“Hợp tấu Việt Nhật - Ngân vang thế giới”

19 giờ ngày 22-12, tại Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội, đêm hòa nhạc “Hợp tấu Việt Nhật - Ngân vang thế giới”, do Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) phối hợp cùng Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng tổ chức, đã chính thức khai diễn, trong không gian nghệ thuật chuyên nghiệp, ấn tượng, thăng hoa cùng những âm hưởng, giai điệu trầm hùng, thấm đượm tình đoàn kết và hữu nghị giữa hai quốc gia.

Đêm hòa nhạc thắm tình hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam- Nhật Bản

Chương trình là dự án hợp tác đặc biệt, khép lại năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, nhằm gửi đi thông điệp về tình bạn và hòa bình đến thế giới. Đồng thời, khẳng định, “sức mạnh âm nhạc” có khả năng vượt qua khoảng cách về biên giới, chủng tộc, cũng như mang đến cho mọi người “niềm vui”, “sự can đảm” và “nụ cười”.

Đêm nhạc diễn ra với 2 phần: Tổ khúc Giao hưởng “Thiên Thanh”; Ludwig van Beethoven, Giao hưởng số 9 cung Rê thứ, Op.125.

Phần 1: Tổ khúc Giao hưởng “Thiên Thanh”

Mở màn đêm diễn, khán thính giả Việt Nam và quốc tế đã được thưởng thức một “bữa đại tiệc” của âm thanh và ánh sáng vô cùng đặc sắc, với tổ khúc 3 chương Thiên Thanh do các nghệ sĩ thanh thiếu niên tài năng của Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Việt Nam (VYO) trình diễn, dưới sự chỉ huy của giảng viên, nghệ sĩ độc tấu Phan Đỗ Phúc.

Tổ khúc giao hưởng Thiên thanh (2022), được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - tác giả âm nhạc của vở oprea nổi tiếng Công nữ Anio, đặc biệt sáng tác dành tặng cho Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Việt Nam. Tác phẩm không có bất kỳ giai điệu dân gian cụ thể nào, mà thay vào đó là những giai điệu nguyên bản được lấy cảm hứng từ âm hưởng dân gian của các vùng miền khác nhau trên đất nước Việt Nam. Chương 1 - Mường hoa xuân, thể hiện màu sắc Tây Bắc đặc trưng của vùng Tây Bắc Việt Nam; chương 2 - Trăng đại ngàn, gợi tả cảnh đêm cao nguyên giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ; và chương 3 - Kinh đô mở hội, mang tới không khí đại lễ hội cung đình của cố đô Huế.

Phần 2: Ludwig van Beethoven, Giao hưởng số 9 cung Rê thứ, Op.125

Đến với tác phẩm Giao hưởng số 9 cung Rê thứ, Op.125 - bản giao hưởng hoàn chỉnh cuối cùng của Ludwig van Beethoven, công chúng hoàn toàn mãn nhãn và được đắm chìm trong những âm hưởng sâu lắng, ngập tràn cảm xúc với phần trình diễn của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO), dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng tài hoa Honna Tetsuji. Tiết mục cũng có sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản: Phạm Khánh Ngọc (Soprano), Hanafusa Eriko (Mezzo Soprano), Serizawa Yoshimichi (Tenor), Nguyễn Phúc Tiệp (Bariton); cùng chỉ huy Nguyễn Hải Yến và Hợp xướng Quốc tế đặc biệt kỷ niệm 50 năm Việt Nam - Nhật Bản.

Tác phẩm là sự kết hợp hoàn hảo của âm nhạc và khí nhạc, được coi là kiệt tác của âm nhạc cổ điển phương Tây. Đặc biệt, chương cuối, có 4 giọng ca lĩnh xướng cùng dàn hợp xướng cất lên lời thơ “An die Freude” (Ode to Joy), với âm điệu lôi cuốn, đã làm rung cảm trái tim người nghe bởi ca từ mộc mạc, tôn vinh, ngợi ca phúc lành, và hướng tới tình hữu nghị, gắn kết con người với con người.

“Hợp tấu Việt Nhật - Ngân vang thế giới” là một trong hàng trăm sự kiện, hoạt động quan trọng, ý nghĩa được tổ chức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023). Dự án có quy mô lớn, thông qua nhịp cầu âm nhạc để thể hiện tinh thần giao lưu, gắn kết, trao gửi niềm tin vào thế hệ tương lai - những người trẻ cùng sứ mệnh, chung sức, đồng lòng lan tỏa tình yêu hòa bình, nhân loại.

Tin, ảnh: MINH HẰNG

;