Bảo tồn di sản văn hóa Kinh Bắc trong hội nhập và phát triển

Kinh Bắc là vùng đất có nền văn hiến lâu đời, gồm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Nơi đây có nhiều di sản văn hóa vật thể đặc sắc như: chùa Dâu, chùa Bút tháp, đền Vua Bà, đền Đô, văn miếu Bắc Ninh…; nhiều di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như: nghệ thuật ca trù, tuồng, chèo… Do nằm ngay cửa ngõ thủ đô nên nơi đây đã sớm chuyển mình và phát triển theo xu hướng của thời đại, điều đó đặt ra nhiều vấn đề trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

1. Di sản văn hóa vùng Kinh Bắc

Kinh Bắc vốn là một trong những vùng văn hóa cổ xưa nhất của người Việt. Trong tương quan với các xứ Đoài, xứ Đông và xứ Sơn Nam, xứ Kinh Bắc là một trong tứ trấn của Kinh đô Thăng Long xưa, được xác định bởi vùng đồng bằng men theo các con sông Thiên Đức, Nguyệt Đức, Nhật Đức.

Phật giáo du nhập vào nước ta sớm nhất ở vùng Kinh Bắc, đây cũng là cái nôi nuôi dưỡng nhiều tổ sư có sức ảnh hưởng lớn khi đất nước bắt đầu xây nền tự chủ. Trong đó phải kể tới Quốc sư Vạn Hạnh, Thiền sư Đa Bảo - những người đóng vai trò trực tiếp trong gây dựng vương triều Lý. Kinh Bắc cũng là nơi ghi dấu ấn đậm nét của văn hóa Nho giáo, là vùng đất của Trạng - Nghè - Cống, của các làng khoa bảng, dòng họ khoa bảng. Ngoài ra, Kinh Bắc du nhập Đạo giáo từ rất sớm, với những địa danh nổi tiếng như núi Thiên Thai, núi Lạn Kha (huyện Tiên Du)… là nơi xuất phát của câu chuyện về Từ Thức gặp tiên, cùng các cư sĩ như Nguyễn Nộn ở Phù Đổng. Điều đó cho thấy một khía cạnh khác của người Kinh Bắc, muốn vượt lên những giới hạn của đời sống trần thế, vươn tới một thế giới hoàn mỹ bất tử.

Có thể nói, đây là vùng văn hóa dày đặc di sản. Đầu tiên phải kể đến hệ thống di tích đình, chùa cổ kính thâm nghiêm. Tiêu biểu như chùa Dâu và hệ thống chùa Tứ Pháp là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta; chùa Bút Tháp là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của hai thời Lê - Nguyễn; chùa Phật Tích, chùa Dạm là những đại danh lam cổ tự thời Lý; đền Đô, nơi tôn thờ Bát vị Tiên Vương nhà Lý có công khai mở nền văn minh Đại Việt; Văn miếu Bắc Ninh, nơi tôn vinh truyền thống hiếu học khoa bảng và ghi danh gần 700 vị đỗ đại khoa; lăng Kinh Dương Vương thờ phụng thủy tổ dân tộc có công khai mở đất nước; đền Vua Bà thờ Thủy tổ quan họ; đền Cao Lỗ Vương thờ Tổ ngành quân khí; đền Lê Văn Thịnh thờ Trạng nguyên khai khoa đầu tiên; đền Xà với bài thơ thần Nam quốc sơn hà - bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên khẳng định chủ quyền của dân tộc ta; dấu tích thành cổ Xương Giang; khu di tích Yên Thế; chùa Vĩnh Nghiêm; đình, chùa Thổ Hà; đình, chùa Tiên Lục và cây dã hương nghìn năm tuổi đã được vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng TK18 sắc phong là Quốc chúa Đô mộc Dã Đại Vương; hệ thống 46 lăng đá cổ độc đáo của tỉnh Bắc Giang - khu bảo tàng đá lớn nhất cả nước; hương án đá chùa Khám Lạng - Bảo vật quốc gia năm 2015...

Xứ Kinh Bắc còn nổi tiếng là vùng đất của văn hóa, văn nghệ dân gian: quan họ, tuồng, chèo, ca trù, trống quân, rối nước...; trong đó, dân ca quan họ là loại hình nghệ thuật độc đáo đã được UNESCO ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kho Mộc bản kinh Phật hơn 3.000 bản lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (1).

Cùng với đó là những lễ hội lớn như: lễ hội chùa Dâu, hội Lim, lễ hội Vua Bà đình Diềm, lễ hội chùa Phật Tích, hội đền Đô, hội Thập Đình, hội đền Cao Lỗ Vương, lễ hội đình Vồng, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, lễ hội chùa Bổ Đà… Bên cạnh đó, vùng văn hóa Kinh Bắc còn rất nhiều ngôi đền, đình, chùa của các làng xã - nơi thực hành các nghi thức tín ngưỡng, diễn xướng dân gian của cộng đồng. Lễ hội diễn ra dày đặc trong năm, là sự hội tụ, kết tinh và tỏa sáng bề dày lịch sử, văn hóa, thu hút hàng ngàn vạn du khách trong nước và quốc tế.

2. Những vấn đề đặt ra trong bảo tồn di sản văn hóa ở Kinh Bắc

Kinh Bắc ngày nay gồm hai tỉnh: Bắc Ninh và Bắc Giang, là cửa ngõ phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội. Kinh tế, văn hóa, xã hội nơi đây đang phát triển nhanh, mạnh và có những biến đổi không ngừng. Do đó, việc bảo tồn văn hóa truyền thống và hệ thống di sản văn hóa đặt ra rất nhiều vấn đề.

Bắc Ninh, Bắc Giang là hai tỉnh chú trọng công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa, đặt mối quan tâm lớn đến việc lập các đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch và tổ chức triển khai việc trùng tu tôn tạo di tích; thống kê, kiểm kê di tích; lập hồ sơ xếp hạng di tích các cấp, bảo vật quốc gia. UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt, triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đến năm 2020. Từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, tỉnh đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hoạt động bảo tồn di tích. Công tác kiểm kê và xếp hạng di tích được triển khai tích cực. Các di sản văn hóa như: tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích, tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp, tượng Tam Thế chùa Linh Ứng, rồng đá ở đền Lê Văn Thịnh… đã được lập hồ sơ khoa học để Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai các dự án trùng tu, tu bổ các di tích trọng điểm như: chùa Bút Tháp, lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, đền Cao Lỗ Vương, chùa Dạm, chùa Bảo Tháp…

Từ năm 2009, khi dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Chính phủ cùng hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đã có nhiều biện pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Ngày 4-7-2013, UBND tỉnh Bắc Ninh có Quyết định số 780/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù giai đoạn 2013 - 2020 với kinh phí đầu tư gần 65 tỷ. Đầu tư trang thiết bị cho 45 câu lạc bộ quan họ của 44 làng quan họ gốc; xây dựng 2 chòi hát quan họ ở khuôn viên chùa Lim, hỗ trợ kinh phí tu bổ cho đình Diềm - làng thủy tổ quan họ; phục dựng 2 nhà chứa quan họ ở thôn Lũng Giang và Đương Xá; ban hành cơ chế chính sách tôn vinh và đãi ngộ các nghệ nhân, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân đợt 1 cho 41 liền anh, liền chị quan họ tiêu biểu; biên soạn giáo trình giảng dạy về dân ca quan họ cho Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch; triển khai các mô hình truyền dạy hát dân ca quan họ, ca trù tại các cấp học phổ thông và các địa phương; duy trì Hội thi dân ca quan họ thường niên; tổ chức chương trình Festival Về miền quan họ vào dịp đầu năm với quy mô lớn… (2).

Thực tế cho thấy, bảo tồn di sản văn hóa cần có sự gắn kết giữa bảo tồn văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Từ năm 2011 đến nay, công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Bắc Ninh đã được triển khai tích cực. Tỉnh ưu tiên cho những di sản mang đặc trưng tiêu biểu hoặc đang có nguy cơ mai một, thất truyền và tập trung vào ba loại hình di sản chính (lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian, làng nghề truyền thống), lập hồ sơ khoa học cho 11 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đặc sắc trình Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (gồm lễ hội Kinh Dương Vương, lễ hội rước nước chùa Phả Lại, lễ hội Đền Đô, hội Dâu, làng nghề gò đồng Đại Bái, làng nghề giấy dó Đống Cao, làng nghề dệt Đình Cả, làng nghề tơ tằm Vọng Nguyệt, làng nghề đúc đồng Quảng Bố, nghề truyền thống tranh dân gian Đông Hồ, múa rối nước Đồng Ngư) (3).

Đặc biệt, chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của toàn dân. Nhiều tổ chức, cá nhân đã công đức hàng nghìn tỷ đồng để khôi phục, tu bổ di tích. Nhân dân cam kết nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

Những thành quả của Kinh Bắc là minh chứng cho việc gắn kết giữa bảo tồn di sản và đáp ứng nhu cầu văn hóa của cộng đồng. Ở đâu có sự đồng thuận cao của cộng đồng đối với các chính sách quản lý, bảo tồn di sản thì ở đó, di sản mới tồn tại với thời gian.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế. Trước hết, việc khai thác di sản văn hóa để phục vụ cho du lịch chưa thực sự hiệu quả. Sự gắn kết giữa văn hóa và du lịch chưa chặt chẽ, mang tính tự phát. Việc thiếu hướng dẫn viên am hiểu sâu sắc về văn hóa địa phương, về di sản để có thể truyền tải được giá trị của di sản đến du khách cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến các sản phẩm du lịch di sản chưa thu hút được đông đảo khách tham quan. Vì thế, việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, tuyên truyền, nghiên cứu khoa học để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ di sản theo Công ước quốc tế và Luật Di sản văn hóa cần được chú trọng hơn nữa.

 Đồng thời, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cũng cần thực hiện nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Điều đó sẽ góp phần nâng cao nhận thức và thu hút sự tham gia của toàn xã hội với công tác bảo tồn di sản. Bên cạnh đó, cũng cần có những quy định chi tiết, rõ ràng trong xây dựng, ban hành chính sách quản lý và sử dụng các nguồn tài chính xã hội hóa như tiền công đức, tiền bán vé, tiền tài trợ, tiền kinh doanh dịch vụ...; sớm ban hành chính sách tôn vinh những nghệ nhân có nhiều đóng góp trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.

Việc phát huy các giá trị di sản văn hóa trong phát triển hiện nay chính là mở rộng giao lưu văn hóa, làm thăng hoa giá trị văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các nền văn hóa muốn phát triển phải luôn được bồi đắp bởi nhiều nền văn hóa khác. Trong truyền thống, Kinh Bắc luôn có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa với văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, phương Tây, hình thành nên giá trị văn hóa đặc trưng riêng có của vùng đất này. Những giá trị văn hóa đó đã từng được tỏa sáng trong quá khứ và càng tỏa sáng hơn khi được đưa vào hơi thở, sức sống của thời đại, được lan tỏa rộng khắp, được các cộng đồng văn hóa trên thế giới biết đến và tôn vinh. Vì vậy, việc mở rộng giao lưu để làm giàu thêm bản sắc văn hóa, đồng thời làm thăng hoa và lan tỏa văn hóa của mình đến khắp nơi luôn là khuynh hướng của mọi cộng đồng, mọi dân tộc, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.

Bảo tồn di sản văn hóa không chỉ là cất giữ để giữ gìn bản sắc dân tộc một cách hình thức. Bảo tồn là để phát triển. Khai thác và phát huy các giá trị di sản văn hóa là làm cho nó có thể sống lại, được vận hành, thâm nhập vào cuộc sống hiện tại, giúp cộng đồng phát triển kinh tế và như thế cũng chính là làm cho công tác bảo tồn di sản văn hóa hoàn thiện hơn. Bảo tồn phải giữ gìn được giá trị của di sản và khai thác, phát huy phải đáp ứng lại việc bảo tồn theo quy trình: bảo tồn - phát huy - bảo tồn.

___________

1. Thế Dương, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản Tư liệu thế giới, dangcongsan.vn.

2. Bắc Ninh: Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca quan họ, cucnghethuatbieudien.gov.vn.

3. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Bắc Ninh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh.

Tác giả: Vũ Thị Minh Phượng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 428, tháng 2-2020

;