Tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024, đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Trị đã giới thiệu với khán giả những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, cũng như vẻ đẹp trong trang phục của đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Cô trên dãy núi Trường Sơn khu vực phía Tây Quảng Trị.
Với chủ đề “Sức sống đại ngàn” người xem đã được xem các tiết mục nghệ thuật đặc sắc như: múa “Cánh chim đại bàng”; hát múa “Mối tình kết duyên”; hòa tấu nhạc cụ dân tộc với tác phẩm “Đoàn kết dân tộc”; hát múa “Ai về rừng xanh quê em” của các nghệ sĩ đến từ đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Trị.
Tiết mục múa “Cánh chim đại bàng”
Khi thưởng thức những giai điệu, lời ca, khán giả cảm nhận được được tình cảm nồng nàn của chàng trai trao cho cô gái trong làn điệu dân ca Mối tình kết duyên: “Hỡi cô nàng xinh tươi ơi/ Lời yêu thương nhắn gửi/ Giữa thác gềnh rừng sâu/ Nhờ chim vẹt, chim câu/ Bắc tình duyên mới”. Cùng với đó là lời đối đáp tràn đầy tình yêu thương của cô gái: “Hỡi anh chàng thương ơi/ Chàng đến từ nơi đâu/ Trong rừng ngàn, gió núi/ Hay thác ghềnh suối sâu/ Cùng em bước nhịp cầu/ Nối đôi bờ thương nhớ”.
Bên cạnh các ca khúc về tình yêu, đôi lứa, là tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ, với Đảng của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô. Tình cảm đó được bày tỏ trong bài Ai về rừng xanh quê em, với lời ca: “Ai về rừng xanh quê em/ Nghe tiếng hát núi non thanh bình/ Tiếng nói cười bản làng yên vui/ Tiếng chày khua rộn rã sớm chiều/ Mừng quê hương giải phóng/ Mừng đất nước thanh bình/ Nước suối trong xanh, mát lành câu hát/ Người Vân Kiều, Pa Cô ơn Đảng, ơn Bác Hồ”.
Các nghệ sĩ đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Trị trình bày các tiết mục nghệ thuật
Sau các tiết mục nghệ thuật, là màn trình diễn trang phục của đồng bào Vân Kiều và Pa Cô. Trong trang phục sinh hoạt ngày thường, cô gái Vân Kiều với chiếc áo sa-nun màu xanh chàm được tô điểm bởi những đường hoa văn, họa tiết tỉ mỉ trên cổ áo, tay áo và vạt áo. Kết hợp với áo sa-nun là chiếc váy tamuk được dệt khéo léo với các đường nét hoa văn độc đáo đã làm tăng thêm nét mềm mại, duyên dáng và quyến rũ của người phụ nữ Vân Kiều. Chàng trai Vân Kiều trong trang phục ngày thường là chiếc áo thổ cẩm tay cánh, xẻ giữa ngực tôn lên dáng hình khỏe khoắn, thanh tú, tạo sự tiện lợi, linh hoạt trong sinh hoạt và lao động, sản xuất.
Trang phục của cô gái Pa Cô sử dụng trong ngày thường là chiếc áo chui đầu kín đáo, kết hợp với chiếc váy ôm sát dáng người, với hai sắc màu thổ cẩm chủ đạo đen và đỏ. Cùng với đó là những đường nét hình con thoi được đính bằng hạt cườm trắng tạo nên những hoa văn độc đáo, tạo sự hài hòa, trang nhã. Còn chàng trai Pa Cô khỏe khoắn và mạnh mẽ trong chiếc áo thổ cẩm tay cánh, ngực trần và chiếc khố truyền thống với nhiều đường nét hoa văn, tạo nên sự hài hòa với thiên nhiên và cuộc sống.
Trang phục ngày cưới của cô dâu Vân Kiều với sắc màu rực rỡ như một đóa hoa giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Cùng với sự dịu dàng, đoan trang trong chiếc áo sanun có đính 2 hàng cúc bạc, cô dâu Vân Kiều còn được trang điểm bởi chiếc khăn đam đội đầu và chiếc vòng cổ được làm từ bạc trắng. Chủ rể Vân Kiều trong ngày cưới sẽ khoác lên mình chiếc áo thổ cẩm xanh chàm dài tay, cài cúc trước ngực, kết hợp với chiếc xà rông có màu sắc sặc sỡ, tạo sự mạnh mẽ, vui tươi và không kém phần trang trọng.
Trước khi bước chân vào nhà chồng, cô dâu Vân Kiều được gia đình nhà chông thực hiện nghi lễ “rửa chân” nhằm cầu chúc cho cô dâu có thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và sớm đem đến sự phồn thịnh cho gia đình.
Trong ngày cưới, cô dâu Pa Cô thật xinh tươi và duyên dáng trong bộ váy Ayoh, Nnai truyền thống của dân tộc mình. Cô dâu khoác trên mình tấm vải zèng quý giá do gia đình dành cho với mong ước con gái về nhà chông luôn được yêu thương và hạnh phúc. Chú rể Pa Cô với tấm vải zèng vắt chéo ngang người, trên đầu cuốn tấm zèng màu đỏ thắt kiểu đuôi gà làm tăng thêm sự lịch lãm và mạnh mẽ của người đàn ông. Trang phục ngày cưới với sắc màu sặc sỡ thể hiện sự vui tươi, trang trọng và hạnh phúc trong ngày lễ trọng đại của cuộc đời.
Khác với người Vân Kiều, trong lễ cưới của người Pa Cô, hai gia đình thực hiện nghi lễ trao cho nhau những lễ vật tượng trưng rất trang trọng và nhiều ý nghĩa. Gia đình chú rể trao cho nhà gái chiếc xương bạc thể hiện lòng quý trọng của nhà trai đối với cô dâu mới và mong muốn sự vuông tròn trong mối quan hệ thông gia; gia đình cô dâu trao cho nhà trai tấm vài zèng quý với mong cầu nhà trai sẽ luôn yêu thương, đùm bọc cô dâu – thành viên mới của gia đình, dòng tộc.
Nghi lễ và trang phục ngày cưới là sự thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đặc điểm đời sống gắn bó với núi rừng, thiên nhiên, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô luôn cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình sung túc, ấm no, hạnh phúc.
AN THÁI - Ảnh: TUẤN MINH