Di sản cuối cùng của Carl Gustav Jung

Carl Gustav Jung là nhà tâm lý học hàng đầu người Thụy Sỹ, một trong số những “người khổng lồ” đã làm thay đổi tư duy của tâm lý học hiện đại. Con người và biểu tượng (Man and his symbols) là tác phẩm đầu tiên và duy nhất hướng đến độc giả phổ thông của Carl Gustav Jung. Cuốn sách này đã được Nhã Nam xuất bản tại Việt Nam và nhận được nhiều sự ủng hộ từ độc giả.

Người làm "thay đổi thế giới tâm lý học hiện đại"

Carl Gustav Jung (1875 - 1961) là một bác sĩ tâm thần học, nhà tâm lý học Thụy Sĩ, người sáng lập trường phái Tâm lý học phân tích. Ông được xem là một trong các nhà tâm thần học hiện đại tiên phong trong cách nhìn nhận về hệ tâm trí người như là thứ có "bản chất tôn giáo" và lấy đó làm trung tâm điểm cho mọi khảo cứu. Ông cũng nổi tiếng là một người chuyên nghiên cứu về biểu tượng học và phân tích giấc mơ. Mặc dù dành phần lớn thời gian cho việc trị liệu lâm sàng, nhưng Jung cũng viết nhiều công trình về các lĩnh vực khác có liên quan, như các tác phẩm về triết học phương Đông và phương Tây, về Giả Kim Thuật, Thiên văn học, xã hội học, văn học nghệ thuật.

 Carl Jung khảo xét sâu xa về cái được gọi là “Thành toàn bản ngã - Individuation”, đây là một tiến trình tâm lý nhằm thống hợp các mặt đối lập của hệ tâm trí là Vô thức và khái niệm này là hạt nhân lý luận của học thuyết Tâm lý học phân tích.

Carl Jung cũng tạo sinh ra rất nhiều thuật ngữ tâm lý khác, ví dụ: Nguyên mẫu, Vô thức tập thể, Phức cảm, Đồng hiện (Synchronicity - có phần giống với thuyết “đồng thanh tương ứng - đồng khí tương cầu”. Là những “Ngẫu nhiên có ý nghĩa”, theo một cách thức Nhân - Quả phi tuyến tính như Butterfly effect). Nhiều công cụ nghiệm kê tâm trí, như bảng phân loại tính cách của Myers - Briggs (MBTI) được phát triển dựa chủ yếu trên học thuyết của Jung. Niềm say mê khảo cứu triết học và các hiện tượng dị thường khiến nhiều người xem ông là một nhà thần bí học, nhưng Jung luôn muốn được nhìn nhận như một nhà khoa học.

Bản in đầu tiên của cuốn Con người và biểu tượng

Carl Jung được coi là một trong số những “người khổng lồ” đã làm thay đổi tư duy của tâm lý học hiện đại. Ông là người đã tạo ra những đóng góp rất khác biệt khi tập trung vào quan niệm về vô thức. Ông đặc biệt quan tâm đến việc phân tích, diễn giải giấc mơ, các biểu tượng xuất hiện trong đó. Theo ông, giấc mơ là con đường dẫn vào vô thức, thông qua những giấc mơ, con người hé lộ những ham muốn ẩn giấu, những mong muốn, khát vọng. 

Tác phẩm Con người và Biểu tượng ra đời vào đầu thập niên 1960. Thời điểm đó, những tư tưởng của Sigmund Freud hầu như đã được độc giả khắp thế giới Tây phương biết đến, trong khi các quan điểm của Carl Jung luôn bị xem là quá khó hiểu đối với người đọc phổ thông. Đây là tác phẩm đầu tiên và duy nhất trong đó Jung giải thích với độc giả phổ thông về mối tương quan giữa con người và cõi vô thức, chỉ ra tầm quan trọng của ý nghĩa biểu tượng - đặc biệt khi chúng được tiết lộ trong những giấc mơ. 

Trong Con người và Biểu tượng, Jung và cộng sự cho rằng đời sống hiện tại của chúng ta bị chi phối bởi nữ thần Lý trí. Chính bởi vậy mà ta phải duyệt xét lại tầm quan trọng của các giấc mơ - những phóng tưởng mỏng manh, hay lẩn tránh, khó tin cậy, mơ hồ, và không chắc chắn. 

Khác với quan niệm của Freud rằng vô thức đơn thuần là một chỗ chứa đựng những dục vọng bị đè nén, Jung cho rằng vô thức là người hướng dẫn, người bạn, và người cố vấn tuyệt vời của ý thức. Ngôn ngữ và “con người” của cõi vô thức là những biểu tượng, và phương tiện thông đạt là những giấc mơ. Chức năng chung của các giấc mơ là tìm cách phục hồi sự cân bằng tâm thần của chúng ta. Giấc mơ đền bù cho những khiếm khuyết trong nhân cách đồng thời cảnh báo về những hiểm họa trong dòng đời hiện tại của cá nhân. 

Cuốn Con người và biểu tượng

Giấc mơ không phải là một loại tài liệu được chuẩn hóa vốn có thể được giải mã bằng một bảng chú giải. Nó là sự biểu hiện riêng tư của từng cá nhân, và ta chỉ có thể phân tích, giải mã giấc mơ của một người khi đã tìm hiểu cặn kẽ bối cảnh xuất thân, trưởng thành, môi trường sống, tính cách và những mối quan hệ của người ấy. 

Để phân tích được ý nghĩa của các biểu tượng trong giấc mơ, Jung cho rằng: “Hãy học càng nhiều càng tốt về hình ảnh biểu tượng; rồi sau đó hãy quên tất cả đi khi phân tích một giấc mơ”. Sự minh giải các giấc mơ và các biểu tượng đòi hỏi trí tuệ. Không thể biến sự minh giải ấy thành một hệ thống máy móc và sau đó nhồi nhét nó vào những bộ óc thiếu tưởng tượng. Nó đòi hỏi cả kiến thức ngày càng nhiều về cá tính của người nằm mơ lẫn sự tự nhận thức ngày càng cao từ phía người minh giải.

Các chủ đề phức tạp trong này đều được xử lý bằng thứ ngôn ngữ tường minh, giản dị, nhằm hướng đến độc giả đại chúng. Cuốn sách này của ông không chỉ hữu ích với những bạn đọc muốn tìm hiểu tâm lý học mà cả với những người nghiên cứu văn chương điện ảnh và nghệ thuật nói chung, bởi sách không chỉ phân tích, diễn giải giấc mơ mà còn đưa ra những kiến giải đáng chú ý về các biểu tượng được sử dụng trong nghệ thuật. 

Khi chấp nhận viết một cuốn sách dành cho đại chúng ở tuổi hơn 80, Jung đã vạch ra một kế hoạch chu toàn và đích thân chọn lựa các cộng sự để thực hiện công trình này. Trách nhiệm cá nhân của Jung là xây dựng cấu trúc cho toàn bộ cuốn sách, giám sát và chỉ dẫn công việc của các cộng sự và đích thân viết chương chủ đạo: “Đi vào cõi vô thức”. Ông qua đời tháng 6/1961, năm cuối cùng của đời ông được dành gần như hoàn toàn cho cuốn sách này và ông hoàn thành cuốn sách chỉ khoảng 10 ngày trước khi qua đời.

Độc giả Việt nghĩ gì về Carl Jung?

Những năm gần đây, sách về chủ đề tâm lý học đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều độc giả Việt Nam. Đầu năm 2020, Công ty Nhã Nam lập kế hoạch triển khai dịch cuốn Con người và Biểu tượng. Từ khi ra mắt đến nay, tác phẩm Con người và biểu tượng của Carl Jung đang là một trong những cuốn sách phi hư cấu bán chạy nhất của Nhã Nam. Để độc giả có dịp tìm hiểu và trao đổi sâu hơn về cuốn sách đồ sộ này, Nhã Nam đã tổ chức một buổi giới thiệu sách vào cuối tháng 2/2023 với sự tham gia của các vị khách mời: Nhà nghiên cứu, PGS, TS Đỗ Lai Thúy, Chuyên gia tâm lý, PGS, TS Trần Thu Hương, Anh Lê Đại Minh, học viên Chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội.

Tại sự kiện này, đại diện Nhã Nam chia sẻ: “Chúng tôi chọn lựa cuốn sách này trên một số tiêu chí: đây là cuốn sách giải thích với độc giả phổ thông về mối tương quan giữa con người và cõi vô thức, chỉ ra tầm quan trọng của ý nghĩa biểu tượng; nó dễ hiểu hơn các tác phẩm khác; dành cho nhóm độc giả rộng hơn; sự hấp dẫn trong cách sử dụng hình ảnh minh họa để diễn giải các tư tưởng; là di sản cuối cùng Jung để lại cho nhân loại… Việc xuất bản cuốn sách này được ban biên tập coi như một cuộc thăm dò, mở đường để có thể triển khai dịch những cuốn sách tiếp theo, khó hơn (về mọi khía cạnh) của tác giả này”. 

Carl Jung và các cộng sự cùng thực hiện cuốn sách Con người và biểu tượng

Nhà nghiên cứu, PGS, TS Đỗ Lai Thúy nhận xét: “Con người và biểu tượng cung cấp một diễn giải độc đáo về tư tưởng của Jung. Chúng cho thấy bản chất và chức năng của những giấc mơ, đào sâu ý nghĩa tượng trưng của nghệ thuật hiện đại, hé lộ những ý nghĩa tâm lý của những kinh nghiệm đời thường. Chúng xác quyết tư tưởng của Jung và là một phần không thể thiếu của toàn bộ cuốn sách. So với các tác phẩm của Jung, Con người và biểu tượng dễ hiểu hơn bởi có rất nhiều hình ảnh minh họa và dẫn chứng. Jung cùng các cộng sự viết theo lối diễn giải, dẫn dắt từ đơn giản đến phức tạp, đồng thời có sự kết nối giữa các bước chuyển. Tuy nhiên, lối dịch thuật của dịch giả Mai Sơn giúp người đọc dễ hiểu nhưng đánh mất tính thuật ngữ khoa học”.

 Chuyên gia tâm lý và PGS. TS. Trần Thu Hương cũng cho rằng: “Đây là cuốn sách dễ hiểu với những người quan tâm tới phân tâm học, tâm lý học và cũng rất cần thiết với những người sáng tác nghệ thuật. Ở Jung, người ta thấy được sự uy quyền đi kèm với nét dí dỏm và quyến rũ. Người ta cũng tìm kiếm ở nhân sinh quan và tính cách của ông một cái gì đó có thể hữu ích cho họ. Con người và biểu tượng chính là câu trả lời cho những kỳ vọng đó. Bởi qua tác phẩm này, ta có thể thấy mục tiêu của Jung chính là lan rộng những kiến giải về tâm thần học đến với mọi đối tượng, giúp người ta hiểu biết về chính mình, từ đó sống một cuộc sống trọn vẹn, phong phú. Cho đến nay, những quan điểm này của Jung và các cộng sự chưa bao giờ cũ”.

NGUYỄN THỊ HẰNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 532, tháng 4-2023

;