Ảnh nghệ thuật và những khoảnh khắc đáng nhớ của đời sống

Thời gian qua, trong khi các loại hình nghệ thuật bị gián đoạn do ảnh hưởng của bệnh dịch COVID-19, thì môn nghệ thuật nhiếp ảnh vẫn được các nghệ sĩ duy trì và miệt mài sáng tác. Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh vẫn ra đời, trong đó các tác phẩm xuất sắc, chất lượng cao của năm 2021 đã được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trao giải. Đó là các tác phẩm có nội dung phong phú, mang tính nghệ thuật mà còn bám sát với hiện thực cuộc sống.

Bộ ảnh Nghề làm bún bắp truyền thống của tác giả Lê Châu Đạo (Phú Yên)

Để một bức ảnh trở thành một tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh thì phải hội tụ được ba tiêu chí cơ bản gồm đề tài, nội dung và hình thức nghệ thuật. Bên cạnh đó, để tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh mang tính khái quát và tạo cảm xúc người cho xem thì người nghệ sĩ phải xây dựng được hình tượng nghệ thuật thông qua hiện thực đời sống. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc của năm 2021 được Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trao giải vào dịp kỷ niệm 69 năm ngày thành lập ngành Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953-15/3/2021). Điển hình là tác phẩm được trao Cup VAPA Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng chống COVID-19 của nghệ sĩ Huỳnh Văn Truyền (Đà Nẵng) đã chú trọng đi sâu, phản ánh vấn đề mà cả xã hội đang quan tâm là phòng và chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, tác giả đã “bắt nhịp” theo xu hướng mà những người làm nghề trên thế giới và trong nước quan tâm đó là sáng tác ảnh bộ. Nhìn vào tác phẩm có thể nhận thấy, ống kính của tác giả hướng đến là các chiến sĩ bộ đội biên phòng - một trong những đội ngũ tuyến đầu về phòng chống dịch. Nội dung của tác phẩm được đặc tả trong 8 bức ảnh được đầu tư rất nhiều về công sức, cùng với sự kỳ công, kỹ lưỡng từ khuôn hình, ánh sáng đến bố cục, đã làm nổi bật về cuộc sống của những người lính áo xanh đang ngày đêm bám chốt nhằm giữ vững bình yên nơi vùng biên của đất nước. Đó là những hình ảnh sinh hoạt hằng ngày nơi các lán, trại của các chiến sĩ ở trong rừng, không có sóng điện thoại; từng bữa ăn được nấu với nguồn nước ít ỏi được người lính vận chuyển từ nơi xa xôi; sự miệt mài phòng chống dịch, đo thân nhiệt, sát khuẩn và hướng dẫn cho người dân vùng biên đến trao đổi hàng hóa; dù có gặp vất vả, đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng trên khuôn mặt của người chiến sĩ vẫn tươi vui và tỏa sáng… Bên cạnh sự phản ánh về công việc thầm lặng của người lính, Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng chống COVID-19 còn mang ý nghĩa nhân văn đó là nêu bật được tình nghĩa quân - dân và tinh thần gắn bó, hữu nghị của người dân hai đất nước Việt - Lào. 

Cùng về đề tài phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tác phẩm Công dân mới của tác giả Trần Văn Túy (Bình Thuận) - giành giải A, lại khai thác ở một “góc nhìn” khác, đó là em bé chào đời lúc đại dịch. Nội dung của tác phẩm là hình ảnh em bé được nữ y tá đeo khẩu trang và kính chắn giọt bắn bế trên tay. Khoảnh khắc ra đời của tác phẩm Công dân mới là lúc bé sơ sinh với khoảng ba tuần tuổi, đang được cô y tá tắm và chăm sóc. Thông qua hình ảnh đẹp, đầy ý nghĩa và xúc động đó tác giả muốn nhắn nhủ đến người xem: hãy luôn quan tâm, chăm sóc trẻ em trong mọi hoàn cảnh, nhất là khi bệnh dịch đang còn rất phức tạp. 

Năng lượng sạch 2 của tác giả Lê Thanh Ngôn (Bạc Liêu)

Bên cạnh bộ ảnh giành Cup VAPA, thì tác phẩm Nghề làm bún bắp truyền thống của tác giả Lê Châu Đạo (Phú Yên) giành giải A cũng là câu chuyện thú vị gắn liền với cuộc sống. Với hai năm đi về, trau chuốt cho mỗi hình ảnh, Lê Châu Đạo đã thành công truyền tải câu chuyện về làng nghề thông qua hình ảnh của gia đình ông Hồ Đắc Kia tại thôn Bình Hòa, xã An Dần, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nghề làm bún bắp của gia đình ông Kia đã duy trì nhiều năm, được truyền lại từ những thế hệ đi trước cho tới nay. Bún bắp được làm với nhiều công đoạn, ngày nay được kết hợp vừa làm thủ công vừa làm bằng máy, khá kỳ công và vất vả. Với nghề này, người dân chỉ sản xuất vào ngày 14 và 30 hàng tháng phục vụ những người ăn chay. 6 bức ảnh với 6 nội dung được tác giả móc nối một cách logic, xuyên suốt làm nổi bật lên chủ đề của tác phẩm. Bên cạnh đó, tính nghệ thuật cũng được nghệ sĩ Lê Châu Đạo chú trọng, nên khi chiêm ngưỡng tác phẩm của ông người xem không chỉ thấy được những công đoạn thú vị về nghề làm bún bắp, mà còn nhận thức được vẻ đẹp của làng nghề truyền thống. Tác phẩm không chỉ là sự gửi gắm tình cảm của tác giả, mà còn là sự tôn vinh, quảng bá, lưu giữ những nét văn hóa đẹp về ngành nghề truyền thống có “một không hai” của vùng đất Tuy Hòa, Phú Yên vẫn đang được người dân giữ gìn, phát triển trong thời kỳ hiện đại.

Đặc biệt, tác phẩm sách ảnh 103 câu chuyện sau những tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Tuấn (Thông tấn xã) giành giải B, là những hình ảnh bình dị, gần gũi và đời thường của vị tướng huyền thoại. 103 tấm ảnh là 103 câu chuyện với những góc nhìn đã khắc họa những công lao to lớn của vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Qua những bức ảnh trong sách ảnh người xem cũng cảm nhận được tình cảm của nhân dân cả nước giành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sách ảnh cũng sẽ là tư liệu quý báu để lưu giữ cho thế hệ sau về một nhân cách vĩ đại, một vị tướng của nhân dân. 

Bên cạnh đó, còn có nhiều tác phẩm sách ảnh: Cười - tác giả Trần Thế Phong (TP. Hồ Chí Minh 4), Chân dung cuộc sống - tác giả Trần Đàm (Thanh Hóa); ảnh bộ: Tuyết rơi trên đỉnh Fanxipan- tác giả Hoàng Bích Hiệp (Hà Nội 3), Lễ hội mùa xuân - tác giả Lê Thanh Sơn (TP. Hồ Chí Minh 9); ảnh đơn: Lụa vàng Blao - tác giả Đặng Hồng Long (Bình Thuận), Năng lượng sạch 2- tác giả Lê Thanh Ngôn (Bạc Liêu), Practicing - tác giả Trần Thủ An (Hậu Giang)… được khai thác với nhiều mảng đề tài như chân dung, lao động sản xuất, thiên nhiên, du lịch… Các tác giả có sự đầu tư về công sức cũng như kỹ càng từ nội dung, chủ đề đến nghệ thuật thể hiện, vì thế đã được đánh giá cao và trao giải. 

Tác phẩm Công dân mới của tác giả Trần Văn Túy (Bình Thuận)

Ngoài ra, trong các tác phẩm nhiếp ảnh được trao giải của năm 2021, nhiều tác phẩm được sáng tác trong khoảng thời gian khá dài. Với tác phẩm sách ảnh 103 câu chuyện sau những tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được tác giả Trần Văn Tuấn (nguyên phóng viên Thông tấn xã) “gom góp” suốt quá trình 35 năm khi “theo chân” ghi lại quá trình làm việc cũng như sự kiện liên quan đến “người anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam; hay bộ ảnh Nghề làm bún bắp truyền thống, nghệ sĩ Lê Châu Đạo phải mất khoảng thời gian 2 năm đi về mới hoàn tất; Để có được bộ ảnh Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng chống COVID-19 thì tác giả Huỳnh Văn Truyền cũng phải “theo chân” các chiến sĩ bộ đội biên phòng vượt núi bằng đường bộ để đến với nơi cắm cột mốc; phải ăn, ở, sinh hoạt tại nơi đây với khoảng thời gian dài để cho ra đời tác phẩm mang nhiều ý nghĩa....

Có thể nói, các tác phẩm nhiếp ảnh tiêu biểu gần đây không chỉ mang tính nghệ thuật mà còn trở thành tư liệu quý có giá trị, có sức lan tỏa những thông điệp tốt đẹp đến với người xem. Qua đó còn góp phần xây dựng, phát triển nền nghệ thuật nước nhà, đồng thời cùng xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

NGỌC BÍCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 496, tháng 4-2022

;