Bảo tồn giá trị văn hóa trong luật tục về bảo vệ rừng của người Hà Nhì

1. Sơ lược về người Hà Nhì 

Người Hà Nhì là một dân tộc sinh sống lâu đời ở môi trường rừng núi, nguồn sống dựa vào rừng, địa bàn cư trú chủ yếu ở Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên... Từ lâu, tổ tiên người Hà Nhì đã xây dựng nên một hệ thống các tập tục riêng trong việc ứng xử với rừng và nguồn nước.

Khí hậu vùng người Hà Nhì cư trú chịu ảnh hưởng của khu vực nhiệt đới gió mùa. Từ hàng ngàn năm nay, trên vùng núi non hiểm trở này đã rất phong phú về các chủng loài động, thực vật. Người Hà Nhì đã biết tận dụng nó để phục vụ cho cuộc sống mưu sinh của mình. Họ canh tác lúa nước trên ruộng bậc thang và làm nương rẫy. Kết hợp với chăn nuôi phục vụ lao động sản xuất là đặc trưng sản xuất của đồng bào. Các loại gia súc chính là ngựa, trâu, dê, lợn, gà, ngan, vịt...

Kiến trúc kiểu nhà trình tường đắp đất kín bưng, đây là dạng nhà cố thủ. Tuy nhiên, không phải vùng nào cũng làm nhà trình tường để ở. Mỗi bản Hà Nhì một vài nơi có hàng trăm hộ, còn lại đa số từ vài chục hộ thành một làng.

Về tôn giáo tín ngưỡng: Ngoài việc thờ cúng tổ tiên, người Hà Nhì còn thờ cúng chung thần bản mệnh cộng đồng làng, thần đất, thần rừng... Giữa các vùng và giữa các nhóm có sự thờ cúng khác nhau. Cụ thể như người Hà Nhì đen ở Lào Cai trong bất cứ lễ cúng nào, khi cúng không nói thành lời như người Hà Nhì cồ chồ và Hà Nhì lạ mí ở Lai Châu. 

Phong tục tập quán của người Hà Nhì liên quan đến chu kỳ vòng đời có sắc thái đặc trưng riêng của từng dân tộc, từng nhóm ngành. Trai gái tự do tìm hiểu trước khi hôn nhân, có lựa chọn ngày giờ cưới rất cẩn thận. Trong phong tục tang ma, người Hà Nhì giữa các vùng có khác nhau, nhưng có một số điểm chung. Khi nhà có người chết phải chọn ngày giờ tốt mới chôn. Phong tục sinh đẻ có nhiều tri thức, kinh nghiệm chăm sóc trẻ em. Khi khó sinh, đồng bào chữa mẹo bằng cách lấy ống mai đựng đầy nước, trong có để một que sắt rồi cho người trèo lên mái nhà vén gianh thả xuống nổ to, nước tung tóe que sắt văng ra ngoài. Như thế để sản phụ giật mình rặn đẻ được tốt hơn, tư thế đẻ quỳ (giữa các vùng có sự khác nhau). Phong tục làm nhà nổi tiếng với ngôi nhà trình tường bốn góc, lợp mái cỏ gianh, khung gỗ ở trong, nhà có một nửa sàn gỗ, một nửa sàn đất. Trình tường có độ dày 50-60cm, trong có cốt đá, dùng búa đục đẽo đá để kê xếp làm móng cho chắc nhà. Nhà chỉ duy nhất có một cửa ra vào, ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Thường dùng phân trâu để trát lên ván mái để cách nhiệt và chống hỏa hoạn...

Người Hà Nhì vốn sống trên những vùng núi cao, rừng là nơi cung cấp các nguồn thức ăn, cung cấp vật liệu làm nhà, đồ dùng, củi đốt. Rừng được chú trọng và có ý nghĩa về mặt tâm linh, tri thức dân gian bảo vệ rừng (hương ước, nội quy do người dân tự đề ra và thực hiện).

Có thể nói di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của người Hà Nhì rất đa dạng và phong phú với đầy đủ các nghề thủ công truyền thống: đan lát, chạm khắc bạc... văn hóa dân gian với lễ, Tết đặc sắc. Người Hà Nhì có nhiều truyện cổ, có cả truyện thơ dài (trường ca), có điệu múa riêng, có nhiều thể loại hát: hát ru, hát đối, hát đám cưới, hát đám ma, hát mừng nhà mới, hát tiếp khách quý, hát trong ngày tết... và có nhiều loại nhạc cụ: kèn lá, đàn môi, sáo dọc, đàn tròn... Những giá trị văn hóa đó cần được bảo tồn và phát huy.

2. Nhận thức về rừng của người Hà Nhì

Theo Luật Lâm nghiệp (2017), rừng tín ngưỡng là rừng gắn liền với niềm tin, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng. Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh, kết hợp du lịch sinh thái: nghỉ dưỡng, giải trí. Trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng, bao gồm: Vườn quốc gia; Khu dự trữ thiên nhiên; Khu bảo tồn loài - sinh cảnh; Khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

Nhà nước giao rừng đặc dụng không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng, trong đó có: cộng đồng dân cư đối với khu rừng tín ngưỡng mà họ đang quản lý và sử dụng theo truyền thống.

Việc khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng, đối với rừng tín ngưỡng, được khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, thực vật rừng, nấm, lâm sản ngoài gỗ; khai thác gỗ phục vụ mục đích chung của cộng đồng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (1). 

Người Hà Nhì ở đâu cũng rất coi trọng rừng. Họ hiểu rằng rừng mang lại rất nhiều sản vật: gỗ làm nhà cửa, chuồng trại và đồ dùng, củi đun, sưởi qua mùa đông giá rét; là bãi chăn thả gia súc phục vụ chăn nuôi; là nơi bảo vệ nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của thôn. Rừng còn cho các loại cây ăn quả, các loại chè, cung cấp các loại thảo dược có tác dụng chữa nhiều loại bệnh. Ngoài ra, rừng còn có một số tác dụng to lớn khác như phòng hộ, chống sạt lở núi và lũ quét...

Vì những quan niệm đúng đắn trên, người Hà Nhì rất coi trọng vai trò của rừng. Cũng từ đó mà đồng bào có ý thức bảo vệ rừng, thể hiện qua tập quán và cách ứng xử của cộng đồng với rừng. Từ xa xưa, người Hà Nhì đã lựa chọn và quy định những khu rừng cấm có vai trò quan trọng đối với đời sống tâm linh của cộng đồng. Trong mỗi thôn bản của người Hà Nhì ở Ka Lăng (Lai Châu), Y Tý (Lào Cai) có 2 khu rừng cấm là Gạ ma và Khò lò. Với người Hà Nhì, các yếu tố rừng cấm, thần rừng, cây thần, miếu thờ thần rừng và mối quan hệ giữa hướng thôn, hướng nhà, miếu thờ thần rừng đều được hiểu một cách trực quan, sinh động.

Rừng cấm (rừng thiêng): Về tự nhiên, những khu rừng được chọn làm rừng cấm có những đặc điểm như diện tích của mỗi khu rất nhỏ và gần khu dân cư, xa nhất cũng không quá 500m. Nơi tọa lạc của rừng cấm không theo hướng mà theo thế đất. Theo đó, rừng cấm thường ở những nơi cao ráo (lưng chừng núi) ở phía sau bản, không bao giờ chọn ở trong khe hay thấp hơn khu dân cư và ở phía trước bản. Nơi được chọn làm rừng cấm bao giờ cũng phải có ít nhất 1 cây gạo mọc tự nhiên mới đảm bảo yếu tố thiêng. Nói cách khác, rừng cấm theo quan niệm của người Hà Nhì là nơi có thần rừng ngự trị trong thân cây thần (cây gạo), gần khu dân cư để thần linh có thể bao quát và bảo vệ cho dân bản.

Thần rừng: Thần rừng trong quan niệm của người Hà Nhì vốn là những vị nhiên thần xuất hiện cùng với sự xuất hiện của vũ trụ. Ngoài ra, không có ai có thể giải thích thêm về nguồn gốc của các vị thần cũng như có thể kể ra được những truyền thuyết hay huyền thoại của thần. Tuy nhiên, các cụ già cao tuổi nói rằng thần rừng của hai khu rừng cấm là hai vợ chồng. Trong đó, thần rừng Gạ ma là thần chồng, Khò lò là thần vợ. Hai vợ chồng thần rừng giữ các chức năng khác nhau. Trong đó, Gạ ma phù hộ săn bắt, sức khỏe, sự phồn vinh, hưng thịnh của cộng đồng. Còn Khò lò phù hộ trồng trọt, chăn nuôi và sinh đẻ. Như vậy, từ quan niệm “Cái gì cũng phải có đôi mới tốt”, người Hà Nhì từ xưa đã xây dựng lên ở miếu vạn thần của mình một đôi vợ chồng thần rừng làm thần bảo hộ cho cộng đồng. Các vị thần ấy có quyền năng và sức mạnh của các đấng siêu nhiên nhưng lại thật gần gũi và “rất người”. Các chức năng của thần chồng và thần vợ không có gì khác với các thiên chức theo giới tính của con người mà người Hà Nhì đã theo đó mà áp dụng để phân công lao động trong gia đình.

Cây thần: trong các khu rừng cấm của người Hà Nhì ở Ka Lăng bao giờ cũng là cây gạo, bất kể cây to hay nhỏ, cao hay thấp; cứ một cây gạo nào cao khoảng 4m trở lên đều có thể được chọn miễn sao cây ấy phải là cây gạo lớn nhất khu vực đó. Về nơi tọa lạc của cây gạo trong khu rừng thiêng, không có quy định mang tính chuẩn mực nào. Cây ấy có thể mọc giữa bãi, có thể mọc sát vách đá hay mọc ở đầu dốc đều được. Chỉ có điều khu vực được lựa chọn ấy phải có một bãi bằng rộng, mặt bằng của nó có thể đáp ứng được nhu cầu cúng tế, vui chơi, liên hoan của dân bản trong những ngày lễ hội.

Miếu thờ: người Hà Nhì gọi miếu thờ là hu chu. Theo đó, miếu thờ thần chồng gọi là Gạ ma hu chu, miếu thờ thần vợ gọi là Khò lò hu chu. Do quan niệm thần rừng ngự ở cây thần, nên miếu thờ bao giờ cũng được làm ở chân cây cây gạo. Miếu thờ của người Hà Nhì đơn giản, chỉ là hai miếng đá phẳng và có hình dáng vuông vắn - thiên về chiều dài. 

3. Luật tục về bảo vệ rừng và nguồn nước

Quy định về bảo vệ và chăm sóc rừng thiêng 

Rừng thiêng và các yếu tố liên quan đến rừng thiêng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Hà Nhì. Chính vì lẽ ấy, đồng bào đã có những quy định khá chặt chẽ về việc bảo vệ và chăm sóc các khu rừng. Những quy định của người Hà Nhì đã được cụ thể hóa thành những quy ước (hương ước bất thành văn) và được thảo luận công khai, dân chủ trong các cuộc họp toàn bản hằng năm. Cụ thể là: Cắt cử người chăm sóc, bảo vệ rừng thiêng: việc lựa chọn người chăm sóc, bảo vệ và chăm lo việc cúng lễ được tổ chức trong lễ cúng thần rừng Gạ ma, đó là Mí cù (người bảo vệ rừng) và phó Mí cù (người phụ tá). Trong ý thức tâm linh, người Hà Nhì cho rằng, thần rừng có một đôi thần chồng - vợ, vì vậy, Mí cù và phó Mí cù cũng là một “đôi vợ chồng” (trên thực tế, hai người này đều là đàn ông).

Tiêu chuẩn để lựa chọn Mí cù và phó Mí cù: người nhanh nhẹn, hoạt bát; những “cái lý” của cộng đồng; có uy tín, được cộng đồng tin cậy; có con cháu đề huề, vợ còn sống và khỏe mạnh; được thần rừng phù hộ, chưa bao giờ bị tai nạn trong rừng như bị các vết thương do va phải các gốc cây, ngã vực hay bị thú dữ tấn công.

Việc lựa chọn Mí cù và phó Mí cù không diễn ra đều đặn hằng năm mà chỉ khi nào Mí cù, phó Mí cù chết hoặc mất đi một trong những tiêu chuẩn kể trên thì dân thôn mới tiến hành lựa chọn Mí cù mới. Nhiều dân tộc hiện còn sống trong hình thái cộng đồng công xã. Đối với người Hà Nhì, làm một chức sắc đại diện cho cộng đồng thực hiện việc giao tiếp với thần linh là một vinh dự lớn. Trên thực tế, người được làm Mí cù hay phó Mí cù luôn được cộng đồng coi trọng. Bởi đó là những người đã được thần linh lựa chọn trong mọi cuộc lễ, tiệc hay xảy ra các vụ việc có liên quan đến cộng đồng (cãi vã, kiện tụng, tranh chấp...), Mí cù và phó Mí cù luôn là những người được ngự ở vị trí trang trọng (ngồi ở vị trí trên trong các buổi tiệc rượu, được đưa ra ý kiến hoặc mang tính quyết định khi giải quyết các sự vụ cần có sự can thiệp của cộng đồng...). Ngoài ra, Mí cù và phó Mí cù không được hưởng bất kỳ một nguồn lợi vật chất nào khác. Đây cũng là một đặc điểm thường thấy trong các xã hội cộng đồng công xã.

Về nghĩa vụ, hằng năm Mí cù và phó Mí cù sẽ triệu tập toàn thôn để họp bàn về việc cúng rừng trước mỗi lễ cúng. Trong các lễ cúng, hai ông này là những đại diện cho dân thôn tổ chức cúng tế thần rừng. Mỗi khi có sự vụ xảy ra mà cộng đồng phải cùng giải quyết, hai ông sẽ phải cùng già làng, trưởng thôn giải quyết. Những người vi phạm luật tục của cộng đồng nói chung, những quy định về bảo vệ rừng thiêng nói riêng, các ông cũng là người đưa ra quyết định cuối cùng về việc xử phạt (trên cơ sở luật tục và sự bàn bạc, thảo luận của các thành viên trong cộng đồng).

Những kiêng kỵ trong các khu rừng thiêng: cũng như nhiều dân tộc khác, rừng cấm - không gian thiêng của người Hà Nhì cũng có những quy định đã trở thành luật tục buộc mọi người phải tuân theo. Những kiêng kỵ ấy được áp dụng chung cho cả hai khu rừng cấm. Đối với việc ra vào, đi lại ở các khu rừng cấm vào ngày thường thì không cấm bất kỳ ai, nhưng nếu đã ở trong rừng cấm tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy, phóng uế. Vào những ngày lễ, việc cấm kỵ càng nghiêm ngặt hơn. Những kiêng kỵ trong rừng cấm vào ngày thường được áp dụng trong không gian cả bản vào ngày lễ. Riêng với các khu rừng cấm, vào những ngày ấy người ta cấm các đối tượng vào rừng cấm là phụ nữ, những nam giới là thành viên của những gia đình có con chết yểu. Ngoài ra, vào ngày lễ, tất cả nam giới vào rừng cấm không được mặc trang phục có màu trắng hay mang những vật dụng màu trắng vì người Hà Nhì cho rằng, màu trắng là màu của tang tóc. Như vậy, những kiêng kỵ của người Hà Nhì đối với các khu rừng cấm nhằm tránh những điều không may mắn đối với sức khỏe và sinh mạng con người; đồng thời đó cũng là một cách thể hiện lòng thành kính theo cách hiểu của người Hà Nhì đối với thần linh.

Quy định về bảo vệ và chăm sóc các khu rừng trong địa vực cư trú: Là một dân tộc sớm có tính kỷ luật và tinh thần tự giác bảo vệ các nguồn tài nguyên có lợi cho cuộc sống con người, người Hà Nhì xưa nay đều có những quy ước chung về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, rừng là một đối tượng bảo vệ trọng tâm. Các quy ước của người Hà Nhì không áp đặt cố định qua nhiều đời, nhiều thế hệ mà nó thường xuyên được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Hiện nay, quy ước của người Hà Nhì ở bản Lò Ma (Mường Tè, Lai Châu) về việc bảo vệ rừng như sau: cấm thả rông gia súc; cấm không được áp dụng các hình thức săn bắt mang tính chất hủy diệt như đốt rừng để lùa thú, dùng thuốc nổ để bắt cá hay sử dụng các loại bẫy lưới, bẫy chuồng, bẫy bằng bãi chông; săn bắn vận chuyển con thú nhỏ như: sóc, cầy, cáo, chồn sẽ bị xử phạt 5 ngày lao động công ích tương đương với 50 nghìn đồng/ ngày; săn bắn vận chuyển loại thú quý hiếm như: Voọc đen, voi, gấu, hổ, báo, tê giác bị xử phạt 5 ngày lao động công ích tương đương với 50 nghìn đồng/ ngày và bị tịch thu toàn bộ tang vật (số liệu thu thập trước năm 2010). Điều khoản này cũng được người Hà Nhì áp dụng từ lâu cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị; nghiêm cấm đốt lửa ở ven và trong các khu rừng nguyên sinh; việc sản xuất nương rẫy phải đúng vùng quy hoạch của thôn và của xã. 

Các kinh nghiệm dân gian trong vấn đề bảo vệ rừng: người Hà Nhì hiện nay đã tích lũy được cho mình nhiều kinh nghiệm về chăm sóc và bảo vệ rừng. Các kinh nghiệm ấy được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác theo lối truyền khẩu và được gìn giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay. Các kinh nghiệm ấy đã được cụ thể hóa thành những hành vi ứng xử thiết thực và có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ vốn tài nguyên rừng theo hướng bền vững. 

Trong hái lượm: người Hà Nhì ở Ka Lăng cũng có những ứng xử rất nhân văn với rừng. Đối với các loại rau, măng, nấm, củ, thân cây có bột và quả, đồng bào không bao giờ khai thác theo lối hủy diệt. Các cây được khai thác bao giờ cũng được để lại gốc một phần thân, lá, củ (nếu có) để cho cây hồi sinh. Với những tổ côn trùng còn nhỏ, đồng bào đánh dấu để dành và chỉ khai thác khi tổ đã to. Với người Hà Nhì, việc đánh dấu sản vật được cả cộng đồng tôn trọng. Ai nhìn thấy sản vật đã được đánh dấu (sản vật đã có chủ) thì người ta sẽ không bao giờ xâm hại. Đây cũng là một tập tục tốt cần được bảo tồn.

 Trong khai thác gỗ: Đối với việc khai thác gỗ làm nhà của mỗi gia đình đều phải tuân theo những quy định chung của cộng đồng và phải thông báo cho trưởng bản và Mí cù. Với người Hà Nhì, mỗi lần làm nhà, gia đình chỉ được phép vào rừng 2 lần: Lần thứ nhất được lấy gỗ về làm cột, xà và kèo; lần thứ hai được lấy vầu, tre về đan gác và tấm ngăn. Gỗ quy định lấy về để làm 1 ngôi nhà tối đa là 15 cây và không được chọn cây quá lớn, không được chặt hạ bừa bãi... Những quy định ấy được giám sát bởi Mí cù và trưởng thôn. Đối với việc lấy củi cũng được giám sát chặt chẽ. Số lượng củi được lấy tùy thuộc vào số nhân khẩu và nhu cầu thực tế của mỗi gia đình. Củi được phép lấy phải là củi khô, tuyệt đối không lấy gỗ tươi từ những cây còn sống.

Ứng xử trong khai thác gỗ của người Hà Nhì cũng có những nét riêng, độc đáo mang sắc thái tộc người rõ nét. Đồng bào có tục mỗi khi chặt hạ một cây to thì phải trồng lại một cây non mới ở bên cạnh vị trí cây đã chặt hạ. Vào trước mùa mưa bão, cả cộng đồng do Mí cù dẫn đầu - mỗi người một con dao vào rừng phát tỉa cành của những cây to, tán rộng, rễ chùm có nguy cơ đổ. Đồng thời, vào Tết 5-5 âm lịch hằng năm, cả cộng đồng cũng do Mí cù dẫn đầu sẽ vào rừng bắt sâu cho cây. Đây là một nghi thức mang tính tượng trưng với niềm tin là sâu bệnh sẽ sợ mà bỏ chạy, không làm hại đến cây rừng trong địa vực của thôn nữa.

Các kinh nghiệm dân gian và những ứng xử cụ thể với rừng của người Hà Nhì là những đặc trưng văn hóa đã trở thành các giá trị độc đáo và đặc sắc. Chính từ những kinh nghiệm và những ứng xử cụ thể ấy mà người Hà Nhì là một trong số ít các dân tộc ở Việt Nam cho đến nay vẫn bảo tồn được những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn với sự phong phú và đa dạng của các chủng loài động thực vật.

Quy định về bảo vệ nguồn nước

Nguồn nước chảy ra từ trong rừng là nguồn tài nguyên quan trọng đối với cuộc sống của người Hà Nhì. Họ luôn có ý thức và kinh nghiệm trong việc bảo vệ nguồn nước, với những quy định như: cấm làm nhà và chuồng trại gia súc trên đầu nguồn nước làm ô nhiễm nguồn nước; không được chặt phá khu rừng đầu nguồn để ảnh hưởng đến nguồn nước làm cho nó cạn kiệt; thường xuyên khai thông nguồn nước, hằng năm mọi người tổ chức đi lao động để khai thông dòng suối dẫn nước sinh hoạt về làng và chảy tràn ruộng bậc thang; không được phát rừng, rẫy làm nương ở khu vực đầu nguồn; không chăn thả trâu bò ở những khu vực đó; cấm săn bắn thủy hải sản bằng chất nổ, chất cháy, dùng xung điện, thuốc độc thả xuống nước.

Rừng và nguồn nước có mối liên quan mật thiết nên bảo vệ rừng cũng là bảo vệ nguồn nước và ngược lại, muốn bảo vệ nguồn nước cũng là bảo vệ rừng. Đơn giản là vì nguồn nước cũng ở trong rừng chảy ra. Khi rừng bị tàn phá thì đương nhiên nguồn nước sẽ bị ảnh hưởng.

Những quy định về bảo vệ và chăm sóc rừng thiêng, chăm sóc các khu rừng trong địa vực cư trú và những quy định về bảo vệ nguồn nước trên cho thấy người Hà Nhì ở Ka Lăng cũng như ở Y Tý và nhiều nơi khác xưa nay đã đề ra quy định, quy ước rất phù hợp với tình hình mới - khi mà mọi hành vi được xem là tội phạm đều bị pháp luật của Nhà nước xử lý. Do đó, việc gắn liền các quy định, quy ước của thôn với pháp luật của Nhà nước là một cách làm đúng đắn, một công cụ hữu hiệu trong việc khai thác và bảo vệ rừng.

4. Giải pháp bảo tồn

Hệ thống luật tục của người Hà Nhì ở Ka Lăng cũng như ở Y Tý và nhiều nơi khác cho đến nay vẫn phát huy có hiệu quả đối với người Hà Nhì. Tuy nhiên, trong lớp trẻ người Hà Nhì hiện nay đang có sự phân hóa. Một bộ phận vẫn trung thành với những luật tục của cha ông mà hạt nhân là những cán bộ kiểm lâm tình nguyện. Một bộ phận ít hơn thì bị hút vào những cám dỗ của kinh tế thị trường, của cuộc sống thực dụng. Mặt trái của nền kinh tế mới đang là những thách thức không nhỏ đặt ra đối với ngành Quản lý văn hóa trong công cuộc gìn giữ những bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các tộc người. Trong đó, các luật tục về rừng là một trong những nhân tố cơ bản của bản sắc văn hóa Hà Nhì đang đứng trước nguy cơ biến dạng và mai một.

Những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đã được các chế độ xã hội tôn trọng, thừa nhận. Các làng bản của các dân tộc thiểu số là xã hội có tổ chức với thiết chế tổ chức quản lý xã hội và quản lý tài nguyên theo hình thức tự quản, đứng đầu là già làng hoặc trưởng làng do cộng đồng bầu hoặc thừa kế, được cả cộng đồng tôn trọng và tín nhiệm. Làng bản có phương thức quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả theo văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, theo quy ước hay hương ước bất thành văn, còn gọi là luật tục. “Rừng của làng bản” có vai trò và tác dụng như vậy. Nhưng đến nay, việc giao rừng cho cộng đồng dân cư và dùng luật tục dân tộc để quản lý, sử dụng, bảo vệ, phát triển rừng ở các cấp, các ngành vẫn chưa nhất quán, với nhiều cách hiểu, cách làm khác nhau, chưa thuận lòng dân. Ở không ít nơi, người dân bức xúc vì thiếu đất sản xuất, thậm chí thiếu đất rừng để thực hành văn hóa tín ngưỡng, sinh kế gắn với rừng.

Vậy nên, vấn đề quan trọng trong xây dựng pháp luật, chính sách và tổ chức thực hiện là cần phát huy được bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong quản lý, bảo vệ và phục hồi rừng. 

Một là, phải coi trọng việc giao rừng cho cộng đồng dân cư, gắn kết hài hòa, hiệu quả giữa luật pháp và luật tục. Đồng bào mong muốn Đảng và Nhà nước sớm điều chỉnh, phân bổ lại rừng, đất rừng có lý và có tình, phù hợp phong tục tập quán; ưu tiên giao đất rừng và làm nghề rừng cho dân, để họ sống được bằng nghề rừng.

Hai là, các cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương cần tiếp tục sửa đổi, nghiên cứu sâu hơn, bài bản hơn về các luật tục của người Hà Nhì và các tộc người khác ở các địa phương khác nhau; hệ thống hóa, xuất bản thêm các tài liệu; xây dựng thêm các bài học trong các trường học phổ thông ở địa phương có đồng bào Hà Nhì cư trú. 

Ba là, cộng đồng các dân tộc trong việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa ở địa phương có rừng phải đảm bảo sự hài hòa với môi trường, tạo ra các nguồn lực để bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên và văn hóa ngày một tốt hơn, khoa học và hiệu quả hơn trước các thách thức của sự phát triển kinh tế.

Những kinh nghiệm, tri thức của người Hà Nhì về bảo vệ rừng và nguồn nước là những giá trị văn hóa đặc sắc cần được trân trọng, gìn giữ và phát huy tốt hơn nữa. Làm được điều đó, chúng ta sẽ góp phần làm cho kinh tế - văn hóa ở địa phương phát triển bền vững theo đúng mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa hiện nay.

__________________

1. Luật Lâm nghiệp, thuvienphapluat.vn, 2017.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn.Văn Huy, Nếp sống Văn hóa nhóm ngôn ngữ Hà Nhì - Lô Lô, Nxb Văn hóa xã hội, Hà Nội, 1985.

2. Chu Thùng Liên, Tìm hiểu Văn hóa dân tộc Hà Nhì ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004.

3. Tỉnh ủy UBND tỉnh Lai Châu, Lai Châu - một trăm năm lịch sử và phát triển, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2009.

4. Vụ Văn hóa dân tộc, Sổ tay công tác VHTT về dân tộc thiểu số và miền núi, Hà Nội, 2003.

PGS, TS PHAN VĂN TÚ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 527, tháng 3-2023

;