Bí mật trong thung lũng và nghệ thuật đan dệt truyền thuyết của nhà văn Trung Trung Đỉnh

Trong sự ngắn gọn, cô đọng thông tin ở bìa gấp tác phẩm Bí mật trong thung lũng, nhà văn Trung Trung Đỉnh ưu tiên chia sẻ: “Nhập ngũ năm 1968, vào Tây Nguyên ở các huyện đội tại An Khê, Kơbang - Gia Lai, rồi thuyên chuyển sang trường huấn luyện tân binh của tỉnh đội, nên một thời gian dài đi cơ sở nằm trong các làng xã của hầu khắp 17 huyện thị tỉnh Gia Lai - Kon Tum”.

Bí mật trong thung lũng chưa khai mở nhưng đã được xác tín, bảo đảm bởi những trải nghiệm thực tế của nhà văn ở mảnh đất Tây Nguyên. Hòa vào câu chuyện về cuộc sống xây dựng kinh tế mới ở vùng đất này sẽ thấy sự thủy chung của người viết với nơi chốn đã làm nên hơi thở văn chương và cuộc đời tác giả. Trong từng trang viết, chất lính từ thuở xưa như chưa từng phôi phai, dù rằng đến năm 1997, nhà văn mới khởi viết tác phẩm. Các mảnh hồi ức về những ngôi làng của bà con Ba Na, Gia Rai bao năm “bị bom đạn chà đi xát lại”; những trận càn và thảm sát dã man của lính Mỹ với “hàng trăm xe bay trên trời, xe ủi dưới đất”; những con người lớn lên cùng cách mạng, làm dân công, gùi đạn, tải thương, du kích, chống càn, chống dồn dân lập ấp… nhiều lần len vào mạch truyện. Trong cảm hứng về sự hồi sinh của đất và người sau chiến tranh vẫn hiện hữu hình ảnh những nấm mồ, những đôi chân tập tễnh, những phận đời chằng chịt vết thương. Hoạt động của nhân vật A Tờ Rin và tổ Đ’rao là sự dịch chuyển mô hình hoạt động thời chiến sang thời bình. A Tờ Rin trong vai trò chỉ huy quân sự, mặc bộ quân phục giải phóng đã bạc màu, đầu đội mũ tai bèo, đứng thẳng người, phất cờ tay làm tín hiệu chỉ huy cuộc chiến chống “giặc trời”. Các chiến sĩ tí hon thì xông xáo, linh hoạt tham gia “tác chiến”. Người đi làm nương thì vui vẻ mở lời xin “nhập ngũ”. Chiến thuật “đánh địch từ xa” cũng được áp dụng để tiêu diệt chim trời phá lúa. Giờ cao điểm của cuộc chiến, “các hướng của tổ Đ’rao liên tục “tấn công địch”. Tiếng kèn đu đủ liên tục tò te báo tin về “Sở chỉ huy”. Đằng sau không khí khẩn trương, sôi nổi của chiến dịch tiêu diệt “giặc trời” là nao nao nhung nhớ không chỉ riêng A Tờ Rin về những đêm chăng võng chờ vượt quốc lộ. Nhà văn hòa cùng nhân vật trong những nỗi niềm buông hờ mà day dứt: “Con đường mòn chiều nào chú và đồng đội xuống núi đâu rồi? Những vạt tranh, vạt rừng gai rậm rịt nối tiếp nhau đâu rồi? Con nước Kơ Tung đấy, chính con đường men theo bờ nước mà bàn chân chú cùng đồng đội trăm lần, ngàn lượt qua kia”. Hẳn những người đã từng đi qua cuộc chiến trong vai trò người lính như nhà văn Trung Trung Đỉnh, ở tuổi xế chiều, sẽ nhiều lần sống trong thương nhớ ngày xưa như thế.

Với tác phẩm Bí mật trong thung lũng, nhà văn đã nhượng quyền kể chuyện cho cô bé Hiền nhỏ tuổi. Từ sự chuyển giao này, câu chuyện trở thành dòng chảy tự sự mềm mại - điều không thường thấy trong các sáng tác trước đấy của Trung Trung Đỉnh. Đất trời Tây Nguyên vụt sáng bừng, nhuận sắc. Nhà văn nhận ra sự đậm đà, tận hiến của thiên nhiên nơi đây. Những “vệt rừng già” sâu “hun hút”. Hoa muồng muồng “vàng rực”. Hoa pơ lang “đỏ chói”. Nước thác IA Sao “trong leo lẻo”. Thảo nguyên “xanh ngắt”, “tràn ngập” tiếng ching chiêng và hoa sâm đất. Con đường mòn cũng “tràn ngập” hoa cúc quỳ. Từng “thảm hoa” vàng tươi, “ngờm ngợp”, hương hoa “thơm lựng”. Đường “ướt sũng” sương đêm và ánh trăng thì “ngằn ngặt”. Từng vệt màu, vệt trạng thái của cảnh đều gần gũi, thân thuộc nhưng bật nổi, riêng biệt. Ở phương diện này, thiên nhiên mang hơi hướng con người Tây Nguyên, mạnh mẽ, cá tính, phóng khoáng trong sự chân chất, thân tình, ấm áp. Trung Trung Đỉnh tựa hồ như nhân vật già H’Klin, tỉ mẩn dệt tấm dồ hoa sặc sỡ cho tác phẩm của mình. Ngôn từ và hình ảnh dù cố gắng giữ lại tinh thần, hơi thở của vùng đất Tây Nguyên, nhưng vẫn cho thấy sự đầu tư kỹ lưỡng: “Sương ở đây dày đặc đến nỗi ta có cảm giác nếu dùng dao có thể xắt ra thành từng lát. Ấy thế nhưng sương lại rất mềm, mềm như những chiếc khăn bông mịn, vắt ngang dãy núi này sang dãy núi kia. Loáng cái, khi mặt trời vừa vươn lên, những chiếc khăn bông ấy biến thành khăn voan mỏng trôi lững lờ xuống triền thung. Còn những ngọn núi thì vẫn đứng trầm tư, hiền lành như đang tận hưởng bàn tay dịu mát của sương mai vuốt ve”. Có thể xem đấy là mẫu mực của văn miêu tả với sự tinh tế, độc đáo và gợi cảm vô cùng. Vẻ đẹp của Tây Nguyên được dịp trưng trổ, mê đắm, quyến dụ lòng người. Cảm hứng sinh sôi bừng bừng trên trang viết. Thung lũng IA Sao thành xứ sở quần tụ của muôn hoa, muôn hương, muôn sắc, muôn loài. Không chỉ hồ Đắk Xút mà bất cứ không gian nào cũng tứa mật.

Ở tác phẩm này, tôi ấn tượng với cách nhà văn bao bọc thung lũng trong các truyền thuyết. Truyền thuyết lồng truyền thuyết, trong câu chuyện lớn lại có những mảnh, những phân đoạn truyện về con người khác. Truyền thuyết níu truyền thuyết, vừa ấm vừa lạnh, vừa bay bổng vừa lấm láp. Người đọc vì vậy mà dùng dằng, chập chờn giữa hư hư, thực thực. Về cơ bản, truyền thuyết hồ Đắk Xút vẫn bảo lưu được chức năng vẫy gọi của thể loại. Huyền thoại bắt đầu từ thuở muông thú và con người sống chung, nói chung một thứ tiếng. Trước cảnh mặt trời “uống cạn nước hồ”, mẹ Đất đã xuất hiện trong giấc mơ một chàng trai “nửa nằm, nửa ngồi tựa lưng vào vách đá”, giao cho chàng nhiệm vụ tìm nước mật của Chúa ong. Khi những giọt mật thiêng chạm vào đầu lưỡi, chàng trai bỗng trở nên tinh anh và có sức mạnh phi thường. Chàng “uốn cong” những tia nắng, giậm chân tạo tiếng nổ vang trời làm cho quả núi Kon Phun “rùng rùng chuyển động”. Và thế là xuất hiện hồ nước mênh mông. Với việc phả chất huyền bí của truyền thuyết lên địa danh như thế, nhà văn đã khơi gợi niềm tự hào của những con người được sống trên triền thung bốn mùa lạnh mát, thơm dịu mùi hương hoa, hương mật. Khát vọng gắn bó, khám phá theo đó cũng bừng bừng trỗi dậy.

Nếu như truyền thuyết về hồ Đắk Xút tràn đầy cảm hứng lãng mạn thì câu chuyện về những con người dưới vòm cây kơ nia lại lắng đọng vô cùng. Già H’klin, cô giáo H’lian là những vệt buồn ngơ ngác trong tác phẩm. Bà H’klin lặng lẽ dệt những tấm dồ, lặng lẽ nhớ những đứa con đã hy sinh, lặng lẽ nhớ người chồng trước khi bị xe củi của chủ làng đè chết đã “cùi cụi” sống với con rựa mòn, cây rìu mòn nhưng vẫn không trả hết món nợ nối đời. Cuộc đời bà gắn với chuỗi ngày vào rừng đào củ pôi, hái măng, hái nấm. Vậy mà bếp nhà bà vẫn “lạnh tanh” và lưng bà thì “còng gập xuống”. Còn cô giáo H’lian là nạn nhân của bọn loạn rừng. Bọn Fulrô quay lại, phá tan sự bình yên của các làng, đập phá xơ xác ruộng lúa vừa chín, đốt cháy những ngôi nhà, bắn chết cô giáo H’lian. Kết nối hai vệt buồn thương ấy sẽ thấy sự chuyển động của mảnh đất Tây Nguyên qua các thời kỳ lịch sử. Nỗi đau của già H’klin gắn với số phận chung của nhiều đồng bào nơi đây những năm đánh Pháp, đánh Mỹ. Thời chống Pháp, họ sống đời nô lệ, bị sự bóc lột dã man của các chủ làng. Khi tiếng súng Việt Minh “lan từ làng này sang làng khác”, họ xuống thị trấn, thị xã tham gia biểu tình đòi quyền sống; chạy lên núi cao gặp bộ đội cụ Hồ, sống cùng cách mạng. Khi giặc Mỹ tới, họ tiếp tục tham gia cách mạng, làm dân công, làm du kích… Hình ảnh cỏ lông chông được nhắc đến hai lần trong tác phẩm dù mang đặc trưng riêng của vùng cát trắng, nhưng cũng đậm chất đời, chất sống người Tây Nguyên. Cỏ lông chông “quay quắt sống”, quay quắt bám trụ qua các biến động, như chính cuộc đời già H’klin, già Đim… Khi kể bí mật về thung lũng, nhà văn khôn ngoan tạo ra những “cái bóng” - những con người có nhiều nét tương đồng. Cách thức ấy, nhà văn Nguyễn Trung Thành đã từng thành công với Rừng xà nu, góp phần khắc họa một cộng đồng vừa mang bản sắc Tây Nguyên, vừa mang phẩm tính thời đại. Ở tác phẩm của nhà văn Trung Trung Đỉnh, nghệ thuật này cho thấy sự đổ bóng, tiếng vọng, sức ảnh hưởng của dân gian và quá khứ đối với cuộc sống hiện tại; đồng thời khẳng định sự lặp lại về số phận, nét đặc thù về tính cách của con người nơi đây. Tổ Đ’rao là cái bóng của chú A Tờ Rin. Chú A Tờ Rin là cái bóng của già Đim. Già Đim là cái bóng của cây Kơ rắc đại thụ của buôn làng. Cô bé Hiền là cái bóng của cô giáo H’lian. Cô H’lian là cái bóng của già H’klin. Riêng già H’klin - người phụ nữ già nhất vùng núi Kon Phun - thì lại giống như cây kơ nia của làng. Vòm kơ nia mang vẻ đẹp vừa gần gũi, vừa xa vời và câu chuyện về già H’klin cũng lao xao không khí của truyền thuyết - truyền thuyết về người phụ nữ không nhớ bao nhiêu lần tóc đã rụng hết rồi lại mọc lên và răng cũng thay theo những lần thay tóc. Cuối cùng, bà H’klin cũng đã về với mẹ Đất, nhưng ý nghĩa của biểu tượng gốc vẫn được khẳng định. Già H’klin đã sống bằng đời của cây kơ nia, một mình thôi nhưng kiên trung, bền bỉ. Tôi cho rằng, trong tác phẩm này, nhà văn đã thể hiện sự trân trọng đáng kể đối với nền văn hóa mang tính mẫu hệ của đồng bào Tây Nguyên trong quá khứ. Chính vì điều này mà cảm hứng về vẻ đẹp nữ giới không chỉ dừng ở già H’klin mà tiếp tục chảy đến thế hệ của cô giáo H’lian. Miền Nam ngừng tiếng súng, H’lian đi học làm cô giáo, đem cái chữ về dạy cho trẻ con trong buôn làng. Cô cũng là chỉ huy của “hàng trăm chiến sĩ tí hon”, sung quân cho tổ Đ’rao. Nhưng tiếng súng khô khốc từ phía đập nước của bọn Fulrô đã làm dang dở cuộc đời thanh tân. Cái chết của nhân vật mở ra vết thương mới của đồng bào Tây Nguyên khi vết thương cũ còn chưa lành miệng. Phải vì những vết thương như thế mà “thung lũng hoa” không thể lúc nào cũng bảng lảng trong sương, trong hương? Chính người kể chuyện - cô bé Hiền - sau cái chết của cô giáo H’lian cũng đã trở thành thiếu nữ. Trong nỗi đau và qua nỗi đau, phần ấu thơ đã bị đẩy lùi.

Một điều rất đáng kể trong tác phẩm này là Trung Trung Đỉnh đã cho thấy sức mạnh của sự thật, trong đó có sự thật về các phong tục, tập tính của người Tây Nguyên. Thì ra, không phải cứ hư cấu mới có thể làm nên bí mật. Có những sự thật giản dị đến kỳ lạ, giản dị đến huyền bí. Với người dân ở các vùng miền khác, những nghi thức của lễ hội Pơ Thi - lễ bỏ mả cho cô giáo H’lian hay lễ hội đâm trâu mừng Mẹ Đất đón già H’klin… là những điều hoang đường, hư ảo. Tục lệ của người Ba Na, Gia Rai được nhà văn tả, thuật gọn gàng trong vài trang truyện. Trong lễ hội Pơ Thi hiện diện ngôi nhà mồ sặc sỡ hoa văn, những bức tượng chim muông và những cây nêu. Già Đim thực hiện nghi lễ cúng ma, gọi hồn lúa, hồn bắp, hồn heo gà về với những lời khấn thiêng. Mọi người đeo mặt nạ nhảy múa quanh nhà ma. Lửa ngùn ngụt bốc lên mùi rượu và thịt nướng. Ở lễ hội đâm trâu, điệu chiêng tiễn đưa người chết không mang cái xốn xang, u buồn thường tình mà làm lòng người trở nên rạo rực, được chở che. “Những người đi cà kheo cao lêu đêu dẫn bước cho những người đeo mặt nạ múa điệu múa thời tiền sử”. Cả một vườn tượng vây quanh nhà mồ, quấn quýt bên người chết… Tất cả những nghi lễ ấy đều là một phần đời sống văn hóa của người Ba Na, Gia Rai, nhưng cứ như tiếng vọng từ một thời xa xôi. Trong tác phẩm, có đoạn, nhà văn viết: “Sự giản dị chính là điều huyền bí, là vẻ đẹp thiêng liêng, là tất cả những gì tạo nên sức mạnh và tình yêu của con người đối với quê hương mình”. Lưu giữ được những tập tính, nghi lễ ấy cũng là chính tình yêu đối với nguồn cội, đối với quê hương xứ sở.

Dù chỉ là lần thứ 2 viết về/ viết cho thiếu nhi, nhưng Trung Trung Đỉnh đã thể hiện tập trung tâm huyết và bút lực, qua gần 80 trang truyện, lớp lớp bí mật về “thung lũng hoa” không ngừng mở ra. Trước câu chuyện này, có thể nói, Tây Nguyên thời kỳ xây dựng kinh tế mới vẫn là vùng cấm (dù không bị cấm) đối với văn học thiếu nhi. Nhưng, giống như con đường mòn dẫn vào khu rừng cấm của già Đim, “lá cấm đường” đã biến mất. Nhà văn đã tìm cách cho độc giả “lọt vào khám phá những bí mật” về thiên nhiên, về con người xứ cao nguyên. Trong mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, giữa quá khứ và hiện tại thì rõ ràng thiên nhiên và hiện tại đang bung biêng, khoe sắc, hồi sinh trên nền của quá khứ, trên những triền đời lam lũ, nhẫn nại, hy sinh. Song song với quá trình kiến tạo những “cái bóng”, nhà văn nỗ lực gắn kết những con người, những thế hệ. “Chúng ta” trở thành cách định danh chung cho nhiều cá thể. Chúng ta “có ruộng lúa thơm cùng một chỗ”, “có chung cánh rừng thiêng, có chung hồ nước mật linh thiêng, có chung con thác IA Sao quanh năm tuôn trào. Và gió nữa. Gió hát trên đồng cỏ thơm ngào ngạt…”. Việc già Đim tìm đường xuống núi không đơn thuần là sự dịch chuyển về mặt vật lý. Đó còn là lựa chọn của lý tưởng sống, của tình yêu. Gác lại tình thương rừng già, thương con ong bỏ khô trong bọng, già Đim tham gia vào kế hoạch tiêu diệt bọn Fulrô và về sau, là “làm việc của Mẹ Đất sai khiến”. Được ví như cây Kơ rắc đại thụ của buôn làng, già Đim vượt qua tính vật chất và hữu hạn của một thực thể, trở thành biểu tượng có ý nghĩa tâm linh. Già Đim vừa là người thực hành các nghi lễ cúng bái linh thiêng trong cộng đồng, vừa là biểu tượng vĩnh hằng của những phong tục, tập quán của người Ba Na, Gia Rai.

Đất Tây Nguyên vì vậy khó mà bóc hết lớp sương mù bao phủ. Câu chuyện kết thúc với việc nhân vật A Tờ Rin biến mất sau những chiều đứng hát dưới vòm cây kơ nia và việc rừng cấm được khai thông. Thế nhưng, bước chân vào khu rừng, chẳng ai thấy gì ngoài con suối ngầm róc rách trong hẻm đá. Suối “chia làm hai dòng, một dòng mát trong, còn dòng kia thì nóng ấm. Cả hai cùng đổ xuống thung lũng theo con đường riêng của mình, trong lòng núi”. Đấy là cái kết khôn ngoan của nhà văn. Có là người gắn bó dài lâu với Tây Nguyên đi chăng nữa thì không ai dám chắc đã nằm lòng những bí mật của nơi này. Dòng chảy này được khai thông thì xuất hiện dòng chảy khác. Thung lũng với các câu chuyện quá khứ và những nhịp đập ấm nóng hôm nay, cứ vậy mà tiếp tục bồng bềnh mời gọi, không chỉ với độc giả mà với cả nhà văn Trung Trung Đỉnh, để tiếp tục mở rộng tấm bản đồ văn chương về mảnh đất Tây Nguyên, nơi nhà văn vẫn thường gọi là nhà.

TS THANH TÂM NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024

;