Trích đoạn nghi thức mừng Gươl mới của đồng bào Cơtu, thành phố Đà Nẵng

Giống như nhà rông, nhà làng của các dân tộc Tây nguyên, Gươl là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, cũng là nơi mọi người trong làng tụ họp để bàn bạc, quyết định các vấn đề quan trọng của cộng đồng. Trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Quảng Trị năm 2024, đồng bào Cơtu thành phố Đà Nẵng đã trình diễn trích đoạn nghi thức Mừng Gươl mới.

Cộng đồng người Cơtu ở thành phố Đà Nẵng hiện nay có gần 1.500 người, sống ở vùng núi phía Tây thuộc hai xã Hòa Bắc và Hòa Phú của huyện Hòa Vang. Nơi sinh sống của đồng bào là những dải đất hẹp ven các con suối thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi chúa và Vườn Quốc gia Bạch Mã với những cánh rừng nguyên sinh đa dạng sinh học và nhiều thác ghềnh kỳ ảo rất thuận lợi để phát triển kinh tế du lịch.

Dân làng soạn lễ vật, trong đó không thể thiếu cây nêu, gà và trâu

Trên mảnh đất Đà Nẵng, đồng bào Cơtu đã không ngừng sáng tạo, bảo tồn và phát triển những nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng của dân tộc mình. Nhà Gươl là một trong những biểu tượng văn hóa vẫn được đồng bào Cơtu tiếp tục bảo tồn, gìn giữ trong giai đoạn hiện nay.

Gươl của người Cơtu là một công trình kiến trúc tiêu biểu, hội tụ nhiều nhất nghệ thuật tạo hình và điêu khắc. Gươl là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, như họp làng, lễ hội, và các nghi lễ truyền thống. Gươl còn là nơi tiếp đón khách quý, các đoàn khách từ các làng khác hoặc từ bên ngoài đến thăm. Đây là nơi thể hiện lòng hiếu khách và sự tôn trọng của người Cơtu đối với khách.

Gươl được người Cơtu trang trí, sửa sang hơn cả nhà ở của mình và lấy đó làm niềm hãnh diện với người làng khác. Gươl là nơi thờ cúng các vị thần linh và tổ tiên; Gươl không chỉ là một công trình kiến trúc mà còn là biểu tượng văn hóa, là mái trường để đào tạo con em và là nơi thực hành tín ngưỡng của cộng đồng người Cơtu. Nơi đây cũng là nơi lưu giữ và truyền bá các giá trị văn hóa, truyền thống của người Cơtu thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật như hát, múa và kể chuyện dân gian.

Tiếng chiêng trống vang lên, người dân sẽ cùng nhau múa tung tung - dza dzá

Theo tập tục truyền thống, khi đến nhà Gươl, mọi người không được ẩu đả, cãi vã mà phải luôn đoàn kết đùm bọc thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, vì sự tồn tại và phát triển giống nòi của cộng đồng người Cơtu. Chính vì sự quan trọng của Gươl đối với cộng đồng nên việc dựng Gươl từ lúc chọn đất rồi đến thi công và khánh thành đều gắn với loạt nghi lễ, trong đó quan trọng nhất là lễ mừng gươl mới.

Để tổ chức lễ mừng gươl mới, dân làng sẽ soạn lễ vật, trong đó không thể thiếu cây nêu, gà và trâu. Người Cơtu quan niệm rằng, trâu là người bạn thân thuộc, giúp cho họ tránh được những điều xấu, nên con trâu được dùng trong lễ cúng tế thần linh phải là trâu đực, béo khỏe. Trâu sẽ được buộc vào cây nêu dựng trước nhà gươl. Cùng lúc đó, tiếng chiêng trống vang lên, người dân sẽ cùng nhau múa tung tung - dza dzá và tiến hành đâm trâu. Cùng với nghi thức đâm trâu, sẽ có phần khóc thương xót con trâu đã hy sinh mạng sống của mình để dân làng cúng Giàng, xin được mùa màng tốt tươi, bình yên hạnh phúc, đoàn kết. Đồng thời, đây cũng là nghi thức tiễn đưa con trâu về với thần linh, để linh hồn của nó yên nghỉ, còn con người ở lại với trần gian sống tận hưởng những điều tốt lành.

Nghi thức thức đâm trâu trong lễ mừng Gươl mới

Trâu được mang hiến tế thành linh, các già làng sẽ tiếp tục khấn: “...Dân làng biết ơn Giàng, các thần linh đã giúp đỡ dân làng có được cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy, ban cho dân làng hạt lúa, hạt bắp trên nương, trên rẫy, về đầy nhà, đầy kho, dân làng không bị đau ốm, chết xấu. Cầu mong Yàng, thần linh về dự với dân làng để biết cái bụng của dân làng rất biết ơn Giàng, thần linh. Cúng con trâu, con gà, ché rượu cho Giàng, thần linh để dân làng luôn no đủ, khỏe mạnh, những mùa rẫy đến lại được tốt tươi hơn, ơ…ơ…”.

Sau khi hoàn thành nghi thức mừng Gươl mới, người dân tiếp tục múa tung tung - dza dzá

Sau khi hoàn thành nghi thức mừng Gươl mới, người dân tiếp tục múa tung tung - dza dzá, thanh niên nam nữ Cơtu sẽ vào nhà gươl và hát các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Mọi người cùng quây quần bên bếp lửa gươl và cùng nhau ăn uống no say. Người lớn tuổi kể chuyện cổ tích về truyền thuyết tộc người cho các em nhỏ nghe, bày trẻ nhỏ đánh chiêng, đánh trống, đan lát…

AN NGỌC - Ảnh: TUẤN MINH

;