Biên kịch Phạm Sông Đông - Những con chữ lấp lánh ngôn ngữ hoạt hình

Là con gái út của cố nhà văn, nhà thơ Phạm Hổ, ở nữ biên kịch Phạm Sông Đông có nét tinh tế, nhẹ nhàng của người phụ nữ truyền thống, đặc biệt khi chị theo đuổi văn chương. Chính chất trong sáng, nhẹ nhàng thấm đẫm trong phong cách riêng đã đưa lối chị đến với hoạt hình và chìm đắm cả đời trong thế giới cổ tích ấy.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật cho nhà biên kịch Phạm Sông Đông

Có một tuổi thơ êm đềm bên cha mẹ và các chị đều là những người yêu và mê đắm văn chương nên Sông Đông cũng sớm yêu văn thơ từ bé. Trong thế giới huyền bí ẩn nấp sau những con chữ ấy cô bé Sông Đông đặc biệt yêu thích những câu chuyện, những sự tích xung quanh các loài hoa, các thức quả hay những con vật ngộ nghĩnh. Trong các cô con gái có lẽ Sông Đông là người giống cha nhất ở đặc điểm yêu thích những gì liên quan đến thiếu nhi. Chính những câu thơ với những vần điệu dễ thuộc, dễ nhớ của cha đã làm đầy thêm thế giới tinh thần để Sông Đông cảm thấy êm đềm, vui thích khi được sống trong thế giới sáng trong ấy. Yêu trẻ em, thích cuộc sống vô tư đã dần đưa Sông Đông đến với hoạt hình. Càng lạc vào thế giới của những hình vẽ, chuyển động, Sông Đông càng thấy thích thú. Kịch bản phim hoạt hình Sự tích hoa dâm bụt được chuyển thể từ chính câu chuyện của nhà văn Phạm Hổ. Với Sông Đông dường như thế giới vạn vật xung quanh đều có đời sống hữu hình, cũng vui buồn, yêu ghét theo cách của riêng chúng. Và tùy vào tâm trạng của người viết, người làm phim mà tính cách, tâm hồn của những con vật, đồ vật cũng hiện lên đầy khác biệt.

Yêu văn thơ, thích mầu sắc, sự chuyển động của các nhân vật hoạt hình, dường như trong mỗi kịch bản của Sông Đông ngoài sự lấp lánh của con chữ còn là thế giới đầy tính cách của các con vật. Mầu sắc cũng là một điểm nhấn trong các kịch bản phim của chị. Nếu ở kịch bản Sự tích hoa dâm bụt mầu đỏ của hoa là điểm nhấn, kết nối các chi tiết, sự kiện thì ở kịch bản Hoa Phượng, mầu đỏ rực của Hoa Phượng tượng trưng cho nghĩa tình thầy trò, sự trung thực, tín nghĩa trong cuộc sống. Sắc vàng thẫm cũng rực rỡ trong câu chuyện của kịch bản Đôi bạn khi mầu vàng của hoa cúc làm nên sự tươi thắm, bền bỉ của tình bạn. Những sắc mầu tươi sáng lại đặc biệt quấn quyện quanh câu chuyện Con gà đất - một thứ quà từng gắn với trẻ em các vùng quê Việt Nam. Trong phim này, mầu sắc trên các con gà đất, bức tranh Đông Hồ… được hiểu như một nhân vật tham gia vào phim khi có sự vận động, biến chuyển. Từ mầu sắc rực rỡ ban đầu, phôi pha theo thời gian rồi khi tiếng sáo mùa xuân cất lên, các mầu sắc từng đi trốn lại lũ lượt rủ nhau bay về đậu trên các bức tượng, làm thắm lại những bức tranh để cùng tạo nên sắc mầu rực rỡ của người dân khi Tết đến xuân về. 

 Phim hoạt hình Cậu bé Manocanh

Tận dụng sự lấp lánh của các con chữ, tính hấp dẫn của câu chuyện, tình tiết, lời thoại, mầu sắc biểu hiện… nhiều kịch bản của Phạm Sông Đông đã góp phần mang đến thành công cho các bộ phim từ những gợi ý hay câu chuyện, tình tiết trong kịch bản. 

Quyết định đi đường dài với hoạt hình, Phạm Sông Đông luôn có sự nỗ lực, làm mới trong cách tiếp cận, cách viết của chính mình. Sau một thời gian tìm kiếm, chuyển thể các câu chuyện trong kho tàng văn học từ thần thoại, truyền thuyết, chuyện thiếu nhi… Sông Đông dừng lại khi lối đi cũ đã quá nhàm với chị. Chọn một lối viết mới với các đề tài đa nghĩa, triết lý để nâng cấp hoạt hình đến gần hơn với đông đảo các tầng lớp khán giả thuộc mọi lứa tuổi đã đặt Sông Đông trước những tìm tòi mới. Từ một người yêu chữ, có thể viết những kịch bản hoạt hình hàng chục trang, Sông Đông chọn lối viết mới: Lời ít, ý nhiều, mở ra cánh cửa cho mọi sự tưởng tượng. Kịch bản Xe đạp, Xe đạp và ô tô đã ra đời như thế. Chỉ với một trang giấy mà ý tứ sâu sắc. Để viết được kịch bản mà như một nhà báo đã từng viết về chị Vốc chữ… đời người ấy, Sông Đông đã có nhiều ngày trăn trở. Chọn hình ảnh chiếc xe đạp gắn với tuổi thơ, với những kỷ niệm của gia đình, dân tộc trong suốt một thời gian dài làm nhân vật trong phim. Chiếc xe đạp lại được nhân cách hóa như vòng đời của một con người từ khi còn là đứa trẻ chập chững (hình ảnh chiếc xe ba bánh), đến khi thiếu niên, đầy tinh nghịch rồi khi trưởng thành… Cuộc leo dốc của chiếc xe đạp cũng mô phỏng đường đi của một đời người. Đỉnh núi trước mặt là dốc cao cần chinh phục nhưng khi vượt qua đỉnh cao ấy lại thấp thoáng một đỉnh núi khác cao hơn. 

Phim hoạt hình Cái ổ gà (biên kịch Ngô Bình Thiểm - Phạm Sông Đông)

Chia sẻ về kịch bản ấn tượng này, biên kịch Phạm Sông Đông từ tốn: Khi viết kịch bản phim Xe đạp tôi hình dung lại cả một quãng đời niên thiếu gắn bó cùng nó. Đặc biệt chiếc xe đạp đã theo Ba chở chúng tôi đi sơ tán qua cầu Long Biên. Trên đường đi ấy, các gia đình khác cũng rồng rắn chở nhau trên những chiếc xe đạp. Khi chọn một kịch bản khái quát lên đời người tôi ám ảnh bởi chiếc xe đạp đã gắn bó với biết bao gia đình người Việt Nam. Kỷ niệm đó, qua tay nghề, sáng tạo của nhà biên kịch đã bước từ đời vào phim và mang về vinh quang cho nữ tác giả, êkip làm phim và cả hoạt hình Việt Nam khi giành hàng loạt giải thưởng như giải biên kịch xuất sắc nhất, Bông sen vàng LHP Việt Nam, giải Cánh diều vàng và đề cử phim ngắn xuất sắc nhất tại LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 45.

Chỉ bằng một “vốc chữ” đã khái quát lịch sử của một đời người, một giai đoạn qua hình ảnh chiếc xe đạp. Sau lối mở ấy, nhiều kịch bản phim hoạt hình đã chọn tính ẩn dụ, đa nghĩa hay tính triết lý để đem đến cho hoạt hình Việt Nam nhiều ý nghĩa bay bổng hơn. Biên kịch Phạm Sông Đông cũng viết thêm một số kịch bản theo hướng triết lý như Xe đạp và ô tô, Đôi bạn, Con gà đất… nhưng có lẽ kịch bản Xe đạp vẫn là một dấu mốc nổi bật của chị cũng như hoạt hình Việt Nam. 

Nữ biên kịch Phạm Sông Đông

Biên kịch Phạm Sông Đông cũng khá mát tay khi hợp tác với các biên kịch trẻ như Cậu bé cờ lau, Cậu bé manocanh… trong đó Cậu bé manocanh (đạo diễn: Phạm Hồng Sơn) đã giành giải Bông sen vàng, Cánh diều vàng cho phim hoạt hình xuất sắc nhất, Biên kịch xuất sắc nhất ( đồng tác giả Hoàng Phương Thảo) Cậu bé cờ lau (đạo diễn Phùng Văn Hà) đã giành được Bông Sen vàng, Cánh Diều Vàng (đồng tác giả Đỗ Minh Tú).

Trở lại dòng phim gắn với các sự tích, các loài hoa, Sông Đông viết tiếp kịch bản phim Hoa Phượng. Nhiều cách tân đã được sử dụng từ độ dài kịch bản, tiết tấu phim để tiệm cận hơn với hoạt hình hiện đại. Kịch bản cũng hướng đến sự dài hơi hơn với 30 phút phim. Câu chuyện về nghĩa thầy trò gắn với việc trừ gian diệt ác và cuối cùng là sự kết tinh của loài hoa mang mầu đỏ thắm mỗi khi hè về. Chia sẻ về kịch bản này, Sông Đông cho biết: “Tôi thích ý nghĩa của câu chuyện, thích mầu hoa đỏ thắm và hình tượng của nó. Nhìn từ xa, những bông hoa phượng kết tinh lại giống như những mâm hoa khổng lồ rực cháy giữa không trung. Tôi cực kỳ ấn tượng với hình ảnh ấy”. 

Yêu, ngấm, sáng tạo và tận dụng mọi thế mạnh của ngôn ngữ hoạt hình từ ý tứ, hình tượng đến mầu sắc, nhiều kịch bản của biên kịch Sông Đông đã là chất liệu quý để các họa sĩ, đạo diễn phim hoạt hình tựa vào và sáng tạo tiếp. Chị đã tạo nên một thương hiệu của riêng mình với chất trữ tình, bay bổng ẩn chứa suy tư, triết lý được cô đọng, khái quát qua ngôn ngữ đầy ước lệ, phóng khoáng của hoạt hình. Nhiều bộ phim được làm từ các kịch bản của chị đã giành được các giải thưởng cao tại các kỳ LHP, các giải thưởng hàng năm của Hội Điện ảnh. 

Phim Người cha (biên kịch Phạm Sông Đông)

Ở tuổi nghỉ hưu, chị vẫn tham gia các hoạt động liên quan đến hoạt hình như viết kịch bản, viết sách, tham gia các Ban giám khảo tại một số kỳ Liên hoan Phim quốc gia hay giải Cánh diều… Với hành trình ấy, những giải thưởng, sự ghi nhận với nữ biên kịch Phạm Sông Đông dường như vẫn chưa dừng lại khi chị vẫn viết, vẫn sáng tác về hoạt hình. 

Trong đợt trao giải mới đây nhất, biên kịch Phạm Sông Đông đã vinh dự nhận được Giải thưởng Nhà nước cho các đóng góp của chị vào nền hoạt hình Việt Nam. Sự ghi nhận của một giải thưởng quốc gia dành cho một người viết như chị là quá xứng đáng khi văn chương, kịch bản nói riêng và văn hóa nói chung đang tìm lại chỗ đứng ngang hàng với kinh tế, chính trị để góp phần đưa đất nước phát triển. Những đóng góp của chị được vinh danh trong lễ trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (được trao nhân dịp 19/5/2023) là một thành công không chỉ với riêng chị mà còn với những người cầm bút, những biên kịch góp phần làm nên thành công cho các bộ phim.

Tập kịch bản của biên kịch Phạm Sông Đông được Nxb Kim Đồng ấn hành

HOA TRẦN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 535, tháng 5-2023

;