Ngày 23-12-2023, tại huyện Lý Nhân, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo Sở VHTTDL Hà Nam và UBND huyện Lý Nhân phối hợp với Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc tổ chức Hội thảo khoa học “Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương – Bảo tồn và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch”.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự và chủ trì Hội thảo có: GS, TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; ông Nguyễn Anh Chức – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Nam; ông Trần Đức Thuấn – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Lý Nhân; Hòa thượng, TS Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Nam; TS Phạm Việt Long – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.
Các đại biểu và các nhà khoa học tham dự Hội thảo
Hà Nam là một tỉnh có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, có vị trí địa lý – văn hóa khá đặc biệt trong khu vực châu thổ sông Hồng và là một tỉnh có bề dày truyền thống văn hiến. Hiện, ở Hà Nam còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa trải suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc. Trong đó, Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương là một di tích tiêu biểu của tỉnh Hà Nam chứa đựng nhiều giá trị nổi bật về lịch sử, quân sự, kiến trúc nghệ thuật và tâm linh.
Đền Trần Thương thuộc xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nơi đây thờ vị anh hùng dân tộc Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến và các tướng lĩnh có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông ở thế kỷ XIII. Đền Trần Thương là công trình kiến trúc đặc sắc và độc đáo nhưng vẫn mang phong cách nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, được xây dựng vào thời hậu Lê, tương truyền nằm trên kho lương của nhà Trần.
Hội thảo khoa học “Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương – Bảo tồn và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch” đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, các nhà quản lý Trung ương và địa phương tỉnh Hà Nam. Với 33 tham luận đã khẳng định những giá trị tiêu biểu, đặc sắc, những nét riêng của di tích quốc gia đặc biệt này mà các thế hệ người dân Hà Nam và huyện Lý Nhân đã bảo tồn và lưu giữ; đồng thời phát huy tốt hơn nữa các giá trị lịch sử văn hóa của di tích trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế hiện nay.
Đoàn chủ tọa điều hành Hội thảo
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức vui mừng chia sẻ: hôm nay tròn 8 năm di tích lịch sử đến Trần Thương được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2367/QĐTTg ngày 23-12-2015. Hội thảo là hoạt động khoa học có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục bồi đắp phát huy các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước gắn với phát triển du lịch phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, xây dựng quê hương Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đền Trần Thương là di tích tiêu biểu của tỉnh Hà Nam và của cả nước, hội tụ nhiều giá trị đặc sắc lịch sử, văn hóa, quân sự, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, tâm linh và du lịch. Hằng năm, tại di tích đền Trần Thương tổ chức 2 kỳ lễ hội, lễ hội truyền thống đền Trần Thương được tổ chức vào tháng 8 âm lịch, lễ phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương được tổ chức vào dịp rằm tháng Giêng. Lễ hội đền Trần Thương đã được Bộ VHTTDL ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.
Ông Nguyễn Anh Chức nhấn mạnh, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân đã luôn quan tâm bảo tồn và phát huy tốt giá trị của di tích đền Trần Thương và lễ hội tại di tích. Qua đó, khẳng định những nét tiêu biểu đặc sắc, những nét riêng của kho tàng di sản văn hóa đã được các thế hệ người dân Hà Nam sáng tạo nên qua các thời kỳ lịch sử.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức phát biểu chào mừng Hội thảo
Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển, hội nhập hiện nay, với định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại đền Trần Thương cũng đang đối mặt với những thách thức khó khăn và bất cập trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa gìn giữ và khai thác, giữa mục tiêu phát triển kinh tế và mục tiêu phát triển văn hóa.
Ông Nguyễn Anh Chức hy vọng, thông qua những kết quả nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo sẽ làm sáng tỏ hơn, khẳng định các giá trị tiêu biểu của di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương và lễ hội tại di tích, nêu bật thành tựu cần phát huy, chỉ ra những tồn tại bất cập cần khắc phục, qua đó kiến nghị các giải pháp bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị di tích trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Đồng thời qua Hội thảo sẽ giúp những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa lịch sử của Hà Nam có thêm kiến thức, kinh nghiệm, đưa ra những giải pháp để quy hoạch, bảo tồn phát huy tốt giá trị di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong những năm tới.
TS Nguyễn Minh San phát biểu đề dẫn Hội thảo
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo với nội dung Trần Thương: Một điểm đến – giầu tri thức – vạn điều may, TS Nguyễn Minh San, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam đã nhấn mạnh: Lý Nhân luôn có vị trí quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển đất nước, luôn được các bậc Đế vương thời phong kiến tự chủ nước ta tin dùng, lựa chọn để đặt trọn sự tin tưởng tiến hành các công việc hệ trọng liên quan đến sống còn, đến vận mệnh quốc gia, hưng thịnh của một dân tộc; mà, một trong những minh chứng hùng hồn nhất là trong ba cuộc kháng chiến thần thánh của quân dân nhà Trần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông. Lý Nhân đã được nhà Trần “chọn mặt gửi vàng” để xây dựng ở đây một hệ thông kho tàng (6 kho), trong đó có Trần Thương là kho trung tâm, lớn nhất, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên lần thứ hai.
TS Nguyễn Minh San cũng gợi mở thông qua hội thảo nhằm làm rõ hơn một số vấn đề như: Có kho tàng của nhà Trần đặt ở Lý Nhân để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ hai không? Ai là -người chủ trương xây dựng? Ai là người chỉ huy triển khai xây dựng? Tại sao lại chọn Lý Nhân để đặt kho lương? Nếu có kho lương thực (không chỉ một mà có tới sáu kho), vậy ai là người được giao trọng trách Tổng quản? Hệ thông kho tàng lớn của quốc gia đặt trên đất Lý Nhân, vậy người dân Lý Nhân có tham gia xây dựng và bảo vệ kho tàng này hay không?
Có một câu ngạn ngữ đã truyền tụng trên 700 năm nay gắn với Trần Thương là: “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc". Không khó để nhận ra, câu ngạn ngữ này nói đến 3 giai đoạn trong cuộc đời của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Trong câu ngạn ngữ ấy, “Thác Trần Thương” là vấn đề quan trọng và hệ trọng nhất. Song, thác gửi điều gì? Gửi gắm trông nom, giữ gìn vật gì?... thì chưa mấy ai chỉ ra. Vậy, “thác Trần Thương” nên hiểu thể nào?
Nơi tọa lạc Đền Trần Thương xưa, nay đã là Quần thể di tích với bình đồ mới và cấu trúc thần điện mới theo kiểu Tiền Thánh - Điện Mẫu - Hậu Phật. Sự xuất hiện các thiết chế tôn giáo mới (một ngôi chùa mới - Đại Giác Thiền tự và Cung Phật Hoàng Trần Nhân Tông ở phía sau ngôi đền Trần Thương và Điện Mẫu), hiển nhiên đã cộng hưởng làm tăng thêm tính thiêng của ngôi đền Trần Thương cũ. Hay như từ năm 2010 đến nay, tại đền Trần Thương đã diễn ra một hoạt động văn hóa tâm linh mới: “Lễ phát lương thảo cầu cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa và tưởng niệm Trần Hưng Đạo”. Hội thảo cũng nên tập trung làm rõ ý nghĩa của sinh hoạt tâm linh này, cách thức tổ chức trong thời gian tới ra sao để phát huy tác dụng của nó.
Theo TS Nguyễn Minh San, Hội thảo cũng cần bàn về hướng lâu dài, bền vững, phục hưng những di sản văn hóa của tiểu vùng văn hóa Trần Thương, để làm động lực cho du lịch Lý Nhân cất cánh, sẽ giải được bài toán phát triển du lịch Lý Nhân, du lịch Hà Nam, du lịch cả nước. Về chuyển đổi số, số hóa trong hoạt động ở di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương: Công cuộc chuyển đổi số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương tiến hành thế nào? Đặc biệt là vấn đề Ban quản lý đền Trần Thương tiếp thu công tác này và tiến hành công tác chuyển đổi số trong bảo vệ kiến trúc, tổ chức việc hầu đồng, lễ bái, Lễ phát lương, tham quan du lịch tại nơi đây.
GS, TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu định hướng Hội thảo
Phát biểu định hướng tại Hội thảo, GS, TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã vui mừng chia sẻ, đây là chủ đề mà bản thân bà đã nung nấu từ nhiều năm nay mỗi khi về tham gia phát lương ở đền Trần Thương. Lý Nhân đã đóng góp cho tỉnh Hà Nam một quần thể di tích lịch sử rất lớn, rất có giá trị và ý nghĩa. Huyện Lý Nhân ngoài đền Trần Thương, còn có đền Bà Vũ, di tích nhà văn Nam Cao, nhà thơ Nguyễn Khuyến. Đặc biệt đình làng Chương Lương nơi bảo tồn rất nhiều sắc phong của vua. Có thể nói ngoài những sản phẩm đặc hiệu của huyện Lý Nhân, những di tích lịch sử nếu không biết phát huy, không biết bảo tồn, không biết tìm cách để tuyên truyền giáo dục cho các thế hệ thì sẽ mai một đi.
GS, TS Nguyễn Thị Doan đã đưa ra một số định hướng cho hội thảo:
Thứ nhất, chúng ta phải phát triển, khơi dậy sâu sắc hơn nữa lòng tự hào của quê hương Lý Nhân này. Và tìm cách để phát huy những giá trị văn hóa của đền Trần Thương nói riêng, các di tích lịch sử của huyện Lý Nhân nói chung.
Thứ hai, rất quan trọng, chúng ta phải tìm cách để giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Hiện nay, sách giáo khoa có 5 bộ, thì bộ nào cũng có một phần dành cho giáo dục lịch sử, địa lý của địa phương, cho nên chúng ta phải có những bài viết rất sâu sắc về từng địa danh một, từng chi tiết lịch sử. Vì vậy, trách nhiệm của lãnh đạo huyện Lý Nhân, đặc biệt là của Phòng Giáo dục huyện là rất nặng nề, chúng ta phải có một chương trình giáo dục thông qua những di tích lịch sử này.
Thứ ba, chúng ta phải tìm cách bảo tồn cho được lòng trung hiếu, phát huy trung hiếu, nhân nghĩa của nhân dân. Nhân nghĩa ngay từ trong gia đình, sự tôn trọng kính yêu của con cái, chữ hiếu của con cái đối với ông bà, cha mẹ, sự thương yêu của dân làng, đoàn kết của dân làng như cây tre Việt Nam: “Bão bùng thân bọc lấy thân/ Tay ôm, tay níu tre gần nhau hơn/ Thương nhau tre chẳng ở riêng/ Lũy thành từ đó mà nên hỡi người”. Cho nên chúng ta hôm nay phải phát huy được Hào khí Đông A, phát huy được tinh thần trung hiếu, nhân nghĩa của đức vua cha, của các nhân sĩ, các chiến sĩ trong thời đó, làm thế nào để khơi dậy tình đoàn kết, tình thương yêu, chữ hiếu, chữ trung trong nhân dân huyện Lý Nhân.
Thứ tư, là lễ hội được tổ chức như thế nào. Sau lễ hội phát lương, sau lễ hội ở tháng 8 thì rất vắng khách. Làm thế nào để tổ chức lễ hội cho tốt, làm thế nào để sản phẩm du lịch được quảng bá để khách du lịch không chỉ về đền Trần Thương mà còn đến với khu tưởng niệm Nam Cao, di tích Nguyễn Khuyến, đền Bà Vũ, đó là những nơi nổi tiếng. Làm thế nào để chúng ta có một sản phẩm du lịch mới kết nối với Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Hà Nội. Phải chăng cần phải có đội ngũ nghiên cứu về du lịch, chuyên gia nghiên cứu để bảo tồn, phát huy và tạo ra những sản phẩm du lịch mới, thông qua tôn vinh những tấm gương tiêu biểu như Đức thánh Trần Hưng Đạo, nhà văn Nam Cao, nhà thơ Nguyễn Khuyến…
GS, TS Nguyễn Thị Doan cũng mong rằng, Lễ hội đền Trần Thương được tổ chức tốt hơn, phát huy được nhiều hơn những giá trị văn hóa tâm linh...
Hòa thượng Thích Thanh Quyết phát biểu tham luận
Hội thảo đã được nghe các báo cáo tham luận, các ý kiến đóng góp sâu sắc để tiếp tục khẳng định những giá trị to lớn, phong phú, đặc sắc, những nét riêng của đến Trần Thương, lễ hội đền Trần Thương. Hội thảo đã phân tích và đưa ra các ý kiến, kiến nghị đề xuất về các nội dung, các nghi trình, nghi lễ của lễ truyền thống 20-8 âm lịch và lễ phát lương vào đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng hằng năm; cũng như các giải pháp quản lý, bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử văn hóa đền Trần Thương trong thời gian tới gắn với phát triển du lịch tâm linh.
Tại Hội thảo, Hòa thượng Thích Thanh Quyết Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Nam phát biểu tham luận “Lễ hội Trần Thương” đã làm rõ thêm về Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn với gia tộc nhà Trần, với Hào khí Đông A, trung hiếu, nhân nghĩa, Lễ hội tháng 8- Tưởng niệm công đức Hưng Đạo Đại Vương...
Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trần Chiến Thắng đã chia sẻ, gợi mở về việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương với phát triển du lịch tại Hội thảo
GS, TS Nguyễn Chí Bền phát biểu tham luận
GS, TS Nguyễn Chí Bền – nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam với tham luận “Di sản văn hóa đền Trần Thương – Cách tiếp cận và lý thuyết”, đã chỉ ra các hình thức di sản văn hóa ở đền Trần Thương, cách tiếp cận và áp dụng lý thuyết như: tiếp cận từ lịch sử hay sáng tạo từ truyền thống. Từ một nhân vật thiêng lịch sử, từ truyền thống phát lương của các đội quân và là kho lương của nhà Trần, cộng đồng người dân đền Trần Thương hôm nay đã sáng tạo một nghi lễ: Phát lương. Túi lương được phát cho mỗi người dân, trong tâm linh họ là vật thiêng mà họ nhận từ nhân vật thiêng gắn bó với ngôi đền Trần Thương.
PGS, TS Phạm Lan Oanh phát biểu tham luận
Tại Hội thảo, PGS, TS Phạm Lan Oanh – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã chia sẻ tham luận “Nhận thức và thái độ ứng xử đối với những vật thiêng và trường hợp túi lương trong lễ hội phát lương đền Trần Thương”. Theo PGS, TS Phạm Lan Oanh, việc tổ chức thành công lễ hội phát lương tại đền Trần Thương góp phần tái khẳng định và gia tăng tính thiêng cho di tích và nhân vật thờ phụng. Thông qua hiện vật túi lương/ túi lộc, ước vọng về cuộc sống thực tại và tương lai gần đã trở thành điểm thu hút tâm linh cho di tích này thêm linh thiêng, hấp dẫn ở cả phương diện văn hóa tâm linh và du lịch văn hóa.
Cũng tại Hội thảo, TS Nguyễn Minh San - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam đã trao đổi thêm một số vấn đề về Hệ thống kho lương của nhà Trần ở Lý Nhân; ai là tổng quản hệ thống kho tàng nhà Trần ở Trần Thương; Điện thần đền Trần Thương – cấu trúc và ý nghĩa; “Thác Trần Thương” - lời giải cho những bí ẩn về cuộc đời của một huyền thoại (“Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc”).
TS Phạm Việt Long phát biểu kết luận Hội thảo
Kết luận Hội thảo, TS Phạm Việt Long – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển đã rút ra một số vấn đề:
Thứ nhất, đền Trần Thương là nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người đã dùng đất này làm kho lương để chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai (1285). Đây là di tích thiêng có điện thần là nơi các vị thần bảo hộ, đây là nơi ký thác của các tiền nhân với thế hệ mai sau để giữ gìn truyền thống dân tộc; cần được bảo tồn nguyên vẹn, nguyên gốc, những tính thiêng, vật thiêng ở đây là một trong những yếu tố đảm bảo an ninh tinh thần cho người dân.
Thứ hai, di tích quốc gia đặc biệt Trần Thương được bảo tồn và gìn giữ khá tốt nhờ sự quan tâm của chính quyền và sự đóng góp của cộng đồng địa phương, các biện pháp quản lý bảo vệ môi trường xung quanh và nỗ lực phối hợp từ các bên liên quan đã được thực hiện một cách tương đối hiệu quả.
Thứ ba, các di tích liên quan đến kho lương nhà Trần và đền Trần Thương là những di tích quan trọng, kho tàng quý giá về văn hóa lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc thời kỳ đó. Người dân Lý Nhân, đặc biệt người dân vùng Trần Thương - “Lục đầu khê” đã có công xây dựng và bảo vệ kho tàng này. Đây là một minh chứng cho lòng yêu nước, trung thành của nhân dân Việt Nam.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Lý Nhân Trần Đức Thuấn phát biểu cảm ơn và tiếp thu những ý kiến đóng góp, tham luận của các đại biểu, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại Hội thảo
Thứ tư, di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương cũng là một điểm du lịch hấp dẫn, vấn đề kết hợp giữa bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa. Những ý kiến đóng góp đã đưa ra các giải pháp sáng tạo để tạo ra trải nghiệm du lịch phong phú và giáo dục. Đồng thời, bảo vệ di tích khỏi những tác động tiêu cực, một trong những hoạt động đặc sắc là lễ hội Phát lương Đức Thánh Trần vào đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng. Ở đây ủng hộ tinh thần tái tạo từ truyền thống.
Thứ năm, chuyển đổi số có thể góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Những ý kiến này liên quan đến sử dụng công nghệ số trong quảng bá, truyền thông và trải nghiệm du lịch cũng như cách quản lý thông tin hiệu quả hơn. Đây là một phương thức mới cần khuyến khích phải số hóa.
Thứ sáu, Hội thảo nhấn mạnh phần quan trọng của việc liên kết du lịch với phạm vi rộng hơn. Những ý kiến đóng góp để du lịch trở thành động lực quan trọng đóng góp vào nền kinh tế cộng đồng và cải thiện chất lượng của cuộc sống cho người dân địa phương. Điều này đòi hỏi nỗ lực của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc xây dựng sản phẩm du lịch mới, phục hưng các di sản văn hóa của vùng Trần Thương, tạo liên kết nội vùng và ngoại vùng, tạo ra động lực du lịch cho Lý Nhân, Hà Nam và cả nước.
Các đại biểu và các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Bài, ảnh: THANH DANH