Xuân và Tết, nói chuyện xuất và nhập (Luận về xuất khẩu văn chương từ tầm nhìn chiến lược văn hóa)

Nhà văn Bùi Việt Thắng (thứ 2 từ phải sang) cùng các nhà văn tham dự Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất (2023) - Nguồn ảnh: tác giả

1. Cao vọng văn hóa, văn chương

Đã có trong thực tế thư của Ủy ban Nobel thuộc Viện Thụy Điển gửi Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Nguyễn Quang Thiều về việc đề cử giải Nobel văn chương năm 2022 (thư gửi cuối năm 2021), nhưng chúng ta “vuột” mất cơ hội vì “thông tin đến muộn” (?!). Tuy nhiên, như một cú hích (có người nói vui, ví von tựa như một liều “doping”) văn đàn và văn giới Việt Nam, rộng ra là cả ngành Văn hóa - Văn học nghệ thuật trong nước, sục sôi khí thế, niềm phấn khích hào hứng, niềm hy vọng thiêng liêng không ai nỡ ngăn cản cái khí thế xung thiên tiến ra biển lớn nhân loại, để biết ngoài trời còn có trời, để xuất khẩu văn hóa, văn chương. Người người mong mỏi một phép màu xảy ra với muôn vàn sự hồi hộp, đôi lúc dường như nghẹt thở trong hạnh phúc chờ đợi. Đa số (tự phát, thuộc cá nhân hay các team), nhiệt liệt giới thiệu, đề cử cụ thể nhà văn A, B, C... thật rôm rả và hào hiệp chưa từng thấy. Nhưng thời gian cứ trôi qua một cách vô tình trước con người, sau nữa cũng vì bận túi bụi cuộc mưu sinh “cơm áo không đùa với khách thơ”, rồi cũng dần dần ai nấy nguôi ngoai câu chuyện “giấc mơ Nobel văn chương” không chỉ với hơn 1000 (chính xác là 1.623) hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1), mà cả với những ai trọng triết lý lão thực, dân vốn “dĩ thực vi tiên”. Nói cho cùng, ước mơ là quyền thiêng liêng của con người mà tạo hóa ban tặng, duy nhất không bị đánh thuế. Văn nghệ sĩ dần dần bình tĩnh quay lại với những dự định sáng tác thường nhật, chí ít cũng có cơ hội, cơ duyên giật giải thưởng cấp Hội chuyên ngành, hay của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, cao hơn nữa thì vươn tới đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Còn “Giấc mơ Nobel văn chương” thì nói như tên một bộ phim hoạt hình Nga nổi tiếng: Hãy đợi đấy!.

 Sinh thời, văn tài Nam Cao (1915-1951) đã hư cấu hình tượng một nhà văn có cao vọng (khát vọng) sáng tác đạt tới tầm cỡ thế giới, giật giải Nobel văn chương. Đó là nhân vật nhà văn Hộ trong kiệt tác Đời thừa (truyện ngắn, 1943). Nghĩa là, nhà văn Hộ có cái cao vọng viết về những vấn đề (câu chuyện) của đời sống nhân loại vĩnh hằng (khổ đau và hạnh phúc, lý tưởng và hiện thực, nhân cách và phi nhân cách, văn hóa và phản văn hóa, gia đình và xã hội, tiền tài và danh dự, tài năng và sự nghèo đói, trí thức nghệ sĩ và xã hội thời đại...). Nói là giấc mơ, cao vọng văn chương của nhân vật văn học (nhà văn Hộ), nhưng cũng ánh xạ nỗi niềm thầm kín của chủ thể sáng tác (nhà văn Nam Cao), một suy đoán không thể nói là không có cơ sở vừa lý, vừa tình.

 Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-1989) được tôn vinh là “Người mở đường tài năng và tinh anh công cuộc đổi mới văn chương Việt Nam sau 1975”. Trong di cảo của nhà văn (ghi ngày 4-1-1988) đã viết: “Mỗi nhà văn chúng ta phải đốt lên ngọn lửa cao vọng - không có một thứ nghề nào lại cần lòng tự tin đến kiêu ngạo, coi thiên hạ như rác đồng thời lại cần sự khiêm tốn thành thực thấy rằng mình bao giờ cũng dốt, cũng thiếu như cái nghề này, nghề đóng đồ mộc, đóng chạn bát. Tại sao ta lại cứ sản xuất ra toàn những sản phẩm loại nhì, loại ba của văn học thế giới, hoặc những bán thành phẩm, để rồi phải làm cái việc con hát mẹ khen hay, rồi con cứ lấy làm tự hào được mẹ khen? Tại sao văn học ta chỉ là văn học xóm xã, ao chuôm mà không là văn học của cả thiên hạ, của cả loài người” (2).

 Quả tình, nếu không có cao vọng (khát vọng) thì trong bất cứ lĩnh vực nào chúng ta cũng sẽ bị tụt hậu toàn diện. Ví như, thế giới đang ở “kinh tế hậu công nghiệp” thì chúng ta đang phấn đấu “kinh tế công nghiệp”; tương tự trong nghệ thuật thế giới đã qua “hậu hiện đại” thì chúng ta đang mon men chạm tới “hậu hiện đại”. Nếu chưa hoặc không có cao vọng bởi rất nhiều lý do được nêu ra để bào chữa cho tình trạng còn “non” của nhà văn và văn chương Việt Nam mới chỉ thuần túy “local” (địa phương). Trong đó có lý do (tự ti mặc cảm) về “sự cô đơn của tiếng Việt”, quan điểm (ý kiến) này thậm chí được công khai trình bày trong một hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới cách nay chưa lâu. Người Việt có cái tâm lý cực đoan như một căn tính - tự ti và tự mãn. Xét toàn diện thì, tiếng Việt đâu đến mức (nỗi) phải đáng để tự ti, mặc cảm. Là bởi ai đó nếu chưa đọc kho tàng ca dao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ trong mỏ vàng lộ thiên folklore Việt, là bởi nhiều người chưa đọc Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến... thời trung đại và càng ít đọc Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Nam Cao, Tô Hoài hay thơ mới lãng mạn thời hiện đại 1930-1945...

Cao vọng (khát vọng) khác xa với tâm lý thích sớm nổi tiếng (nếu cần thì PR, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh) của người viết văn mới vào nghề, theo nhà văn Nguyễn Minh Châu thì: “Có lẽ tôi nghĩ chưa đúng nhưng tôi có cảm tưởng sống giữa thời đại tốc độ vũ trụ, anh em trẻ lo nổi tiếng, sốt ruột vì sự nổi tiếng quá” (3). Thậm chí trong một số ngành nghệ thuật biểu diễn, có những người trẻ đã tạo những bê bối (scandal) chỉ nhằm giúp nổi tiếng sớm và nhanh, đôi khi chấp nhận bị “hoen ố”. Trong địa hạt văn chương cũng vậy, ví như vụ việc một nữ nhà thơ kiện một nam nhà thơ gần đây, làm cư dân mạng sốt sình sịch bởi chưng những “chứng cứ” vô nghĩa lý được trưng ra như sấm vang, chớp giật, bão giông, động đất, sóng thần...

Khi còn tồn tại (và được cổ súy một cách tự do vô lối) quan niệm “văn học suy cho cùng là một trò chơi vô tăm tích” thì lẽ dĩ nhiên cao vọng sẽ bị triệt tiêu, chưa nói đến phản tác dụng đối với đời sống tinh thần của con người thời đại luôn hành động theo quy luật của chân - thiện - mĩ. Khi đó, sáng tác đơn thuần chỉ là sự phóng chiếu những ẩn ức cá thể, hoặc giả vì một “vinh quang”, “hào quang” thức thời nào đó dễ phôi pha theo thời gian.

2. Phát hiện và nuôi dưỡng tài năng văn hóa, văn chương

Tìm kiếm, phát hiện tài năng nghệ thuật phải bắt đầu từ những người liên tài, có “mắt xanh” để tìm ra trong cát có vàng, trong rừng có “tứ thiết”. Nhưng cổ nhân nói “thiên tài như lá mùa thu”, “thiên tài là trời cho”. Không có gì là không đúng. Người ta hay nói về chỉ số IQ như là thước đo tài năng của con người, tuy nhiên chỉ số đó mới nghiêng về phương diện thông minh (hoặc trí nhớ siêu việt). Đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, tác giả tuyệt phẩm Truyện Kiều - được ví như: “Linh kinh của người Việt” (theo GS Đặng Thai Mai) thì răn “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Cũng có thể suy nghiệm ra một con người chân tài là liền luôn hai chữ “tâm” và “tầm” (trái tim và trí tuệ).

Trong triết học biện chứng có quy luật “lượng và chất” (lượng đổi chất đổi, chất đổi lượng đổi). Tuy nhiên, trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, đặc biệt văn hóa - văn học nghệ thuật, quy luật đó xem ra không nhất thành bất biến. Dư luận xã hội những năm gần đây đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng “lò ấp tiến sĩ” trong đào tạo trên đại học ở một số cơ sở được Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo. Rõ ràng là chúng ta đang chạy theo số lượng mà ít quan tâm chất lượng theo tinh thần “phủ sóng” học vị, thậm chí cả trong những cơ quan công quyền cho các công bộc, đôi khi chỉ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Nhìn sang lĩnh vực Văn hóa - Văn học nghệ thuật cũng xảy (diễn) ra tình trạng tương tự. Hội Nhà văn Việt Nam, mỗi năm trung bình kết nạp 30-50 hội viên mới thuộc các ngành thơ, văn, lý luận phê bình, dịch thuật. Ai đó nói khéo rằng, cứ thêm một người viết văn (và một người đọc văn) là xã hội thêm một người tử tế. Nghe ra cũng mát lòng mát dạ, cũng được an ủi tinh thần với những ai còn chưa thấm nhuần triết lý: “Lập thân tối hạ thị văn chương” (!?).

Nhưng với tinh thần cầu thị nghiêm túc, nhà văn Nguyễn Minh Châu lại có quan niệm khác: “Công việc chuẩn bị cho thế hệ trẻ của Hội Nhà văn hôm nay không phải chuẩn bị cho hàng trăm hàng ngàn quả trứng gà, trứng vịt, cái lò ấp ra một sân nuôi gà vịt mà phải chuẩn bị cho cái lò ấp chỉ một vài quả trứng đại bàng. Nói cho hết lẽ, Hội chuẩn bị làm sao được, mà từng người phải tự chuẩn bị” (4).

Trong y học hiện đại, khái niệm “y tế cá thể” đang được triển khai thực hành trong khám và điều trị bệnh nhân ở những nước văn minh tiên tiến. Muốn vậy phải có “bản đồ gen” cho từng bệnh nhân, vì mỗi cá thể người có một dạng vân tay riêng, một kiểu “gen” riêng nên thứ thuốc này có thể tốt cho A nhưng không tốt cho B. Trong giáo dục hiện đại của thế giới cũng đang đi theo hướng “giáo dục cá thể”. Song le, đó là một công trình vĩ đại, khó khăn và lâu dài (ví như Việt Nam hiện nay có hơn 20 triệu học sinh các cấp phổ thông và đại hoc). Trong nghệ thuật quy luật “quý hồ tinh bát quý hồ đa” luôn khắt khe, công bằng, chính xác. Sáng tác nghệ thuật là sự biểu hiện cá nhân nghệ sĩ. Tài năng nghệ thuật chính là mức độ cao biểu hiện cá thể (cá tính sáng tạo). Nên mới sinh ra ý kiến trái chiều có cần thiết phải tổ chức các kiểu trường lớp dạy viết văn hay không (!?). Dĩ nhiên không thể dạy một người trở thành nhà văn kiểu như dạy ai đó trở thành một kỹ sư xây dựng, nhà thiết kế đồ họa, thậm chí một phi công lái tàu bay dân dụng (hay quân sự), một bác sĩ, giáo viên các cấp, một thông ngôn... Câu chuyện ông huấn luyện viên phát hiện ra “Vua bóng đá Pelé tương lai” người Brazil, “Huyền thoại bóng đá thế giới thế kỷ 20”, cho ta bài học về cái gọi là “thiên tài như lá mùa thu” đã đành gian nan, nhưng nuôi dưỡng phát huy nhân tài lại là chuyện khó hơn nhiều lần.

3. Chính sách văn hóa

Người xưa hay nói về điều kiện phát triển gắn với “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, hiểu “nhân hòa” là lòng người (nhân tình thế thái) đã đành; “nhân hòa” còn có thể hiểu rộng và sâu hơn là “người hiền tài trong thiên hạ” vì “hiền tài là nguyên khí quốc gia” (Thân Nhân Trung). Hiền tài là những kiệt hiệt trên các lĩnh vực ngoại giao, quân sự, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, kinh tế, văn học nghệ thuật... Họ là những người tiêu biểu cho tinh thần hiến kế để kiến quốc đặc biệt trong tình hình mới, trong xu hướng hội nhập rộng và sâu vào thế giới mở, toàn cầu hóa. Tình trạng chảy máu chất xám là có thực, không thể làm ngơ, không thể không quan ngại. Người xưa cũng bàn về quan hệ giữa nhân lựcvật lực, như hai mặt của một vấn đề. Sòng phẳng mà nói, chúng ta chưa có sự cân đối hài hòa giữa nhân lực và vật lực trong tất cả các lĩnh vực hoạt động xã hội. Nếu xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực thì cũng có nghĩa là nền tảng vật lực của chúng ta thiếu và yếu. Nước chảy chỗ trũng là một quy luật của tự nhiên và cũng ứng nghiệm trong xã hội như một quy luật.

Chính sách văn hóa của ta dù đã có nhiều thay đổi tích cực, nhưng nhìn sâu vào thực tiễn, vẫn thấy còn hơi hướng của “tinh thần bao cấp” (chia đều, bình quân chủ nghĩa, nặng hình thức và phong trào...). Trong thời chiến, bình quân chủ nghĩa là đúng và trúng, song, thời bình, thời kinh tế thị trường, thời hội nhập thì cần có những mũi nhọn, đột phá trong các lĩnh vực thuộc về sở trường chứ không phải sở đoản, nếu không nhận thức đúng, chúng ta sẽ nhận kết quả không tốt. Đọc bảng tổng sắp Á vận hội tổ chức ở Trung Quốc gần đây sẽ thấy Thể thao Việt Nam sở dĩ xuống hạng có thể vì tư duy và thực hành theo lối/ kiểu bình quân chủ nghĩa. Tinh thần màu cờ sắc áo của các vận động viên Việt Nam thì không ai có thể nghi ngờ, nhưng tinh thần “đầu tư chiều sâu” theo quy luật kinh tế, thì có lẽ có vấn đề (?!).

4. “Học thày không tày học bạn”

Cổ nhân dạy “Học thày không tày học bạn” là chí lý. Cứ học bạn giỏi ở gần ắt có nhiều cái hay. Vậy học bạn giỏi ở gần là học ai, học điều gì? Đơn giản là học cách người Trung Quốc đầu tư văn hóa, đầu tư tài năng, đầu tư của để dành, biết cách quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới, khi họ tự giác vượt qua cái gọi là “hữu xạ tự nhiên hương” (ai đó nói “xưa rồi diễm ơi!”). Nếu thông tin đúng thì chúng ta cần tâm phục khẩu phục (và học làm theo) chế độ chính sách của Nhà nước và quân đội, xét về phương diện “vật lực” cho Mạc Ngôn - nhà văn Trung Quốc đầu tiên đoạt giải Nobel văn chương, năm 2012. Ông được xếp bậc lương cao và chính sách đãi ngộ ngang ngạch giáo sư các trường đại học hàng đầu Trung Quốc.

Chiến lược quảng bá văn hóa giúp thế giới ngày càng hiểu biết rộng và sâu đất nước gần 1,5 tỷ người được Trung Quốc thúc đẩy ráo riết, quyết liệt. Họ có chiến lược ngoại giao văn hóa (ví như cách nay nửa thế kỷ họ có chiến lược “ngoại giao bóng bàn”), bài bản, kiên trì, lâu dài và hiệu quả. Trung Quốc có tham vọng quảng bá văn hóa từ văn học mạng. Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) đã công bố số liệu đáng gờm: tác phẩm văn học Trung Quốc xuất hiện trên internet thu hút hơn 100 triệu độc giả nước ngoài, tính đến năm 2021. Cùng với chính sách ngoại giao văn hóa bài bản, tính đến năm 2009, đã có hơn 300 Học viện Khổng Tử và Lớp học Khổng Tử mở ra tại 81 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tập đoàn xuất bản Bắc Kinh là một thương hiệu lớn không chỉ trong khu vực châu Á mà đang mở rộng thị trường trên phạm vi toàn cầu. Các tác phẩm của những văn tài Trung Quốc hiện đại như: Diêm Liên Khoa, Tàn Tuyết... đang được quảng bá rộng rãi, nhanh nhạy, hiệu quả không chỉ ở Đông Nam Á, châu Á, mà lan tỏa sang Âu - Mỹ.

Đấy là chúng ta chưa bàn đến việc “Học thày không tày học bạn” đối với kinh nghiệm quảng bá văn hóa, xuất khẩu văn chương của các nước trong khu vực “đồng văn” như xứ sở mặt trời mọc (Nhật Bản), hay xứ sở kim chi (Hàn Quốc) - những con rồng châu Á mà ta đang noi gương tiến theo về mọi mặt.

5. Niềm hy vọng thiêng liêng

Từ sau Đổi mới (1986), Việt Nam có chiến lược bang giao quốc tế đa phương, hữu nghị, thêm bạn bớt kẻ thù, khép lại quá khứ hướng tới tương lai. Mở quan hệ văn hóa và quảng bá văn chương, ngoài khu vực Á - Âu quen thuộc, chúng ta mở hướng sang Mỹ, hiện nay đang từng bước nâng cấp quan hệ ngoại giao. Phải kể đến vị trí và hiệu quả công việc của Trung tâm Wlliam Joiner (nay là Viện William Joiner, trực thuộc trường đại học công - Đại học Massachusetts), được coi như nhịp cầu nối giao lưu, quảng bá văn học Việt Nam vào Mỹ. Ở đất nước Cờ Hoa, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh được dịch và phổ biến rộng rãi đến nhiều trường đại học và cả các trường trung học phổ thông. Ngoài ra, phải kể đến việc dịch và giới thiệu cùng tổ chức các sự kiện giao lưu văn học với các tác giả và tác phẩm của các nhà văn/ nhà thơ Nguyễn Quang Sáng, Tô Nhuận Vỹ, Lê Lựu, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Trần Anh Thái, Trần Đăng Khoa... Giao lưu văn hóa, văn học đã thay đổi triệt để cách nhìn của người Mỹ về một “Việt Nam là một đất nước của văn hóa chứ không phải là một dân tộc hiếu chiến”.

Năm 2021, danh sách các danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam được nối dài bởi tên tuổi của các nhà thơ danh tiếng như Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu; năm 2023 là danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ai quan tâm đến văn hóa Việt Nam sẽ tự hào vì đặc sắc ít quốc gia nào đạt được khi các danh nhân văn hóa thế giới tuyệt đại đa số là các nhà văn - nghệ sĩ ngôn từ: Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (5).

Trong số các tác phẩm văn chương Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài và phổ biến rộng rãi nhất, không gì khác là tuyệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du. Viên ngọc sáng trong kho tàng văn chương cổ điển Việt Nam đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng với trên 60 bản dịch khác nhau.

Hội nhập quốc tế ngày càng rộng và sâu trong xu hướng toàn cầu hóa, Việt Nam không thể thi đua với các nước bằng thương hiệu những tập đoàn kinh tế lớn (kiểu như Microsoft Corporation), hay những phát minh khoa học tầm cỡ thế giới. Nếu có đóng góp dù ít nhiều nào đó vào sự giàu có của đời sống tinh thần nhân loại tám tỷ người thì đó chính là văn hóa, văn chương. Vì “Tột cùng văn hóa là con người”, vì “Văn học là nhân học”.

Trong một tương lai gần, Việt Nam không còn là nước “nhập siêu” văn hóa, văn chương; tiếng Việt sẽ không còn “cô đơn” trên bản đồ văn chương thế giới; sẽ đến một ngày đẹp trời, Việt Nam được xếp vào danh sách các nước xuất khẩu văn chương có hạng. Tin tưởng, tại sao không?!.

_____________________

1. Theo Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại, in lần thứ V, Nxb Hội Nhà văn, 2020.

2, 3, 4. Di cảo Nguyễn Minh Châu, Nxb Hà Nội, 2009, tr.372, 373, 373.

5. Điểm lại 7 Danh nhân của Việt Nam được UNESCO vinh danh, vietnamplus.vn, 23-11-2023.

BÙI VIỆT THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 560, tháng 2-2024

;