Vai trò của hát nói trong nghệ thuật diễn xướng truyền thống Việt Nam

Hát nói - một thể tài đã hình thành và phát triển lâu đời trong nền văn học nghệ thuật dân gian Việt Nam, không những tạo nên vẻ đẹp cho thơ ca mà còn là phương cách giúp cho nhiều loại hình diễn xướng đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật trình diễn. Hát nói phát triển rực rỡ vào khoảng cuối TK XVIII đến TK XIX, gắn liền với những tác giả tài danh như: Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà… Đến nay, hát nói vẫn là nguồn chất liệu dồi dào trong các tác phẩm đương đại mang âm hưởng dân gian, cho thấy sức sống bền bỉ của thể loại này trong đời sống nghệ thuật dân tộc Việt Nam.

1. Vài nét về thể hát nói

Đã có nhiều quan điểm khác nhau về sự ra đời của hát nói. Theo nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Văn học sử yếu, cho rằng: “Hát nói là biến thể của hai thể song thất và lục bát” (1). Nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên lại cho rằng: “Hát nói là biến thể của thể song thất lục bát và nói lối trong tuồng” (2). Còn theo GS Bùi Văn Nguyên trong Thơ ca Việt Nam hình thức và thể loại, khẳng định: “Hát nói là biến thể của lối nói sử trong chèo, tuồng” (3)… Tuy chưa có sự thống nhất về nguồn gốc ra đời của hát nói nhưng từ những quan điểm của các nhà nghiên cứu cho thấy: Hát nói ảnh hưởng rõ nét đối với thơ ca và các loại hình diễn xướng dân gian có sử dụng các thể thơ đặc trưng của dân tộc như lục bát, song thất lục bát… với những quy định, lề lối rất chặt chẽ. Bởi vậy, khi thể hiện hát nói, nghệ sĩ hoàn toàn chịu sự chi phối của lời thơ và khúc thức âm nhạc đặc thù.

Trong quá trình phát triển, hát nói đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật giai đoạn nửa đầu TK XIX nhờ sự góp sức sáng tạo của các bậc văn nhân tài hoa mà đại diện tiêu biểu phải kể đến Nguyễn Công Trứ. Tiến sĩ Nguyễn Viết Ngoạn đánh giá: “Hát nói đến và nhờ Nguyễn Công Trứ đã làm cho thi ca nước Việt thời phong kiến như có một cuộc cách mạng tâm hồn thật sự” và tôn vinh ông là “Ông hoàng hát nói” (4). Cho thấy, hát nói có vị thế quan trọng trong di sản văn học Nguyễn Công Trứ, thể hiện được chí khí, hoài bão và chất ngang tàng “ngất ngưởng” của ông. Với 63 bài hát nói ông để lại, đặc biệt nổi bật trong đó như Chí làm trai, Vịnh Tỳ bà hành, Bài ca ngất ngưởng, Yêu hoa, Sầu tình, Duyên gặp gỡ, Một ngày nên nghĩa… cho thấy vai trò lớn lao của Nguyễn Công Trứ trong việc hoàn thiện, bổ sung, sáng tạo hát nói cũng như tạo nên sự khác biệt trong phong cách hát nói của ông với các tác giả khác về đề tài, quan niệm sống, ngôn ngữ nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật…

Sau Nguyễn Công Trứ là những danh nho tài hoa như Cao Bá Quát, Nguyễn Quý Tân, Trương Quốc Dụng… đã tiếp nối và bồi đắp thêm nhiều giá trị nghệ thuật của hát nói, mở rộng thêm những đề tài mà ta thường thấy trong thể loại hát nói như chí nam nhi, nợ tang bồng, danh lợi, sự nhàn, cầm, kỳ, thi, họa. Sang nửa sau TK XIX đến đầu TK XX, hát nói bước vào giai đoạn phát triển theo nhiều xu hướng như: lãng mạn, hiện thực trào phúng, cách mạng, với các nhà thơ tiêu biểu như Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tản Đà...

Có thể thấy rằng, quá trình vận động và phát triển của hát nói,  cùng sự tham gia sáng tạo của đông đảo các bậc nho sĩ, văn nhân tài danh đã làm cho thể loại này nhanh chóng được hoàn thiện về mặt hình thức và đạt đến đỉnh cao trong nền nghệ thuật dân tộc TK XIX. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết, tác giả chọn cách tiếp cận với hát nói từ góc nhìn âm nhạc để thấy vị trí, vai trò cũng như giá trị của thể loại này trong nghệ thuật diễn xướng truyền thống Việt Nam.

2. Hát nói trong ca trù

Hát nói là một điệu hát của ca trù, nó hòa quyện trong các thể cách của ca trù nói riêng và âm nhạc nói chung, vì thế môi trường âm nhạc có ý nghĩa tác động một cách trực tiếp đến sự hình thành điệu thức âm nhạc cũng như thể tài văn học. Học giả Nguyễn Văn Ngọc nhận định về thú vui sáng tạo của người sáng tác hát nói thường cuốn hút hơn sáng tác thơ phú như sau: “đưa cho ca nương lên giọng hát đi với cung đàn, nhịp phách rồi chính mình cầm chầu thưởng thức văn của mình giữa chỗ trù nhân quảng tọa, trước chiếu rượu tưng bừng nhộn nhịp... Vì đây mới thật được vừa tư tưởng vừa âm luật hỗn hợp với nhau, vừa văn chương vừa mỹ thuật cùng nhau điều hòa, vừa tài tử vừa giai nhân cùng nhau gặp gỡ, cùng nhau sánh cạnh mà chia vui” (5). Môi trường diễn xướng của ca trù vì thế cũng là môi trường văn hóa đáp ứng nhu cầu tinh thần mà không có một hình thức sinh hoạt văn hóa đương thời nào có thể sánh bằng.

Trong ca trù, ngoại trừ những bài hát thờ có nội dung ca ngợi thánh thần còn lại chủ yếu là những lời ca tự bạch của thi nhân. Bởi thế, hát nói được cho là phương tiện biểu hiện hữu hiệu và toàn diện tính tự sự đặc trưng của nghệ thuật ca trù. Hát nói cũng được sáng tác nhiều nhất trong ca trù là bởi về phương diện văn học, nó đã đạt đến độ “điển phạm” và phù hợp với thẩm mỹ của công chúng trong một xã hội yêu văn thơ, trọng ngôn ngữ, âm luật. Với vai trò và giá trị của mình, hát nói đã đáp ứng một cách đầy đủ nhu cầu của công chúng hơn cả so với các điệu hát khác của ca trù và đưa ca trù lên đến đỉnh cao của nghệ thuật  âm nhạc bác học TK XIX cả về mặt âm nhạc, văn chương và thưởng ngoạn.

3. Hát nói trong chèo

Âm nhạc trong chèo biểu hiện qua ba hình thức: hát, nói và hát nói. Về hát, chèo thường dùng các điệu như: Sa lệch, Đường trường… với những giai điệu và tiết tấu đã định hình những bài bản cố định, nhằm mô tả một trạng thái tâm lý, một tình huống nào đó mang những sắc thái riêng biệt hoặc một tính cách nhân vật điển hình.

Nói trong chèo là một trong những phương tiện thể hiện đa dạng cách nói của người trung, kẻ nịnh; các vai chính, vai phụ, vai hề; tiên ông, mục đồng… hoặc khắc họa đậm nét khí chất của vua, sự thâm trầm hiền sĩ, yểu điệu thục nữ, sự dân dã thôn làng, cái oai phong tướng sĩ… Tất cả toát lên một cách sinh động, tinh tế và đầy đủ nhất, cho thấy, nói trong chèo là một thành tố quan trọng tạo nên giá trị của ngôn ngữ và thủ pháp khắc họa của chèo.

Ngoài hát và nói, âm nhạc trong chèo còn có sự hiện diện của hát nói được biểu hiện qua hệ thống các làn điệu như Sử, Vãn, Vỉa, Ngâm… là những phương tiện tạo nên hơi chèo, chất chèo đặc trưng. Những nhóm làn điệu kể trên thường không định hình cụ thể, khuôn thước như các điệu hát, mà cơ bản trình bày giai điệu một cách tự do về tiết tấu dựa trên sự dẫn dắt của lời thơ hoặc tình huống tình cảm của nhân vật nhằm truyền tải những nội dung như: tức cảnh sinh tình, suy tư, trăn trở, giãi bày, than vãn… hoặc bắc cầu vào những điệu hát mang tính chất riêng biệt tiếp sau.

Một cảnh trong vở Quan Âm Thị Kính - Ảnh: Hồng Vân

Hệ thống làn điệu Sử: gồm một số điệu như Sử bằng, Sử xuân, Sử xếp, Sử chuyện... Các điệu nói Sử, hát Sử cùng các biến thể của nó góp phần tạo nên sự phảng phất, tính chất tâm sự, giãi bày. Nói Sử tạo nên sự thống nhất mang chức năng cầu nối để người hát bắt vào điệu hát, sau đó một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn, vì vậy hát và nói Sử thường có giai điệu phù hợp, đồng điệu với sắc thái tình cảm của người diễn. Có thể nói, hát nói trên cơ sở hệ thống làn điệu Sử là phương thức quan trọng tạo nên phong cách âm nhạc kể chuyện trong chèo, nó mang tính tự sự rõ rệt, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng ngữ âm, ngữ điệu và ngữ khí vào trình diễn.

Hệ thống làn điệu Vãn: gồm một số điệu như Vãn canh, Vãn cầm, Vãn xô, Vãn thập nguyệt... Vãn thường là những điệu có tính chất ngậm ngùi, than trách, xót xa. Diễn viên dùng Vãn để khắc họa nhân vật trong những hoàn cảnh buồn khổ, than thân trách phận khi gặp cảnh éo le ngang trái.

Ngoài ra, chèo còn sử dụng các điệu Vỉa như: Vỉa Huế, Vỉa Bồng mạc để cho nhân vật giãi bày, kể lể hoàn cảnh, trạng thái tâm lý; dùng các điệu Ngâm như: Ngâm sổng, Ngâm bốn mùa để diễn đạt một cách sâu sắc, chi tiết và tinh tế nỗi lòng, sự thương cảm và ẩn ức sâu xa của từng nhân vật.

4. Hát nói trong diễn xướng chầu văn

Về cơ bản, diễn xướng chầu văn sử dụng bốn nhóm làn điệu: Dọc, Cờn, Phú, Xá để trình diễn trong các giá hầu. Trong đó, hát nói chủ yếu nằm trong nhóm làn điệu Phú gồm các bài bản như: Phú nói trong hát văn hầu, Phú chênh, Phú bình, Phú Cờn, Phú rầu, Phú văn đàn… Nhóm các làn điệu Phú được chia làm hai loại: các làn điệu Phú dành cho nam thần và các làn điệu Phú dành cho nữ thần.

Các làn điệu Phú dành cho nam thần thường sử dụng nhịp ba, lời ca và giai điệu tạo nên tính chất âm nhạc đĩnh đạc, trịnh trọng, nghiêm ngắn như Phú nói, Phú bình, Phú văn đàn, Phú cờn. Trong đó, Phú nói được dùng nhiều nhất trong các giá hàng Quan, các ông Hoàng. Phú nói trong hát văn mang âm hưởng từ điệu hát nói của ca trù. Theo cung văn Hoàng Trọng Kha cho biết: “Đầu TK XX, ông bà đồng thường là các ông tham, bà phán thích nghe ca trù. Khi hầu bóng, họ cũng đòi hỏi cung văn đánh một số làn điệu ca trù. Vậy là một số lối trong ca trù như hát nói, hát chênh, tỳ bà hành… đã được vận dụng vào hát văn hầu” (6).

Về tiêu chí hát, theo cung Văn Hà Cân cho biết: “Các cụ dạy rằng hát lối Phú nói phải chững chạc, điềm đạm như mình đang nói chuyện, hát từng từ một chứ không hát gấp (hát liền) bắt ba bốn từ vào với nhau. Phú nói nhất thiết phải dùng lối hát hơi trong với hư từ ư hư nghĩa là vận dụng hơi từ bên trong của cơ thể, nhả từng chữ, không mở miệng rộng” (7). Như vậy, lối hát hơi trong có sử dụng hư từ ư hư đặc trưng của hát nói trong ca trù cũng được vận dụng vào Phú nói của hát văn.

5. Kết luận

Từ quá trình tìm hiểu vai trò và giá trị của hát nói trong một số loại hình diễn xướng như ca trù, chèo, chầu văn, chúng ta phần nào thấy được sức ảnh hưởng của thể loại này trong âm nhạc dân tộc nói chung, cũng như tạo nên giá trị nghệ thuật đặc sắc ở mỗi loại hình trình diễn nói riêng, mà nó tham gia vào với vai trò là phương tiện biểu đạt hữu hiệu và quan trọng nhất. Nhờ có hát nói, ca trù tạo nên sự mê hoặc trong từng câu chữ, giai điệu; chèo biểu hiện rõ nét từng tính cách nhân vật, từng cung bậc tình cảm và trạng huống sân khấu; hát văn tôn thêm vẻ linh thiêng và thoát tục trong từng giá hầu, đặc tả sắc nét hơn dáng vẻ, tính cách của mỗi vị thánh giáng. Và cũng từ hát nói cho thấy sự kết hợp giữa nghệ thuật ngôn từ với nghệ thuật âm nhạc đã tạo nên những giá trị thẩm mỹ nhất định.

 Tiếp nối “truyền thống hát nói” của cha ông, thế hệ các nhạc sĩ thời hiện đại đã kế thừa những tinh hoa ấy vào các ca khúc của mình như: Huy Thục với Trăng khuyết, Nguyễn Cường với Nét ca trù ngày xuân, Phú Quang với Chiều phủ Tây Hồ, Phó Đức Phương với Trên đỉnh Phù Vân… Qua đó cho thấy vị trí, vai trò đặc biệt của hát nói cũng như sức sống bền bỉ của nó không những biểu hiện rõ nét trong dòng chảy âm nhạc truyền thống, mà còn tiếp tục là nguồn chất liệu nghệ thuật dồi dào trong đời sống âm nhạc ngày nay.

_______________

1. Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn học sử yếu, Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1968, tr.154.

2. Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 2, Nxb Đồng Tháp, 1997, tr.535-536.

3. Bùi Văn Nguyên - Hà Minh Đức, Thơ ca Việt Nam hình thức và thể loại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2003, tr.204.

4. Nguyễn Viết Ngoạn, Nguyễn Công Trứ - Tác giả, tác phẩm, giai thoại, Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2002, tr.85.

5. Nguyễn Văn Ngọc, Đào nương ca, tập 1, Vĩnh - Hưng - Long thư quán, Hà Nội, 1932, tr.9.

6, 7. Hồ Thị Hồng Dung, Âm nhạc hát văn hầu ở Hà Nội, Luận án tiến sĩ Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, 2017.

NGUYỄN VĂN THÙY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022

;