Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nông thôn trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Văn hóa nông thôn chính là bức tranh thu nhỏ của xã hội Việt Nam, nơi hội tụ những phẩm chất tốt đẹp mà con người đã tạo dựng, vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Việc gắn kết tình làng, nghĩa xóm, giữa các gia đình với nhau đã trở thành một khía cạnh không thể thiếu, nó chính là sợi dây bền chặt để gắn kết con người, hình thành sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Nói đến nét đẹp giá trị văn hóa nông thôn là nói đến những gì tinh túy, bản chất nhất đã được chắt lọc, trao truyền từ thế hệ này sang thế khác, bao gồm cả những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, trở thành niềm tin, lẽ sống của mỗi người, có tác dụng điều chỉnh, thôi thức mọi thái độ, hành vi của con người đúng với chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống đạo lý dân tộc.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nông thôn là những hoạt động mang tính tích cực, chủ động của các cơ quan, chức năng, ban ngành địa phương và quần chúng nhân dân với nội dung, chương trình, kế hoạch cụ thể, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình đối với những giá trị văn hóa truyền thống. Đứng trước sự vận động, biến đổi và phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, có những người ở làng quê lên thành thị sinh sống, lập nghiệp, đã không giữ được hồn quê, bị thẩm thấu lối sống bon chen, ích kỷ, thiếu sự quan tâm với cộng đồng, chạy theo vật chất… Theo thời gian, nhiều phong tục, tập quán, nét đẹp truyền thống của làng quê bị phôi phai, mai một, có nơi con người sống vồ vập, thậm chí thương mại hóa lễ hội, biến những nơi linh thiêng, trang nghiêm thành nơi “buôn thần bán thánh”; một số làng nghề truyền thống không được bảo tồn, phát huy đúng mức; không ít di tích lịch sử văn hóa bị xuống cấp, xâm hại...

Có thể nói, trong những năm gần đây, ý thức trở về nguồn cội, dân tộc, trở về với giá trị văn hóa đích thực được mỗi người dân chú tâm nhiều hơn, cũng là bởi văn hóa nông thôn đã thực sự trở thành chiếc nôi thân yêu nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi con người.

Thiết nghĩ, để bảo tồn, phát triển những giá trị tốt đẹp của văn hóa nông thôn trước xu thế mở cửa, hội nhập cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa nông thôn. Đây là giải pháp quan trọng có ý nghĩa rất thiết thực, cụ thể, để mọi người, từ đội ngũ cán bộ các cấp, đến toàn thể nhân dân nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, phát triển giá trị tốt đẹp của văn hóa nông thôn. Đề án Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015 định hướng đến năm 2020 đã xác định quan điểm: “Thực hiện phát triển văn hóa nông thôn theo phương châm phát huy vai trò chủ động của cộng đồng dân cư địa phương là chính. Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ; đồng thời có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội hóa, huy động đóng góp của nhân dân để phát triển văn hóa nông thôn” (1).

Công tác tuyên truyền, giáo dục cần đi vào những vấn đề thực tiễn. Đó là các lễ hội truyền thống ở các làng, xã, thôn, bản phải được tổ chức chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn, vui tươi, tiết kiệm, có tác dụng khơi dậy truyền thống văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển; coi trọng các giá trị về phẩm chất đạo đức, lối sống của con người, tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, khó khăn; giáo dục, nhắc nhở con người giữ vững và phát huy truyền thống hiếu học, đấu tranh loại bỏ những hủ tục lạc hậu, những phong tục, tập quán rườm rà, cản trở sự tiến bộ, phát triển của xã hội… Những nội dung trên được thực hiện thông qua sự hướng dẫn của đội ngũ cán bộ các cấp gắn với việc xây dựng nông thôn mới và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Thứ hai, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở trong việc bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa nông thôn. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa các cấp cần nhận thức rõ và có những kế hoạch quyết liệt để xây dựng chương trình hành động, tạo sự đoàn kết thống nhất về tư tưởng và hành động giữa cán bộ và nhân dân. Vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở được biểu hiện trước hết ở việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội do địa phương tổ chức, phát động; gương mẫu đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ của địa phương, xây dựng hình ảnh người cán bộ tận tụy, gần gũi với nhân dân; bám sát cơ sở, hoạt động ở từng thôn, bản, nắm bắt kịp thời những tình huống, sự việc xảy ra trong thực tiễn cuộc sống; tích cực việc tham mưu, đề xuất với người đứng đầu địa phương về những nội dung, hình thức, phương thức bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa nông thôn… Muốn vậy, đội ngũ các cấp phải không ngừng tu dưỡng, phấn đấu học tập, rèn luyện về mọi mặt để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ kiến thức về văn hóa, tích cực, chủ động tham gia vào công tác hoạch định các hoạt động bảo tồn, tu bổ tôn tạo các di tích, xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác định hướng cho nhân dân đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không bị cuốn vào vòng xoáy của thông tin xấu độc, văn hóa phẩm đồi truỵ, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, tôn vinh, biểu dương đối với tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp vào hoạt động bảo tồn, phát hay các giá trị văn hóa nông thôn. Thực tiễn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nông thôn ở nước ta cho thấy, đa phần các làng quê vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống. Nhiều lễ hội, di tích lịch sử văn hóa đình, đền, chùa và các trò chơi dân gian ở làng quê đã được bảo vệ, phát huy hữu hiệu. Đó là minh chứng sinh động cho sự nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành địa phương và nhân dân trong thời gian qua. Hoạt động sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm cần phát huy tính dân chủ trong thảo luận, hiến kế của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm giữ gìn, bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa nông thôn; biểu dương, khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến đối với tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp; kịp thời bổ sung, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho việc bảo vệ, phát triển văn hóa nông thôn phù hợp với tình hình mới.

Văn hóa nói chung và văn hóa nông thôn nói riêng đã trở thành biểu tượng sáng ngời của bản lĩnh, ý chí và khát vọng hàng ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa nông thôn là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam, mỗi người đều phải ý thức sâu sắc về vai trò, nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, để chúng ta luôn giữ được hồn cốt, bản sắc của dân tộc ở bất kỳ môi trường, điều kiện nào, góp phần xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, bền vững.

______________

1. Quyết định số 22/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, ngày 5-1-2010.

Tác giả: Lê Thị Thùy Linh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

;