Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam, nơi đánh thức những câu chuyện văn hóa

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt trong sự nghiệp phát triển của mỗi quốc gia. Nhận thức sâu sắc được vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước, dân tộc, ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phát triển văn hóa của dân tộc và năm 1943, khi nước nhà còn chưa giành được độc lập, Đảng ta đã đề ra Đề cương về văn hóa Việt Nam, trong đó chỉ rõ: Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa) và chủ trương phát triển văn hóa theo 3 hướng: Dân tộc - khoa học - đại chúng. Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ cũng đã nêu rõ: Xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt.

Với hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam không chỉ có một lịch sử hào hùng, mà còn có một nền văn hóa phong phú, đa dạng. Kho tàng đó là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá để các thế hệ hôm nay kế thừa, khai thác, phát huy, phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội.

Trải qua các thời kỳ, ở lĩnh vực nào phụ nữ Việt Nam cũng có những đóng góp đáng kể và ngày càng khẳng định tiềm năng, vai trò và vị thế quan trọng trong gia đình, xã hội và tiến trình phát triển của đất nước. Do đó, các giá trị lịch sử, văn hóa của phụ nữ Việt Nam cũng chính là những di sản quý báu của dân tộc cần được bảo tồn và phát huy.

 Là một bảo tàng giới, trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong nhiều năm qua, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã và đang có những đóng góp hữu hiệu trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Kiên trì với phương châm đưa bảo tàng tới gần hơn với công chúng, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã bước đầu tìm ra những hướng đi tạo nên “thương hiệu” của riêng mình. Bài viết xin được bàn đến một số hoạt động và chương trình được tổ chức trong thời gian qua để đưa những câu chuyện văn hóa độc đáo của phụ nữ Việt Nam tới khách tham quan trong nước và quốc tế tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Thay đổi cách thức đăng bài trên trang Fanpage của Bảo tàng

Kể câu chuyện văn hóa bằng ngôn ngữ sáng tạo mang bản sắc giới

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hiện đang lưu giữ hơn 40 ngàn tài liệu hiện vật, tư liệu phim ảnh, băng đĩa… về lịch sử và văn hóa của phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, những câu chuyện văn hóa đó chưa được giới thiệu rộng rãi tới công chúng, hay cũng chỉ được giới thiệu “nhạt nhòa” một cách truyền thống như đưa bài viết dài giới thiệu về hiện vật lên website theo chuyên đề, thuyết minh tham quan đơn thuần về nội dung trưng bày thuờng xuyên của Bảo tàng… Từ thực tế đó, Bảo tàng đã có sự chuyển hướng để phát huy giá trị của những di sản văn hóa mang bản sắc giới độc đáo của mình. Thay bằng việc đứng trên góc độ của chủ thể gián tiếp đang nắm giữ văn hóa, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã đặt mình vào vị trí của những người thụ hưởng văn hóa để lắng nghe và thực hiện khảo sát để biết được công chúng đang muốn tiếp cận những di sản văn hóa như thế nào? Đâu là ngôn ngữ và sợi dây đưa văn hóa đến gần với những người quan tâm nhất? Và chìa khóa quan trọng được tìm thấy đó chính là phải thay đổi “ngôn ngữ tiếp cận” lượng công chúng của Bảo tàng (mà đa phần hiện nay là các bạn trẻ, nhà nghiên cứu và người yêu mến Bảo tàng). Dường như họ cũng đang bị “ngợp” trong rất nhiều món ăn tinh thần về văn hóa và cũng dần trở thành công chúng “khó tính” hơn. Với sự quyết tâm đổi mới về nội dung và hình thức đưa tin bài, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã đề ra những yêu cầu đổi mới nghiêm túc cho bộ phận truyền thông và huy động lực lượng sinh viên tình nguyện để nghiên cứu, tìm tòi, cho ra đời những bài viết không chỉ có chất lượng về mặt nội dung mà còn “bắt mắt” và “đã tai”. Rất nhiều sản phẩm tin bài truyền thông được đầu tư đa dạng về loại hình như: bài viết đề cao yếu tố thiết kế hình ảnh, nội dung thông tin chọn lọc, không quá dài; sản xuất các trailer, clip ngắn, dùng giọng thu âm kể chuyện (audio), tour tham quan ảo… Câu chuyện văn hóa được kể không qua lăng kính của cán bộ Bảo tàng mà có sự tham gia của những chủ thể văn hóa hay công chúng hưởng thụ văn hóa để họ tự bày tỏ những trải nghiệm của mình một cách chân thực và sinh động.

Nội dung “bắt trend” (xu hướng) cho những bài viết cũng là hướng đi hiện nay của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trên kênh truyền thông chính là Fanpage để mở rộng sự lan tỏa tới nhóm đối tượng trẻ, những chủ nhân tương lai của văn hóa Việt Nam. Số lượt tiếp cận trung bình cho một bài post (tin) trên Fanpage của Bảo tàng là 1.500 lượt và trung bình một tháng là gần 30.000 lượt. Rất nhiều những chia sẻ của công chúng đã được gửi tới Bảo tàng thông qua kênh tương tác trực tiếp là Facebook của Bảo tàng.

Tour tham quan ảo triển lãm “Nơi tôi đến” đăng tải trên nền tảng xã hội

 

Trong thời gian qua, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng đã nghiên cứu, làm việc với các chủ thể văn hóa để xây dựng những chương trình trải nghiệm lý thú và hấp dẫn tại chính Bảo tàng như: workshop vẽ hoa văn sáp ong trên vải, workshop cắm hoa, làm bánh, làm đèn trung thu, vẽ tranh… Đây đều là chủ đề có sự kết nối chặt chẽ với nội dung trưng bày của Bảo tàng và đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, khám phá những giá trị văn hóa truyền thống của công chúng. Nhiều gia đình, nhà trường và đơn vị đã coi Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là một điểm đến quen thuộc, là nơi tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm văn hóa một cách chất lượng và tận tâm.

Bên cạnh đó, những trưng bày chuyên đề của Bảo tàng cũng đã tìm được cách kể chuyện chạm đến trái tim của công chúng theo một cách đặc biệt. Thông qua các trưng bày có nội dung phản ánh các vấn đề xã hội đương đại, Bảo tàng trở nên gần gũi hơn với công chúng, gắn với cuộc sống, mang hơi thở của cuộc sống đương đại.

Ngày nay, thành phần khách tham quan đến với Bảo tàng đã đa dạng hơn: có cả nam, nữ, họ đi theo tổ chức, cá nhân, gia đình và ở nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau: trẻ em mẫu giáo và các bậc học từ tiểu học đến trung học phổ thông, sinh viên các trường đại học ở Hà Nội, người trung tuổi, người già... Khách tham quan đến với Bảo tàng không chỉ được xem và suy ngẫm về nhiều vấn đề trong cuộc sống, mà nhiều người đã tìm thấy hình ảnh của chính bản thân mình hay những người thân xung quanh mình trong các trưng bày tại bảo tàng. Với cách thể hiện trưng bày nhẹ nhàng như đang kể lại một câu chuyện, đã giúp cho thông điệp các cuộc trưng bày dễ dàng được khách tham quan tiếp nhận. Bảo tàng Phụ nữ đang dần trở thành địa chỉ quen thuộc, gần gũi đối với công chúng trong nước cũng như du khách quốc tế.

Bên cạnh đó, hình ảnh của Bảo tàng dần được thay đổi trong cách nhìn nhận của khách tham quan. Cách công chúng nhìn nhận Bảo tàng như một cơ thể sống, luôn vận động và phát triển. Bảo tàng đang chuyển mình để hòa cùng cuộc sống đương đại. Các cuộc trưng bày của Bảo tàng đã phản ánh nhiều mặt của cuộc sống, tiếp cận với các vấn đề của xã hội. Phản ánh cái nhìn đa diện, nhiều chiều.

Thực hiện tốt công tác xã hội hóa hoạt động Bảo tàng để tăng cường nguồn lực

Trong thời gian gần đây, nhất là khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Bảo tàng đã làm rất tốt công tác xã hội hóa trong hoạt động sưu tầm để tăng cường nguồn lực và bồi đắp thêm kho hiện vật của Bảo tàng. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ trong hoạt động kết nối với chủ nhân hiện vật. Bên cạnh hình thức cử cán bộ sưu tầm trực tiếp, Bảo tàng đã tạo ra những diễn đàn mở để chủ nhân hiện vật có cơ hội trao đổi và trao tặng hiện vật cho Bảo tàng. Bảo tàng may mắn nhận được sự tin tưởng cũng như đồng hành từ rất nhiều cá nhân và tổ chức trong nước cũng như quốc tế để cùng chung tay thực hiện sứ mệnh bảo tồn giá trị, tạo diễn đàn giới thiệu những ký ức văn hóa tới đông đảo công chúng.

Triển lãm “Dám sống một cuộc đời rực rỡ” kể về hành trình tìm hiểu vẻ đẹp trang phục truyền thống của phụ nữ các dân tộc Việt Nam thu hút đông đảo công chúng

 

Năm 2022, Nhà sưu tầm văn hóa người Mỹ Mark Rapoport đã trao tặng gần 500 hiện vật gắn với đời sống văn hóa của các dân tộc Việt Nam cho Bảo tàng, trong đó có những bộ sưu tập tiêu biểu: dụng cụ sử dụng trong nông nghiệp, nhà bếp, ăn trầu, trang sức, trang phục và đồ dệt, nghệ thuật điêu khắc tượng. Phát biểu tại buổi lễ ông chia sẻ: “Tôi trao tặng những hiện vật này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vì tôi yêu quý và rất tin tưởng nơi này. Đây sẽ là nơi gìn giữ và phát huy tốt những giá trị của chúng”. Phát biểu trong sự kiện “Lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật và giao lưu với chủ đề “Bảo tàng - nơi kết nối tình yêu di sản”, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, ngày 17-5-2022, ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL đã biểu dương những thành công bước đầu của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam: “Trong 2 năm qua khi ngành bảo tàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch  COVID-19 thì Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vẫn luôn duy trì tốt những hoạt động của mình đặc biệt là công tác sưu tầm hiện vật”.

Ban Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận hiện vật từ Nhà sưu tầm văn hóa người Mỹ Mark Rapoport

 

Bên cạnh đó, định hướng xã hội hóa hoạt động của Bảo tàng còn được thể hiện trong tổ chức sự kiện. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức các triển lãm, sự kiện thu hút sự quan tâm và yêu thích của công chúng. Trong các sự kiện phối hợp tổ chức có cả sự kiện về lịch sử, có cả sự kiện về văn hóa trong đó tiêu biểu như: phối hợp với Câu lạc bộ các nghệ nhân ngành hoa tổ chức sự kiện “Hoa và cuộc sống”, thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, chụp ảnh; phối hợp với tỉnh Fukushima Nhật Bản tổ chức “Lễ hội Fukushima”; phối hợp với Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tổ chức “Tuần trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc”; phối hợp với nhà sử học Dương Trung Quốc tổ chức triển lãm “Con giáp của tôi” dịp Tết Nguyên đán; phối hợp với các nghệ nhân, người mẫu, nhà thiết kế áo dài, công ty truyền thông CSCI tổ chức sự kiện “Xuân Canh Tý, áo dài và hoa”… Đặc biệt, trong năm 2023 Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Australia tổ chức triển lãm “Bước qua một khúc đuờng ca”; phối hợp với Đại sứ quán Ukraina tổ chức sự kiện “Sắc màu văn hóa”. Mỗi sự kiện thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Qua khảo sát, theo dõi, đánh giá, thì lượng khách tham quan đến các sự kiện qua rất nhiều kênh: bạn bè người thân của các đối tác, thông tin truyền thông trên báo đài và mạng xã hội… Những sự kiện này đảm bảo cả về hình thức và chất lượng, không chỉ thu hút thêm khách tham quan biết đến Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, mà còn thúc đẩy và mở thêm ra các mối quan hệ hợp tác khác với Bảo tàng, cũng như nâng cao vị thế của Bảo tàng trong lòng công chúng và bạn bè trong giới chuyên môn bởi sự năng động, sáng tạo, mạnh dạn thực hiện đa dạng nhiều hoạt động mới…

Sự kiện Sắc màu Di sản tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

 

Hoạt động xã hội hóa còn được thực hiện qua công tác vận động, quản lý nguồn lực quốc tế. Ngay từ những năm 2010, Bảo tàng đã kết nối huy động được các tình nguyện viên đến từ Úc, Mỹ để tham gia hiệu đính các tài liệu tiếng Anh và trong nhiều năm qua tiếp tục tập trung vào việc khai thác và sử dụng nguồn lực tình nguyện viên quốc tế để xử lý những công việc chuyên môn một cách hiệu quả, có chất lượng và tiết kiệm chi phí. Bảo tàng đã liên tục tiếp nhận nhiều tình nguyện viên chất lượng đến từ các tổ chức như JICA (Nhật Bản), AVP (Tổ chức tình nguyện viên quốc tế Úc) và các trường đại học như RMIT, Swinburne (Úc), Montreal (Canda), Mount Holyoke (Mỹ)…

Có thể nói, xã hội hóa không chỉ mang lại nguồn thu tài chính, mà còn mở rộng thêm các mối quan hệ, thêm hướng hoạt động trong tương lai, góp phần nâng cao vị thế Bảo tàng, và công chúng đến và biết đến bảo tàng nhiều hơn. Công tác xã hội hóa Bảo tàng đã giúp cho bảo tàng phát huy được sức mạnh, thu hút được nhiều công chúng. Chính vì thế, Bảo tàng cần phải phát huy hơn nữa tinh thần liên kết, hợp tác trong công tác lưu giữ, trao đổi, trưng bày hiện vật, các sự kiện liên quan vấn đề xã hội hay giới có tầm ảnh hưởng…

Tăng cường giới thiệu và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam ra quốc tế

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tham gia các mạng lưới trong khu vực và trên thế giới như: ICOM, Hiệp hội Bảo tàng Phụ nữ thế giới, Hiệp hội Bảo tàng Á Âu… và trở thành một thành viên tích cực. Tận dụng uy tín và vị thế của một bảo tàng giới và kênh truyền thông chính thức của Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Bảo tàng đã thực hiện nhiều hoạt động nổi bật như:

Bảo tàng đã chủ động kết nối, tổ chức các trưng bày tại nước ngoài để giới thiệu văn hóa, lịch sử về phụ nữ Việt Nam ra quốc tế: sưu tập tranh cổ động tại Bảo tàng Quai Branly, Paris, Pháp (năm 2014); Triển lãm “Tín ngưỡng thờ Mẫu và thực hành nghi lễ hầu đồng” tại Hàn Quốc (năm 2017-2018); Triển lãm “Nghĩa tình Nga - Việt” tại Nga (năm 2019); Triển lãm “Huyền thoại màu xanh” tại Hàn Quốc (năm 2022).

Với uy tín của mình, Bảo tàng cũng được mời tham dự nhiều diễn đàn, hội thảo quốc tế. Bảo tàng đã tận dụng cơ hội giao lưu quốc tế để quảng bá và giới thiệu về những câu chuyện lịch sử, văn hóa của phụ nữ Việt Nam. Năm 2016, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam vinh dự được mời tham dự Hội thảo “Những đơn vị xuất sắc nhất trong lĩnh vực di sản năm 2016”. Đây là diễn đàn của những đơn vị từng giành được giải thưởng quốc gia, châu lục và quốc tế về lĩnh vực di sản, được tổ chức tại thành phố Dubronik, nước cộng hòa Croatia. Hội thảo do tổ chức The Best in Heritage thuộc Ủy ban Di sản châu Âu tổ chức. Tại Hội thảo, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã có bài tham luận với tiêu đề “Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - nơi không chỉ dành cho phụ nữ”, trong đó giới thiệu chặng đường đổi mới từ loại hình bảo tàng lịch sử - văn hóa sang loại hình bảo tàng giới và những hoạt động đa dạng của Bảo tàng nhằm gắn kết cộng đồng với Bảo tàng; những giải thưởng mà Bảo tàng đã đạt được... Thông qua Hội thảo, hình ảnh Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã được truyền thông tới mạng lưới “Những đơn vị xuất sắc nhất trong lĩnh vực di sản”. Hội thảo cũng mở ra cơ hội kết nối và hợp tác giữa Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với nhiều cơ quan di sản và bảo tàng quốc tế. Năm 2018, đại diện Bảo tàng đã tham dự Lễ hội Phụ nữ Quốc tế và Hội nghị Phụ nữ Quốc tế thường niên năm 2018 tại Luân Đôn (Anh). Tại đây đại diện Bảo tàng đã giới thiệu và quảng bá về hoạt động của Bảo tàng, đồng thời thiết lập mối quan hệ với các đơn vị trực thuộc tổ chức WOW đến từ nhiều quốc gia.

Năm 2020, Bảo tàng phối hợp với trường Đại học Montreal, Canada tổ chức nghiên cứu và xây dựng bộ phim ngắn Lên thành phố về đề tài cuộc sống của những nữ lao động nhập cư và được lựa chọn để trình chiếu tại Diễn đàn Đô thị Thế giới tại Abu Dhabi do UN Habiat tổ chức và đồng thời tham dự Liên hoan phim Better Cities Film Festival 2020 (Liên hoan phim Những thành phố tốt đẹp hơn 2020) và vinh dự nhận giải thưởng The Best Next Gen Award (Phim tài liệu về Thế hệ tương lai xuất sắc nhất). Phim nằm trong số 25 phim đạt giải thưởng trong tổng số gần 90 phim từ các quốc gia trên thế giới tham dự. Trong năm 2020, Bảo tàng tham dự và thuyết trình tại Hội thảo “Sẵn sàng cho tương lai: Giám tuyển văn hóa & nghệ thuật tại Việt Nam” tại trường đại học RMIT; Đóng góp nội dung trưng bày tại Hội thảo “Ứng phó với COVID-19 của di sản văn hóa phi vật thể từ các thành viên của ICCN” tại Diễn đàn NGO ICH 2020 (Diễn đàn của các tổ chức phi chính phủ bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể). Năm 2021, đại diện Bảo tàng tham dự và thuyết trình tại Hội thảo “Những tri thức và nghi lễ độc đáo trong văn hóa sinh đẻ qua câu chuyện trưng bày tại Bảo Tàng Phụ Nữ Việt Nam” của Hiệp hội Bảo tàng Phụ nữ Quốc tế (IAWM); Diễn đàn “Bảo tàng 2021: Bảo tàng viễn thị: Tầm nhìn xa hướng tới người cao tuổi” của Viện Bảo tàng Khám Phá quốc gia Thái Lan (hay còn gọi là Bảo tàng Siam); Hội thảo “Mục tiêu phát triển bền vững - Những chuyển đổi bảo tàng sáng tạo” của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; Tham dự và thảo luận tại Diễn đàn “Lưu trữ Thiết kế và Nghệ thuật Việt Nam” của trường Đại học RMIT.

Có thể thấy, tại nhiều hoạt động và diễn đàn quốc tế, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đều là một thành viên tích cực tham gia và có những đóng góp cho sự nghiệp tuyên truyền, giới thiệu về văn hóa của phụ nữ Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế. Hình ảnh và uy tín của phụ nữ Việt Nam, của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được tăng cường thông qua những hoạt động trao đổi và giao lưu của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Với những nỗ lực làm mới mình trong cách kể câu chuyện văn hóa của Bảo tàng đã chạm đến trái tim của rất nhiều du khách và công chúng. Những đánh giá của khách trong nước, khách quốc tế, vừa là động lực, vừa là thúc đẩy để Bảo tàng tiếp tục sự nghiệp của mình: “Bảo tàng nằm khá gần trung tâm Hà Nội, nếu bạn chỉ có thời gian tham quan 1 hoặc 2 bảo tàng ở Hà Nội thì hãy đến Bảo tàng này. Không giống bất kỳ bảo tàng nào khác tôi từng đến, Bảo tàng được trưng bày đẹp, mạnh mẽ, thu hút, nhiều cảm xúc, thú vị, ấn tượng… Bảo tàng giới thiệu nhiều nét văn hóa Việt Nam đặc biệt phần trưng bày liên quan đến người bán hàng rong, vai trò của phụ nữ trong các cuộc chiến tranh gần đây, cuộc sống thường ngày, tôn giáo và nghi lễ. Mỗi quốc gia nên có một bảo tàng phản ánh những vấn đề này. Tôi đánh giá cao bảo tàng” (Baia Mare, Romania); “Hôm nay tôi đưa các em sinh viên đến tham dự sự kiện khai mạc sự kiện tại Bảo tàng. Dù rất nhiều lần đưa các lứa sinh viên đến đây, nhưng mỗi lần lại là một cảm xúc - ấn tượng vì những nỗ lực, cố gắng của Bảo tàng. Những hình ảnh, những câu chuyện… về sự tài khéo của các bà, các mẹ, các chị trong việc tạo ra những bộ trang phục truyền thống tuyệt vời làm tôi thêm cảm phục và tự hào. Tôi mong các em sinh viên có được nhiều cảm xúc thật sâu sắc để tạo động lực học tập và cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước mình. Cảm ơn Bảo tàng Phụ nữ, cảm ơn những người đã tái hiện những dấu ấn văn hóa đất nước” (Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền); “Tôi rất thán phục, phụ nữ Việt Nam thật khéo léo và chăm chỉ. Họ chính là những người đang giữ lửa cho văn hóa truyền thống của Việt Nam” - Đó là những cảm xúc lắng đọng của bà Suga Mariko, Phu nhân Thủ tướng Nhật Bản trong chuyến tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam...

Có thể thấy, xét trên bình diện chung, những mô hình hay hướng đi được chia sẻ trong bài viết không phải là sự “khai phá” đầu tiên, cũng có rất nhiều bảo tàng ở Việt Nam đã và đang theo đuổi những phương pháp đó và dần tìm được lối đi riêng của mình. Tuy nhiên, sự phát triển và chuyển đổi đó diễn ra chưa đồng bộ và chưa có hệ thống, chưa trở thành một vấn đề sống còn cho sự phát triển của mỗi bảo tàng. Lý do nằm ở rất nhiều khó khăn bất cập như: ngân sách còn hạn chế; kiến thức và nhận thức của cán bộ bảo tàng cần phải được nâng cao và cập nhật theo theo tiêu chuẩn quốc tế… Do đó, bên cạnh việc các bảo tàng tự thân phải đầu tư về chuyên môn, nghiệp vụ và bắt kịp xu thế thì sự tham gia chỉ đạo, định hướng và chung tay vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước về di sản, các đơn vị đào tạo trong thời gian tới là rất quan trọng. Đây là thời điểm cần thiết để thiết lập một mạng lưới kết nối chặt chẽ giữa các bảo tàng trong nước. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, trao đổi nghiệp vụ để cập nhật những kiến thức và xu hướng phát triển mới cũng là vấn đề cần thiết. Với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, từ một số hướng đi trong hoạt động bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đã và đang thực hiện cùng một số kết quả khả thi ban đầu sẽ là tiền đề tiếp theo cho Bảo tàng thực hiện hành trình đổi mới để cho ra đời những sản phẩm sáng tạo đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của công chúng.

NGUYỄN THỊ TUYẾT - LÊ CẨM NHUNG

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

________________

Tham luận tại Hội thảo khoa học “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9/2023)

 

 

 

;