Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, năm 2012, UBND tỉnh đã có Quy hoạch phát triển văn hóa, thể dục thể thao tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó, mục tiêu tổng quát là: Bảo tồn và phát huy một cách có hiệu quả những giá trị văn hóa truyền thống, nét bản sắc văn hóa địa phương Hà Nam; Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch và kinh tế, xã hội bền vững; Tạo sự chuyển biến về chất lượng trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và xây dựng Nông thôn mới; Phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục thể thao cho mọi người, góp phần nâng cao tầm vóc con người, sức khỏe của nhân dân; Xây dựng đội ngũ nhân lực văn hóa, thể dục thể thao Hà Nam có trình độ quản lý, chuyên môn cơ bản, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh; Phát huy có hiệu quả chủ trương xã hội hóa trong thực tiễn hoạt động văn hóa, thể thao… UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản đề cập đến việc đẩy mạnh hoạt động văn hóa cơ sở và định kỳ tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, triển khai nhiệm mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh chủ trương đẩy mạnh hoạt động văn hóa cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu.
Huyện Lý Nhân có 100% số xã (22/22) đạt chuẩn Nông thôn mới.
Từ khi phát động đến nay, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được triển khai thực hiện trong toàn tỉnh, thực sự trở thành một cuộc vận động văn hóa lớn, có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào luôn có sức hút, sức lan tỏa nhanh, mạnh, được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân đân tích cực hưởng ứng. Hiệu quả phong trào mang lại là làm thay đổi diện mạo nông thôn ở Hà Nam: đời sống kinh tế của nhân dân không ngừng được nâng cao, hộ đói không còn, số hộ nghèo ngày càng giảm, số hộ khá, hộ giàu tăng lên; cơ sở vật chất hạ tầng và các thiết chế văn hóa được quan tâm xây dựng; tình làng nghĩa xóm được củng cố; nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều tiến bộ, giảm dần các hủ tục lạc hậu; cảnh quan, vệ sinh môi trường được cải thiện; các chỉ tiêu về y tế, giáo dục được thực hiện tốt, giảm dần tệ nạn xã hội; nhiều tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh, đơn vị văn hóa xuất sắc; an ninh, chính trị ổn định. Người dân nâng cao ý thức chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nổi bật nhất là tỷ lệ nhân dân tự nguyện đóng góp tiền, của, ngày công lao động để cải tạo, nâng cấp, xây dựng đường giao thông liên xã, xóm, xây dựng các công trình phúc lợi về giáo dục, văn hóa và tham gia các hoạt động hưởng thụ, sáng tạo văn hóa ngày càng nhiều… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập và những yếu tố thiếu bền vững như: một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa của phát triển và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình; hiện tượng đơn vị, cá nhân thỏa mãn thành tích sau khi đã được công nhận; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục thực hiện tốt các tiêu chí về gia đình văn hóa, làng văn hóa mang nặng tính hình thức; một số thiết chế nhà văn hóa xây dựng xong nhưng chưa được khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, gây lãng phí…
Để hoạt động văn hóa cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu thì yếu tố quan trọng nhất là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các ban, ngành, đoàn thể (Văn hóa, Giáo dục, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ…) dưới sự chỉ đạo sát sao của tỉnh. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Hà Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền tới đông đảo nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa, mối quan hệ gắn bó giữa kinh tế, văn hóa và chính trị, đồng thời ý thức được rằng phát triển văn hóa là trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bên cạnh đó, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, qua đó kịp thời biểu dương, khen thưởng những cơ sở đạt thành tích tốt, uốn nắn, chấn chỉnh, nâng dần chất lượng, không để phong trào sa sút hoặc có chuyển biến nhưng còn chậm. Lãnh đạo các cấp nên có kế hoạch nâng cao chất lượng phong trào thông qua việc tiếp tục tổ chức quán triệt cho mọi người, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt nắm vững nội dung, tiêu chí, tiêu chuẩn xét các danh hiệu mà UBND tỉnh đã ban hành. Từ đó, quyết tâm thực hiện các nội dung, tiêu chí có liên quan đến ngành, đoàn thể mình với phương châm thực chất, không chạy theo thành tích; Xây dựng các điển hình tiên tiến làm hạt nhân để nhân rộng phong trào cũng là một giải pháp hữu hiệu mà nhiều địa phương đã và đang áp dụng. Ví như mô hình làng văn hóa sức khỏe ở Lý Nhân, làng văn hóa nông thôn mới ở Bình Lục, tổ dân phố văn minh ở Phủ Lý… lúc đầu được chọn làm điểm ở một vài nơi, giờ đã có sức lan tỏa lớn, tạo thành phong trào thi đua rộng khắp.
Thực tế cho thấy, ở nơi nào đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở mạnh thì mọi hoạt động phát triển sôi nổi và đúng hướng. Bởi vậy, phải tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa cơ sở - lực lượng nòng cốt của phong trào là những người am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, năng động, sáng tạo, tâm huyết, vừa làm tốt công tác vận động quần chúng, vừa là người thúc đẩy phong trào, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, thu thập những sáng kiến hay và phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, tránh tình trạng áp đặt, hành chính hóa phong trào.
Công tác tuyên truyền cần có kế hoạch cụ thể, nội dung, hình thức phù hợp. Đối với hoạt động nhà văn hóa, muốn phát huy hiệu quả tốt phải có sự đầu tư của chính quyền địa phương: dành quỹ đất, xây dựng trụ sở và khuôn viên, đầu tư trang thiết bị, có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ văn hóa cơ sở để họ yên tâm công tác. Quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nên triển khai theo hệ thống cấu trúc hai chiều: đưa văn hóa về cơ sở và xây dựng mô hình hoạt động tại chỗ theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Khuyến khích phát triển các câu lạc bộ, đội, nhóm, gia đình say mê, yêu thích văn hóa văn nghệ. Duy trì các hội diễn, liên hoan, giao lưu văn nghệ quần chúng nhằm tạo sân chơi lành mạnh “cây nhà lá vườn”, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Trong hoạt động thư viện, cần tăng cường quản lý, phát triển thiết chế thư viện cơ sở, đa dạng hóa mô hình thư viện, phòng đọc ở các làng, xã; Tăng cường luân chuyển sách theo chương trình mục tiêu của Bộ VHTTDL.
Xây dựng đời sống văn hóa là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước ta. Trong 19 tiêu chí (gồm 39 nội dung, chỉ tiêu) của Bộ tiêu chí quốc gia NTM do Nhà nước quy định có tới 31 nội dung xây dựng NTM cũng chính là thực hành đời sống văn hóa mới, lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực. Xây dựng đời sống văn hóa NTM cần gắn với cội nguồn, nhân tố trung tâm là con người - cá nhân và cộng đồng trong các gia đình, làng, xã. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là quá trình liên tục, đòi hỏi quy trình quản lý đồng bộ, toàn diện, phát huy trách nhiệm, tinh thần tự quản của nhân dân ở mỗi địa phương. Chỉ khi nào đáp ứng được những yêu cầu cốt yếu đó, văn hóa cơ sở mới thực sự đi vào chiều sâu.
Tác giả: Hoàng Oanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020