Giá trị tiêu biểu của một số loại hình diễn xướng dân gian ở Bắc Bộ

Các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian với vai trò là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn con người, đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn suốt tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh giao lưu, hội nhập quốc tế, cũng như sự phát triển của nền nghệ thuật biểu diễn đương đại, những nét diễn, điệu múa, đặc biệt là lối hát dân gian tiêu biểu của nghệ thuật diễn xướng truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức. Bởi vậy, việc gìn giữ, trao truyền cho thế hệ mai sau những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống đang là mối quan tâm, trăn trở của các nghệ nhân, nhà quản lý và công chúng, để những loại hình này tiếp tục phát triển xứng tầm với vai trò và vị trí của nó trong đời sống đương đại.

1. Quan niệm về nghệ thuật diễn xướng dân gian

Tìm hiểu về diễn xướng, tác giả Nguyễn Hữu Thu quan niệm: “Thuật ngữ diễn xướng là để chỉ chung việc thể hiện, trình bày những sáng tác văn nghệ của con người gồm nhiều yếu tố hợp thành (…). Diễn xướng là tất cả những phương thức sinh hoạt văn nghệ mang tính chất nguyên hợp của loài người từ lúc sơ khai cho đến thời đại văn minh hiện nay”. Ông cho rằng: “nghệ thuật cao nhất của diễn xướng là hát” (1).

Theo tác giả Trần Hoàng Tiến,Diễn xướng là tổng thể các phương thức nghệ thuật, cùng thể hiện đồng nhất giữa ca hát và hành động của con người theo chiều thẩm mỹ” (2).

Từ những quan điểm trên cho thấy, ca hát đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các loại hình diễn xướng dân gian. Nó vừa là một trong những yếu tố cấu thành, vừa là phương tiện biểu hiện gần gũi với lời ăn, tiếng nói của nhân dân, là cầu nối cộng cảm hữu hiệu nhất đối với cộng đồng.

2. Những giá trị độc đáo của một số loại hình diễn xướng Bắc Bộ

Quan họ Bắc Ninh

Quan họ Bắc Ninh được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật diễn xướng dân ca Việt Nam, hội tụ những giá trị văn hóa Bắc Bộ với những chuẩn mực của nghệ thuật ca hát dân gian. Quan họ có ba hình thức chủ yếu: hát canh, hát thi và hát hội. Các hình thức ca hát kể trên đều hướng đến các kỹ năng, kỹ thuật “vang, rền, nền, nảy”; “tròn vành, rõ chữ” tạo cho câu hát của người quan họ những chuẩn mực âm thanh đặc trưng.

Vang: là một kỹ thuật hát rất cơ bản giúp phân biệt giữa hát và nói. Vang là kết quả của việc nén hơi thở, cộng hưởng nơi miệng hát để khuếch đại âm thanh. Những yếu tố hỗ trợ và tạo điều kiện để thực hiện kỹ thuật này gồm: giai điệu bài hát phát triển liên tục, sử dụng nhiều âm thêu, luyến, nốt hoa mỹ, âm đệm mở như: ơ, ơi, i, a… với độ ngân dài. Muốn hát vang, các liền anh, liền chị thường hát chậm với hơi thở đầy đặn, khẩu hình mở, vòm họng mở hướng lên cao. Khi chưa có thiết bị âm thanh phụ trợ như ngày nay, hát vang giúp cho giọng hát quan họ xưa lan tỏa xa hơn, vượt tầm đến với nhiều người nghe, khẳng định nội lực của người hát.

Rền: là cách hát luyến, láy và rung giọng trên tuyến giai điệu phát triển liên tục. Để tiếng hát được rền vang, liền anh, liền chị phải là người giàu kinh nghiệm mới có thể xử lý nhấn, luyến, rung, vuốt trên nền của sắc giọng và giai điệu của câu hát. Để hát rền, cần giữ tư thế cổ họng thật thoải mái, khẩu hình mở vừa phải, đặt âm thanh ở hàm trên, hàm dưới thả lỏng tự nhiên. Âm thanh phát ra vừa phải, có độ vang, độ rung của giọng một cách liền mạch dẻo dai và không bị đứt quãng.

Nền: có thể hiểu là giọng hát, câu hát được diễn đạt một cách tế nhị, nền nã, không thô ráp, sượng. Nền là trạng thái tiêu chuẩn của giọng hát khi giữ được độ ngân, độ mở của ca từ để đáp ứng được với cấu trúc của giai điệu với độ vững chắc nhất định của giọng hát trên nền hơi thở vững vàng. Để hát có nền, người hát phải giữ được hơi thở đều và liên tục, khẩu hình vừa phải, vị trí âm thanh không thay đổi trên toàn tuyến giai điệu của bài hát. Các âm thanh đều đặn, hòa quyện, nối tiếp nhau và không bị đứt quãng, đồng thời có thể điều tiết được độ nhấn nhá, to, nhỏ, mạnh, nhẹ của những tiếng đệm mà không át đi ca từ.

Nảy: là kỹ thuật hát rất đặc biệt của nghệ thuật ca hát dân tộc nói chung và quan họ nói riêng. Nảy có đặc điểm là âm thanh bị ngưng lại ở họng, sau đó được bật ra ngoài bằng hơi thở khéo léo, điêu luyện, tạo thành độ nảy của âm thanh. Có 2 kiểu nảy hạt: Kiểu 1, sau khi ngưng lại ở họng, âm được bật ra, tiếp tục kéo dài và có độ rung giọng, như trường hợp âm ơ, hự, trong câu Bỉ của bài Gọi đò…, với cách ngân nảy hạt, các âm tiết kéo dài đã bị ngắt ra thành nhiều phần nhỏ (đồng âm), âm thanh được vo thành những hạt tròn; Kiểu 2, sau khi ngưng ở họng, âm bật ra và dừng lại đột ngột như trong câu la hự, ối hự của bài Tìm người, hoặc câu mía í ơ trong bài Cái ả

Để hát được nảy hạt, người hát cần mở khẩu hình vừa phải, phù hợp với từng âm nảy; môi và hàm trên hơi nhếch lên, hàm dưới buông lỏng đồng thời hơi thở đẩy mạnh âm có độ nảy bật ra. Khi nghe các liền anh, liền chị dùng cách rung nảy hạt hay “nhả hột” một số nghệ sĩ nước ngoài như: Hô-li-niơ và Giéc-len-gli (hai nghệ sĩ Mỹ khi sang thăm Việt Nam, nghe hát quan họ) cho rằng đây là một cách ngân rất quý báu, độc đáo và khác biệt đối với kỹ thuật ca hát phương Tây. Có thể nói, cách ngân rung với những hạt nhỏ, tròn, đều đã làm tăng thêm tính chất trữ tình, duyên dáng của giai điệu và lời ca, thể hiện sâu sắc những cung bậc tình cảm của người quan họ.

Ngoài các tiêu chí kể trên, các liền anh, liền chị còn đặc biệt chú ý đến tính chất “tròn vành, rõ chữ” trong lối hát của mình. Để đạt được tiêu chuẩn này, theo PGS, TS Trần Ngọc Lan, người hát cần thực hiện các bước khi phát âm như sau:

Tạo thanh (khởi thanh): Các cơ thanh đới phải được giữ cân bằng để dây thanh được rung lên với tần số tốt nhất. Từ đây, âm thanh được khởi phát nhẹ nhàng.

Tạo âm: Khi dây thanh rung lên, nhờ các xoang phía trên cộng hưởng tạo ra các thành phần nhỏ nhất của lời nói gọi là âm tố. Sự kết hợp của âm thanh (nguyên âm), tiếng động (phụ âm) và độ cao thấp gây ra bởi các thanh (sáu thanh), âm tiết - từ tiếng Việt hình thành.

Cấu âm: Chính là tiến trình cấu trúc của từ. Về cơ bản, khi hoàn thành bước ba là đã tròn vành, đã hoàn tất tốt đẹp quá trình hình thành lời nói, từ đó sẽ đem lại kết quả rõ lời, đà cho tiếng hát được tròn đầy, sắc nét và thanh thoát (3).

Nhờ cách hát “tròn vành, rõ chữ”, người quan họ đã làm cho từng lời nói, câu hát thêm đậm đà, sáng rõ, qua đó, ngôn ngữ tiếng Việt như được tôn thêm vẻ đẹp và sức hút đối với người nghe. Bên cạnh tiêu chuẩn “tròn vành, rõ chữ”, khi hát, các liền anh, liền chị thường mở khẩu hình nhỏ, vừa đủ cho âm thanh vang sáng ra ngoài, không quá lạm dụng khoảng vang và âm lượng lớn. Điều này chứng tỏ, ngoài những tiêu chí hát theo lề lối, các liền anh, liền chị còn đặc biệt chú trọng tới sắc diện và vẻ duyên dáng trong biểu diễn cũng như khả năng giữ hơi, giữ giọng để tham gia canh hát có khi kéo dài tới hai, ba ngày đêm.

Ca trù

Ca trù hay còn gọi là hát cô đầu, hát ả đào, hát nhả tơ, hát nhà trò… là dòng âm nhạc dân gian truyền thống, một sản phẩm của lối hát cửa đình vùng quê xa xưa. Theo TS Trần Ngọc Lan, “Nghệ thuật hát ca trù được đúc kết trong 8 chữ phải đạt được: Quán: Một trong những việc cơ bản đầu tiên mà người hát ca trù phải thực hiện đó là đúng phách, đúng nhịp; Xuyến: Nhả chữ nào ra chữ nấy, tròn trĩnh mượt đẹp, vững vàng; Dằn: Đưa hơi thở đều đặn, nén vào phía trong và gằn tiếng đúng chỗ; Thét: Cất thanh mạnh mẽ, vang, rền, sắc, nhọn; Diệu: Giữ cho tiếng hát được tự nhiên bay bổng và sang trọng; Vợi: Có thể là “thổ tận can tràng” hết lòng mình với câu hát, xuống thấp mà vang rền, lên cao mà trong sáng; Khuôn: Hát theo khuôn bực, uốn nắn từng tiếng, phải “dụng công lấy tiếng gằn từ trong cổ họng, không có tiếng nào thừa ra ngoài đàn”; Rẫy: Ngân nga, liền hơi, liền tiếng” (4).

Đối với nghệ thuật hát ca trù, ngoài việc luyện tập để có được âm thanh đẹp mang dấu ấn đặc trưng, kỹ thuật phát âm nhả chữ cũng đặc biệt được chú trọng. Đặc điểm về phát âm, nhả chữ của ca trù đó là nhịp độ khởi - mở - đóng chữ diễn ra tương đối dàn trải. Với cách nhả chữ này, nguyên âm là trung tâm của chữ được mở rộng hơn nên giọng hát đạt độ vang mạnh mẽ, rền rĩ hơn. Quá trình Khởi - Mở - Kết chữ (phụ âm - nguyên âm - phụ âm) gần với quy luật của nói (khép, đóng chữ). Thanh điệu thường đi sau khi đã đóng chữ, tạo ra những đường cong uyển chuyển, rồi khép từ trên xuống hoặc đẩy từ dưới lên. Ví dụ: “hồng hồng, tuyết tuyết. Nhớ ngày nào”, chữ “nào” được bắt đầu từ “nao” rồi kéo xuống thành “nào”. Trong mỗi câu hát, đòi hỏi độ vang, rền, độ mở ở đuôi chữ thường được chuyển sang nguyên âm (ư) và phụ âm khép (ng - ư - ưng). Người hát phải ngậm miệng và đưa vào phía trong, dụng công nén hơi lấy tiếng gằn trong cổ họng, hoặc ca nương phải nén hơi rồi nhả từng chữ ư, hay còn gọi là cách hát “ậm, ự”.

Bên cạnh đó, trong ca trù còn có lối hát nảy hạt hết sức đặc biệt, khác hẳn trong quan họ. Ca trù thường nảy hạt ở âm ư, đóng khẩu hình, nhả âm thanh bằng mũi. Đó là kết quả của việc vận hơi, rung giọng chậm tạo thanh, là cách xử lý kỹ thuật âm ngậm tài tình của ca nương khiến cho câu hát được mở rộng giai điệu và tạo nên sự thâm sâu, tinh tế trong từng lời ca, tiết nhạc. Ở những chỗ tạo sắc thái to, nhỏ, cường độ vang thay đổi làm rõ sự tinh tế trong xử lý nhả chữ, đẩy hơi nông sâu của ca trù, khiến người nghe có cảm giác “câu hát chảy từ nơi sâu nhất của tình cảm”.

3. Kết luận

Qua tìm hiểu một số lối hát của các loại hình diễn xướng như quan họ, ca trù kể trên, chúng ta nhận thấy, trong mỗi loại hình ca hát dân gian đều có những kỹ thuật, đặc trưng riêng, tạo nên những giá trị thẩm mỹ điển hình, nhưng vẫn có những nét tương đồng dựa trên nền tảng của ngôn ngữ và tính chất âm nhạc dân gian Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những biến đổi về thẩm mỹ nghệ thuật của con người theo thời gian, song những tinh hoa trong ca hát dân gian vẫn hiện diện đậm nét trong từng lời ca, làn điệu và khẳng định giá trị trường tồn của âm nhạc truyền thống. Trong thời đại ngày nay, những tinh hoa ca hát dân gian hơn bao giờ hết phải tiếp tục được gìn giữ, phát huy hơn nữa trước những sức ép, những ảnh hưởng không hề nhỏ của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; sự lấn át của các loại hình ca hát hiện đại và sự thờ ơ của một bộ phận công chúng. Các loại hình ca hát, diễn xướng dân gian rất cần sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các nhà quản lý, tổ chức, cá nhân… trong đó các nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ đóng vai trò nòng cốt.

Một số nghệ sĩ gạo cội cho rằng, thật khó để mời gọi các bạn trẻ có thanh sắc đến với âm nhạc dân tộc, thế hệ bây giờ hát không được như thế hệ trước vì nhiều lý do, như: ngại khó trước lối hát “thổ tận can tràng”; có phần không thật sự coi trọng lối hát cổ, kinh điển và mẫu mực; cho rằng hát dân gian đã lạc hậu, không còn được người nghe yêu thích. Họ lược bỏ dần những kỹ thuật ca hát dân gian hoặc dùng kỹ thuật thanh nhạc hiện đại để thể hiện những bài bản cổ truyền, khiến cho công chúng không còn được tiếp cận với những giá trị đích thực của lối hát dân tộc. Bên cạnh đó, nhiều nghệ nhân nổi tiếng và tâm huyết truyền nghề đã lần lượt về với tiên tổ. Các nghệ sĩ trẻ không được trực tiếp truyền dạy theo lối “nhập tâm, truyền khẩu” từ những nghệ nhân bậc thày hoặc sự truyền dạy nghệ thuật biểu diễn, ca hát trải qua quá nhiều phiên bản không chính xác, bị tam sao thất bản... Vì vậy, những tinh hoa trong ca hát dân gian truyền thống cũng dần bị thất truyền.

Từ góc nhìn của bài viết cho thấy sự cần thiết trong việc nghiên cứu tổng thể các kỹ thuật hát dân gian cũng như thực hiện kịp thời một số giải pháp, góp phần bảo tồn những tinh hoa của nền nghệ thuật dân tộc, những giá trị sáng tạo đặc thù của từng loại hình diễn xướng dân ca.

Một là, tiếp tục đẩy mạnh giáo dục nghệ thuật trong hệ thống các trường phổ thông và các cơ sở đào tạo nghệ thuật cả nước, đưa diễn xướng dân gian đến gần hơn với công chúng trẻ tuổi. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục nghệ thuật truyền thống kết hợp với giáo dục lịch sử, phong tục tập quán, ca dao, tục ngữ; làm sáng rõ ý nghĩa các điển tích, điển cố trong lời ca, làn điệu… để công chúng dễ hiểu, dễ tiếp nhận những loại hình nghệ thuật dân tộc.

Hai là, kịp thời tôn vinh, khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất về chế độ cũng như các phương tiện vật chất để các nghệ nhân dân gian, các nghệ sĩ thành danh lớn tuổi, tâm huyết truyền nghề cho lớp trẻ.

Ba là, có cơ chế đặc thù để tuyển chọn những giọng hát, những tài năng nghệ thuật dân gian có duyên nghề, chân tài, chân tập để đào tạo, bồi dưỡng, tiếp nối gìn giữ và phát triển nghệ thuật dân gian dân tộc.

Bốn là, sớm tập hợp các nghiên cứu riêng lẻ những kỹ thuật ca hát từ các loại hình diễn xướng dân gian của các nhà nghiên cứu, tổng hợp thành giáo trình, tài liệu tham khảo, hướng đến số hóa nguồn tư liệu để bảo tồn một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, tạo điều kiện đưa các kỹ thuật hát dân gian vào dạy song song với kỹ thuật thanh nhạc phương Tây trong các trường văn hóa - nghệ thuật, trung tâm đào tạo thanh nhạc.

Năm là, quảng bá mạnh mẽ hơn nữa những loại hình nghệ thuật diễn xướng, dân ca rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đẩy mạnh việc sân khấu hóa diễn xướng dân gian gắn liền với khai thác một cách bài bản, khoa học nghệ thuật truyền thống trong một số những lĩnh vực như du lịch, truyền thông, giải trí… để diễn xướng dân gian dân tộc tiếp tục phát huy giá trị trong cuộc sống hôm nay.

_______________

1. Nguyễn Hữu Thu, Diễn xướng dân gian và nghệ thuật sân khấu, in trong Kỷ yếu hội nghị khoa học chuyên đề: Mối quan hệ giữa diễn xướng dân gian và nghệ thuật sân khấu, Viện Nghệ thuật - Bộ Văn hóa, Hà Nội, 1977, tr.56-58.

2. Trần Hoàng Tiến, Diễn xướng dân ca - phương thức trao truyền dân gian trong bối cảnh hiện nay, spnttw.edu.vn, 20-10-2009.

3, 4. Trần Ngọc Lan, Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb Giáo dục, 2011.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thụy Loan, Giáo trình Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2006.

NGUYỄN VĂN THÙY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022

;