Trong những năm qua, công tác bảo tồn nguồn lực di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch tại các địa phương ở vùng Đông Bắc đã đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, ngoài những tác động tích cực mà hoạt động du lịch mang lại, xu hướng thương mại hóa trong hoạt động du lịch đã và đang tác động tiêu cực đến các giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng. Thực trạng này đang đặt ra vấn đề cần có những giải pháp kịp thời trong khai thác, phát triển du lịch bền vững đối với các địa phương vùng Đông Bắc.
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu
Nguồn lực từ di sản văn hóa
Di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong nước và khách du lịch quốc tế đến với các địa phương vùng miền núi dân tộc nói chung, các địa phương vùng Đông Bắc nói riêng. Hiện nay, ngành du lịch xem đây là nền tảng, trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế du lịch bên cạnh các yếu tố về hạ tầng, cơsở vật chất kỹ thuật chuyên ngành và nguồn nhân lực. Di sản văn hóa cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch của các địa phương vùng Đông Bắc.
Vùng Đông Bắc bao gồm 9 tỉnh Hà Giang, Phú Thọ, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Các tỉnh này có hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Nơi đây cũng có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng với những địa danh nổi tiếng như Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn; hồ Ba Bể (Bắc Kạn), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình (Tuyên Quang), Tây Yên Tử (Bắc Giang)… đã được đánh giá là các điểm đến thú vị, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch cả trong nước, quốc tế.
Hồ Ba Bể (Bắc Kạn)
Bên cạnh đó, Vùng Đông Bắc còn có giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, gắn với các di tích lịch sử, cách mạng như An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên); Chợ Đồn (Bắc Kạn); Tân Trào (Tuyên Quang); quần thể di tích lịch sử Pác Bó, cụm di tích Bác Hồ với chiến dịch biên giới 1950, khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng); căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn (Lạng Sơn)...
Đây là nơi sinh sống của của hơn 20 dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Dìu, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, La Chí, Pu Péo, Cờ Lao…tạo nên một nền văn hóa mang đậm bản sắc. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thành từng thôn, bản, hoặc rải rác, đan xen nhưng vẫn tạo thành nhiều tộc người với bản sắc văn hóa riêng. Các dân tộc ở Đông Bắc, dù đông người hay ít người vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống độc đáo của mình. Mỗi dân tộc đều có di sản văn hóa riêng, làm nên tính độc đáo, đặc sắc của vùng đất. Không những thế, có một số dân tộc như La Chí, Pu Péo, Cờ Lao ở Hà Giang có những sắc thái riêng biệt khác với những dân tộc khác. Chính sự tồn tại của đông đảo cộng đồng các dân tộc đã tạo nên cho vùng một diện mạo văn hóa vừa độc đáo vừa phong phú là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng thể hiện qua nhiều hình thức văn hóa khác nhau.
Hồ Thang Hen là một danh thắng nổi tiếng thuộc địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng là hồ nước ngọt tự nhiên có độ cao từ 1.500 - 1.700 so với mực nước biển
Các loại hình du lịch di sản, du lịch trải nghiệm vùng Đông Bắc có nhiều tiềm năng, thế mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Đây là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị di sản văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Những thách thức trong quá trình phát triển
Có một thực trạng là nhiều địa phương trong vùng vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà phát triển du lịch quá nóng dẫn tới nhiều hệ lụy, làm mất đi nhiều nét đẹp văn hóa, gây khó khăn cho bảo tồn nguyên gốc các giá trị của cộng đồng. Để phục vụ du khách, không ít phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đã được dàn dựng, tái hiện lại mà không giữ được đầy đủ bản sắc văn hóa. Xu hướng thương mại hóa trong hoạt động du lịch cũng đang khiến nhiều nét đẹp văn hóa không còn được bảo tồn nguyên gốc. Chẳng hạn, trang phục truyền thống của nhiều đồng bào dân tộc vốn là sản phẩm được làm thủ công bằng vải tự dệt, thêu tay tỉ mỉ nay đã được thay thế bằng các loại vải nhập khẩu hay trang phục may sẵn và hiện tượng sản phẩm lưu niệm được gọi là đặc trưng vùng, miền lại được nhập về từ nơi khác…
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn. Ảnh: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lạng Sơn
Mặt khác, tại một số điểm du lịch ở vùng Đông Bắc khi cộng đồng không thích mặc đồ truyền thống, không còn mặn mà với nghề dệt thổ cẩm, đan lát, không tham gia các phiên chợ thì sức hấp dẫn của điểm đến đã mất đi. Thực trạng này đã đặt ra vấn đề đòi hỏi cộng đồng điểm đến cần phải nhận diện được các nguy cơ ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống khi khai thác, phát triển du lịch, xây dựng được giải pháp giúp giữ được bản sắc dân tộc mình. Thậm chí, cần có những chế tài xử lý nghiêm các vi phạm làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa.
Như vậy, việc biến di sản thành tài sản nhưng đồng thời phải làm sao để bảo tồn được bản sắc văn hóa là vấn đề quan trọng. Du lịch là hoạt động có sự giao lưu, giao thoa các nền văn hóa, khi khách du lịch tới điểm đến một mặt có cơ hội giao lưu, hiểu biết thêm nền văn hóa địa phương, nhưng mặt khác có thể sẽ có những cư xử, tác động tiêu cực đến văn hóa của điểm đến.Từ thực tế này cho thấy, phát triển bền vững các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch là vấn đề cấp thiết đồng thời cũng là yêu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới đất liền ở Việt Nam.
Giải pháp bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
Trong năm 2024, 9 tỉnh, thành phố, gồm TP.HCM, Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc đã trao đổi thông tin nhằm xây dựng định hướng cho phát triển các sản phẩm du lịch tại địa phương, khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và đặc trưng của vùng góp phần triển khai chương trình “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” của ngành du lịch và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.
Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn
Nằm trong chuỗi các sự kiện Ngày hội VHTTDL các tỉnh Đông Bắc do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức, Hội thảo Hội thảo khoa học “Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc - Khơi nguồn và phát triển” được tổ chức nhằm trao đổi, phân tích, đánh giá thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng Đông Bắc trong giai đoạn hiện nay. Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp để có những giải pháp bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững vùng Đông Bắc.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng bên cạnh đầu tư hạ tầng kết nối thì cần đầu tư hỗ trợ cho đồng bào; đầu tư tôn tạo, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nâng cấp các di tích văn hóa lịch sử; quy hoạch không gian phát triển du lịch, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng các tuyến du lịch đi qua 6 tỉnh Việt Bắc và mang tính liên vùng như “Qua miền di sản Tây - Đông Bắc” kết nối 7 tỉnh Đông Bắc với 7 tỉnh Tây Bắc, với một số tỉnh đồng bằng sông Hồng, đặc biệt với Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình. Đây là giải pháp căn cốt để tạo ra các sản phẩm du lịch nhanh, hấp dẫn, giúp bà con nâng cao đời sống và đó cũng là cách bảo tồn văn hóa dân tộc tốt nhất.
Nhiều chuyên gia cũng thống nhất, thực hiện mục tiêu vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn giá trị các di sản văn hóa thì yêu cầu đặt ra với vùng Đông Bắc là cần xác định rõ quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững. Tính bền vững của tài nguyên di sản bao gồm tài nguyên tự nhiên, văn hóa và nguồn tài nguyên khác của du lịch cần được giữ gìn và bảo tồn để sử dụng trong tương lai những vẫn mang lại lợi ích cho xã hội hiện tại. Phát triển bền vững của di sản văn hóa được hiểu theo hai cách: thứ nhất, nó như là mối quan tâm đề duy trì nguồn lực di sản và được coi như là sự kết thúc của chính nó và một phần của tài nguyên môi trường/văn hóa cần được gìn giữ và bảo tồn và truyền lai cho các thế hệ trong tương lai và đảm bảo sự phát triển của cộng đồng điểm đến. Khi có những đóng góp về bảo tồn di sản thì di sản có thể đạt được những chiều kích của sự phát triển bền vững ở các khía cạnh môi trương, xã hội và kinh tế.
Giải pháp áp dụng phương thức phát triển bền vững cho thấy được tầm quan trọng của tài nguyên di sản trong du lịch. Cách tiếp cận này để thu hút khách du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế và quảng bá cho đặc trưng văn hóa vùng Đông Bắc. Du lịch được coi như là một động lực mạnh mẽ để bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể và doanh thu mà du lịch tạo ra có thể chuyển lại hỗ trợ sự tồn tại lâu dài bền vững của nó. Vì vậy, nếu du lịch được quản lý tốt sẽ mang lại những lợi ích tích cực đối với nguồn lực di sản, bảo tồn sự đa dạng bản sắc văn hóa và là điểm tham chiếu chính cho sự phát triển. Trong khi du lịch cung cấp cơ hội để duy trì các giá trị văn hóa thì nguồn lực di sản văn hóa tạo thành những điểm du lịch độc đáo và phát triển du lịch bền vững có khả năng tăng cường việc bảo vệ môi trường cũng như tăng thêm giá trị sinh thái cho di sản văn hóa.
Các nguồn lực di sản văn hóa là cơ sở để thu hút khách du lịch và tính bền vững trong khai thác du lịch phụ thuộc vào việc sử dụng ở điểm đến và khách du lịch. Du lịch bền vững cần đạt sự cân bằng giữa môi trường, tăng trường kinh kế và đa dạng văn hóa.
Bên cạnh đó, cần giải quyết các vấn đề đặt ra trong phát triển bền vững du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa. Phát triển du lịch di sản văn hóa theo quan điểm bền vững cần phải chú ý đến vấn đề giới, tỷ lệ thất nghiệp theo mùa, xóa bỏ các tệ nạn chèo kéo khách. Lợi nhuận của du lịch cần phải được phân bổ công bằng, đóng góp cho việc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, cân bằng giữa phát triển kinh tế truyền thống với phát triển du lịch…
Cùng với việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích, các điểm đến thì vùng Đông Bắc cần tích cực sưu tầm nghiên cứu, phục dựng trao truyền, tổ chức trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể. Công tác trên không những góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa mà còn trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội cộng đồng dân cư tại tỉnh.
Tóm lại, phát triển du lịch bền vững là phương thức để đáp ứng đồng thời yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của các tỉnh vùng Đông Bắc trong tương lai. Đồng thời, vùng Đông Bắc cũng cần xây dựng một chiến lược sử dụng tốt nhất các tài nguyên môi trường, xác định môi trường tự nhiên và cảnh quan sinh thái là điều kiện tiên quyết trong phát triển du lịch tương lai.
NGÔ HỒNG VÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 592, tháng 12-2024