Lễ cầu mưa của đồng bào dân tộc Cor (Quảng Nam)

Nằm trong khuân khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị, năm 2024. Đoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Nam cùng các nghệ nhân đồng bào dân tộc Cor huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã tái hiện nghi lễ cầu mưa truyền thống của đồng bào.

Tỉnh Quảng Nam nằm giữa miền Trung Việt Nam, có diện tích trên 10 nghìn km2, dân số gần 1,5 triệu người (tính đến cuối năm 2019) với nhiều dân tộc cùng sinh sống như Kinh, Hoa, Cơ Tu, Xơ Đăng, Gié Triêng, Cor… Quảng Nam được chia thành 17 huyện, thị với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài nước như: di sản văn hóa thế giới là Khu Di tích Mỹ Sơn và phố cổ Hội An; Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Do đó, có thể nói Quảng Nam chứa đựng nhiều tiềm năng, cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ… Miền núi Quảng Nam, địa bàn cư trú lâu đời của các tộc người thiểu số như Cơ Tu, Gié Triêng, Xơ Đăng, Cor… đồng bào dân tộc nơi đây vẫn giữ được nhiều nét đặc trưng văn hóa truyền thống với những phong tục, tập quán, lễ hội có giá trị văn hóa đặc sắc. Nghi lễ cầu mưa của đồng bào dân tộc Cor là một trong những nghi lễ quan trọng vẫn được lưu truyền đến ngày nay.

Già làng và người có uy tín trong làng đi dọc bờ suối xin các vị thần đất, thần sông, thần suối vị trí làm trống đất

Cũng như đồng bào các dân tộc khác, đồng bào Cor tỉnh Quảng Nam luôn quan niệm rằng mọi sự vật hiện tượng đều có linh hồn, đều có thần linh ngự trị, nó có vai trò quan trọng chi phối mọi mặt của đời sống xã hội người Cor xưa. Hơn nữa, người Cor sống chủ yếu nhờ vào trồng trọt chăn nuôi, săn bắn, hái lượm, lại ở vùng rừng thiêng nước độc, có rất nhiều thú dữ, thiên tai, hiểm họa thường xuyên từ thiên nhiên. Vì vậy, họ luôn mong muốn những thế lực siêu nhiên nào đó có thể trấn áp các thiên tai, hiểm họa, ngăn ngừa điều xấu, mong ước điều lành.

Câu chuyện Lễ cầu mưa của đồng bào dân tộc Cor có từ xa xưa, tại một ngôi làng nhỏ dưới chân núi Răng Cưa, nắng hạn kéo dài triền miên, làm cho đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, ốm đau bệnh tật, đói cái ăn, nước ở các con suối không còn, rừng cây trụi lá. Dưới những gốc cây khô, những chú voi con thoi thóp. Cảnh hoang tàn bao trùm lên ngôi làng nhỏ, người già trẻ nhỏ mệt lả, thoi thóp. Tiếng gọi bầy của muông thú dần xa, chỉ còn lại tiếng thở yếu ớt của người dân, tiếng xào xạc của lá và tiếng gãy vụn của cây khô khi ai đó dậm vào.

Già làng và vài người khỏe mạnh còn lại trong làng đi đến đâu cũng thấy bầu không khí ảm đạm, sự sống yếu ớt: Già ơi, con khát quá! Tôi khát quá! Khát nước quá!

Già làng cùng với những người khỏe mạnh còn lại trong làng ngồi lại bàn bạc với nhau và đi đến thống nhất, tìm vị trí làm trống đất và chuẩn bị lễ vật cúng cầu mưa. Già làng và người có uy tín trong làng đi dọc bờ suối linh thiêng nhất trong làng xin các vị thần đất, thần sông, thần suối vị trí làm trống đất. Các vị thần đồng ý chỗ nào, già làng sẽ làm trống đất ở vị trí ấy.

Già làng cùng thanh niên trai tráng trong làng dùng rựa khoét 5 cái lỗ bên bờ suối, mỗi lỗ độ sâu khoảng gang tay. Các lỗ cách nhau cũng chừng 1 gang tay, có thể xếp thành 2 hàng. Hàng trước 3 lỗ, hàng sau 2 lỗ và dùng những chiếc mo cau được duỗi cho thẳng, cắt thành 5 miếng hình tròn úp lên các lỗ để tạo thành những cái trống đất. Mỗi trống đất được chống bởi cây rừng được vót gọn, lớn hơn ngón tay và chèn bằng dây mây núi lên trên đỉnh mỗi cây để nối các trống đất thể hiện sự kết nối sức mạnh của các vị thần: thần đất, thần suối, thần sông, thần rừng và đặc biệt là nữ thần mưa Mo Huyt (Thần Mưa).

Già làng cùng thanh niên trai trong làng dùng rựa khoét 5 cái lỗ bên bờ suối

Thời gian cúng trống đất khoảng 8-9 giờ sáng. Già làng làm chủ lễ. Nghi thức cúng cầu mưa được tổ chức 2 nơi cúng trong làng và cúng bên bờ suối.

Nghi thức cúng trong làng được gọi là Cúng hiến sinh. Lễ vật cúng gồm có: gà sống, heo sống, trầu cau, rượu, nước lã, chén gạo do cả làng cùng đóng góp và tham gia cúng. Già làng lần lượt bày biện lễ vật và vái các thần trên trời, vái nữ thần Mo Huyt.

Già làng:

Hỡi thần mặt trời, hỡi thần đất, hỡi nguồn nước nữ thần Mo Huyt.

Con nai trên rừng khát nước

Cây cối héo khô

Sông suối cạn kiệt

Đất đai khô cằn

Dân làng đói khát, ốm đau, bệnh tật.

Hôm nay, dân làng con làm lễ hiến sinh gà, cùng các lễ vật khác như trầu cau, rượu, nước lã, gạo, bánh nhót lên các vị thần đặc biệt là nguồn nước nữ thần Mo Huyt hãy cho trời mưa xuống, cứu sống buôn làng, cứu sống vạn vật.

Hú...

Già làng liên tục đánh trống đất và cầu xin nguồn nước nữ thần Mo Huyt cho trời mưa xuống

Sau khi cúng hiến sinh, già làng bảo bà con đem gà vào nấu chín mang ra bờ suối linh thiêng nhất trong làng để cúng.

Nghi thức cúng bên bờ suối lễ vật gồm có: gà chín, heo chín, trầu cau, rượu, nước lã, chén gạo, bánh nhót do cả làng cùng đóng góp và tham gia cúng.

Già làng: Hỡi thần mặt trời, hỡi thần đất, hỡi nguồn nước nữ thần Mo Huyt, thần núi, ông bà... (Khi gọi tên một vị thần, đồng thời gõ 1 trống đất tượng trưng cho vị thần đó).

Con nai trên rừng khát nước

Cây cối héo khô

Sông suối cạn kiệt

Đất đai khô cằn

Dân làng đói khát, ốm đau, bệnh tật.

Hôm nay, dân làng con làm lễ hiến sinh gà, cùng các lễ vật khác như trầu cau, rượu, nước lã, gạo, bánh nhót lên các vị thần, đặc biệt là nguồn nước nữ thần Mo Huýt hãy cho trời mưa xuống, cứu sống buôn làng, cứu sống vạn vật.

Già làng liên tục đánh trống đất và cầu xin nguồn nước nữ thần Mo Huyt cho trời mưa xuống.

Mưa đến rồi bà con ơi, ta có nước uống rồi...

Sự sống đã được hồi sinh rồi.

Cảm ơn nữ thần Mo Huyt.

Già làng và người có uy tín thực hiện nghi thức trong Lễ cầu mưa

Cả làng vui mừng tất cả ngửa mặt lên trời đón lấy những giọt nước mưa mà nữ thần ban cho, tiếng hò reo vang vọng giữa cơn mưa, tất cả chạy vào nhà mang các vật dụng ra hứng nước. Từ đó vạn vật được sinh sôi nảy nở, những con thú tung tăng khắp rừng, cây cối xanh mướt, hoa tươi khoe sắc bên đồi. Năm đó, bà con dân làng được mùa no đủ, già làng đem ống nước thiêng cùng với bà con dân làng vào rừng nơi máng nước đầu nguồn hứng lấy những dòng nước mát mang về làm lễ tạ ơn nữ thần Mo Huyt.

Lễ cầu mưa của đồng bào dân tộc Cor huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) là một nghi lễ văn hóa truyền thống đặc sắc, rất cần được bảo tồn, trao truyền lại cho những thế hệ mai sau, để những thế hệ trẻ người Cor hiểu rõ hơn về tín ngưỡng văn hóa của dân tộc mình.

HÙNG MẠNH - Ảnh: TUẤN MINH

;