Làng lụa Vạn Phúc (hay còn được gọi là làng lụa Hà Đông) nằm tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội hơn 10km, là một trong những làng lụa dệt tơ tằm đẹp và nổi tiếng nhất Việt Nam. Phát triển du lịch tại làng lụa Vạn Phúc không chỉ bảo tồn nét văn hóa truyền thống mà còn giải quyết được công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương. Đồng thời, giúp phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường hội nhập, thu hút đông đảo khách du lịch ghé thăm.
Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, xưa là làng Việt cổ (nhất thôn, nhất xã) có nghề dệt lụa nổi tiếng từ lâu đời. Nằm ngay cạnh làng lụa Vạn Phúc là làng nghề dệt in hoa thôn Ỷ La, làng nghề dệt vải thôn La Dương, làng nghề dệt in hoa La Nội thuộc xã Dương Nội. Từ đây, theo quốc lộ 6 là tới làng rèn Đa Sĩ - một làng quê hiếu học, giỏi nghề.
Các làng nghề ở Hà Đông đều là những làng nghề truyền thống, có lịch sử lâu đời. Trải qua nhiều thăng trầm, ngày nay, các làng nghề đều được khôi phục và phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Quận Hà Đông. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề chiếm 55% tổng giá trị sản lượng. Ngành nghề đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương và các vùng lân cận, nâng cao đời sống của người dân.
Ảnh minh họa- nguồn: dangcongsan.vn
Ngược thời gian về với “cội nguồn” làng lụa
Làng Vạn Phúc vốn có tên Vạn Bảo, do kỵ húy nhà Nguyễn nên đã đổi thành Vạn Phúc. Tương truyền, cách đây khoảng hơn 1.100 năm, bà A Lã Thị Nương là vợ của Cao Biền, thái thú Giao Chỉ, từng sống ở trang Vạn Bảo. Trong thời gian ở đây, bà đã dạy dân cách làm ăn và truyền nghề dệt lụa. Sau khi mất, bà được dân làng tôn kính và phong làm Thành Hoàng làng. Trong miếu thờ bà ngày nay, vẫn còn lưu lại trang lịch sử được viết trên đá, cùng với đó là chiếc khung cửi cổ - chứng tích lịch sử của một làng nghề dệt lụa.
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, lụa Vạn Phúc vẫn không ngừng được hoàn thiện và phát triển. Lụa Vạn Phúc từng được chọn để may trang phục trong triều đình và đặc biệt các sản phẩm tơ lụa của làng rất được ưa chuộng dưới triều nhà Nguyễn (1802-1945).
Trong giai đoạn cận và hiện đại, lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế là tại hội chợ Mazseille (năm 1931), được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo ở Đông Dương. Năm 1990, lụa Vạn Phúc xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngày nay, làng lụa Vạn Phúc khang trang với những cửa hàng mọc lên san sát, con phố lụa luôn tấp nập du khách, kẻ mua, người bán, đông vui, nhộn nhịp. Nghệ nhân Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, chia sẻ: “Trong làng có 14 nghệ nhân, 164 gia đình sản xuất và kinh doanh với khoảng 100 gian hàng giới thiệu sản phẩm. Chúng tôi đã và đang phát triển Vạn Phúc thành điểm du lịch làng nghề”.
Mượt mà thước lụa Vạn Phúc
Làng nghề Vạn Phúc đã có hơn 1.000 năm tuổi. Từ lâu, âm thanh từ những khung cửi, tiếng thoi đưa rộn ràng, khoan thai, dìu dặt đã trở thành nhịp điệu cuộc sống nơi đây. Cùng tiếng thoi đưa, những nghệ nhân đã tạo ra tới 70 thứ hàng the, lụa, nổi tiếng như lụa hàng vân, gấm hoa ngũ sắc… Trải qua bao thăng trầm đổi thay, làng Vạn Phúc vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị cổ truyền trên từng vân lụa, thớ vải. Hoa văn bao giờ cũng được trang trí đối xứng, đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng, dứt khoát. Bởi vậy, lụa Vạn Phúc không chỉ được ưa chuộng ở trong nước mà đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam tới tay những người sành điệu bốn phương. Từ những sản phẩm lụa, người ta đã may lên những bộ trang phục nhẹ nhàng, những chiếc túi thêu, các kiểu ví, những chiếc khăn lụa… phù hợp với mọi đối tượng khách. Giá cả của những sản phẩm bán tại làng lụa Vạn Phúc phải chăng và dễ chọn lựa. Mặt hàng được bày bán trong các cửa hàng đa dạng và phong phú về chủng loại.
Thời đỉnh cao, Vạn Phúc có hơn 1.000 hộ dân làm nghề dệt, chiếm gần 80% tổng số hộ sinh sống tại làng nghề. Với trên 1.000 máy dệt, 1.500 lao động trong làng và thu hút thêm khoảng 500-600 lao động thời vụ từ các địa phương lân cận đến đây làm việc, sản xuất từ 2,5-3 triệu m2, có khi cao điểm tới 10 triệu m2/ năm, chiếm 70% doanh thu của toàn bộ làng nghề (khoảng 40-50 tỷ đồng). Cửa hàng bán lụa tơ tằm mọc lên ngày càng nhiều, hình thành ba dãy phố lụa với gần 200 cửa hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách. Trong kinh tế thị trường, lụa Vạn Phúc vẫn duy trì là một làng nghề vừa sống bằng nghề dệt, vừa bằng du lịch. Ngày càng đông khách du lịch nước ngoài tìm đến Vạn Phúc để tìm hiểu nghề dệt lụa cổ truyền của Việt Nam (1).
Lụa vân - “hồn cốt” làng lụa
Nói đến lụa Vạn Phúc, người ta thường nhắc tới lụa vân. Đây là loại lụa mỏng có hoa nổi, hoa chìm. Hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn, còn hoa chìm thì phải soi lên ánh sáng mới thấy được. Điều khiến lụa vân lưu tiếng trong dân gian là bởi các loại vân lụa này rất tinh xảo. Nét hoa văn trên lụa vân mềm mại, phóng khoáng mà dứt khoát, màu sắc biến ảo lung linh theo các góc nhìn khác nhau. Đã có một thời, không chỉ người dân ở làng lụa Vạn Phúc, mà ngay cả với những người mê lụa truyền thống cũng phải ngậm ngùi nghĩ rằng lụa vân - một thứ lụa đã trở thành “hồn cốt” của làng nghề truyền thống Vạn Phúc sẽ chỉ là ký ức. Tuy nhiên, với bàn tay cần mẫn và tình yêu của mình, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm - một người con sinh ra và lớn lên ở làng Vạn Phúc - đã làm hồi sinh thứ lụa quý giá đó, để làm đẹp thêm cho dáng vóc và tâm hồn con người Việt Nam. Những nỗ lực của bà đã góp phần giữ lại được sản phẩm quý giá mang thương hiệu của làng lụa. Các chuyên gia đánh giá, lụa vân làng Vạn Phúc thực sự là một trong những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, vì làm qua nhiều công đoạn, chủ yếu là làm thủ công. Lụa vân có đặc điểm nổi bật trông rất trong, nhưng lại không bị già, không nhăn, rất thưa, nhưng lại không bị mỏng. Mảnh vải lụa giơ lên trông như chiếc quạt giấy mà người ta thường thấy hàng vạn lỗ nhỏ, nhưng không bao giờ bị rách. Có nhiều nơi làm lụa tìm đến Vạn Phúc để tìm hiểu làm lụa vân, nhưng không thể làm được.
Trên cả nước có nhiều làng nghề truyền thống dệt lụa, nhưng dường như chỉ có làng Vạn Phúc mới dệt được lụa vân. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các sản phẩm lụa Vạn Phúc vẫn được làm theo kiểu truyền thống xưa. Nếu có thay đổi, thì cũng chỉ cải tiến về các thiết bị để sản phẩm ngày càng đẹp và phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Đây cũng chính là nét đặc trưng của làng.
Giữ bản sắc truyền thống
Nhắc đến lụa Vạn Phúc là nhắc đến các loại: lụa, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, bằng, quế, đoạn, sa, kỳ, cầu, đũi… với đặc trưng bền đẹp, mềm mại, vừa tạo sự sang trọng, vừa gần gũi. Trên cơ sở những đề tài trang trí từ nghệ thuật truyền thống, người thợ làng lụa Vạn Phúc sáng tạo thêm để thích ứng với từng chất liệu dệt như: ngũ phúc, long vân, thọ đỉnh, quần ngư vọng nguyệt, hoa lộc… để cho ra đời những sản phẩm đẹp. Người làng Vạn Phúc thường tự hào sản phẩm lụa quê hương từng là vật phẩm tiến vua các triều đại, từng tham gia đấu xảo tại Hội chợ Masseille, Paris và xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo nhịp xoay chuyển của cuộc sống, có những thời điểm, lụa Vạn Phúc rơi vào cảnh thăng trầm, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ hoặc các cửa hàng, cửa hiệu tại Vạn Phúc nhập hàng Trung Quốc về bán ảnh hưởng tới thương hiệu làng nghề. Không ít khách hàng đến Vạn Phúc mua nhầm lụa nơi khác, tạo tâm lý và những đánh giá không tích cực về làng nghề. Hiện nay, người dân Vạn Phúc ý thức được rằng, không có gì bền vững bằng chính những yếu tố truyền thống, những giá trị gốc cần được bảo tồn và phát huy. Khách du lịch đến với Vạn Phúc bởi muốn tìm thấy tinh hoa của một làng nghề trên những tấm lụa bản địa, tìm hiểu nghề truyền thống, không phải đến để mua tấm lụa nhập từ nơi khác. Vì vậy, người dân Vạn Phúc đã chú trọng phát huy bản sắc làng nghề. Chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân không nên bán hàng nhập ngoại, vì vậy hầu như rất ít cửa hàng bán sản phẩm lụa của Trung Quốc. Hai năm trở lại đây, địa phương tiến hành kiểm tra và chưa phát hiện cửa hàng nào bán hàng Trung Quốc. Với các hàng lụa nhập từ các tỉnh, thành khác, địa phương yêu cầu chủ cửa hàng niêm yết công khai để khách không nhầm lẫn (2).
Trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch
Xác định làng nghề dệt lụa là điểm đến du lịch của du khách trong và ngoài nước, chính quyền địa phương đã đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang các tuyến phố, tôn tạo di tích. Đặc biệt, ba tuyến phố đi bộ gồm phố lụa, phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh - đồ cổ đồng thời được mở ra để người dân tham quan, mua sắm. Những ngày cuối tuần, các tuyến phố đi bộ tại Vạn Phúc đón hàng nghìn khách du lịch ghé thăm. Tất nhiên, để tạo ra điểm nhấn này, chính người dân cũng sẵn lòng chịu một số bất tiện về phương tiện đi lại, nhưng đổi lại là những lợi ích không thể đo đếm hết từ hoạt động du lịch, thương mại. Tuần Văn hóa du lịch thương mại làng nghề Vạn Phúc diễn ra từ ngày 8 đến ngày 14-11 hằng năm là sáng kiến của địa phương nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống, thúc đẩy hoạt động thương mại và du lịch của làng nghề dệt lụa. Đây được coi là hoạt động có ý nghĩa đối với làng lụa Vạn Phúc, được người dân đánh giá cao.
Nghệ nhân dệt lụa Nguyễn Thị Tâm cho biết: với những hộ sản xuất như gia đình bà rất phấn khởi bởi lượng khách đến với làng nghề và đến với gia đình bà đông ngoài dự kiến. Nhiều người đến tham quan làng nghề sẽ hiểu hơn về sản phẩm lụa Vạn Phúc, các hộ sản xuất, kinh doanh lụa cũng nắm bắt được thêm thị hiếu của khách hàng. Tuy nhiên, bước đường chinh phục thị trường vẫn còn dài, Vạn Phúc cần tiếp tục khẳng định mình từ việc tận dụng và phát huy lợi thế riêng có. Để xây dựng Vạn Phúc thành điểm du lịch, thương mại trọng tâm của Hà Nội, địa phương phải tiếp tục chỉnh trang, mở rộng một số điểm văn hóa lịch sử như: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, miếu Vạn Phúc, đền thờ Tổ nghề, đình thờ Thành Hoàng làng, chùa Vạn Phúc; chỉnh trang các tuyến phố kinh doanh lụa, ẩm thực, hoa cây cảnh - đồ cổ; tập huấn về văn hóa ứng xử đối với những người bán hàng; vận động nhân viên tuyến phố kinh doanh lụa mặc áo dài lụa Vạn Phúc nhằm tạo ấn tượng cho khách tham quan…
Tác động tích cực của du lịch đến làng nghề Vạn Phúc là không thể phủ nhận, tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và phát triển nóng của hoạt động du lịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến công tác bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề như: sản phẩm lụa Vạn Phúc đang mất dần tính bản địa, bị thay thế bởi hàng giả, hàng nhái kém chất lượng; lao động làm nghề đang bị già hóa; sản phẩm du lịch tại làng lụa Vạn Phúc đơn điệu, thiếu sức hấp dẫn và thiếu tính liên kết; môi trường đang bị tác động theo chiều hướng tiêu cực…
Một số đề xuất nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch làng nghề truyền thống dệt lụa Vạn Phúc theo định hướng phát triển bền vững
Phát triển sản phẩm lụa gắn với các hoạt động du lịch làng nghề
Phát triển sản phẩm lụa gắn với các hoạt động du lịch làng nghề truyền thống theo hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng, cùng với đó không ngừng nghiên cứu nhu cầu thị hiếu của khách hàng để sáng tạo các sản phẩm mới hoặc để làm các tiêu chí sản xuất. Cần xây dựng thêm các hoạt động du lịch để giữ chân du khách. Hiện nay, xu hướng du lịch sáng tạo đang hấp dẫn, bởi thế, khách đến làng nghề không chỉ để ngắm nhìn, mua sản phẩm, mà còn muốn được tham gia, học kỹ năng làm nghề và muốn tự tay tạo ra sản phẩm.
Phát triển các cơ sở hạ tầng, văn hóa - xã hội, tổ chức sản xuất tại làng nghề
Phát triển làng nghề theo định hướng của thành phố Hà Nội với những tiêu chí cần đạt cho các điểm du lịch làng nghề theo chuẩn quốc tế với các khu chức năng chính, gồm: hệ thống bãi xe phục vụ du lịch, sản xuất và dịch vụ; khu ẩm thực phục vụ nhu cầu của du khách; hạ tầng kỹ thuật bao gồm hệ thống nội bộ, hệ thống cáp điện và thông tin liên lạc, hệ thống hạ tầng dịch vụ và du lịch (vệ sinh công cộng, các biển báo chỉ dẫn…), hạ tầng vui chơi giải trí, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, thu gom rác thải, hệ thống chiếu sáng; khu vực công trình, địa điểm dành cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng; khu vực thương mại giới thiệu và bán sản phẩm nghề truyền thống; khu vực bảo tồn các công trình di tích lịch sử, công trình có giá trị văn hóa, cơ sở sản xuất nghề truyền thống; khu vực xây dựng bảo tàng hoặc nhà truyền thống làng nghề.
Tiếp tục công tác quy hoạch hướng tới gìn giữ cảnh quan làng nghề
Cần giữ gìn và bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống. Khuyến khích tuyên truyền để người dân có ý thức trong việc xây dựng. Trong công tác này, các cấp phường, xã cần phát huy năng lực quản lý và vận động bằng nhiều hình thức nhằm giáo dục và nâng cao hiểu biết cho người dân làng nghề về lợi ích chung từ việc gìn giữ cảnh quan môi trường làng nghề. Xây dựng các khu ẩm thực và các khách sạn cần quy hoạch để du khách thuận lợi trong việc ăn uống và nghỉ ngơi. Quy hoạch quỹ đất đầu tư hạ tầng tạo điều kiện cho các hộ sản xuất trong làng nghề đầu tư mở rộng. Thực tế trên đòi hỏi thành phố Hà Nội phải có đầu tư nghiên cứu, tăng cường công tác quản lý. Việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống phải được quan tâm và xác định như một nhiệm vụ quan trọng.
Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong hoạt động du lịch làng nghề
Thực tế cho thấy, sản phẩm ngành nghề truyền thống muốn hấp dẫn khách hàng, cần có giá trị văn hóa nghệ thuật và hợp thẩm mỹ của du khách. Điều này không thể thiếu vai trò của nghệ nhân, nghệ sĩ hay những người làm nghề bậc cao. Và cần thiết hơn, các làng nghề cần có đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiên cứu, sáng tác mẫu mã mới cho sản phẩm thủ công của làng nghề. Vì thế, muốn có bước đột phá về mẫu mã hàng truyền thống hiện đại phải có chính sách đào tạo, hỗ trợ phát triển cho nguồn nhân lực trong tương lai của các làng nghề.
Đẩy mạnh quảng bá du lịch làng nghề, xúc tiến thương mại
Tăng cường tổ chức và tham gia các hoạt động quảng bá bằng các hình thức hội chợ, triển lãm, festival... để giao lưu quảng bá du lịch. Địa phương cần nỗ lực xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm truyền thống, từ đó phát triển thành trung tâm dịch vụ thương mại phục vụ cho nhu cầu mua - bán trong hoạt động du lịch làng nghề. Điểm trưng bày của làng nghề Vạn Phúc là một mô hình chuẩn có thể để các làng nghề khác học tập. Các cơ quan chính quyền cần có chính sách hỗ trợ cho các làng nghề tham gia các hội chợ, hội thi tay nghề trong và ngoài tỉnh... để giao lưu, học hỏi nâng cao tay nghề cho người dân làng nghề.
__________________
1. UBND phường Vạn Phúc, Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, 10-11-2022.
2. Phường Vạn Phúc, Báo cáo thành tích du lịch phường Vạn Phúc năm 2022, 12-12-2022.
Tài liệu tham khảo
1. An An, Lụa Vạn Phúc - Phát triển làng nghề gắn với du lịch, giadinhmoi.vn, 31-10-2023.
2. Hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, Báo cáo thành tích: Đề nghị tặng Bằng khen của UBND Thành phố Hà Nội do có thành tích trong đợt thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023, Hà Đông, 2023.
3. Nguyễn Thị Thanh Loan, Biến đổi văn hóa làng nghề Vạn Phúc - Sự thay đổi tất yếu khi gắn với phát triển du lịch hiện nay, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật, số 39, 2021.
4. Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Bảo tồn và phát huy làng nghề dệt lụa truyền thống Vạn Phúc, Hà Đông, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 435, 2020.
5. UBND quận Hà Đông, Đề án thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ du lịch tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đến năm 2015 và những năm tiếp theo, Hà Đông, tháng 11-2015.
6. Đào Vũ, Lụa Vạn Phúc trong phát triển du lịch, diendandoanhnghiep.vn, 16-1-2023.
Ths NGUYỄN ANH TUẤN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024