa dạng sinh học cũng đang diễn ra tình trạng vi phạm ĐĐST rất phức tạp.
Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu mới đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái vì mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, nguyên nhân cơ bản liên quan đến thực trạng môi trường sinh thái ở Việt Nam hiện nay là do nhận thức về môi trường sinh thái và ĐĐST chưa đầy đủ; việc kết hợp trong thực hiện mục tiêu kép giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường chưa cao, chưa hài hòa; việc xử phạt các hành vi vi phạm ĐĐST nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung chưa được chú trọng; việc giáo dục ý thức ĐĐST còn yếu.
3. Một số biện pháp nâng cao ĐĐST ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ĐĐST, xây dựng ý thức sinh thái hài hòa
Đây là một trong những biện pháp quan trọng, góp phần nâng cao ĐĐST ở nước ta. Bởi vì, để có hành vi đúng trong việc bảo vệ và giải quyết tốt những vấn đề về môi trường sinh thái, trước hết mọi người phải có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của ĐĐST, có thái độ, ý thức sinh thái tích cực, tự giác trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Chỉ khi hiểu đúng những giá trị của môi trường sinh thái đối với cuộc sống, thì con người mới không sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách tùy tiện, lãng phí, thực dụng mà tuân theo những quy luật của tự nhiên, “hiểu biết thiên nhiên để buộc thiên nhiên phục vụ hạnh phúc loài người” (5).
Do đó, nâng cao ĐĐST ở nước ta phải có nhận thức đúng đắn về mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên và con người, tôn trọng, bảo vệ và sống hài hòa với thiên nhiên, tận dụng và khai thác hợp quy luật, tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho các nhu cầu của con người, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, giáo dục những tình cảm yêu quý, tôn trọng thiên nhiên; có nghĩa vụ, trách nhiệm và văn hóa ứng xử đối với môi trường sống. Trách nhiệm đối với môi trường và bảo tồn đúng đắn chúng là nghĩa vụ đạo đức của chúng ta nếu chúng ta để lại bất kỳ di sản có ý nghĩa nào cho các thế hệ tương lai; và trách nhiệm của chúng ta cũng là truyền tinh thần trách nhiệm cho nhau (6). Tăng cường hoạt động tuyên truyền giáo dục về môi trường sinh thái phù hợp với từng đối tượng nhằm hình thành thái độ đúng đắn và thay đổi nhận thức của con người về môi trường và ĐĐST. Xây dựng ý thức sinh thái hài hòa, thân thiện với môi trường tự nhiên là tiêu chí quan trọng trong việc xây dựng một nền ĐĐST góp phần bảo vệ và giữ gìn môi trường sinh thái bền vững. Ngoài ra, cần gắn việc xây dựng ĐĐST với việc bảo đảm lợi ích của mỗi người, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích lâu dài việc phát triển bền vững của đất nước với lợi ích trực tiếp của con người. Khi lợi ích được bảo đảm, con người sẽ thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường một cách tự nguyện, tự giác, có trách nhiệm cao.
Thứ hai, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường
Thông qua quá trình phát triển khoa học công nghệ, nhất là trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, con người cần nắm bắt được các quy luật của tự nhiên và tìm cách vận dụng hợp lý các quy luật đó vào thực tiễn của xã hội, để tạo cơ sở tự nhiên bền vững cho phát triển xã hội. Để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là: “khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường” (7). Theo đó, phát triển kinh tế phải luôn gắn liền với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế phải trên cơ sở vừa đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm vấn đề môi trường sinh thái.
Để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, nước ta cần khai thác và sử dụng thiên nhiên một cách hợp lý, hiệu quả và sáng tạo, đi đôi với quá trình tái tạo tự nhiên. Mỗi người cần sử dụng một cách tiết kiệm và hợp lý, gắn quá trình khai thác với tái tạo để vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội, vừa bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường tự nhiên cho thế hệ sau. Điều đó đã trở thành yêu cầu của sự phát triển kinh tế bền vững và do đó trở thành chuẩn mực ĐĐST.
Khai thác, sử dụng và tái tạo tài nguyên bảo vệ môi trường để phát triển bền vững được xem như là một mục tiêu hàng đầu, có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc phát triển đất nước. Mọi người cần khai thác và sử dụng giá trị tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, khoa học để phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội, vừa bảo đảm sự thống nhất và toàn vẹn của môi trường: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường” (8). Hơn nữa, trong quá trình sản xuất xã hội cần thực hiện thêm chức năng tái sản xuất các nguồn tài nguyên thiên nhiên; khắc phục tình trạng lạm phát nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được, cần phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm thải khí nhà kính...
Thứ ba, nâng cao hiệu quả giáo dục ĐĐST
Giáo dục ĐĐST là một trong những phương diện hợp thành nội dung của giáo dục đạo đức xã hội. Trên cơ sở một thế giới quan, nhân sinh quan nhất định, hoạt động này nhằm xây dựng ĐĐST, định hình chuẩn mực, nguyên tắc cho con người trong ứng xử với môi trường tự nhiên, qua đó điều chỉnh hành vi của con người đối với tự nhiên, tạo ra mối quan hệ hài hòa giữa tự nhiên, con người và xã hội. Mặt khác, hình thành tình cảm, tri thức, niềm tin, thói quen, từ đó biến thành nhu cầu, động cơ đúng đắn và năng lực ĐĐST bên trong mỗi cá nhân, giúp cho con người trau dồi tri thức, kinh nghiệm và kỹ năng trong việc giải quyết những vấn đề sinh thái.
Giáo dục ĐĐST thực chất là giáo dục những chuẩn mực về ĐĐST để nâng cao tri thức khoa học, hiểu biết về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, về sự thích nghi của con người với môi trường tự nhiên, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Quá trình đó thúc đẩy sự quan tâm đến lợi ích của tự nhiên, của cộng đồng xã hội, hình thành thái độ, hành vi ĐĐST phù hợp và văn hóa ứng xử tích cực với các vấn đề môi trường, bảo đảm sự hài hòa về lợi ích, vì sự phát triển của con người - tự nhiên - xã hội.
Để giáo dục ĐĐST có hiệu quả, cần tiến hành ở mọi thành tố của ĐĐST từ ý thức đến hành vi và quan hệ ĐĐST hướng tới mục tiêu tạo ra mối quan hệ hài hòa giữa con người - xã hội và tự nhiên. Do đó, cần đưa giáo dục đạo đức môi trường vào nội dung giáo dục đạo đức ở nhà trường, gia đình và cộng đồng dân cư để nâng cao nhận thức về môi trường, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội.
Thông qua các hình thức tập huấn, đào tạo, hội thảo, truyền thông, thông tin trên báo, đài, internet, mạng xã hội… lồng ghép chương trình giáo dục môi trường vào các bậc học phổ thông nhằm cung cấp cho con người những tri thức sinh thái cần thiết, góp phần hình thành nên ý thức sinh thái mới. Ngoài ra, cần xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, nêu cao ý thức xây dựng và bảo vệ môi trường tự nhiên, thể hiện tập trung trong việc tuân thủ nghiêm các điều luật đã được ghi rõ trong Luật Bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, mọi người cần tham gia đấu tranh với việc đấu tranh chống những hành vi vi phạm ĐĐST như: khai thác quá mức tài nguyên đất đai, nước, rừng, khoáng sản; xả thải độc hại ra môi trường gây ô nhiễm, gây các dịch bệnh nguy hiểm, dẫn đến hủy hoại môi trường, làm mất cân bằng sinh thái.
Thứ tư, tăng cường hình thức xử phạt các hành vi vi phạm ĐĐST
Việc tăng cường các hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm ĐĐST là rất cần thiết nhằm khắc phục tình trạng hạn chế về nhận thức của con người trong việc bảo vệ môi trường; đồng thời hướng tới xây dựng thiết chế văn hóa ứng xử với môi trường của người dân. Những biện pháp xử phạt các hành vi vi phạm đạo đức môi trường cần được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, với các mức độ vi phạm và các đối tượng khác nhau. Trên cơ sở triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đã cụ thể hóa các hành vi ĐĐST, cần nhấn mạnh đến ý thức tự giác của con người trong việc chấp hành nghiêm ngặt các điều luật. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm về tài nguyên môi trường, tập trung xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tăng cường giám sát công khai đầy đủ, kịp thời thông tin về chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu công nghiệp, khu đông dân cư; cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn...
4. Kết luận
ĐĐST đang dần trở thành một tiêu chuẩn, lẽ sống không thể thiếu của con người vì xu hướng phát triển bền vững của các nước. Nâng cao ĐĐST có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi, văn hóa ứng xử của con người với tự nhiên. Việt Nam đã và đang quan tâm đến vấn đề tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái. Quá trình đó đòi hỏi phải xây dựng và triển khai nhiều biện pháp mang tính chiến lược nhằm nâng cao ĐĐST cho người dân, hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước hiện nay.
_________________
1. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, tr.655.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2021, chủ đề “Môi trường không khí - Thực trạng và giải pháp”, Hà Nội, 2023, tr.12, 35.
3, 4. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2021, tr.12, 24.
5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.314.
6. doi.org/10.1007/BF01907293.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.52.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.330-331.
TS TRỊNH THỊ HẠNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024