Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi với trên 1 triệu người sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có trên 600 nghìn người. Các DTTS của Thanh Hóa chủ yếu là: Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Mỗi dân tộc đều mang những nét đặc trưng riêng về văn hóa, tạo nên giá trị và bản sắc văn hóa xứ Thanh, rất cần được bảo tồn và phát huy.

Múa Pồn pôông của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Thanh Hóa

Trong kho tàng truyền thuyết, truyện cổ, ta bắt gặp cây Thần - cây Si trong mo Đẻ đất đẻ nước của người Mường cành ngả ra tới đâu thành bản thành làng tới đó. Hệ thống các nhân vật khổng lồ như: ông Thu Tha, bà Thu Thiên của người Mường, Ải Lậc Cậc, Khăm Panh của người Thái... lập nên những chiến công và kỳ tích phi thường, sáng tạo ra muôn vật, dạy cách trồng trọt, truyền nghề, đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ cuộc sống... Xứ Thanh có sử thi Đẻ đất đẻ nước - một áng Mo đồ sộ với trên 2 vạn câu đã phản ánh nhận thức của người Mường - Việt cổ về tự nhiên, xã hội, con người... Trải qua quá trình lao động, người dân xứ Thanh đã đúc rút và tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống: “Nói nhau đừng nói nặng/ Mắng nhau đừng mắng đau/ Đời có lúc thương nhau trở lại...”. 

Mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng, vừa thể hiện bản sắc tộc người, vừa góp phần làm phong phú, đa dạng cho nền văn hóa chung. Do vậy, công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ấy, trong bối cảnh hiện nay, càng cần được quan tâm. Những năm qua, hệ thống văn hóa từ tỉnh tới cơ sở đã coi trọng việc phát hiện, bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng, phát hiện những giá trị mới về văn học - nghệ thuật của các dân tộc thiểu số. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc như các lễ hội tín ngưỡng dân gian, hội thi liên hoan văn hóa các dân tộc, tiếng nói, chữ viết, trang phục, các nghề thủ công truyền thống, các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ... đã và đang được bảo tồn và phát triển. Điển hình như các Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, Căm Mương, Mường Xia, Ca Da, tục Cầu mưa, chữ Thái cổ, tục ngữ, ca dao... (dân tộc Thái); Pồn Pôông, múa hát quanh cây bông, “Trò ma”, Séc bùa, Lễ hội Khai hạ, mo Mường, Lễ tục Làm vía kéo si, dân ca Mường... (dân tộc Mường); Lễ Cấp sắc, Tết Nhảy, múa Chuông, múa Rùa (dân tộc Dao); trang phục truyền thống dân tộc Thổ; người Khơ mú có lễ Cầu mưa... đã được nghiên cứu, phục dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của đồng bào.

Đồng bào các dân tộc thiểu số bao đời nay cư trú trên đôi bờ sông soi hình bóng núi có vốn tri thức văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc và phong phú như: Khặp (Thái), Pả dung (Dao), hát Gầu (Mông), hát Tơm (Khơ Mú), Xường, Đang (Mường)... Dân tộc Thái có đến 4,5 loại Khặp, người Mường có hệ thống Xường mà ít nơi có được. Đó là một loại hát giao duyên có cung bậc, lời ca phản ánh tâm hồn của họ với nhiều cung bậc tình cảm thiết tha mà đằm thắm: “Xường Mường Trám/ Ngâm xuống nước đến tám mươi đời/ Khi vớt lên vẫn còn tươi nguyên giọng ấy/ Xường Mường Trám không bán lấy lúa, lấy tiền/ Ai vừa tinh vừa duyên thì cùng vào hát”. Đồng bào DTTS với nhiều làn điệu dân ca phong phú và đặc sắc như: Hát giao duyên, dân ca nghi lễ, hát đối đáp, hát ru... Trong các làn điệu dân ca của người Thổ, loại hình hát đối đáp trở nên phổ biến và bao giờ cũng được hát giữa một người nam với một người nữ hoặc một bên là nam và bên kia là nữ. Họ hát giữa người trong làng với nhau và thường hát giữa người làng này với người làng khác. Hát đối đáp có nhiều nội dung như: Hát ca ngợi cảnh đẹp của quê hương, đất nước, hát kể công ơn của anh hùng dân tộc, tri ân tổ tiên, hát Mời trầu, hát Ướm hỏi, hát Đố, hát Giã cốm, hát Thề ước, hát Cách xa, hát Trách... diễn tả nhiều cung bậc tình cảm của nam nữ, lứa đôi. Thương nhau không kể xa gần/ Khe sâu cũng lội, thác ghềnh cũng qua/ Đến đây thì ở lại đây/ Bao giờ bộn rễ xanh cây hãy về...

Cùng với các làn điệu dân ca, dân vũ ở xứ Thanh cũng không kém phần phong phú và đặc sắc. Nói đến trò diễn đồng bào Thái có múa Quạt, múa Nón, trò diễn Kin chiêng Boọc Mạy; đồng bào Mường có múa Pồn Pôông; người Dao có múa Rùa, múa Bát; người Mông có múa Ô, múa Khèn người Thổ có múa Giã cốm... Trong số các dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa, người Thái, Khơ mú và người Mường có trò diễn dân gian khá độc đáo. Đó là các trò diễn Kim chiêng Boọc Mạy, có nơi gọi là Siềng Khàn. Phổ biến nhất là Chá chiêng. Trò diễn này xuất phát từ lễ tạ ơn các vị thần sư và các thầy bà đồng, thầy thuốc đã có công chữa khỏi bệnh cho con người. Lễ này ở người Thái - Khơ Mú thường diễn ra vào mùa khô, ở người Mường diễn ra vào tháng Giêng hoặc tháng Ba khi có hoa bông trăng. Cái chung ở trò này là có cây bông bằng gỗ làm từ cây chạng bạng nên người ta còn gọi là trò Pồn pôông. Trò này có phần lễ khá đơn giản, cúng thần nổ, sau đó là các trò chơi, nhảy múa xung quanh cây bông, có trống dàm khua luống đệm theo nên khá vui. Các trò chơi này còn thô sơ. Đó là những trò nhại dân gian theo các động tác công việc làm ruộng rẫy, săn bắn, hái lượm: Loại này thường thấy ở người Mường - Ngọc Lặc, người Thái - Như Thanh, Thường Xuân. Trò diễn Pồn Pôông ở làng Muốt, ở Mường Điền… Sau lễ không có trò chơi mà lại có hát đối đáp giữa bà Đồng với “Con mày, con nuôi” “Trai mười bảy gái mười ba”, quanh cây Bông có dắt những chùm hoa bông trăng. 

Di sản âm nhạc gian của đồng bào DTTS xứ Thanh chứa đựng nhiều sắc thái tình cảm, âm nhạc cồng chiêng có chủ yếu ở hai dân tộc Mường và Thái. Người Mường có hát Sắc bùa là một thú chơi xuân, giao lưu văn hóa giữa các Mường trong mùa Xuân rất lãng mạn. Dàn cồng 12 chiếc đã làm cho hòa âm, tiết tấu vui tươi và lời ca đẹp làm phấn khởi lòng người. Đặc biệt, người Mường Thanh Hóa có dàn trống dàm độc đáo, rất vui nhộn, âm thanh rộn ràng, thúc giục lòng người; Người Thái có Khua luống, Khèn bè, Sáo ôi, Pi é, Pi mốt. Người Mông có Kèn lá, Kèn môi, Khèn. Người Thổ sử dụng thành thạo đàn môi, sáo, kèn, đánh trống đất. Cồng chiêng được sử dụng trong cuộc sống thường ngày. Nhạc cụ truyền thống này kết hợp với trống được sử dụng trong dịp lễ, Tết, hội hè, đón khách, mừng nhà mới, mừng đứa trẻ chào đời, sử dụng trong cưới hỏi, hát đối đáp nam nữ, tiễn biệt người quá cố về với ông bà, tổ tiên. Ngoài những nhạc cụ trên, người Thổ còn có đàn Tính tang. Đàn Tính tang làm bằng một ống tre có 2 dây bằng cật tre căng ngang, khi sử dụng dùng một hoặc hai thanh tre gõ lên những dây này tạo thành âm thanh đệm cho sinh hoạt văn nghệ dân gian và được mọi người sử dụng thành thạo. Cùng với nhạc cụ bằng tre, người Thổ còn dùng các ống nứa khô - một tay cầm ống nứa, một tay cầm que gõ theo nhịp - tạo nên những âm thanh rất đặc trưng của núi rừng như tiếng thác reo, suối chảy, tiếng lá khô xào xạc, vượn hót, chim kêu.… Các loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, giàu giá trị, nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm của con người, cũng góp phần làm phong phú đời sống văn hóa - tinh thần người dân. Đồng thời, phản ánh một phần lịch sử, phong tục, tập quán của tộc người trong diễn trình lịch sử dân tộc.

Những giá trị văn hóa đặc sắc trải qua hàng nghìn năm đã hun đúc và tạo nên tính cách con người xứ Thanh anh dũng, quật cường, thấm đẫm tính nhân văn, giàu đức hy sinh vì nghĩa lớn, vì sự trường tồn của dân tộc, cần được bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa trong thời kỳ đổi mới, hội nhập hôm nay và mai sau. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS mặc dù đã đạt được nhiều kết quả song trên thực tế, công tác này vẫn còn không ít  bất cập. Điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên việc huy động nguồn lực vật chất của chính quyền địa phương và của chính bản thân đồng bào trong việc duy trì, bảo vệ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể vẫn còn hạn chế, cần phải có nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nữa.

Bài và ảnh: LÊ HƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 594, tháng 1-2025

;