Chuyện Tết của những bà "nội t­ướng"

Dù là những nữ nghệ sĩ nổi tiếng ngoài đời nh­ưng ở trong gia đình, họ vẫn là bà “nội t­ướng” lo chu toàn thiên chức của ng­ười phụ nữ là vun vén nhà cửa, chăm sóc chồng con. Quanh năm tất bật, Tết là dịp để nhiều nữ nghệ sĩ dành riêng cho gia đình mình. Hãy cùng họ chia sẻ những niềm vui đón Tết.

 

 

Nghệ sĩ Lê Mai

 

Có một sự nghiệp diễn viên từng phải “đứt gánh giữa đường” khi đương thì xuân sắc vì nỗi lo cơm áo và một tổ ấm không hẳn đã hạnh phúc nhưng nghệ sĩ Lê Mai lại có được một gia tài vô giá mà không phải ai cũng may mắn có được, đó là ba cô con gái thành đạt, giỏi giang, xinh đẹp nức tiếng trong làng nghệ thuật: nghệ sĩ Lê Vân, NSND Lê Khanh và NSƯT Lê Vi. Thành công của họ ngày hôm nay luôn có bóng hình người mẹ, trong từng biến cố của cuộc sống bên họ luôn có mẹ. Bà Lê Mai từng được các con gái của mình phong tặng “huân chương chịu đựng” và được báo chí mệnh danh là “nghệ sĩ đích thực, đàn bà đúng nghĩa”. Không phải không có lúc con cái khiến bà Lê Mai buồn nhưng như tất cả những người mẹ trên đời, sau phút giây bị sốc, bình tĩnh lại, bà lại tha thứ và chia sẻ với con.

Năm nay đã 85 tuổi, nhắc đến chuyện Tết, bà Lê Mai thoáng buồn. Những năm gần đây khi cuộc sống đã đủ đầy, con cái có điều kiện báo hiếu cha mẹ thì bà lại không cảm thấy được cái háo hức đón xuân và giá trị của ngày Tết như xưa, khi cuộc sống còn nhiều thiếu thốn.

Ngày ấy, nhìn con cái tíu tít rửa lá, dọn dẹp nhà cửa, có năm ruột bà rối như tơ vò vì nỗi chưa biết đào đâu ra tiền sắm Tết. Lần hồi, bà bán những thứ đồ hồi môn quý giá nhất của mình, năm thì cái dây chuyền, năm thì cái nhẫn, rồi áo dài gấm, áo ni lon… Về sau khi con cái đã lớn, bà nhận dán hộp mứt, cuốn thuốc lá, may thuê, đan len cả nhà cùng làm để dành tiền lo Tết. Tết quan trọng nhất là nồi bánh chưng, dù khó khăn đến mấy bà Lê Mai vẫn phải lo cho đủ mấy cân gạo nếp, vài lạng thịt và đỗ xanh để gói bánh. Hồi đầu, méo bà cũng tự tay gói bánh rồi đùm lại, sau thì khéo dần. Các con theo nếp mẹ, cho tới giờ cô nào Tết đến cũng tự gói bánh chưng, kể cả Lê Vi ở Pháp cũng xoay xở để gói bánh cho có không khí Tết quê nhà.

Dù có năm phải bán phiếu vải để mua gạo nếp, bà Lê Mai vẫn phải dành lại chút ít hay xoay xở sao cho sáng mồng một Tết, các con có quần áo mới chạy xuống đường chơi. Có năm, bà phải thức suốt đêm 30 khâu quần áo cho con. Vốn khéo tay, quần áo của con đều do một tay bà khâu lấy mà đẹp đến nỗi cả họ nội và họ ngoại đều khen ba cô con gái của bà lúc nào cũng diện nhất nhà.

Không cầu kỳ trong trang hoàng nhà cửa nhưng năm nào bà Lê Mai cũng phải sắm được một cành mai trắng. Xưa kia, có những năm bà đi diễn vắng nhà, Tết đến ba cô con gái nhỏ cũng biết sắm cành mai về trưng để đỡ nhớ mẹ và khi về cho mẹ vui.

Cái nết khéo léo, biết vun vén, không hoang phí của người mẹ đã được truyền lại cho các cô con gái. Giờ đây, bà Lê Mai luôn tự hào và ấm lòng khi các con đều biết chăm lo cho tổ ấm của mình và hiếu thảo với cha mẹ.

 

Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát

 

Đã trải qua “hai lần sống một mình” nên hơn ai hết, Nguyễn Thị Hồng Ngát thấm thía giá trị của gia đình. Bà thừa nhận trong cuộc đời của mình, không phải Tết nào cũng vui. Sau đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu tiên, bà từng có 6 cái Tết cô đơn nơi xứ người, xa con, xa gia đình. Ngư­ời đàn bà sắp bước vào tuổi “cổ lai hy”, đã từng trải trong đời, cả đắng cay lẫn ngọt bùi từng nếm nên nhắc về những khổ đau đã qua, giọng bà nhẹ như­ gió thoảng, tư­ởng như­ những tháng ngày đơn độc của quá vãng chỉ như­ bóng câu qua cửa sổ, tưởng như­ gánh nặng bà từng một mình vai gầy gánh vác cũng chỉ nhẹ như­ không: “Thôi thì cái số của mình nó vậy!”.

Từ khi gặp được Tiến sĩ văn học Phan Hồng Giang - con trai của nhà phê bình Hoài Thanh - bà mới đ­ược “đón Tết có đôi”. Kể từ đó, bà mới hiểu thế nào là hạnh phúc. Bà từng có những câu thơ “rút ruột” chiêm nghiệm về hạnh phúc, một hạnh phúc mà có những lúc tư­ởng như­ xa vời nhưng khi đã trải nghiệm rồi mới chợt thấy giản dị vô cùng: “Em mới hiểu thế nào là tổ ấm, Khi đi xa muốn vội vã quay về, Chân lang bạt nẻo đ­ường dài muôn dặm, Bỗng thấy thèm rau muống luộc dầm me”.

Nhớ lại những cái Tết đã qua, bà Hồng Ngát kể: “Trư­ớc kia nhà chỉ có mấy mẹ con, mà tôi cũng mệt mỏi vì công việc nên Tết chỉ “vầy vậy thôi”, chỉ có một điều lãng mạn “xa xỉ” duy nhất mà tôi dành cho bản thân mình, đó là giao thừa năm nào cũng đi bộ từ nhà ở ngõ Thông Phong ra Quốc Tử Giám hái lộc. Từ khi nhà chuyển về đường Lạc Long Quân, không còn đi hái lộc nữa, giao thừa tôi chỉ ở nhà ngắm pháo hoa ở hồ Tây”. Bận mấy thì bận, Tết nào bà cũng phải lo chu đáo không thiếu một thứ, từ bánh ch­ưng, các loại giò, nồi măng đến chõ xôi, mâm ngũ quả. Có một thứ không bao giờ vắng trong nhà bà mỗi dịp xuân về, đó là cành đào và chậu quất. Bà Hồng Ngát rất yêu đào, dù là đào phai hay đào bích. Yêu đến nỗi phải cất thành lời “Hoa đào ơi hoa đào” (tên một kịch bản của bà Hồng Ngát) xót xa vì nỗi làng đào Nhật Tân bạt ngàn xưa kia giờ chỉ còn lại trong hoài niệm.

Từ hàng chục năm nay, cuộc sống của bà đã thư­ thả nhiều, không còn nỗi lo cơm áo, con cái đã lớn khôn, gia đình đông đúc đủ cả cháu nội cháu ngoại. Đã sắm đư­ợc xe hơi nên bà thư­ờng xuyên về quê thăm cha và họ hàng ở quê. Tết là dịp để gia đình sum họp, đoàn tụ, bà dành tất cả thời gian cho gia đình bé nhỏ của mình. Cách đây nhiều năm, khi Tiến sĩ văn học Phan Hồng Giang vẫn còn khỏe, bà Ngát từng hóm hỉnh kể về chồng mình: “Cứ tưởng hai nhà thơ nhà văn ở với nhau chắc lãng mạn bay bổng lắm, kỳ thực cực kỳ đơn giản. Anh ấy chỉ có thú vui duy nhất là đọc sách, ngay cả Tết cũng chỉ thích ở nhà ở lâu với anh ấy có lẽ mình cũng nhiễm”. Giờ đây, khi ông đã đi xa, chỉ còn một mình bà Hồng Ngát trong căn nhà vắng vẻ, xuân này có lẽ là mùa xuân buồn nhất của bà sau nhiều năm được “đón Tết có đôi”.

Có một thứ không bao giờ vắng trong nhà bà mỗi dịp xuân về, đó là cành đào và chậu quất. Bà Hồng Ngát rất yêu đào, dù là đào phai hay đào bích. Yêu đến nỗi bà đã đặt tên một kịch bản của mình là “Hoa đào ơi hoa đào”

 

Nghệ sĩ ưu tú Chiều Xuân

NSƯT Chiều Xuân chụp ảnh xuân bên các con

 

Về làm dâu từ khi còn rất trẻ, Chiều Xuân không thể quên Tết năm đầu tiên ở nhà chồng. Cô dâu trẻ vụng về, lóng ngóng, cỗ bàn không biết nấu, bà mẹ chồng không nói gì chỉ lẳng lặng sắp xếp các thứ. Đến ngày 30 Tết, bà mới gọi con dâu vào bếp giúp bà làm cỗ. “Tân lang” trẻ là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng vào bếp giúp mẹ và vợ một tay khiến cho tới giờ, khi nhớ lại Chiều Xuân vẫn cảm thấy ấm lòng vì không chỉ mẹ chồng tế nhị mà chồng cũng rất biết chia sẻ với mình. Từ đó chị bắt đầu học cách nấu nướng và ngay Tết năm sau, Chiều Xuân đã có thể tự tay vào bếp nấu cỗ Tết. Sau này, khi bận rộn con nhỏ hay việc của nhà hát và nhất là khi mở công ty riêng, Chiều Xuân vẫn luôn nhận được sự trợ giúp từ chồng. Rất có sở trường trong việc “phóng tác” các món ăn, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân hay trổ tài trong các dịp lễ Tết với món “tủ” là gà nấu đông, mực xào hay giò cuốn theo cách độc đáo rất riêng của anh.

Với Chiều Xuân, không khí Tết chỉ thực sự đến khi chị được đi ngắm chợ hoa ngày Tết, dù bận đến mấy, gần Tết chị cũng phải tạm gác công việc lại, đi khắp các chợ ngắm hoa trong một niềm sung sướng thơ trẻ ngày xưa, khi chị còn là một cô bé con hay ra vườn bẻ hoa cải về cắm lọ. Giờ niềm vui của chị còn là chia sẻ với chồng, năm thì mua đào bích tán tròn cho cả năm son đỏ, viên mãn theo ý thích của anh, năm lại được chiều mình mua một cành đào phai có cả nụ, hoa và nhiều lá.

Có một năm Chiều Xuân ăn Tết xa nhà, ấy là khi chị sang Pháp tu nghiệp, nỗi buồn đón Tết đơn lẻ nơi xứ người không làm chị lo bằng nỗi lo chồng con ăn Tết ở nhà ra sao. Chính cái Tết này đã giúp chị cảm nhận được những gì là quý giá với cuộc sống của mình - điều mà một người phụ nữ trẻ đón nhận hạnh phúc viên mãn quá sớm sẽ khó mà thấm thía - để rồi biết trân trọng, nâng niu.

 

MINH ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 523, tháng 1-2023

 

;