Tối 16-12, tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Quảng Trị (thành phố Đông Hà), Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ Bế mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024.
Đại biểu, nghệ nhân, diễn viên và vận động viên của 16 đoàn tham dự buổi lễ
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 tại Quảng Trị diễn ra từ ngày 13 đến 16-12-2024, với sự tham dự của gần 900 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng của 16 tỉnh: Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Sơn La, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc và Quảng Trị.
Tham dự lễ bế mạc có: Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Hải Nhung; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị Lê Hồng Sơn; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể; cùng đội ngũ nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng đến từ 16 tỉnh, thành phố tham dự Ngày hội.
Phát biểu đánh giá, tổng kết Ngày hội, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung nhấn mạnh, Ngày hội được sự chỉ đạo cụ thể của lãnh đạo Bộ VHTTDL, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và sự phối hợp chặt chẽ với các Ban, Bộ, ngành địa phương liên quan; sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy chính quyền của 16 địa phương; Ngày hội đáp ứng nguyện vọng chung của đồng bào các dân tộc trong đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung phát biểu tại buổi lễ
Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức Ngày hội đã xây dựng, ban hành Kế hoạch Ngày hội; Bộ VHTTDL đã chỉ đạo và trực tiếp giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng của Bộ triển khai để tổ chức tốt Ngày hội; Tỉnh đăng cai Quảng Trị đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để tổ chức các nội dung hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội đảm bảo theo mục đích, yêu cầu đề ra.
Bên cạnh đó, Ngày hội còn gặp một số khó khăn như: các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đồng bào các dân tộc với tư cách là chủ thể văn hóa đã không quản ngại đường sá xa xôi về tham dự Ngày hội; Quy mô của Ngày hội là toàn quốc với 16 đoàn đến từ 16 tỉnh tham gia, rất nhiều nội dung hoạt động phong phú mang đặc trưng văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nhưng thời gian tổ chức Ngày hội chỉ 4 ngày, do vậy những hoạt động diễn ra liên tục mới đảm bảo các nội dung của Ngày hội. Đồng thời, trong thời gian diễn ra ngày hội thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến một số hoạt động, đặc biệt là các hoạt động ngoài trời.
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung nhấn mạnh, Ngày hội đã diễn ra theo đúng kế hoạch, thực hiện đầy đủ các nội dung của Ngày hội, đảm bảo an toàn về mọi phương diện, tạo được không khí phấn khởi đoàn kết, lòng tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống, để đồng bào các dân tộc nói chung góp phần nâng cao được nhận thức, sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm giữ gìn di sản văn hóa quý báu của dân tộc mình.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung và Giám đốc Sở VHTTDL Lê Minh Tuấn trao cờ toàn đoàn cho các đoàn dự thi tại Ngày hội
Đánh giá về các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc cho biết, về Liên hoan Nghệ thuật quần chúng, tại không gian Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, các đại biểu, người dân và du khách được thưởng thức những chương trình nghệ thuật đặc sắc của 16 đoàn đến từ 16 tỉnh với hơn 64 tiết mục, qua sự biểu diễn của các nghệ nhân vừa đa dạng vừa phong phú cả nội dung và hình thức. Các diễn viên đều trong trang phục truyền thống khi hát, khi múa, khi tấu nhạc cụ, các giai điệu dân ca, các điệu múa sôi động nhịp nhàng, hòa quyện với âm hưởng của tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng cồng và các loại nhạc cụ khác đã thực sự làm lay động tình cảm của người dân, du khách tạo sự hấp dẫn, thu hút. Các tiết mục biểu diễn chứa đựng đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung Tây Nguyên được các nghệ nhân sáng tạo và biểu diễn chứa đựng tình cảm, tình yêu cuộc sống, yêu lao động, yêu thiên nhiên đất nước, yêu Đảng, yêu Bác Hồ, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng gia đình, tình làng, nghĩa xóm, niềm tin vào cuộc sống sẽ ngày càng trở nên ấm no, hạnh phúc.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung trao Bằng khen của Bộ trưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu tổ chức Ngày hội
Có thể nói, chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật của các đoàn về tham gia Ngày hội cũng như vai trò chủ thể của các nghệ nhân đã được khẳng định và ghi nhận thông qua sự đón nhận của công chúng, sự thẩm định, đánh giá của hội đồng nghệ thuật, sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị quản lý văn hóa từ trung ương đến địa phương. Sự đóng góp quý báu của các cá nhân về những giá trị văn hóa trong kho tàng văn hóa các dân tộc, từ đó, lựa chọn những nét đẹp đặc trưng văn hóa ở từng địa phương, từng địa bàn nhằm làm nổi bật các giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình với tinh thần hội tụ, tỏa sáng trong Ngày hội.
Về trình diễn trang phục truyền thống, qua sự thể hiện của các nghệ nhân trình diễn, giới thiệu trang phục truyền thống của các dân tộc như một bức tranh đa sắc màu đã tạo nên sự hấp dẫn, thu hút người dân và du khách. Các bộ trang phục được thể hiện từ kiểu dáng, họa tiết… đã minh chứng sự sáng tạo, sự tinh tế thông qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ, từ các bà, các mẹ đã thêu dệt nên những chiếc áo, chiếc váy, khăn quàng… gắn với đời sống thường ngày, gắn với các lễ hội, khi hát giao duyên, khi làm cô dâu, chú rể, khi tổ chức các nghi lễ.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung trao Bằng khen của Bộ trưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu tổ chức Ngày hội
Các nghệ nhân tham gia trình diễn giới thiệu trang phục của mình, với sự tự tin đã tôn lên vẻ đẹp tự nhiên, hồn nhiên, hấp dẫn riêng, tạo nên lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Hy vọng rằng, trang phục truyền thống của các dân tộc sẽ tiếp tục được gìn giữ và trao truyền đến các thế hệ nối tiếp.
Phần trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống, mỗi tỉnh đã lựa chọn và dàn dựng 1 trích đoạn lễ hội thể hiện nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc ở địa phương mình. Các lễ hội, nghi thức, sinh hoạt văn hóa đã mô phỏng một cách khái quát đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc, diễn ra trang trọng đúng phong tục nhằm tạ ơn đất trời, tổ tiên, cầu mong an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt… như một minh chứng về sự phong phú, đa dạng và nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc, có sự kế thừa các yếu tố văn hóa truyền thống đậm bản sắc của đồng bào dân tộc.
Giới thiệu trưng bày, quảng bá sản phẩm đặc trưng của các dân tộc, được các tỉnh trưng bày, giới thiệu đặc trưng văn hóa cộng đồng, địa phương thông qua hiện vật: tranh, ảnh, sách, tờ gấp; mô hình hiện vật, nhạc cụ, trang phục truyền thống của dân tộc, nghề thủ công, thổ cẩm, sản phẩm ocop; những sản phẩm du lịch, điểm đến tiêu biểu của địa phương và giới thiệu đồ ăn, thức uống, cách bảo quản, chế biến, thưởng thức văn hóa ẩm thực mang đậm bản sắc của các dân tộc ở mỗi địa phương.
Nghệ nhân, diễn viên các đoàn trình diễn những tiết mục nghệ thuật dân gian đặc sắc
Bên cạnh đó, trưng bày ảnh “Các dân tộc thiểu số Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của đất nước” đã giới thiệu 200 bức ảnh theo các nội dung: giới thiệu cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam, những thành tựu nổi bật qua góc nhìn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và những địa danh (điểm du lịch) của 16 tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội; Triển lãm “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam”, giới thiệu và trưng bày không gian văn hóa, nghề truyền thống, trang phục, nông cụ trong lao động, các vật dụng trong đời sống sinh hoạt… của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam do Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam thực hiện.
Về thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc, có sự tham gia của 279 vận động viên, 43 cán bộ, huấn luyện viên thuộc 12 tỉnh (Bắc Giang, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Trị). Trong 3 ngày, hoạt động thi đấu 4 môn thể thao: Đẩy gậy, Kéo co, Bắn nỏ, Bắn ná đã thu hút đông đảo nhân dân trong khu vực quan tâm, cổ vũ, hò reo, động viên cho tinh thần thi đấu thể thao trung thực, cao thượng, đoàn kết các dân tộc, góp phần nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian và đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Kết thúc chương trình thi đấu, Ban Tổ chức trao 72 cờ, 41 bộ huy chương, trong đó trao 12 giải toàn đoàn cho các đơn vị tham gia Ngày hội.
Về hoạt động du lịch, có phần thi trình diễn kỹ năng hướng dẫn viên du lịch từ 13 tỉnh. Thông qua cuộc thi này, các hướng dẫn viên du lịch là người dân tộc thiểu số có cơ hội giới thiệu cho cộng đồng địa phương, khách tham quan và các đoàn bạn về sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn, đặc sắc của cộng đồng mình; giao lưu, học hỏi và nâng cao kỹ năng thuyết trình, nghiệp vụ hướng dẫn khách du lịch với đồng nghiệp đến từ các địa phương khác. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các Hướng dẫn viên tìm hiểu, nâng cao kiến thức về văn hóa, lịch, sử, địa lý và phong tục tập quán các địa phương.
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung nhấn mạnh, Ngày hội này sẽ là sợi dây kết nối xây dựng sự đoàn kết giữa các địa phương, các đoàn nghệ nhân, diễn viên quần chúng của các tỉnh. Đây là cơ hội để bản sắc văn hóa các dân tộc được lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm đồng thời cũng là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương đặc biệt là các nghệ nhân (chủ thể văn hóa) đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các của các dân tộc trong vườn hoa đa sắc của 54 dân tộc anh em.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc tin tưởng, sau Ngày hội các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng có thêm động lực cùng nhau đoàn kết tiếp tục phát huy tinh thần của Ngày hội về với bản làng có thêm kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết, mặc dù thời tiết không được thuận lợi, nhưng các hoạt động của Ngày hội đã được diễn ra sôi nổi, hào hứng, theo đúng ý nghĩa của nó - là ngày hội của các dân tộc, là nơi giao lưu, học hỏi, thể hiện và tỏa sáng các giá trị, tinh hoa văn hóa của các dân tộc trong kho tàng di sản văn hóa chung của dân tộc Việt Nam. Qua ngày hội, chúng ta hiểu hơn về văn hóa, phong tục, tập quán của nhau, từ đó thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa các dân tộc trong đại gia đình đồng bào các dân tộc Việt Nam.
“Ngày hội cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại những giá trị văn hóa truyền thống quý báu mà cha ông để lại; ý thức hơn việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc trong giai đoạn phát triển và hội nhập” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.
Kết quả, Ban tổ chức trao giải cho các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch với các nội dung: Liên hoan văn hóa nghệ thuật quần chúng: 22 Giải A, 23 Giải B, 19 Giải C; Trình diễn trang phục truyền thống dân tộc: 5 Giải A, 6 Giải B, 5 Giải C; Trích đoạn trình diễn, giới thiệu trích đoạn Lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc địa phương: 5 Giải A, 6 Giải B, 5 Giải C; Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực dân tộc truyền thống: 5 Giải A, 6 Giải B, 2 Giải C; Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương: 5 Giải A, 6 Giải B, 4 Giải C; Hoạt động thể thao: 1 Giải Nhất, 3 Giải Nhì, 5 Giải Ba, 5 Giải Khuyến khích; Hoạt du lịch: 5 Giải A, 6 Giải B, 2 Giải C.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã tặng Bằng khen cho 22 tập thể và 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu tổ chức Ngày hội; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen cho 5 tập thể và 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức Ngày hội.
NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH